Đêm nghe nhạc trên sông Hậu

Nguyễn Sĩ Hạnh
1.2012

Về thăm nhà lần này, cả nhà xuống miền thăm Tây vài ngày. Mỗi người có một lí do riêng để đi.  Bà nhạc là để thăm lại Rạch Giá, nơi ngày xưa bà từ Sài Gòn xuống lên nhiều lần để thăm chồng làm ăn xa ở dưới đó. Bà xã đi là để nhớ lại hồi nhỏ đi theo bà ngoại xuống thăm ông già, qua mấy cái phà sông nước mênh mông. Tôi thì để thăm lại miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, nhìn lại “căn phòng” ở công an huyện Hòn Đất hồi đó tôi “tạm trú” ba tháng vì vượt biên không thành. Chỉ tội thằng con trai, mấy ngày đi đường ngồi xe ê mông nó thắc mắc, sao có mấy cây cầu và mấy con kênh mà mình cứ đi qua đi lại hoài vậy tía!

Tới nơi thì bà nhạc nhìn không ra Rạch Giá cũ nữa vì khu đất lấn biển của ông bạn Võ Văn Khải làm. Huyện lị Hòn Đất nay thành thị tứ, nhà lầu ba bốn từng cất dày đặt, ngồi trên xe tôi tìm cái đồn công an huyện mà không thấy. Còn bà xã thì bến phà Mỹ Thuận đã “về hưu” từ lâu, may mà còn bến phà Vàm Cống bã đi cho đỡ nhớ, chớ để trễ vài ba năm nữa cầu xây xong là chớt quớt!

Cần Thơ là chặng cuối nên mọi người “relax“, chương trình thì buổi chiều ra bến Ninh Kiều dạo mát, buổi tối lên nhà hàng Du Thuyền ăn tối và nghe đàn ca tài tử Nam Bộ, và sáng hôm sau đi chợ nổi Cái Răng xong là lên đường về lại Sài Thành.

Tôi ngại không có chỗ ngồi nên buổi chiều đi dạo vòng vòng bến Ninh Kiều thì lên tàu đặt chỗ luôn. Tầng dưới thì đàn ca tài tử, tầng trên sân thượng thì tân nhạc, muốn ngồi đâu thì ngồi. Coi qua ngó lại xong hai vợ chồng mới quyết định ngồi trên sân thượng, cho có gió mắt trăng thanh, còn nhạc thì sao cũng được.

Buổi tối lên nhà hàng, uống vô chỉ một lon bia ken nhưng cũng đủ để đầu óc tôi lâng lâng. Chiếc “du thuyền” chạy tới chạy lui, một bên là bến Ninh Kiều, một bên là cầu Cần Thơ, lúc phải lúc trái không biết đường đâu mà định hướng. Đỡ một cái là ngồi ngoài trời nên mát mẻ.

Cần Thơ
Cần Thơ về đêm – nhìn từ sông Hậu

Chương trình văn nghệ thì tạp lục, có nhạc sến, có tân cổ giao duyên, và có cả màn ảo thuật biến giấy thành tiền nữa. Nhưng ngạc nhiên hết thảy là có một cô ca sĩ trung niên tên là Thu Dung thì phải, giọng cô khàn khàn kiểu giọng cô Khánh Ly, hồi trẻ chắc cô ca hay lắm. Cô ca toàn nhạc của Ngô Thụy Miên và Trịnh Công Sơn! Và giờ, trên sông Cần Thơ đèn thanh gió mát, hơi men ngà ngà tôi nghe thấy cô ca nhạc Trịnh Công Sơn dù không làm sao bằng Khánh Ly hay Nguyên Thảo nhưng coi bộ dám hay hơn Hồng Nhung và Cẩm Vân!

Thu Dung
Ca sĩ Thu Dung

Viết để bác Ngô Thụy Miên bên Mỹ có đọc thì vui trong bụng, và bác Trịnh Công Sơn ở dưới suối vàng cũng thỏa nguyện, là nhạc của hai bác – thuộc loại nhạc “sang” theo kiểu phân loại bây giờ – không những được nghe nhiều ở Sài Gòn và mấy tỉnh thành miệt ngoải, mà dân lục tỉnh cũng thấy hay và biết thưởng thức! Cô Thu Dung ca đâu chục bài, phần nhiều theo lời yêu cầu của khán giả, bài nào cũng hay, cũng được khán giả vỗ tay đôm đốp. Có nhiều người lên sân khấu tặng hoa cho cô. Tôi không biết “tập tục” ở đây ra sao, tặng hoa khơi khơi như vậy cho vui, hay là có “buộc boa” gì không. Dù sao đi nữa thì tôi chắc chắn  rằng người nghệ sĩ nào mà được khán giả khen tặng như vậy cũng sẽ vui trong bụng.

Tự nhiên tôi nghĩ tới hình tượng “người ca sĩ trên bến nước Ninh Kiều”, và tới rất nhiều những ca sĩ “miệt vườn”, “tỉnh lẻ” như cô. Tài năng có thể không thua kém gì những ca sĩ  nổi tiếng, nhưng vì lí do nào đó đã không thành danh. Giờ tuổi không còn trẻ, mà còn “Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người người bỏ tiền mua vui” để độ nhật. Mà “phòng trà” đây không hẳn là phòng trà mà là những nhà hàng trần tục, khách hàng nhậu nhẹt ồn ào.

Mới đây có vài nhà báo coi bộ không hài lòng với cái nền văn nghệ nhà hàng này [1], nhưng thiết nghĩ dù tân nhạc hay cổ nhạc, và trong nhà hàng rộng rãi, mở cửa cho mọi người, thì có thể coi đây là một hình thức “văn nghệ quần chúng”, có khán thính giả, có nghệ sĩ, và ít ra là tạo công ăn việc làm cho vô số những ca sĩ đã không may mắn được nổi tiếng và làm giàu. Vả lại như cô Thu Dung, cô ca toàn nhạc sang – và ca hay – coi thử ai dám đứng ra chê cô. Tôi thấy cái nền “văn nghệ nhà hàng” này vậy hay hơn rất nhiều những màn lai căng vọng ngoại của cái đám trẻ loai choai, vừa hét vừa la vừa nhảy cà tửng …

Đêm đã khuya, đèn từ Cần Thơ và bến Ninh Kiều vẫn rực sáng. Tàu quay lại bến, khách hàng lục tục ra về. Đi xuống qua lầu hai thì thấy dàn đờn ca tài tử vẫn còn ca hát rần rần, bà nhạc tiếc là biết như vầy hồi nãy xuống dưới nầy ngồi. Tôi cũng thấy tiếc, không phải vì lỡ một dịp nghe sáu câu trên sông Cửu Long mà vì chỉ muốn coi cái e nó ra làm sao. Thôi đành hẹn một dịp khác vậy…

Nhưng như vậy có lẽ hay hơn, vì trong tôi sẽ khó mà có đờn ca tài tử nào hay hơn cái kỷ niệm về những đêm trăng sáng nhậu rượu đế “quắc cần câu” và nghe sáu câu trong những ngày con làm sinh viên đi thực tập ở Bạc Liêu mấy chục năm về trước.

Nguyễn Sĩ Hạnh
Tháng 1.2012

[1] Hát cho đại gia: Sàn diễn bên bàn nhậu
 
Nguồn: nguyensihanh.com
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây