Sau khi coi phim “The Hunger Games”

Nguyễn Sĩ Hạnh
11.4.2011

Tuần vừa rồi thằng con trai đi trại do trường tổ chức. Nhà cửa tự nhiên quạnh vắng, hai vợ chồng như hai vợ chồng son. Chỉ tiếc là cái màu “son” này không còn chất “lửa” như những ngày mới cưới! Cho nên mới rủ nhau đi coi xi nê. Rạp đang chiếu hai phim đáng coi là “The Hunger Games” và “The Marigold Hotel“. Bà xã lựa “The Marigold Hotel“, tôi cũng không có ý kiến gì, nhứt là dàn sao “cực” nổi tiếng và cốt chuyện coi bộ hạp với cái tuổi “tri thiên mệnh” của mình. Tuy nhiên thằng con trai đã “hăm” là sẽ đi coi “The Hunter Games“, và đọc báo mạng thấy là phim bị cấm chiếu bên nhà[1]. Thành ra tò mò, tôi mới đổi ý.

 

 

Coi phim về xong tôi hỏi bà xã là nhà có bộ truyện “The Hunger Games” không, thì mới hay là có chỉ mỗi cuốn số 2, còn cuốn 1 và 3 thì thằng con trai mượn từ thư viện. Thôi thì đọc đỡ cuốn 2 trước cái đã. Đọc xong mới nóng lòng muốn đọc hết bộ. Cuối tuần nghỉ Phục sinh, lên New Castle thăm gia đình cô em vợ thì thằng cháu có cuốn 1 và cuốn 3. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, mới đọc tiếp cuốn 3 trước vì nôn nóng muốn biết kết cục ra sao. Xong mới quay lại đọc cuốn 1. Đọc mới mấy chương đầu thấy hay quá, nhưng đã hết nghĩ lễ. Thôi kệ, để về nhà rồi tính sau. Vả lại, chắc để mua e-book đọc cũng được. Không biết là truyện đã được dịch sang tiếng Việt chưa. Nếu chưa, biết đâu nếu có thì giờ và nổi hứng thì xâm mình dịch cho vui!

 

Không thấy báo mạng bên nhà cắt nghĩa lí do tại sao phim “The Hunger Games” bị cấm chiếu. Thời buổi này thì “cấm” là cấm cho có trên giấy tờ vậy thôi chớ internet, rồi DVD, Blu-ray hà rầm. Càng cấm thì thiên hạ là càng tò mò tìm để coi cho biết. Như cái thằng tôi chẳng hạn.

The Hunger Games” là truyện cho thanh niên viết bởi Suzanne Collins, một tác giả chuyên viết tiểu thuyết và truyện phim cho TV, xuất bản lần đầu hôm 14.9.2008. Chuyện kể  bởi một cô gái 16 tuổi tên Katniss Everdeen, cô sống trong một thời đại tưởng tượng trong tương lai sau khi nền văn minh nhân loại đã bị hủy diệt, trong một quốc gia tên Panem, nơi ngày xưa là Bắc Mỹ. Panem có 13 tỉnh và Capitol là thủ đô, là nơi tập trung quyền lực cai trị cả nước.  Để trừng phạt các tỉnh về việc cả đám dám nổi loạn chống lại chính quyền trung ương 74 năm về trước (sau vụ này tỉnh 13 bị xóa tên trên bản đồ), trò chơi “Hunger Game” được tổ chức hàng năm, mỗi tỉnh phải bốc thăm để lựa một cặp thanh niên / thanh nữ tuổi từ 12 tới 18 để tham dự. Trò chơi “Hunger Game” được trực tiếp truyền hình cho cả nước coi, 24 thanh niên / thanh nữ sẽ phải chém giết lẫn nhau để sau cùng chỉ còn một người sống sót, và sẽ là người thắng cuộc chơi[3]. Đấu trường là một khu vực chừng vài chục mẫu với đủ cả núi rừng hồ biển nhân tạo và có thể thay đổi bởi ban tổ chức cuộc chơi. Truyện bắt đầu ở tỉnh 12, Primrose – em gái của Katniss, mới 12 tuổi – bị bốc thăm tham dự trò chơi. Katniss xung phong đi thay em mình, cùng với cậu thanh niên Peeta …

Thể theo tác giả, Suzanne Collins, thì cuốn truyện dựa trên huyền thoại Hi Lạp về Theseus[2], và Katniss là Theseus đương đại, và đấu trường La Mã là khuôn mẫu cho trò chơi “Hunger Game“. Suzanne Collins cũng cho biết thêm là cuốn truyện cũng đề cập tới nghèo khổ, chết đói, bị đì đọa, và hậu quả của chiến tranh vân vân và vân vân. Tuy nhiên nhiều nhà phê bình nhìn cuốn truyện dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Chẳng hạn Donald Brake của tờ The Washington Times cũng như Jessica Groover của tờ Independent Tribune cho rằng của truyện nhuốm màu Thiên Chúa Giáo, rằng là chuyện Katniss tình nguyện tham gia trò chơi thay cho em gái mình là giống như chuyện Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá và chịu chết để chuộc tội cho nhân loại. Brad, cũng như một nhà phê bình khác, Amy Simpson, thêm là chủ đề chính của câu truyện là hi vọng, mà biểu tượng là sự trong trắng của bé Primrose, em gái của Katniss….[3]

Theo ý tôi những nhà phê bình quên nhắc tới những gì xảy ra trong cuốn 2 và cuốn 3, khi mà Katniss trở thành một thần tượng cho cuộc cách mạng của 13 tỉnh nổi lên lật đổ chính quyền thối nát, độc tài chuyên chế ở Capitol. Cuốn truyện thực chất là về những người dân nghèo khổ, cực khổ suốt đời ngóc đầu lên không nổi, đàn áp dã man, bị bóc lột đến tận cùng xương tủy … về chính quyền trung ương độc tài phi nhân bản ở Capitol, đem chuyện trẻ em giết nhau làm trò tiêu khiển … về mặt trái của những lãnh tụ … và về cuộc cách mạng … Chưa biết Hollywood sẽ làm phim 2 và 3 ra sao, nhưng đó là lí do tại sao tôi đọc cuốn 2 rồi nôn nóng đọc cuốn 3 luôn!

Mấy hôm rày tôi cứ suy nghĩ hoài, nếu mình dịch thì sẽ dịch ra sao. Districttỉnh hay vùng (nhứt định không phải là quận) ? CapitolThủ Đô hay Kinh Thành ? PeacekeeperCảnh Sát hay Công An ? KatnissCát Lan ? GaleGáo ? Peeta ? PrimroseTrinh Hồng ??? Và cái tựa ?  “Trò chơi sinh tử” thì là dịch “sát” nhưng thường quá. Hay là “Trò chơi phi nhân bản của những kẻ chiến thắng” ?

Nguyễn Sĩ Hạnh
Mùa Phục Sinh 2012

Chú thích:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/65851/-tro-choi-sinh-tu–hoan-phat-hanh-tai-viet-nam.html
[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Theseus
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/The_Hunger_Games

 

Nguồn: nguyensihanh.com

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây