Thùy Trang
03/04/2012
Một đêm nhạc ở phòng trà hiện nay có được 30 khán giả đã là thành công
Từ những phòng trà đã được khán giả biết đến lâu năm, như Không Tên, Tiếng Xưa (Văn Nghệ), ATB đến phòng trà mới ra đời, như: Da Vàng, Sài Gòn M&Tôi, We hay Fashion Coffee, Bệt Café… đều có những đêm nhạc diễn ra hằng đêm. Dù các phòng trà đều nỗ lực xây dựng những đêm nhạc mang phong cách riêng nhưng tình trạng chung vẫn vắng khách.
Vắng vẻ đến chạnh lòng
We vốn là một phòng trà khác biệt trong số những phòng trà tại TPHCM khi chủ nhân nơi đây luôn tạo điều kiện cho các ca sĩ trẻ thường xuyên biểu diễn. Nhưng We là nơi vắng khách điển hình của phòng trà ca nhạc TPHCM hiện nay. Những tưởng đêm diễn của ca sĩ Minh Hằng cùng với Trịnh Thăng Bình chỉ có gần 20 khách đã là vắng nhưng đỉnh điểm của sự ế khách của phòng trà này là đêm nhạc Dương Triệu Vũ – Khổng Tú Quỳnh gần đây, vỏn vẹn có 6 khán giả.
Đìu hiu đến chạnh lòng nhưng ca sĩ vẫn phải hát vì khán giả đã lỡ đến. Nhiều người nói vui: “Sáu khán giả này bỗng thành khán giả “đại gia” vì họ có được một không gian riêng với ca sĩ hát phục vụ mà chỉ mất chưa đầy 200.000 đồng mỗi người”.
Câu chuyện có thật này tưởng chừng hy hữu nhưng đêm nhạc ở phòng trà Da Vàng gần đây còn buồn hơn. Với 2 giọng ca Hương Lan và Quang Ngọc nhưng đêm diễn chỉ vỏn vẹn hơn 10 người (kể cả ca sĩ khách mời) dù đêm nhạc diễn vào ngày chủ nhật và Hương Lan là một tên tuổi lớn. Đêm nhạc ra mắt album mới của ca sĩ Đình Nguyên mới đây tại phòng trà Da Vàng dù khá xôm tụ về lượng khán giả (khoảng trên 40 người) nhưng không khó để nhận thấy lượng khán giả đến dự chủ yếu là người nhà đi ủng hộ.
Một trong những phòng trà tưởng có lượng khán giả ổn định nhất hiện nay là phòng trà Không Tên cũng giảm đi rất nhiều so với trước. Ca sĩ Giang Hồng Ngọc, một giọng ca biểu diễn đều đặn ở các phòng trà, nói: “Thật ra, vắng khách đã là tình hình chung của nhiều năm nay, cụ thể là 2 năm trở lại đây. Một đêm nhạc trên 30 khán giả đã được xem là thành công rồi”.
Ca sĩ Nguyên Vũ cũng khẳng định: “Đêm diễn của tôi và Hiền Thục vừa qua tại phòng trà Không Tên được xem là thành công vì khán giả gần phủ hết tầng trệt. Thành thật mà nói một đêm diễn có thể quy tụ 50 khán giả đã là thành công trong thời điểm hiện tại”.
Khán giả khắt khe hơn
Lý do “khủng hoảng kinh tế” đã ảnh hưởng đến hoạt động giải trí nói chung, phòng trà ca nhạc nói riêng, không hoàn toàn đúng. Khán giả còn nhiều lý do khác để ngại đến phòng trà. Những lý do này được nêu trên các diễn đàn và nhận được đồng tình của nhiều người.
Khán giả có nickname Cuti phản ánh: “Vì không hài lòng với cách phục vụ của phòng trà Không Tên, tôi đã quyết định trả lại 8 chỗ đặt trước cho đêm diễn của Đàm Vĩnh Hưng – Hồ Ngọc Hà. Thay vào đó, tôi quyết định mời gia đình đến phòng trà Đồng Dao để nghe 2 ca sĩ trên hát trong đêm hôm sau. Loại hình kinh doanh ca nhạc phòng trà hiện nay đang nở rộ và không có phòng trà nào đủ sức độc quyền ca sĩ tên tuổi nên đó cũng là cái khó để mỗi phòng trà có thể thu hút khách về mình”. Khán giả yêu nhạc thời nay muốn là có, tìm là thấy ca sĩ mình yêu thích hát bất cứ ở phòng trà hay tụ điểm ca nhạc nào. Nếu lỡ không xem được nơi này, khán giả vẫn có thể thưởng thức cũng chính giọng ca đó với những ca khúc như vậy ở một phòng trà khác ngay ngày hôm sau.
Nỗi sợ hãi về độ an toàn và vệ sinh ở các phòng trà hiện nay cũng được đề cập rất nhiều trên các diễn đàn. Hầu hết các phòng trà ca nhạc hiện nay tại TPHCM là thuê mặt bằng, chỉnh trang lại nên không bảo đảm nhiều thứ, trong đó có độ an toàn cháy nổ. Khán giả tuongnguyen chia sẻ trên Webtretho rằng: “Tôi rất sợ mỗi khi đến phòng trà Không Tên vì bàn ghế thì chật như nêm, lối thoát hiểm thì nhỏ xíu. Tôi chưa từng nghe người quản lý hướng dẫn thoát hiểm lần nào trong các đêm ca nhạc tại đây. Vì vậy, dù rất yêu mến giọng ca Lệ Quyên nhưng có lẽ mua CD về nghe cho nó lành”.
Ngoài vấn đề an toàn cháy nổ, sức khỏe cũng được đề cập là một trong những nguyên nhân. “Dù rất yêu mến giọng hát Quang Lê nhưng tôi đành bỏ về giữa chừng vì không chịu nổi khói thuốc lá của những khán giả bàn bên cạnh vô tư nhả ra. Tôi sợ luôn phòng trà” – một khán giả lớn tuổi ở quận 9 giấu tên chia sẻ.
“Khán giả có thừa kênh giải trí trên truyền hình phát sóng mỗi đêm. Trong khi ca nhạc ở phòng trà chưa đủ sức hấp dẫn khán giả ra khỏi nhà để đến với mình” – đạo diễn Lê Hoàng lý giải thêm.
Thùy Trang
Theo NLD