Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-04-29
Cuộc chiến tại Việt Nam đã kết thúc tròn 37 năm. Quá khứ đã khép lại, tương lai đã mở ra. Dù là người miền Nam hay miền Bắc thì tất cả cũng đã là một thời của tiềm thức.
Một trại giam tại miền Bắc (ảnh minh họa). Photo courtesy of phanchautrinhdanang.com
Nhân ngày 30/4, chương trình âm nhạc cuối tuần hôm nay, xin được điểm lại một số nhạc phẩm được sáng tác sau thời ly loạn và nhất là của những người nhạc sĩ đã từng bị cầm tù, đánh đổi một phần tuổi thanh xuân nơi trại cải tạo.
Lữ Khách
Quý vị vừa cùng nghe ca khúc Lữ Khách, thơ của Phạm Kim Khôi do nhạc sĩ Phạm Thiên Tứ phổ nhạc với tiếng hát Việt Tiến.
Binh sĩ VNCH trong trại tù cải tạo sau ngày 30.04.1975. Hình copy từ youtube.
Trong số hàng trăm ca khúc được sáng tác trong trại tù sau ngày 30/4/1975, nổi bật và được nhiều người biết đến, có lẽ là Lữ Khách, Hai Hàng Cây So Đũa, Quê Hương Ba Vòng Ngục Tù, tháng Tư 29 ngày… Nội dung của những bài hát này không chỉ nói đến sự mất tự do, kìm kẹp, mang âm hưởng bi tráng, mà lời ca nghe ai oán, mong một ngày được giải thoát để chim về được với trời xanh.
Nhận xét về những ca khúc được sáng tác trong thời gian này, nhạc sĩ Trọng Minh chia sẻ:
“Thực sự đa số những người viết nhạc trong tù sau ngày 30/4/1975, trong đó có cá nhân tôi, chưa có xứng với danh xưng là nhạc sĩ, với kiến thức âm nhạc của chúng tôi có phần hạn chế, mà rất ít hoặc không có người nào trong số chúng tôi được đào luyện hoặc tốt nghiệp từ những trường dạy nhạc. Có chăng theo chỗ tôi biết thì có vài vị linh mục đã tốt nghiệp các nhạc viện mà thôi.
Nói như vậy để thấy được việc hình thành dòng nhạc tù là vô cùng khó khăn, bởi vì đối với một người nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác một khúc nhạc hay một bài ca thì không thấy trở ngại gì, nhưng đối với chúng tôi là những người không giỏi về chuyên môn, nên việc sáng tác ca khúc không phải dễ dàng. Thêm nữa, sáng tác lại không có đàn để tìm giọng hay định cao độ nốt nhạc thì thật gay go. Gay go nhất là làm thế nào để mình lưu giữ nó cho những lần sử dụng về sau. Bởi vì mình không thể ghi ra giấy được. Hình phạt cho những tác giả của tù ca là cùm, nghĩa là nhốt riêng ra và cùm chân, cùm là có thời hạn hoặc vô thời hạn, không biết ngày nào tha.
Các chủ đề tù khúc thể hiện là thân phận của người tù, tình cảm, trách nhiệm của người tù đối với gia đình, đối với quê hương, dân tộc. Xoay quanh những chủ đề đó, tác giả của tù khúc đã khẳng định sự bất phục tùng giai cấp thống trị mới, cho thấy tính kiên cường bất khuất của những chiến sĩ bất đắc dĩ bại trận, nhưng họ không cam lòng thua trận.”
Hai Hàng Cây So Đũa
Binh sĩ VNCH bị bắt đi cải tạo sau ngày 30 tháng 4, 1975. AFP photo.
Quý vị đang cùng nghe lại bài hát Hai Hàng Cây So Đũa. Tâm sự của người phổ nhạc cho bài thơ này, nhạc sĩ Trọng Minh một lần chia sẻ những ký ức một thời đã qua:
“Tôi nhớ lúc đó khoảng tháng 6 năm 1981, chúng tôi bị giam giữ tại Gia Rai, thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, chỗ đó là Z30A, vào một buổi trưa, chúng tôi được anh Nguyên Huy mời một party nhỏ, bởi vì hôm trước đó, anh được chị cùng 2 đứa con lên thăm có mang cho anh một chút quà bánh.
Trong câu chuyện anh có vẻ không vui, khi hỏi ra mới biết chị dẫn các cháu lên thăm anh lần cuối trước khi tìm đường vượt biên hy vọng đến được bến bờ tự do. Anh quá xúc động, nên đêm trước đó, anh làm bài thơ và đọc cho mọi người nghe, bài thơ cảm động và nói lên một phần nào tâm trạng của riêng tôi. Tôi yêu cầu anh chép cho tôi bài thơ đó, hy vọng là tôi có hứng thú để viết nên bài nhạc. Thật là may mắn tôi có đủ cảm xúc và hứng thú để hoàn thành bài nhạc trong 2 ngày sau đó. Lấy tựa đề là bài Hai Hàng Cây So Đũa vì 2 bên đường dẫn vào nhà thăm nuôi là 2 hàng cây so đũa.
Nội dung bài nhạc đó, nói lên tâm trạng của người vợ đưa con lên thăm chồng trong tù, để từ giã trước khi lên đường vượt biên. Trong nỗi hoang mang không biết có đi trót lọt hay không, gặp nguy hiểm gì hay không, không biết có còn gặp lại nhau hay không, đó là những tình cảm hoài nghi, quyến luyến giữa 2 vợ chồng. Điều đó làm tôi xúc động nên viết bài Hai Hàng Cây So Đũa này.“
Chúa Nhật Của Người Tù
Nếu trong Hai Hàng Cây So Đũa, người nghe bắt gặp hình ảnh chia ly của những cặp vợ chồng vì thời thế mà phải chia xa, thì trong bản Chúa Nhật Của Người Tù, nhạc sĩ Trần Ngọc Phong lại khắc họa khá rõ nét cuộc sống của những người lính bại trận trong trại giam. Đó là chuỗi ngày mất tự do, lao động cực nhọc bất kể nắng mưa, họ mơ về một bữa ăn no và một quá khứ mơ mộng năm nào.
“Tôi rất bâng khuâng về vấn đề đặt một ca khúc làm sao gói trọn chuyện tù đầy cực khổ của mình, thì thực sự tôi có so sánh một số người đặt tù khúc về những cực khổ thì nó dài lê thê, bố cục không gọn, cho nên tôi cứ bâng khuâng hoài không biết đặt làm sao để tròn một ca khúc tiêu biểu.
Tôi nghĩ về văn học, tôi nghĩ đến Alexander Solzhenitsyn thì tôi thấy ông ta có một tác phẩm One Day in the Life of Ivan Denisovich. Tôi thấy rằng ông này bị tù trong trại tập trung của Liên Xô, ông diễn tả được chuyện chỉ một ngày trong nhà tù thôi. Tôi sực nhớ, liên tưởng đến tù của tôi, nên tôi nghĩ, mình trọn một ngày thôi, mà ngày nào bây giờ. Mình tin tưởng vào Chúa, mình cực khổ quá mà cũng chẳng thấy chúa giơ tay ban giúp gì mình, cho nên tôi mới đặt trọn Chúa Nhật Của Người Tù.“
Vũ Hoàng
Theo RFA