Thùy Trang
26/03/2012
Khi thiếu ca khúc để chinh phục khán giả, ca sĩ cũng khó mà trở thành thần tượng của giới trẻ yêu nhạc
Sự hoài niệm về thời hoàng kim của nhạc Việt những năm 1980 – 1990 tưởng chừng vô lý vì theo đúng quy luật, mọi thứ, kể cả âm nhạc đều phải phát triển. Thế nhưng, đó lại là một thực tế bởi ca khúc Việt mới ra đời đang ngày càng xuống cấp khiến người nghe xa lánh.
Không có ca khúc ăn khách
Nỗi lo lớn nhất của các ca sĩ hiện nay là làm sao để có thể tìm cho mình một ca khúc “hit” (ăn khách) thực sự, có thể giúp họ tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán thính giả. Cả người yêu âm nhạc lẫn nghệ sĩ, giới chuyên môn đều mơ ước nhạc Việt có thể thịnh vượng như những năm 1980, 1990 – thời có rất nhiều ca khúc hay. Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thu Phương, Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường, Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quang Linh, Thanh Thảo… đã “nổi” lên bằng những ca khúc rất hay, gắn liền với tên tuổi của họ.
Cũng những giọng ca đó nhưng hôm nay, khán thính giả khó có thể tìm được một ca khúc mới nào làm họ say mê như trước đây. Vẫn giữ ngôi vị hàng đầu trên thị trường nhạc Việt nhưng nhiều năm nay, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ hát lại và ăn khách bằng những bản nhạc xưa.
Nhạc trẻ thời nay hầu như không đủ sức lôi kéo người nghe. Hồ Ngọc Hà được xem là ngôi sao có sức hút mạnh nhất hiện nay nhưng không mấy ai nhớ được bài hát ăn khách của cô. Trong khi thế hệ trước, Mỹ Tâm có Tóc nâu môi trầm, Ước gì; Đàm Vĩnh Hưng có Bình minh sẽ mang em đi...; Phương Thanh có Tiếng rao, Trống vắng; Quang Dũng có Vì đó là em…, Thanh Thảo có Có quên được đâu, Lam Trường có Tình thôi xót xa,… Ca sĩ Phương Thanh thừa nhận: “Giờ đây, thật khó để tìm ra một ca khúc Việt đủ sức chinh phục công chúng yêu nhạc như trước đây”.
Và khi thiếu ca khúc để chinh phục được khán giả, ca sĩ cũng khó mà trở thành thần tượng trong lòng công chúng trẻ.
Ngán ngẩm với chiêu trò
Khi thị trường nhạc Việt ngày càng biểu hiện (thậm chí là cố ý tạo ra) những điều xấu, từ nạn đạo nhạc đến phát ngôn gây sốc, chiêu trò đánh bóng tên tuổi… công chúng yêu nhạc bắt đầu ngán ngẩm. Hiện tượng giới trẻ tẩy chay nhạc Việt có lẽ bắt đầu từ khi xuất hiện quá nhiều ca khúc “thảm họa” với ca từ nhảm nhí, phản cảm, kèm theo đó là những hình ảnh không đẹp của giới showbiz Việt. Trong khi hình ảnh các “sao” ngoại vẫn ngời sáng đẹp đẽ và phong độ trong mắt giới trẻ. Hình ảnh những khán giả tuổi teen cuồng nhiệt với các sao Hàn khi họ đến Việt Nam biểu diễn chỉ vì quá ái mộ mà thôi.
Những thập niên trước, hoạt động fanclub (câu lạc bộ người hâm mộ) của các ca sĩ khá rầm rộ; mỗi fanclub của ngôi sao có đến hàng chục ngàn thành viên thì nay chẳng còn mấy fanclub tồn tại, thậm chí nếu còn cũng chỉ lèo tèo vài chục người.
Thực tế, không chỉ có khán giả thích nghe nhạc ngoại mà ngay cả ca sĩ trẻ hiện nay cũng hát các ca khúc tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Đồng Lan, một giọng ca trẻ thường hát ở các phòng trà tại TPHCM, đang khá được khán giả yêu thích, chuẩn bị phát hành bộ đôi album đầu tay gồm một CD tiếng Anh và một CD tiếng Pháp. Ca sĩ – người mẫu Nathan Lee vừa phát hành một album gồm những bản tình ca tiếng Anh quen thuộc. Ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng để lại nhiều dấu ấn qua album Cocktail với những ca khúc tiếng Anh dòng R&B mới, đầy cuốn hút. Ca sĩ Đoan Trang phát hành album tiếng Anh chuyển ngữ từ những ca khúc tiếng Việt đã làm nên tên tuổi của cô trên thị trường âm nhạc Việt mang tên Unmake-up. Gần đây, ca sĩ Phương Vy liên tục thực hiện những đêm nhạc tiếng Anh gồm những ca khúc tiếng Anh bất hủ ở mọi thể loại.
Nhắc đến ca sĩ trẻ giỏi hát tiếng Anh, không thể bỏ qua Thảo Trang hay Minh Thư. Thậm chí, Minh Thư còn sáng tác ca khúc bằng tiếng Anh, sau đó mới chuyển ngữ sang tiếng Việt. Việc thị trường băng đĩa ồ ạt xuất hiện những album tiếng Anh là phần nào đáp ứng nhu cầu của khán giả yêu nhạc hiện tại. Chính những giọng ca này cũng thừa nhận họ thích hát ca khúc nước ngoài hơn là ca khúc Việt như hiện nay.
Thùy Trang
Theo NLĐ