Phòng trà Sài Gòn, những trải nghiệm ấm cúng

Phạm Vi
29.4.2012

SGTT.VN – Phòng trà ca nhạc xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội sau khi có tân nhạc, thay thế cho những quán cô đầu mà khán giả thường đến nghe hát ả đào. Thế nhưng, thị trường âm nhạc sôi động của miền Nam mới giúp cho các phòng trà trải qua những thời kỳ phát triển hoàng kim nhất.


Tuấn Ngọc trình diễn ở phòng trà WE

Đến phòng trà nghe nhạc đã trở thành nét văn hoá của người Sài Gòn từ mấy chục năm qua, tuy cũng có lúc gián đoạn vì nhiều lý do. Đời sống phòng trà đã góp phần tạo nên một diện mạo cho đời sống âm nhạc, từ những phòng trà nhạc trẻ, tiền chiến, trữ tình cho đến cả nhạc jazz, mà nếu chỉ nhìn vào sân khấu lớn hay ca nhạc truyền hình, khán giả không thể nào hình dung hết.

Khi Tuấn Ngọc về nước hát ở phòng trà Tiếng Xưa vào năm 2011, giá vé lên đến 2 triệu đồng mà khán giả lúc nào cũng đầy khán phòng. Nhiều người hâm mộ còn bỏ tiền đi liên tục hai đêm cho thoả, để được nghe, được ngắm thần tượng của mình trong một không gian ấm cúng, gần gũi nhất. Mới đây, khi ca sĩ hải ngoại Ngọc Anh về phòng trà WE diễn, tiền vé, tiền nước cũng gần cả triệu đồng, khán giả vẫn đầy rạp. Ngay cả những người không được đông đảo công chúng biết đến như nghệ sĩ nhạc jazz Tuyết Loan, khi làm minishow, vé cũng hết từ sớm.

Mỗi phòng trà Sài Gòn đều có những đặc điểm riêng để nhận diện và có những khán giả của riêng mình, dù có những thời điểm, sự khác biệt này dần mờ nhoà. ATB với nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh của Ánh Tuyết vẫn bền bỉ theo thời gian dù trải qua nhiều thời điểm rất khó khăn, dời từ đường Lý Tự Trọng lên Nguyễn Văn Trỗi. Ngoài Ánh Tuyết, khán giả đến đây bởi sự xuất hiện của những giọng ca được gọi là “ngôi sao phòng trà” như Xuân Phú, NSƯT Hồng Vân, Quỳnh Lan…

Tiếng Xưa, tiền thân là phòng trà Văn Nghệ của bà Xuân Hoà tuy mời rất nhiều ca sĩ hải ngoại, nhưng vẫn nổi bật với dòng nhạc trữ tình, bolero, mà khán giả hay nói nôm na là “nhạc sến”. Nhạn trắng Gò Công Phương Dung, Thanh Tuyền, Tuấn Vũ… những ngôi sao hàng đầu ở hải ngoại của dòng nhạc này, khi về nước, luôn luôn xuất hiện tại Tiếng Xưa.

Không thiên về dòng nhạc nào, nhưng Đồng Dao là nơi hội tụ của sao, từ sao hải ngoại đến sao trong nước, từ Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Khánh Hà đến Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… Uyên Linh khi mới gây nên cơn sốt từ Vietnam Idol đã diễn tại đây hai đêm liền và luôn cháy vé. Muốn gặp sao, khán giả cứ đến đây. Trong khi đó, phòng trà Không Tên, từng do nhạc sĩ Lê Quang làm chủ, chuyển từ Hai Bà Trưng về Lê Thánh Tôn, lại chuyên mời các ngôi sao nhạc trẻ. Từ khi ca sĩ Lệ Quyên vào Nam, “hút hàng” bởi dòng nhạc bolero và đám cưới với người chủ mới của Không Tên, tại đây bắt đầu có những đêm nhạc xưa.

Không lâu năm như các phòng trà trên nhưng WE hay Da Vàng (nhạc sĩ Lê Quang làm chủ) mới mở gần đây cũng tạo được nhiều dấu ấn bởi sự sinh động, đa dạng trong cách tổ chức chương trình và ca sĩ khách mời. Mở ra vào thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, phòng trà chưa quay trở lại giai đoạn cực thịnh, We và Da Vàng vẫn đang trong thời điểm tìm kiếm những khán giả trẻ cho riêng mình.

Giá vé ca nhạc phòng trà luôn cao hơn những sân khấu đại chúng, nhưng bỏ ra đồng tiền cũng là xứng đáng. Ngồi trong một không gian ấm cúng, người hâm mộ lại có thể giao lưu gần gũi với nghệ sĩ mà mình yêu thích là lý do nhiều người vẫn chọn phòng trà vào những ngày cuối tuần, những dịp lễ đặc biệt. Chỉ ở phòng trà, ví như không gian chỉ vài chục khách như Sax N’Art của Trần Mạnh Tuấn, khán giả mới có dịp nghe những giai điệu jazz lãng mạn và mê hoặc do nữ ca sĩ từ trước 1975 Tuyết Loan thể hiện. Chỉ ở phòng trà, khán giả mới có thể nghe Tuấn Ngọc vừa hát vừa kể chuyện đời một cách gần gũi trong gần ba tiếng đồng hồ. Nhiều nghệ sĩ và người hâm mộ đã trở thành những người bạn tâm giao ngoài đời, cũng bắt nguồn từ phòng trà.

Phòng trà mang lại những trải nghiệm ấm cúng mà người xem ca nhạc truyền hình hoặc bỏ tiền vào các tụ điểm ca nhạc, sân khấu lớn khó có thể trải nghiệm được.

Phạm Vi

Theo SGTT
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây