Hunger Games : truyện viễn tưởng lên màn ảnh lớn

Tuấn Thảo
27.4.2012

Sau bốn tuần lễ đứng đầu bản xếp hạng thị trường Mỹ, bộ phim Hunger Games tạm dịch là Trò chơi Sinh tử đã thu về gần 360 triệu đôla chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Được giới thiệu như một trong những tác phẩm hấp dẫn nhất năm 2012, liệu Hunger Games có thoả mãn tính hiếu kỳ của người xem, nhất là khi ta biết rằng bộ phim này hoàn toàn bị cấm chiếu ở Việt Nam.


Trước khi được chuyển thể lên màn ảnh lớn, Hunger Games từng được xem như là một best-seller của ngành xuất bản sách. Ra đời dưới ngòi bút của tác giả Suzanne Collins, bộ tiểu thuyết này gồm ba tập, phát hành từ năm 2009 và tính đến nay đã bán trên 26 triệu bản (dưới dạng sách in và audiobook). Có nhiều dấu hiệu cho thấy là Hunger Games, đang nối bước sự thành công của Harry Potter và Twilight, để trở thành một ”hiện tượng” trong giới thiếu niên.

Nhưng còn phải chờ xem việc khai thác cả ba tập truyện trên màn ảnh lớn, thì lúc đó ta mới có thể xác định được mức độ thành công của Hunger Games. Riêng về điểm này, các nhà làm phim Hunger Games đứng trước một thách thức lớn bởi vì liệu Trò chơi Sinh tử có thể cạnh tranh với bộ truyện bảy tập Harry Potter đã bán hơn 400 triệu quyển sách trên toàn thế giới, chuyển dịch sang 70 thứ tiếng. Còn loạt truyện bốn tập Twilight thì có số lượng tiêu thụ xấp xỉ 100 triệu bản, trong đó có gần một nửa (48 triệu) được bán tại Hoa Kỳ. Cả hai bộ truyện này đều đã được quay thành phim rất ăn khách : hái ra tiền, hốt bạc tỷ.

Một ngõ sinh trong muôn cửa tử

Về mặt nội dung, kịch bản cuộn phim Hunger Games gần sát với cốt truyện tiểu thuyết cùng tên. Nhân vật chính là một thiếu nữ 16 tuổi tên là Katniss, lớn lên trong một quốc gia (Panem) bị chiến tranh tàn phá, kinh tế kiệt quệ, nạn đói hoành hành. Từ cái thế giới đang tan rã này, trỗi dậy một tầng lớp lãnh đạo, nắm quyền bá chủ ở thủ đô (Capitol), rồi thôn tính đô hộ 12 quận xung quanh thành phố. Hàng năm, một cuộc thi mang tên là Trò chơi sinh tử được tổ chức dưới dạng truyền hình thực tế, phát sóng trên toàn quốc. Dưới dạng bốc thăm, mỗi quận phải cử hai người (một nam và một nữ) để tham gia vòng thi đấu.

Chỉ có điều là các thí sinh ở đây chỉ ở độ tuổi từ 12 đến 18. Nhiệm vụ của họ là triệt hạ tất cả các đối thủ không chừa một ai, bởi vì theo thể lệ cuộc thi, chỉ có một người thắng cuộc duy nhất. Nhất sinh thập tử : kẻ muốn tồn tại, sống sót thì không còn cách nào khác là phải sát hại tất cả những ai dám cản đường mình. Gọi là trò chơi, nhưng Hunger Games lại tàn nhẫn hung bạo. Một cuộc rượt đuổi săn người mà tất cả những xạ thủ vừa là thợ săn vừa là con mồi. Kẻ dùng mưu, người dùng sức, đối phương hết sức đáng gờm hiểm nguy đến từ mọi phía, một khi đã lâm vào đường cùng thì tất cả các thí sinh đều phải quyết chiến trên đấu trường, để tìm cho bản thân mình một ngõ sinh trong muôn cửa tử.

Từ thủ đô Capitol, ban thượng tầng lãnh đạo chẳng những áp đặt luật chơi mà còn nắm lấy toàn quyền sinh sát. Trong truyện cũng như trong phim, quốc gia toàn trị này ban đầu có 13 quận. Sau khi dân chúng ở quận 13 nổi dậy, chính quyền đã thẳng tay đàn áp, xóa tên quận 13 trên bản đồ để làm gương. Cũng từ đó mà Trò chơi Sinh tử được sáng chế để trừng phạt và răn đe tất cả những ai dám vùng lên chống lại quyền lực trung ương.

Hai nhân vật chính là Katniss Everdeen và Peeta Mellark đại diện cho quận 12 để tham gia thi đấu. Theo kết quả bốc thăm, đáng lẽ ra Katniss đã không được quyền dự thi, nhưng vào giây phút chót, cô gái 16 tuổi này đã tình nguyện thay thế người em gái ruột của mình (Primrose), lúc đó chỉ mới 12 tuổi. Katniss và Peeta được đưa đến trung tâm huấn luyện. Người thầy của họ là nhân vật Haymitch Abernathy, từng sống sót nhờ đã chiến thắng sau một cuộc thi tổ chức nhiều năm trước đó.

Tranh thủ tình huống, lật ngược thế cờ

Ngoài việc tập săn bắn, Katniss và Peeta còn phải học hỏi tất cả các kinh nghiệm, thủ đoạn, mánh khóe để sống sót trên đấu trường. Mục tiêu là để lôi kéo sự ủng hộ, tranh thủ cảm tình của khán giả theo dõi cuộc thi đấu qua truyền hình trực tiếp. Mỗi thí sinh không những phải có tài trí, mà còn phải gầy dựng ”uy tín” qua các hành động của họ. Mức độ tin cậy càng cao, thì cơ hội sống còn của người thi đấu càng lớn, vì khán giả có thể giúp đỡ họ bằng cách gửi tặng những món quà như lương thực, thuốc men, dụng cụ cần thiết trong những tình huống hiểm nghèo.

Nhờ vào những mánh khóe, mà cô bé Katniss không những thoát chết mà còn giúp cho đồng đội Peeta cùng thắng, cho dù theo luật chơi ban đầu, chỉ có thể có một người sống sót duy nhất. Thừa hiểu rằng ban tổ chức cuộc thi chẳng thà để cho hai thí sinh cuối cùng thắng cuộc còn hơn là chẳng có người nào sống sót, Katniss tranh thủ tình huống để lật ngược thế cờ. Nhờ được lòng dân và như vậy có khả năng huy động quần chúng, cô gái trở thành một ”thủ lãnh” đáng gờm, nhất là khi cô dám công khai tuyên bố chống lại chế độ độc tài. Để tránh hậu họa, ban thượng tầng lãnh đạo sẽ bày mưu lập kế để diệt trừ mối đe dọa từ trong trứng nước, nhưng đó lại là câu chuyện của những tập kế tiếp.

Trước khi được chuyển thể lên màn ảnh lớn, bộ tiểu thuyết Hunger Games của Suzanne Collins đã được nhiều nhà bình luận đem ra mỗ xẻ phân tích. Có ý kiến cho rằng Katniss, nhân vật chính trong truyện (hay phim) hàm chứa nhiều biểu tượng tôn giáo : một vị cứu tinh sẵn sàng hiến mình hy sinh để cho con người có một niềm tin cao cả. Nhưng Katniss cũng có thể là một mẫu người theo kiểu Spartacus, một kẻ nô lệ tự mình cắt đứt dây trói, phá vỡ xích xiềng nổi dậy vùng lên làm rung chuyển đế chế La Mã.

Nơi Katniss, cũng có điển tích anh hùng Theseus (Thésée) của huyền thoại Hy Lạp. Vì bại trận mà người dân thành phố Athènes phải dâng hiến hàng năm cho vua Minos, 14 trinh nam trinh nữ để làm vật tế thần, để nuôi hung tinh Minotaure. Theseus (Thésée) tìm cách giải thoát nước nhà khỏi ách đô hộ, vào mê cung giết hung thần, thoát khỏi mê hồn trận nhờ đeo sợi chỉ đỏ.

Trong Hunger Games, Trò chơi sinh tử không đơn thuần một sợi chỉ đỏ mà dàn dựng cùng lúc nhiều tuyến truyện với các nhân vật đa chiều. Do kết hợp nếu không nói là vay mượn nhiều yếu tố khác nhau, cho nên người xem vẫn có thể tìm thấy hình tượng của tôn giáo, huyền thoại, sử thi. Nhưng nhìn chung, diễn tiến cốt truyện tuân theo mô hình trong tiểu thuyết văn chương gọi là ”parcours initiatique”. Một cuộc hành trình phiêu lưu với nhiều giai đoạn thử thách cần phải trải qua, để giúp cho đứa bé trở thành người lớn, giã từ thế giới tuổi thơ để khoác lên vai lớp áo dày của nhiệm vụ trọng trách, một sự chuyển đổi vị thế không đơn thuần qua nghi lễ mà còn phải qua mồ hôi, nước mắt và thậm chí giọt máu.

Ảnh hưởng và vay mượn trong Trò chơi Sinh tử

Mô hình này được tìm thấy trong truyện ngụ ngôn Candide của Voltaire, trong tiểu thuyết Une Vie của Maupassant, qua rất nhiều nhân vật phim ảnh trong đó có cậu học trò phù thủy Harry Potter, nhân vật Frodo trong Chúa tể các chiếc nhẫn hay là Luke Skywalker trong loạt phim Star Wars, từ cương vị học trò Padawan phải trải qua đau đớn thử thách để trở thành hiệp sĩ bậc thầy Jedi. Trong Avatar, nhân vật Jake Sully từ trạng thái con người vào cuối phim chuyển qua chủng tộc Navi. Trong các trò chơi video điện tử, các nhân vật trong Final Fantasy (điển hình là Cloud) cũng thường phải bước qua những chặng đường tương tự.

Hunger Games cũng làm cho người xem liên tưởng đến khá nhiều bộ phim / tiểu thuyết ra đời trước đó. Hiển nhiên nhất là quyển Lord of the Flies (Chúa tể loài ruồi) phát hành vào năm 1954, của nhà văn người Anh Wiliam Golding, giải Nobel Văn học năm 1983. Quyển tiểu thuyết này đã gợi hứng ít nhiều sau đó cho quyển Battle Royale (1999) của nhà văn Nhật Bản Koshun Takami. Chúa tể loài ruồi đi trước Hunger Games hơn nửa thế kỷ. Các tác phẩm này đều đã được dựng thành phim.

Gần đây hơn nữa, cũng có rất nhiều bộ phim truyện xoay quanh trên cùng một chủ đề với Hunger Games. Đầu tiên hết là bộ phim The Condemned (Những kẻ tử tù – 2007) với lực sĩ đô vật Steve Austin, còn được mệnh danh là Stone Cold trong vai chính. Kế đến có Ultimate Game (Trò chơi tối hậu – 2009) với nam tài tử Gerard Butler. Trong cả hai phim này, nhân vật chính đều là kẻ phạm trọng tội, bị kết án tử hình. Họ buộc phải tham gia vào một cuộc thi truyền hình, giết các thí sinh khác để tránh bị hành quyết và được trả tự do. Nhưng ít nhất là vào 25 năm trước đó, đạo diễn Pháp Yves Boisset đã từng quay bộ phim Le prix du Danger, cũng là một trò chơi truyền hình mà qua đó người tham gia cuộc truy đuổi săn người, đổi sinh mạng lấy bạc triệu.

Trên khá nhiều điểm, Trò chơi Sinh tử kém độc đáo vì khai thác các yếu tố từng thấy nhiều lần qua phim ảnh. Táo bạo hay chăng là bộ phim Hunger Games dám nói về các cảnh chém giết, thanh toán lẫn nhau, mà các nhân vật chính cũng như đối tượng độc giả đều là trẻ vị thành niên. Câu chuyện còn được lồng vào một bối cảnh chính trị, xã hội, đề cập đến sự truy bức đàn áp của một chế độ độc tài, tàn bạo. Katniss không đơn thuần là một cô bé rời bỏ tuổi thơ để thành người lớn, mà còn do thời cuộc trở thành một ngọn đuốc dẫn đường thắp sáng niềm tin, châm ngòi cho các cuộc khởi nghĩa, vùng lên.

Tất cả những yếu tố này giúp cho cuộn phim phần nào hấp dẫn hơn, nhưng do bộ tiểu thuyết ngay từ ban đầu nhắm vào đối tượng thiếu niên (từ 12 đến 18 tuổi), cho nên tự nó đã tạo ra một số khuôn khổ hạn chế : tuyến truyện tương đối dễ hiểu, mạch phim không quá phức tạp khô khan để cho khán giả không bị lạc giữa đường. Do vậy, kẻ chống có thể cho rằng : phim có nhiều ngụ ý sâu sắc nhưng lại lười biếng, không chịu đào sâu. Còn người binh thì đánh giá, về mặt ý tưởng, Hunger Games có tầm vóc hơn loạt truyện Harry Potter hay Twilight, cho dù về số lượng độc giả hay khán giả, có thể chưa đuổi kịp sánh bằng.

Do là tiểu thuyết viễn tưởng (anticipating novel – roman d’anticipation), một trường phái hẳn hoi trong thể loại khoa học giả tưởng (science fiction gọi tắt là sci-fi), Hunger Games buộc phải tuân thủ một số quy tắc bất di bất dịch, và thế nào rồi cũng bị đem ra so sánh với các tác phẩm kinh điển như Brave New World (Le meilleur des mondes – phát hành vào năm 1932) của tác giả bậc thầy Aldous Huxley và quyển truyện 1984 của tác giả George Owell (phát hành vào năm 1949). Nhờ có tầm nhìn xa, mà nhiều yếu tố tiên đoán dự phóng của những tác phẩm viết hàng chục năm trước lại trở thành thực tế : chẳng hạn như phương pháp sinh sản vô tính, hệ thống kiểm soát theo dõi qua màn hình và ống kính camera trong một đất nước độc tài, sự thống trị của hình ảnh cũng như sự thâm nhập của công nghệ trong đời sống.

Không gian phiêu lưu mà các tác giả bậc thầy đã vẽ ra khá tối tăm u ám, thể hiện cho một cách nhìn khá bi quan về tương lai. Thật ngữ chuyên môn gọi đó là dystopia. Truyện phim Hunger Games cũng được xây dựng theo mô hình này nhưng ít triết lý và nhiều hành động hơn. Trò chơi sinh tử tìm cách phác họa ra một tương lai không dễ, thời mà tận thế nhân loại gần kề, hiểm nguy rình rập tứ bề. Nhưng trên màn ảnh lớn, ý tưởng ban đầu có thể táo bạo nhưng cách thể hiện lại kém độc đáo, pha hành động vũ bão nhưng tâm lý thiếu triệt để mạnh bạo. Nội dung cốt truyện rất viễn tưởng nhưng hình thức làm phim lại không lý tưởng.

Tuấn Thảo

Theo http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120427-hunger-games-tieu-thuyet-vien-tuong-len-man-anh-lon
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây