Françoise Hardy : Một thời để yêu những nụ tình xanh

Tuấn Thảo
7.4.2012

Những nụ tình xanh là tựa đề tiếng Việt của ca khúc tiếng Pháp rất ăn khách của Françoise Hardy. Trong nguyên tác, nhạc phẩm Tous les garçons et les filles đã được phát hành cách đây nửa thế kỷ, vào đầu tháng 6 năm 1962. Bài hát đã làm nên tên tuổi của Françoise Hardy và đằng sau ca khúc là nguyên cả một giai thoại của thời kỳ nhạc trẻ.


Bộ ảnh chụp từ tập nhạc đầu tay phát hành năm 1962 (DR)

Tại Pháp, phong trào nhạc trẻ những năm 1960 khởi đầu vào tháng 5 năm 1961, vào lúc mà đài truyền hình quốc gia (chỉ có một kênh duy nhất) cho phát sóng chương trình ca nhạc đầu tiên dành cho đối tượng thanh thiếu niên (chương trình mang tên Âge tendre et tête de bois, hàm ý Tuổi non mà lại ngỗ nghịch cứng đầu). Song song chương trình truyền hình này còn có một tờ báo chuyên thông tin về giới thần tượng nhạc trẻ và một chuyên mục phát thanh hàng ngày (Salut les copains – Thân chào các bạn)

Giới trẻ Pháp thời bấy giờ là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong thời bình, sau cuộc chiến (1939-1945). Kinh tế Pháp đang ở trong giai đoạn phồn thịnh, hầu như không có vấn đề thất nghiệp. Các hộ gia đình tậu nhà mua xe, người dân mua sắm tiêu xài, giải trí thoải mái. Trong cái xã hội tiêu thụ ấy, giới trẻ có đủ tiền túi để mua những sản phẩm mà họ yêu thích. Thời nay, thanh niên muốn mua iPhone 4S và Playstation 3, thời xưa giới trẻ chỉ muốn tổ chức các buổi nhảy đầm, đi xem xinê, sắm quần jean và mua đĩa nhựa.


PHIÊN BẢN MỚI NHẤT của bài Tous les Garçons et les Filles

Không có cái bối cảnh này thì phong trào nhạc trẻ Pháp những năm 60 sẽ chẳng bao giờ trở nên cực thịnh. Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của lứa tuổi mới lớn, các nhà sản xuất mới du nhập nhạc rock đến từ Hoa Kỳ cuối thập niên 50. Không phải ngẫu nhiên mà phong trào nhạc trẻ của Pháp còn được gọi là phong trào yé-yé, phiên âm từ hai chữ yeah yeah của Mỹ. Hầu hết các ca khúc nhạc trẻ của Pháp đầu tiên được chuyển dịch từ các bài hát Anh Mỹ. Richard Anthony là người đi tiên phong trong việc đặt thêm lời Pháp, Johnny Hallyday đi theo sau và truyền thống này được duy trì cho đến cuối những năm 1970 với danh ca Claude François.

Về phần mình, Françoise Hardy là một nữ sinh mới lớn, cô theo học khoa ngọai ngữ (tiếng Đức) tại trường đại học Sorbonne. Cô bắt đầu viết văn, viết nhật ký từ năm 13 tuổi trong suốt thời gian học nội trú bậc trung học. Đậu tú tài vào năm 16 tuổi, cô được gia đình tặng cho một món quà, giữa một chiếc máy nghe nhạc và một cây đàn ghita, cô chọn món thứ nhì. Françoise Hardy băt đầu mò mẫm sáng tác cho dù không hề tinh thông nhạc lý.

Sông có khúc, người có lúc. Ngoài hai chữ thanh và sắc, một ca sĩ còn cần có duyên với nghề nghiệp. Làng nhạc Pháp thời bấy giờ vừa mới lăng xê tên tuổi của nam ca sĩ Johnny Hallyday, điều mà họ đang cần là tuyển lựa một giọng ca nữ, có ngoại hình hơn cỡ trung bình và biết hát. Điều đó có thể giải thích vì sao các nhà sản xuất chịu ký hợp đồng ghi âm một năm với cô với điều kiện là 6 tháng trước đó, Françoise Hardy phải học thêm thanh nhạc và khoa diễn xuất vì cô quá rụt rè nhút nhát mỗi lần xuất hiện trước công chúng.


BẢN GỐC của Françoise Hardy – 1962

Françoise Hardy ghi âm album đầu tay vào cuối tháng tư năm 1962, trong đó hầu hết các ca khúc đều do cô sáng tác, ngọai trừ một bài là của Jacques Dutronc, người chồng tương lai của cô. Tập nhạc này ban đầu không có tựa, nhưng sau đó lại mang tên của ca khúc trích đoạn đầu tiên là nhạc phẩm Tous les garçons et les filles. Thật ra, đây không phải là sáng tác ưng ý nhất của Françoise Hardy nhưng lại được hãng đĩa chọn phát hành vào mùa hè năm 1962 như ca khúc đầu tay bởi vì nội dung bài hát hợp với khung cảnh và tâm trạng của lứa tuổi mới biết yêu.

Bực mình do không được quyền chọn lựa và quyết định, Françoise Hardy cùng với gia đình đi nghỉ hè tại Innsbruck, bên Áo để trao dồi thêm tiếng Đức. Mãi đến khi cô trở về Paris, cô mới bất ngờ khám phá là bài hát Tous les garçons et les filles trở thành tình khúc của mùa hè năm 62. Với hơn 2 triệu bản được bán chạy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, nhạc phẩm này giúp cho cô nữ sinh tóc nâu huyền trở thành một trong những thần tượng nhạc trẻ đầu tiên trong phái nữ. Với thành công của nhạc phẩm kế tiếp là bài Le temps de l’Amour – (Một thời để yêu), ghi âm trên cùng một album, tên tuổi của Françoise Hardy vượt trội hơn cả hai cô búp bê tóc vàng là Sylvie Vartan và France Gall.

Cả hai bài hát sau đó được đặt thêm lời tiếng Anh (Find Me A Boy & While We’re Young), tiếng Đức, tiếng Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và tiếng Nhật. Còn trong tiếng Việt, bài Tous les garçons et les filles có ít nhất là hai lời khác nhau, so với lời trong phiên bản của Trung Hành, thì cách đặt ca từ bài Những nụ tình xanh của tác giả Phạm Duy trong ý cũng như tứ, gần sát hơn với nguyên tác tiếng Pháp.


PHIÊN BẢN của Cœur de Pirate

Từ mùa hè năm 1962 trở đi, sự nghiệp của Françoise Hardy chấp cánh bay cao để rồi kéo dài trong suốt nửa thế kỷ, cho dù trong giai đọan sau này cô không còn ghi âm nhiều như vào những thập niên trước. Nhưng có hai điều mà ít ai được biết mà ta có thể xem như là đóng góp khá lớn cho làng nhạc Pháp. Thứ nhất mãi đến tháng 6 năm 1962, hiệp hội các tác giả Pháp gọi là SACEM không chấp nhận để cho một thành viên đăng ký tác quyền mà lại không tinh thông nhạc lý.

Trường hợp của Françoise Hardy là một ngoại lệ, cô sáng tác hầu hết các ca khúc của mình kể cả nhạc và lời, nhưng lại không biết đọc và ghi chép nốt nhạc trên các bản dàn bè. Sau nhiều tháng thương lượng, hiệp hội SACEM buộc phải thay đổi nội quy và chấp nhận các nhà soạn nhạc cho dù họ có tinh thông nhạc lý hay không.

Thứ nhì, Françoise Hardy nhờ vào sáng tác đều đặn mà nâng phong trào nhạc trẻ những năm 60 lên một tầm cao hơn. Sinh thời tác giả Michel Berger rất ngưỡng mộ cô ở điểm này, bởi vì anh cũng xuất thân từ cùng một trào lưu. Chính Michel Berger đã viết ca khúc Adieu Jolie Candy vào năm 1967 với một nghệ danh khác (bài từng được dịch sang tiếng Việt thành Tiễn em nơi phi trường). Góc vườn âm nhạc đài RFI sẽ giới thiệu bài này trong một kỳ tới.

Vào lúc mà đa số các thần tượng nhạc trẻ hát đi nhái lại các ca khúc Anh Mỹ, thì Françoise Hardy lại là người đi tiên phong trong việc sáng tác tiếng Pháp, để bộc lộ những suy tư nỗi niềm của lứa tuổi mới vào đời. Nhìn lại 50 năm sau, Tous les garçons et les filles xứng đáng được chọn làm một trong những ca khúc tiêu biểu nhất của những năm 1960, còn Françoise Hardy vẫn là hiện thân của Những nụ tình xanh muôn thuở, của Một thời để yêu rồi để nhớ.

Tuấn Thảo

Theo RFI
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây