Duy Lân
13.4.2012
Khi thành phố lên đèn, ở một góc phòng trà nhỏ giữa trung tâm Sài Gòn, người ta vẫn nhìn thấy một gã trai tóc dài ngồi ôm cây guitar và tạo ra những giọt đàn tuyệt diệu. Sẽ có nhiều người lướt qua và không để ý tới nhưng cũng có đôi người thầm thì “Dzũng Đà Lạt đấy” bởi họ chắc sẽ nhận ra anh, đôi lần, trong những chương trình ca nhạc trên truyền hình, phía sau những hào quang của ca sỹ.
Dzũng xuống Sài Gòn đã hơn chục năm rồi nhưng cái tên của anh gần gũi với người hâm mộ âm nhạc chắc cũng chỉ dăm ba năm trở lại đây. Những ngày đầu tiên bước chân xuống thành phố ồn ào và đông đúc này, thành phố mà có những người bạn Đà Lạt của anh nhận xét là “thành phố ăn thịt người đấy”, Dzũng bỡ ngỡ, cô độc, nhút nhát và nhiều khi cũng phải đeo mang những nỗi tủi thân khó nói. Như đã có lần, bên lề đường, trong một cuộc nhậu trà dư tửu hậu, đã có người kẻ cả mà nói về anh là “Cái thằng guitar tỉnh lẻ ấy”… Bây giờ, kẻ nhận xét câu đó ở đâu chẳng ai cần nhớ tới nhưng anh thì vẫn ở đó, như một thương hiệu. Nỗi mặc cảm “guitar tỉnh lẻ” kia đã là động lực để Dzũng chứng minh mình, chứng minh tài năng của mình giữa cái nơi hoá ra “không hề ăn thịt ai cả”.
Thời gian gần đây, người ta nhớ đến Dzũng vì những chuyện khác mà anh không muốn nhắc đến. Thật ra, có ở gần Dzũng mới hiểu anh. Dzũng có một cuộc đời buồn, nếu không nói là u uẩn với nhiều tâm sự không phải ai cũng biết. Chỉ với những người thật thân, thật gần và đúng ở một thời khắc nào đó, Dzũng mới tâm sự, mới thổ lộ nỗi lòng mình. Những dồn nén của nhiều lần trải nghiệm và vấp váp ấy đã biến Dzũng thành một con ốc nhỏ, sợ tổn thương, mềm và nhút nhát lúc nào cũng có thể rút sâu vào cái vỏ và trốn khỏi những ồn ào thị phi bên ngoài. Và chính những lúc ấy đã tạo ra Dzũng với tiếng đàn hút hồn, tiếng đàn thay anh nói ra bao nhiêu điều uẩn khúc.
Sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, trong một gia đình cũng nhiều biến cố, Dzũng, thật ra, không được mạ khuyến khích theo nghề ôm đàn. Nhưng cái chất nổi loạn ngấm ngầm trong con người vẫn đưa anh đến với cây guitar như thể đó là một tiền duyên định mệnh. Ngón đàn của Dzũng, học được từ những người thầy ở Đà Lạt, là tuyệt hảo nhưng đã nhiều năm anh suy nghĩ rằng nó vẫn còn chưa đủ để thi thố với đời. Và anh bước chân xuống Sài Gòn chỉ với tâm niệm duy nhất: Đi học. Song trường nhạc cho anh nhận ra một điều cũng phức tạp không kém những phức tạp ngoài đời: Nó không thể dạy anh tốt hơn được nữa. Dzũng không học ở trường nữa mà đi làm, và tự học, bằng cách gom tiền mua tài liệu từ nước ngoài. Cứ mày mò, cứ mang ngay những cái học được từ đống tài liệu ấy vào ngay trong việc mình làm, Dzũng đã trở thành một hiện tượng dị biệt của làng nhạc nhẹ Việt Nam. Từ một con người được coi là “chẳng ở đâu, không ai biết”, Dzũng đã được người ta xếp ngang hàng với những tay guitar lừng danh nhất showbiz Việt như Thanh Phương, Tấn Phong, Vĩnh Tâm.
Dzũng mê rock, thần tượng tay guitar Steve Vai, Pat Metheny và chính vì những ảnh hưởng đó, anh đã mang được một hơi thở rất lạ vào trong những bản nhạc Việt. Luôn tìm tòi để chọn cách xếp ngón làm sao hợp lý nhất mà vẫn cho ra được những âm hưởng hiện đại nhất, Dzũng khác hẳn những người chơi guitar cùng thời. Hơn nữa, tiếng đàn của anh lại bắt nguồn từ những dồn nén trong lòng nên âm thanh của nó có hồn kinh khủng. Người chơi đàn, ngoài kỹ thuật và trình độ hoà thanh, cần nhất là “âm thanh”. Cũng kỹ thuật ấy, cũng hoà thanh ấy, cũng âm giai ấy, âm thanh quyết định sự hay dở của tiếng đàn. Âm thanh của Dzũng tình cảm, sâu sắc và buồn. Cũng vì thế mà anh luôn gọi những cây đàn mình có là “vợ”. Có yêu lắm người ta mới ứng xử với đàn như thế, như ngày xưa kiếm khách ứng xử với thanh gươm của mình.
Song tài năng của Dzũng không chỉ dừng ở ngón đàn, thứ mà nhờ nó anh đã nâng bao nhiêu cái tên ca sỹ: Từ Phạm Anh Khoa tới Anh Khang; từ Nguyên Thảo tới Phương Thanh… Tài nghệ của anh còn nằm từ trong sâu thẳm tâm hồn âm nhạc của anh: đó là khả năng sáng tác.
Ở Việt Nam, khả năng sáng tác thường chỉ được đánh đồng ở điểm dừng viết ca khúc mà thôi. Người ta quên mất rằng người làm phối khí cũng chính là người sáng tác. Những bài phối của Dzũng nghe rất gần mà lại rất lạ, rất quyến rũ mà lại có độ sâu rộng của kiến thức âm nhạc. Nhiều sản phẩm đẹp từ Dzũng đã ra đời mà gắn liền với nó là những cái tên không nhỏ chút nào như Siu Black, Phương Thanh, Lê Hiếu, Anh Khang, Quốc Thiên… Lật trang bìa sau của nhiều đĩa nhạc, nhìn vào credit của chúng ta mới thấy cái tên Dzũng Đà Lạt xuất hiện rất nhiều. Nó chính là một thương hiệu, một thương hiệu đã khiến không ai biết đến tên thật của anh: Trần Phú Anh Dũng.
Dzũng là người thích vui vầy với bạn bè bên những bàn nhậu, nơi mà anh có thể sẽ sẵn sàng đánh đàn cho bạn mình hát. Ở trong những cuộc chơi ấy, Dzũng thành con người khác; vui tươi và hồn nhiên. Nhưng thật ra đó là lúc anh giấu mình nhất. Chỉ khi đã say rồi, bên một người thật thân, nỗi lòng anh mới thổ lộ. Nỗi lòng của một người yêu Đà Lạt nhưng vẫn phải xa Đà Lạt. Thế mới hiểu vì sao anh còn giữ cho mình một nhóm chơi chung lấy tên là “tổ xa Đà Lạt” để thi thoảng kể chuyện âm nhạc cùng nhau, chuyện của “những người xuống núi”.
Ham vui nhưng Dzũng có được một đức tính rất đáng qúy của người chuyên nghiệp. Những lúc phải làm việc, có ham tới mấy anh cũng không bao giờ đi nhậu. Anh không muốn trở thành một “cỗ máy làm ồn” hay “kẻ tạo ra tiếng động” trong band nhạc. Dzũng cầu toàn nên anh luôn khó chịu nếu sản phẩm ra đời vẫn còn điều gì đó gợn gợn. Anh yêu âm nhạc và anh trân trọng âm nhạc, như cái cách những nho sỹ ngày xưa cư xử với chữ nghĩa, coi chữ nghĩa như một cái đạo để thờ.
Dzũng tâm hồn nhưng Dzũng lại sống bị chi phối bởi cái lý nhiều. Thế nên anh cũng rất dễ tranh luận hay dễ giận trước những điều phi lý. Chính điều đó làm khổ anh nhiều. Vì đời đâu phải ai cũng có lý và đâu phải lúc nào cũng chỉ có cái lý. Đời phức tạp lắm mà Dzũng thì đơn giản quá. Giá như đời cứ cụ thể: chơi đàn là chơi đàn, thế thôi, thì Dzũng chắc cũng đỡ dằn vặt nhiều.
Xuống núi 10 năm, ôm một cây đàn mơ về sự nghiệp. Dzũng đã có nó chưa? Có khi anh cũng chưa biết. Nhưng hình như âm nhạc với anh là một cái nghiệp, không chơi đàn, không sáng tác thì biết làm gì. Còn với những người hâm mộ âm nhạc, anh đã có một sự nghiệp rồi. Đơn giản, vì anh đã là một thương hiệu, một thương hiệu mà ngay cả những nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu Việt Nam cũng phải nể vì…
Duy Lân
(Nguồn: Báo CAND)