Vũ Hoàng
2012-04-15
Thưa quí vị, từ ngàn xưa, khi nhắc đến chốn thâm nghiêm cửa Phật, ai cũng nghĩ đến sự tĩnh lặng, thế nhưng, đạo Phật, ngoài kho tàng triết lý sâu sắc, còn có âm nhạc, nghi lễ để ca ngợi công đức của chư Phật, Bồ Tát và đồng thời là một cách để diễn bày chân lý vô thường, vô ngã, dùng âm nhạc để thức tỉnh lòng người.
Tiếng tụng kinh trầm bổng làm tâm hồn người ta như nhẹ nhàng, được chìm đắm vào cõi hư vô, tìm đến những giây phút thanh thản, không hệ lụy ưu phiền.
Trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, chúng tôi lượm lặt ý kiến một số chuyên gia để tìm hiểu về âm nhạc trong đạo Phật và gửi tới quí vị một số nhạc phẩm mang âm hưởng Phật Giáo, một chút Thiền, một chút linh thiêng nhưng lại phản ánh sự an lạc, giản dị của tâm hồn giải thoát, thanh khiết.
Tại Việt Nam, cổ nhạc qua tiếng ca cải lương đã lưu giữ được những triết lý sống của Phật Giáo. Nét nhạc hơi Ai, Oán ngũ cung, lời ca tiếng hát kể lể, ta thán hay than vãn thân phận con người, mang nhiều âm hưởng từ những lời kinh, tiếng kệ đọc chậm rãi của chùa Phật:
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát…
Trong khi đó, lời Kinh Giảng của Phật giáo Hòa hảo:
Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.
Nét đặc thù của âm nhạc Phật Giáo là không đưa ra điệu nhạc nào bắt buộc, mà tùy theo trường hợp địa phương, ngôn ngữ mà tùy duyên, vì vậy, các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng âm nhạc trong Phật Giáo Đông phương có nhiều chất thơ. Theo những gì chúng tôi ghi nhận được, thể nhạc và văn chương trong nhà Phật là thể nhạc phổ thơ, thế nhưng một thể thơ lại phổ nhiều nhạc, khi thì tả về sự ân cần ăn năn sám hối, khi thì tả về sự nhiếp thọ độ sinh của chư Phật.
Nhạc trong Phật Giáo thuờng mang màu sắc thiền vị, âm điệu du dương, thanh nhàn, nghĩa lý uyên thâm để cảnh tỉnh người đời về với cuộc sống thánh thiện, đạo đức, không bị đảo điên trước huyễn cảnh.
Theo GS TS Nguyễn Thuyết Phong, tại một buổi thuyết trình tại ĐH Harvard, ông khẳng định đạo Phật có một nền âm nhạc thâm thúy, đóng góp rất lớn cho thế giới. Nền âm nhạc ấy nhắm đến mục đích là sự giải thoát, trí tuệ. Nền âm nhạc ấy hết sức phong phú và mang bản sắc độc đáo của một dân tộc và địa phương. Theo TS Phong, để tránh dùng từ “âm nhạc” người ta gọi là “lễ nhạc“.
Về mặt phối khí và bài tán, dàn nhạc Phật Giáo tại Việt Nam rất đa dạng tùy theo vùng địa lý, chẳng hạn, tại miền Bắc gọi là Bát Âm, tại Huế gọi là Đại Nhạc – Tiểu Nhạc và tại miền Nam gọi là Nhạc Lễ.
Thanh nhạc và khí nhạc trong âm nhạc Phật Giáo Việt Nam có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như: chuông, mõ, khánh, trống, ốc, tang, bản mộc, thủ xích, đại hồng chung, mỗi loại tạo nên một âm thanh trầm hùng thoát tục.
Trao đổi với chúng tôi về một số kiến thức âm nhạc Phật Giáo, nhạc sĩ Trọng Nghĩa cho biết:
“Theo Trọng Nghĩa tìm hiểu và được nghe những bài sáng tác mới, nhạc Phật Giáo trong vòng 10 năm trở lại đây mới bắt đầu tỏa sáng, vì trước đây trong Phật Giáo nhiều người lúc nào cũng nghĩ trong đầu, triết lý Phật Giáo, chúng ta không nên bị lôi kéo bởi âm thanh, đó là những ý tưởng rất cổ xưa rồi. Ngôi nhà âm nhạc Phật Giáo được phát triển vì có những nhạc sĩ trẻ đã làm những bài ca rất hay dựa trên những ý kinh, những lời thơ từ trong những bài kinh rất hay.”
Trước khi chia tay, mời quí vị cùng nghe lại bản Mẹ Từ Bi qua tiếng hát ca sĩ Quang Lê.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
Theo http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/music-in-buddism-vhoang-04152012132656.html