James Bond : 50 năm huyền thoại điệp viên 007

Tuấn Thảo
20 Tháng Tư 2012


Trong thế giới phim ảnh, ít có nhân vật hư cấu nào mà lại sống lâu như James Bond. Ra đời dưới ngòi bút của Ian Fleming, điệp viên 007 đã nhanh chóng trở thành một gương mặt quen thuộc trên màn bạc. Năm 2012 đánh dấu hai sinh nhật : 50 năm ngày ra mắt bộ phim đầu tiên và 60 năm ngày khai sinh của điệp viên 007 trong tiểu thuyết. Nhưng nhờ bí quyết nào mà James Bond sống dai đến như vậy ?


Daniel Craig là diễn viên thứ sáu vào vai James Bond


Trong tháng này, những hình ảnh đầu tiên của bộ phim mới về điệp viên 007 được tung lên mạng. Mang tựa đề Skyfall, cuộn phim do đạo diễn Sam Mendes thực hiện, là tập James Bond thứ 23 : ngoài Daniel Craig trong vai chính còn có thêm hai diễn viên nổi tiếng trong vai phản diện là Javier Bardem và Ralph Fiennes. Sau hơn một năm trời bị dời lại do những khó khăn tài chính của hãng phim MGM, kế hoạch bấm máy quay phim bây giờ mới thật sự bắt đầu tại Luân Đôn, Thượng Hải, Istanbul…

Theo dự trù, bộ phim Skyfall sẽ được trình làng vào tháng 12 năm nay, chương trình của đài RFI sẽ giới thiệu trong một kỳ tới. Đoàn làm phim hứa hẹn một James Bond cực kỳ gay cấn ngoạn mục, đầy pha hành động nghẹt thở đứng tim, tuy không dựa vào một tựa tiểu thuyết sẵn có của Ian Fleming, nhưng vẫn trung thành với cá tính của nhân vật nguyên gốc. Dự án quay phim Skyfall đã gặp quá nhiều rắc rối trong giai đoạn tiền kỳ, cho nên lần này nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mừng sinh nhật, đoàn làm phim không có cách nào khác là làm việc cho thật hiệu quả trong phần hậu kỳ. Áp lực lại càng lớn hơn vì khá nhiều sinh hoạt đã bắt đầu được tổ chức kể từ tháng Giêng năm 2012 nhân sinh nhật lần thứ 50.

Trước hết là việc phát hành bộ toàn tập James Bond dưới dạng đĩa blu-ray, gồm tất cả 22 bộ phim. Điệp viên 007 còn là nhân vật chính của các game video đời mới. Dự án thâu nhạc phim James Bond với các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng cũng được lên chương trình, trong lúc mà ca sĩ người Anh Adele đã nhận lời thâu ca khúc chủ đề cho tập phim sắp tới. Đó là chưa kể đến hai cuộn phim tài liệu kể lại cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Ian Fleming, cũng như quá trình tạo dựng hình tượng của điệp viên 007.

Tại Anh Quốc, Viện bảo tàng Beaulieu ở vùng Hampshire đã khai trương cuộc triển lãm mang tựa đề Bond in Motion, trưng bày 50 kiểu xe hơi, trong đó đa số là xe đua mà điệp viên 007 đã lái trong các bộ phim của mình. Lần đầu tiên, các kiểu xe nổi tiếng nhất được tập hợp lại thành một bộ sưu tập để đánh dấu sinh nhật lần thứ 50. Khách đến xem triển lãm có cơ hội nhìn tận mắt các kiểu xe hơi đắt tiền như Aston Martin DBS, Jaguar XKR, BMW Z8, chiếc xe đua Lotus Esprit hay là chiếc AMC Hornet 1874. Do James Bond đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, cho nên có nhiều công ty muốn gắn liền nhãn mác của mình với uy tín của điệp viên 007, bằng cách cài vào các bộ phim những sản phẩm mà họ muốn quảng cáo.

Nhân vật hư cấu mà giống như có thật

Giới ghiền đọc tiểu thuyết hay xem phim James Bond đều biết rằng kiểu xe ưng ý nhất của điệp viên 007 là chiếc Aston Martin, từng xuất hiện trong các phim như Goldfinger, Quantum of Solace hay Casino Royale. Vào năm 1999, tranh luận đã diễn ra khi đoàn làm phim dùng kiểu xe hơi BMW Z8 thay thế cho chiếc Aston Martin trong cuộn phim The World Is Not Enough (Thế giới vẫn không đủ). Các fan hâm mộ đã lên tiếng chỉ trích, vì theo họ điệp viên Anh không đời nào mà đi lái xe của Đức.

Năm 2012 là đúng 50 năm ngày phát hành bộ phim James Bond đầu tiên với tựa đề Doctor No (một nhà bác học thông thái nhưng tự cao tự đại, ngông cuồng, chứ không phải là tiến sĩ). Bộ phim được phát hành vào năm 1962, với những cảnh quay cực nóng, khi mà Ursula Andress xuất hiện trên màn ảnh lớn như thần Vệ nữ với những đường cong bốc lửa. Thật ra, tiểu thuyết James Bond đã ra đời 10 năm trước đó. Theo lời kể của tác giả Ian Fleming trong quyển ”Early Writing”, điệp viên 007 chính thức được tạo ra vào ngày 15 tháng Giêng năm 1952.

Thời thanh niên, ông Ian Fleming từng làm việc cho bộ phận thông tin tình báo của hải quân Anh, đến khi giải ngũ, ông làm phóng viên cho hãng tin Reuters. Nhân một chuyến đi nghỉ mát trên đảo Jamaica, Ian Fleming bắt đầu viết tiểu thuyết gián điệp trinh thám. Không biết đặt tên như thế nào cho nhân vật chính, ông mới tình cờ ngước mắt nhìn lên kệ sách, mới thấy cái tên James Bond, nguyên là một nhà động vật học người Mỹ chuyên nghiên cứu về các loài chim muông (Birds of the West Indies). Thấy ngắn gọn mà thích, cho nên ông mới lấy tên của tác giả người Mỹ có thật để đặt cho nhân vật hư cấu mà ông đang tạo dựng. Sự vay mượn dừng lại ở đó, vì thật ra Ian Fleming đưa rất nhiều yếu tố trong đời ông vào nhân vật điệp viên 007.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, James Bond là mẫu người lý tưởng mà Ian Fleming muốn hướng tới : từ đầu tóc cho đến màu mắt, từ phong cách cho đến tánh tình, từ những đức tính tốt cho đến những thói xấu, từ trình độ học vấn cho đến những nơi từng đi qua. Có khác biệt hay chăng là nằm ở trong hai con số không, nhờ ký hiệu này mà điệp viên 007 có quyền ra tay sát hại đối thủ, trong khi Ian Fleming chủ yếu làm công việc bàn giấy thời còn ngồi ở cơ quan tình báo. Ian Fleming càng nhàm chán tù túng với những thao tác hàng ngày trong công việc, thì nhân vật hư cấu James Bond càng có một cuộc sống hấp dẫn, phiêu lưu bay nhảy tận chân trời góc bể.

Quyển tiểu thuyết đầu tay Casino Royale (Sòng bạc hoàng gia) được viết xong vào năm 1952, rồi được phát hành gần một năm sau. Từ đó trở đi, ông Ian Fleming sáng tác đều đặn, hầu như mỗi năm đều cho phát hành một tập sách mới, nhưng tiểu thuyết James Bond vẫn chưa nổi tiếng trên khắp thế giới và chủ yếu chỉ được giới ghiền đọc truyện trinh thám biết đến. Cho đến một ngày tháng ba năm 1961, tuần báo Life Magazine (sau đó trở thành nguyệt san) đăng một bài phóng sự về tổng thống Mỹ Kennedy, và qua đó độc giả được biết là trong số 10 tựa sách mà chủ nhân Nhà Trắng ưa chuộng nhất, có quyển From Russia with Love của Ian Fleming.

Ngay sau đó, số lượng tiểu thuyết của Ian Fleming được nhân lên gấp hàng chục lần. Sự thành công khá bất ngờ, đột ngột này thúc đẩy các nhà sản xuất lao vào việc khai thác James Bond dưới dạng phim truyện. Một khi được chuyển thể lên màn ảnh lớn, điệp viên 007 trở thành một trong những biểu tượng quen thuộc nhất của làng nghệ thuật thứ 7, mở ra một kỷ nguyên làm phim hành động gián điệp, trở thành một khuôn mẫu mà sau đó bị sao chép, vay mượn, bắt chước nhưng vẫn chưa thể sánh bằng.

Chẳng hạn như nhân vật Jason Bourrne, cựu nhân viên cơ quan tình báo Mỹ CIA, tuy gợi hứng từ truyện của Robert Ludlum, nhưng một khi được chuyển thể lên màn bạc, lại rất khác với tiểu thuyết. Ethan Hunt của loạt phim Mission Impossible, từ màn ảnh nhỏ lên màn ảnh lớn, ngoạn mục hoành tráng nhưng chưa đủ tinh tế, sắc cạnh. Xuất thân từ thế giới truyện tranh của Pháp, hai điệp viên Largo Winch và OSS 117 lại thiếu nghiêm túc. Triple X và The Hitman với tướng mạo hung bạo dữ dằn, coi vậy mà còn non tuổi đời, kém bản lĩnh.

Bí quyết sống dai của điệp viên 007

Bí quyết thành công và sống lâu của James Bond có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố cộng hưởng, nhưng nhìn chung vẫn nằm ở hai điểm chính. Thứ nhất, điệp viên 007 không đơn thuần là một nhân vật, mà còn phản ánh cả một không gian phiêu lưu, nguyên một thế giới phim ảnh. Khi xây dựng nhân vật James Bond, tác giả Ian Fleming không chỉ phác họa thân thế sự nghiệp (chỗ ở thói quen, người thân, thu nhập hàng tháng …) mà còn mô tả khá chi tiết cái thế giới ở xung quanh.

Đọc tiểu thuyết, người ta biết được là điệp viên 007 rất thông minh, nhưng kiến thức không đến từ sách vở, mà chủ yếu được học qua kinh nghiệm lăn lộn từng trải, để có thể xoay sở, ứng phó với mọi tình huống rủi ro. James Bond không phải là dân sành điệu ẩm thực, nhưng lại có tửu lượng cao. Anh đặc biệt ưa chuộng các loại sâm banh thượng hạng của Pháp (Taittinger, Bollinger, Dom Pérignon), uống vodka với một chút hạt tiêu, không bao giờ pha loãng rượu whisky và bourbon, và khi uống rượu pha vodka martini, thì phải pha bằng shaker, chứ không được pha bằng thìa.

Nổi tiếng là đào hoa, nhưng James Bond ít có bao giờ dẫn bạn gái về nhà, càng không có quan hệ tình ái dài lâu. Trong quyển truyện – tập phim On Her Majesty’s Secret Service (Theo sứ mệnh của Nữ hoàng), điệp viên 007 lập gia đình cưới vợ, nhưng ngay sau hôn lễ người vợ lại bị sát hại. Trong Casino Royale, điệp viên 007 ngã lòng yêu Vesper, nhưng rồi cô gái cũng không thoát chết.

Tiểu thuyết James Bond : mỏ vàng của các nhà viết kịch bản

Các nhà nghiên cứu về hiện tượng James Bond đều tìm cách diễn giải khi cho rằng : tác giả Ian Fleming cũng những người viết kịch bản sau ông hé mở cánh cửa về đời tư của điệp viên 007, nhưng rồi khép lại ngay, như thể James Bond lúc nào cũng phải độc thân, do hoàn cảnh đầy bất trắc của bản thân, nên rất khó mà xây dựng được một mái ấm gia đình. Dù gì đi nữa, thì lối mô tả trong tiểu thuyết là một mỏ vàng đối với các nhà soạn kịch bản. Những chi tiết mà thoạt nhìn hơi vụn vặt ấy lại giúp cho James Bond thêm chiều sâu và bề dày, như thể điệp viên 007 không phải là một nhân vật hư cấu mà lại là một con người có thật.

Điểm quan trọng thứ nhì là cách dùng ngôn ngữ hình ảnh có hệ thống, trong một khuôn khổ nhất định, có quy tắc. Phim lúc nào cũng có phần mở đầu trước khi ca khúc chủ đề trỗi lên. Ca khúc thì thường là do một giọng hát nổi tiếng trình bày và được quay như một video clip pop art. Phim thường có màn giới thiệu lướt qua các ”vật dụng” tối tân tinh xảo giúp điệp viên thoát khỏi các tình thế hiểm nguy. Vóc dáng chải chuốt, tướng mạo bảnh bao, trang phục đồ hiệu, xe đua cỡ xịn, điệp viên 007 còn phải nói một câu mà bất cứ ai cũng biết : My name is Bond … James Bond.

Từ năm 1962 cho đến nay, bất cứ nhà đạo diễn nào được chọn để quay phim, đều phải tuân thủ cái quota tối thiểu này. Một số nhà làm phim đã tìm cách luồn lách những quy tắc hầu đổi mới cung cách của nhân vật. Trong tập phim Tomorrow Never Dies (Ngày mai không bao giờ chết), Pierce Brosnan trong vai James Bond nói với một gián điệp người Nga là hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Đoạn phim này sau dó bị các fan chỉ trích chê cười. Trước hết vì trong tiểu thuyết, điệp viên 007 rất mê xì-gà và mỗi ngày hút đến ba bao thuốc lá. Thêm vào đó, số phận của một điệp viên là chết lúc nào không hay, hôm nay sinh tử còn không biết, huống chi là chuyện ngày mai, về lâu về dài. Thành ra câu nói của Pierce Brosnan đâm ra thừa : James Bond trường thọ không phải nhờ ngưng hút thuốc, mà sống dai chừng nào kịch bản phim vẫn đắt khách ăn tiền, hái ra bạc triệu.


James Bond Skyfall (unofficial trailer)

Tuy tuân thủ một số quy tắc không thể xê dịch, nhưng về mặt nội dung, thì bối cảnh cốt truyện vẫn phải chuyển đổi để thích nghi với xã hội thời thế. So với cách đây 50 năm, thì hai khối Đông Tây không còn, quốc gia thù nghịch thời xưa, có thể trở thành nước bạn thời nay, ranh giới phân biệt chính tà, thiện ác không còn được rõ nét. Kẻ thù không đội trời chung với James Bond không chỉ là các nhà tài phiệt bất chính, các tập đoàn viễn thông, các trùm buôn vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Điệp viên 007 giấu tẩy trong ánh sáng

Thời nay, nhân vật đối đầu với điệp viên 007 có thể xuất thân từ hàng ngũ thông tin tình báo, từng làm việc hay vẫn hoạt động cho các cơ quan định chế mà đáng lẽ ra phải bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới. Dù là trường hợp nào đi chăng nữa, thì đối thủ của James Bond phải là một nhân vật kiệt xuất, mưu mô xảo quyệt, tài trí song toàn. Bởi vì kịch bản phim điệp viên 007 thật sự nổi trội khi mà nhân vật phản diện có nhiều bản lĩnh, đấu sức cũng hay mà đấu trí cũng giỏi. Bên tám lạng, người nửa cân. Vỏ quýt dày thì phải có móng tay nhọn.

Với những yếu tố kể trên, 22 tập phim đã quay của James Bond có thể không đồng đều về mặt chất lượng, nhưng vẫn thuần nhất trong cách dùng một hệ thống cơ bản. Điều đó giải thích vì sao việc thay đổi diễn viên không đặt vấn đề với khán giả. Tính tổng cộng đã có 6 diễn viên nhập vai James Bond (Sean Connery, Roger Moore, George Lazenby, Timothy Dalton, Pierce Brosnan và Daniel Craig). Gương mặt có thể khác biệt nhưng nhìn chung, thế giới của điệp viên 007 vẫn không thay đổi.

Trên màn ảnh lớn, James Bond lúc nào cũng ở độ tuổi 40, lứa tuổi sung mãn tráng kiện của một người đàn ông, cả về thể xác lẫn tinh thần. Một mẫu người khá lý tưởng trên nhiều phương diện, nên phái nam muốn bắt chước, còn phái nữ thì mơ được gặp ít nhất là một lần trong đời. Nơi điệp viên 007, lóe lên những nghịch lý ”đáng yêu” : gián điệp mà không bí ẩn.

Ít có một nhân vật hư cấu nào mà lại được nghiên cứu kỹ lưỡng, mổ xẻ cặn kẻ đến như vậy. Nhưng càng nghiên cứu chi tiết, James Bond lại càng hấp dẫn mê hoặc : Điệp viên khác núp mình trong bóng tối, James Bond thì lại giấu con bài tẩy trong ánh sáng. 50 năm sau ngày ra đời bộ phim đầu tiên, nhân vật James Bond đã đi vào huyền thoại. Một điệp viên có một không hai, đáng lẽ phải chết lúc nào không hay, nào ngờ lại sống dai đến như vậy.

Tuấn Thảo

Theo http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120420-james-bond-50-nam-huyen-thoai-diep-vien-007

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây