Kỷ Vật Cho Em

Nguyễn Kim Tiến
30.4.2012

Đêm qua tình cờ nghe bản nhạc “Kỷ Vật Cho Em“, thơ Linh Phương được Phạm Duy phổ nhạc. Điệu nhạc nỉ non, nức nở và ai oán. Khi ca sĩ Thái Thanh với tất cả niềm rung động tha thiết đã cất lên tiếng ca mang nỗi lòng của người ở lại hỏi ngươi ra đi “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về“, bỗng dưng tôi nghe lòng thổn thức, cổ họng như nghẹn lại và tôi chìm đắm trong nỗi buồn ly hương.

Trong vòng mấy mươi năm mà dân tộc tôi đã có bao lần “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại“…

Năm 1954, một chia cắt đau lòng đã làm dân tộc tôi kẻ ở người đi, hẹn ngày đoàn tụ. Hẹn hai năm sau sẽ có tổng tuyển cử, và đất nước sẽ là một…Và ngày ấy phải mất hơn 20 năm… Hai mươi năm bom đạn, chết chốc và chia lìa…


Thế nhưng, một lần nữa, dân tộc tôi lại hỏi lần nữa “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại“…

Đó là năm 1975, những trại tù mọc lên khắp nơi. Cũng với lời hứa tập trung vài ngày thôi…và thế là vài năm…Ở tù không bản án… ở tù không biết ngày về… Có người một năm, hai năm… có người mười năm và lâu nhất là mười bảy năm… Những người vợ, người con, người yêu, cha mẹ bạn bè người thân từng ngày sống trong chờ đợi mỏi mòn để rồi biết bao thảm cảnh đã rình rập ập đến rã rời hoang phế bao quanh.

Rồi một lần nữa, những ngày tháng sau 1975, lần này vượt sóng trùng khơi! Cũng lại hỏi “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại“…

Nhưng phải nói đó là những câu hỏi hình như đã trở thành một chịu đựng một đớn đau, một nỗi bẽ bàng xót xa đến tận cùng vào năm 1970 khi nó được Phạm Duy chắp vào đôi cánh trong giai đoạn chiến tranh leo thang đến tột đỉnh. Những người chiến sĩ ra đi không biết có ngày về…

Hai mươi tuổi, lứa tuổi đầy nhựa sống, đầy ước mơ…bỗng một chiều…

Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.

Bài hát đã chạm vào nỗi đớn đau của từng số phận, dù trực tiếp hay gián tiếp, nó đã là một hiện tượng ở một giai đoạn dầu sôi lửa bổng. Bài hát đã lột tả tất cả những đau đớn thảm thiết của chiến tranh gây ra – mất mác, tang tóc, chia lìa, đau đớn – khi ông thổi vào đó một luồn sinh khí ảm đạm ngay khi ông mở đầu câu hát “em hỏi anh…em hỏi anh….”. Ở chữ hỏi này, ca sĩ Thái Thanh ngay lập tức đã cho người nghe cảm nhận một xót xa, một chờ đợi trong vô vọng để dẫn người nghe đến một xác nhận vô cùng đau đớn

Anh trả lời, anh trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về màu tóc em xanh
Chiếc khăn tang trên đầu vội vã

Anh đã thấy trước ngày trở về của anh như thế. Anh đã thấy trước chiếc khăn tang trên đầu em khi tóc vẫn còn xanh, xanh như giấc mơ đời đã tan thành sương khói. Rồi có khi anh lại thấy chính anh thương tích đầy mình…

Anh trở về, anh trở về trên cây nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân

Dù thế em vẫn chờ, vẫn đợi và cùng anh dạo phố mùa xuân…

Em một mình dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Tâm hồn anh đã liệm kín. Tâm hồn anh đã chai đá bởi cuộc chiến. Tâm hồn anh đã hấp hối theo những lần hấp hối của đồng đội…

Cũng có khi anh trở về em đã không còn là của anh nữa…hay em không còn có thể nhận ra anh nữa với hình hài gãy đỗ, mất mác từ những viên đạn vô tình…

Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dỡ đời em
Ta nhìn nhau anh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối…em ơi

Lời bài nhạc, điệu nhạc đã làm hàng triệu trái tim rỉ máu và đã bị cho là nhạc phản chiến. Tôi tin là âm nhạc tác động tâm hồn của chúng ta không ít, nó xoáy sâu vào não bộ của chúng ta, nó bào mòn lòng dũng cảm…Nhưng đó lại là một khía cạnh của nhân văn mà chúng ta nên tự hào. Niềm rung động và cảm xúc đã được tuôn trào như thác nguồn nối kết hai tâm hồn đồng điệu với nhau để cuối cùng bản nhạc đã hình thành với một tâm cảm vô cùng tận.

Chẳng phải âm nhạc đã đóng một vai trò lớn ảnh hưởng đến tâm hồn của chúng ta đến nổi mà một nửa đất nước đã không thể viết, hát, nghe những bản tình ca. Chẳng phải chính những bản tình ca người ta cho là uỷ mị này đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, đã làm dịu lòng thù hận, đã nâng chúng ta đánh tan những suy nghĩ ngông cuồng. Chẳng phải sao?

Đất nước đã nhiều lần “em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại…” Và có phải đây là lần cuối. Tôi đang hồ nghi bởi ngay bây giờ đây, đã 37 năm gọi là hoà bình, người Việt chúng ta vẫn còn chia cách – kẻ ở người đi – Bỗng dưng tôi nhớ đến huyền thoại của dân tộc tôi về “Bà Âu Cơ và Lạc Long Quân” đẻ ra trăm trứng nở ra trăm con, 50 con lên núi và 50 con xuống biển. Một huyền thoại đã đi vào lịch sử.

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại ?

Nguyễn Kim Tiến
30 tháng 4 năm 2012

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây