Đại Ngàn
25.4.2012
Nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy là con của nhà văn được nhiều người biết đến Phạm Duy Tốn, điều đó cho thấy đây cũng là trường hợp gà nòi. Phạm Duy từ 13 tuổi đã lang bạc đây đó ngoài đời, điều đó đã cho thấy tính chất nghệ sĩ có hơi bạt mạng của ông, và cũng cho thấy ông không phải là người ưa khuôn khổ, ưa học hành theo cách bình thường. Song với sở học có thể nói chưa có gì gọi là đạt, các dòng nhạc và ca từ Phạm Duy viết ra đều mang tính chất là người hiểu biết, trí thức, điều ấy cho thấy người nhạc sĩ là người có tri thức và có tài năng văn hóa thật sự. Tài là cái gì không phải hoàn toàn rèn luyện mà có được, cái bản chất bẩm sinh đó ở Phạm Duy chính là một điều quý như thế. Có thể nói tính cách của Phạm Duy là người nhạc sĩ, người nghệ sĩ của nhân dân, của quần chúng. Các nhạc phẩm của ông luôn có tính dân ca, tính trữ tình dân dã hoàn toàn phản ảnh điều ấy. Ông là người có tài thật sự, một bài nhạc có thể làm trong năm mười phút chỉ là chuyện bình thường, cũng chẳng khác gì những nhà thơ, những họa sĩ có tài cũng như thế. Tức đặt bút là thành nhạc, đặt bút là thành thơ, đặt bút là thành tác phẩm hội họa mà chẳng phải mất công hoặc bận tâm gì nhiều.
Sự nghiệp cả ngàn bài nhạc với lời ca của Phạm Duy chứng minh điều đó. Nhạc của ông rất phổ biến vì nó đi vào lòng người một cách hoàn toàn tự nhiên, thoải mái. Có nghĩa Phạm Duy sống với nhạc, với tâm hồn, tình cảm, ý thức, hiểu biết, khát vọng, tính nghệ sĩ của mình trong sáng tác âm nhạc mà không phải coi sáng tác âm nhạc như một công việc nghệ thuật thuần tùy bề ngoài hoặc làm dáng, khoa trương thân thế. Chính kiểu sống thực với cuộc đời, với nghệ thuật như vậy mà Phạm Duy trở thành người rất nổi tiếng và người cũng rất mang tiếng.
Ông nổi tiếng vì đã từ đầu đi theo kháng chiến chống Pháp. Song ông cũng lại nổi tiếng khi quay về thành kiểu “dinh tề” như khi ấy người ta thường bảo. Có nghĩa là khi đi kháng chiến, Phạm Duy đã sống thực với tâm hồn mình, và khi di tề, ông cũng đã sống thực với tâm hồn mình. Có nghĩa là chính kháng chiến đã có những góc cạnh nào đó khiến cho người nghệ sĩ khiến chán, nên ông có di tề, thật sự theo ông có thể không phải là sự phản bội, sự đầu hàng, mà là một điều ông đã nghĩ là chính đáng. Điều đó có thể là tâm trạng của hàng hà sa số bao nhân vật nhiệt tình, tài năng khi đó mà không cứ chỉ riêng Phạm Duy. Cho nên nếu những ca khúc hay tác phẩm âm nhạc của ông thời kháng chiến trong khu, thời về thành, thời miền Nam cũ, thời vượt biên ra hải ngoại, kể cả thời sau này khi quay về đất nước đối với ông cũng đều chính đáng theo từng tình huống, theo từng hoàn cảnh, theo từng thời khắc cả. Có nghĩa là ông thấy cái gì cần nói, cần thể hiện lên là cứ cho phát ra thành âm nhạc, bất kể đó là cái gì, từ nhạc nhập thế, nhạc xuất thế, nhạc chiến đấu, nhạc mơ màng, nhạc vàng hay nhạc đen, nhạc tím, tục ca v.v… cũng đều chỉ là chính đáng.
Ông đã sống thật với lòng mình mà không giả tạo, hình thức. Thậm chí nếu cần ông cũng sử dụng cả khả năng hay tài năng như một công cụ, một phương tiện tài chánh kiếm sống bình thường tạm thời như những người làm nghề khác, khiến cho nhiều người khó chịu vì đã lỡ có tâm lý hơi lý tưởng hóa, thần tượng hóa về ông. Nói cách khác Phạm Duy là người sống vì mình, cho mình trước trong khi sống vì đời, nên những yêu cầu của những người chỉ sống vì đời một cách giả tạo không nhất thiết phù hợp hoặc có giá trị đối với ông. Bởi vậy sự phê phán kiểu Nguyễn Trọng Văn[1] đối với Phạm Duy cũng chẳng khác sự phê phán kiểu Vũ Hạnh đối với các nhà văn, các văn nghệ sĩ nói chung. Đó là kiểu phê phán theo phe ta, theo đơn đặt hàng, theo lệnh lạc mà không chắc đã là sự phê phán trực tâm hoàn toàn tự phát hoặc tự do tự giác của riêng bản thân, ý thức, tinh thần, hoặc ý nghĩa sống của chính mình. Có nghĩa mọi sự phê phán giả tạo đều không có ý nghĩa thật, không có giá trị thật đối với Phạm Duy.
Nói chung Phạm Duy là một nhạc sĩ tài năng hiếm thấy tại VN từ trước đến nay về năng lực sáng tác kiểu như chơi của ông. Tức Phạm Duy sống với nghệ thuật, với nghệ sĩ tính là chính mà không phải sống theo đời và vì đời một cách hình thức hay giả tạo. Trên cơ sở đó người ta hoàn toàn có đủ mọi lý do chủ quan để nhận định, đánh giá, phê phán Phạm Duy qua các thời kỳ, hoàn cảnh sáng tác.
Song điều đó thật sự đối với Phạm Duy không có nghĩa gì cả. Ông chỉ sống cho bản thân mình và tự chịu trách nhiệm về cách sống đó mà không vì các lý do nào khác. Cho nên nhạc Phạm Duy không hẳn là đỏ, vàng, xanh, tím, đen, trắng gì hết, vì ông chủ yếu không nhằm mục tiêu thể hiện những điều đó, mà chỉ là biểu hiện nó ra tùy theo cảm xúc thật ở mỗi hoàn cảnh khác nhau. Khi theo kháng chiến ông sống nhiệt tình với tâm hồn kháng chiến. Khi quay về thành, ông có lý do để sống khách quan theo nhận thức hoặc quan điểm của mình. Khi ở miền Nam, khi di tản ra nước ngoài, rồi khi quay về cố thổ, đó là do hoàn cảnh dẫn dắt Phạm Duy, khiến Phạm Duy phải sống thực như vậy, mà không hề cần gì phải giả tạo hay làm dáng.
Điều này hoàn toàn khác với Trịnh Công Sơn. Bởi Trịnh Công Sơn phải sống khung hay sống khum với cảnh, còn Phạm Duy không phải như thế. So với họ Trịnh, họ Phạm quả hiên ngang hơn nhiều. Không sợ người đời, không sợ cuộc đời, đó là nét nổi bật, xuất sắc nhất và cũng dễ cảm thông với Phạm Duy. Ông không phải người tùy thời, xu thời như nhiều người khác, mà ông độc lập và chủ động với đời tùy theo hoàn cảnh và thời đại mà ông phải sống. Thế nên cái quý của nhạc sĩ họ Phạm là tâm hồn thật, tài năng thật, sống thật, một cách can đảm, lập dị, thậm chí có khi sống sượng mà hoàn toàn không để hoàn cảnh chà đạp hay xu theo hoàn cảnh. Con người chỉ cần sống đúng với ý thức của mình mà bất chấp thế gian, đó cũng là điều đáng nói.
Dù sao chăng nữa phải thấy Phạm Duy là một nhạc sĩ lớn có nhiều tình tự dân tộc thật sự. Nhạc của ông do vậy sống thực mà hoàn toàn không giả tạo, bất kỳ theo chiều hướng nào. Ông sống vượt lện hoàn cảnh, độc lập với hoàn cảnh bằng cách thích nghi với hoàn cảnh, đó chính là cá tính và nhân cách của ông. Nhạc của ông là tâm hồn ông, nó vượt lên mọi tình huống của thời đại, nó quay đi rồi lại quay về cũng không ngoài tâm tình hoặc ý thức dân tộc mà không phải chỉ vì màu cờ sắc áo hay tâm tình giả tạo nào ở ngoài ông giống như một số người khác hoặc giống như có nhiều người khắc khe lên án. Con tim Phạm Duy là con tim âm nhạc một cách tự nhiên, tài năng của ông không thể phủ nhận, bởi vì tài năng đó hoàn toàn hoàn toàn dễ dàng, thoải mái mà không có gì là gồng mình hay làm dáng cả. Có thể nói ông là một nhạc sĩ bình dân, một nhạc sĩ dân ca, một nhạc sĩ dân tộc, cho dù hoàn cảnh bên ngoài và bề ngoài như thế nào cũng không thể hoàn toàn nhận chìm ông được. Sống thật với lòng mình và sống thật với nghệ thuật cũng như sống thật với tâm tình yêu nước, yêu người, yêu đời mà tự ông vốn có một cách riêng biệt, không do ai mớm cho, đó chính là ý nghĩa và cũng là sắc thái riêng đặc biệt của nhà nghệ sĩ âm nhạc đại chúng suốt đời đầy tài năng và cá tính như nhà nhạc sĩ tên tuổi và đáng mến Phạm Duy.
Đại Ngàn
(25/4/2012)
[1] Nguyễn Trọng Văn, “Phạm Duy đã chết như thế nào?“, NXB Văn Mới, 1971