Nguyễn Kim Tiến
24.3.2012
Tựa bài viết thật buồn! Nỗi buồn tuyệt vọng. Nỗi buồn “như lá mùa thu, rơi rụng giữa mùa đông”.
Những chiếc lá đã phải làm những chức năng hấp thụ khí trời, những chất bổ dưỡng để chuẩn bị nuôi cây cỏ trong suốt mùa đông dài lạnh lẽo. Rồi khi đã làm xong bổn phận, lá đã hy sinh đời mình để muà xuân tới, hoa đâm chồi kết trái nở nhụy yêu thương. Cuộc đời ta cũng thế, như chiếc lá cuối thu, rơi xuống…rơi xuống … để đời này tiếp nối với đời kia.
Bốn mùa là thế, bốn mùa của trời đất – Xuân, Hạ, Thu, Đông- cũng như bốn mùa của chúng ta – Sinh, Lão, Bệnh, Tử hình như có mối tương quan mật thiết với nhau.
Thật vậy tôi đã thuộc lòng tên bốn mùa của đất trời, thuộc lòng tên bốn mùa của con người, thuộc đến nổi mà không có điều gì có thể làm cho tôi quên được. Thế nhưng để hiểu, để cảm nhận và để chấp nhận cái vô thường của đời sống này vẫn còn mơ hồ, lúc động, lúc tĩnh trong tôi.
Tôi đã nghe bài hát này từ một cuốn băng của Khánh Ly, hình như tựa là “Im lặng”. Bài hát đã làm tôi suy nghĩ nhiều trong nhiều năm tháng nhưng mãi đến hôm nay, tôi mới thấy thấm thía sự van nài năn nỉ “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Có lẽ khi chúng ta ở vào tâm trạng tuyệt vọng, chúng ta tin vào chính chúng ta hơn. Chúng ta nhìn thấy chúng ta rõ hơn! Chỉ có ta mới cứu rỗi ta mà thôi. Đức Phật đã chẳng nói “Hãy tự mình thắp đuốc mà đi”? Và hình như tôi đang thắp đuốc cho tôi đi. Nhưng ngọn đuốc có khi sáng rực, có khi lập loè như sắp tắt! Nỗi tuyệt vọng lại rơi vào khoảng tối mênh mông!
TCS tình bày
Lời bài hát như một lời tự nhắn nhủ, một lời năn nỉ, một lời vỗ về – vỗ về chính mình – năn nỉ, năn nỉ chính mình! Nhưng thật ra, có đôi khi ta đứng ngoài ta, ta nhìn thấy ta nên ta đã thì thầm nhắn nhủ “đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng” bởi vì “em là tôi và tôi cũng là em”. Thế đấy, em và tôi là một nên tôi nhìn thấy em đau khổ. Ngay cả khi “con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo”. Vì sao thế? Sao con diều bay mà lòng tôi lại trống rỗng, lại lạnh lẽo đến thế! Để rồi khi “con diều rơi cho vực thẳm buồn theo”… Vậy thì dù khi chúng ta có bay bỗng trên chín tầng mây, có lộn nhào giỏi như kẻ đu dây, đứng vững trên sợi dây đời, chúng ta cũng chạm phải niềm tuyệt vọng như khi chúng ta rơi xuống vực thẳm. Thế thì có phải niềm tuyệt vọng nằm rất kề, rất gần, gần lắm ở ngực trái của ta.
Có đôi khi tôi tự hỏi “tôi là ai” khi nghe nhiều lần cái điệp khúc muôn vàng cay đắng này. Điệp khúc như một nghi vấn cho chính mình. NS Trịnh Công Sơn đã đưa tôi đi vào thế giới hồ nghi về chính tôi. Không biết ông có ý gì khi viết “Tôi là ai mà còn khi dấu lệ”. Từ “dấu” ở đây có phải là dấu vết của những giọt lệ rơi, đọng ở bờ mi khoé mắt của niềm tuyệt vọng hay “dấu” ở đây là khóc không thành lời, chảy ngược vào trong hay có khi là những dấu yêu của từng giọt lệ. Thôi thì, hãy cho tôi hiểu theo cảm nhận đặc biệt của riêng tôi và bạn hãy giữ những cảm nhận của riêng bạn nhé và NS Trịnh Công Sơn nữa, hãy giữ cho ông những ngậm ngùi riêng về giọt lệ yêu dấu này.
Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai…
Là ai…
Là ai…mà yêu quá đời này
TCS đã tự vấn và cũng đã trả lời giùm chúng ta. ”Là ai…là ai …là ai …mà yêu quá đời này”. Ba lần lập lại hai từ là ai, ông đã đẩy chúng ta đi về phiá hoài nghi cao độ để cuối cùng cho chúng ta rơi xuống một cánh đồng êm ả của tình yêu.
Dù cuộc đời có không đãi ngộ chúng ta ở khúc khúc đời này hay ở khúc đời kia thì cuộc đời này vẫn đẹp vô cùng. Như Hermann Hess đã cho lần thốt lên “Dù trần gian có thế nào đi nữa thì tôi vẫn vô cùng yêu quí trần gian điên dại này”. Điều này đã cho chúng ta thấy rằng cuộc đời là một đam mê mãnh liệt với cả hỉ, nộ, ái, ố, sầu, bi. Không có những vui buồn, hạnh ngộ chia xa thì không phải là cuộc đời, phải thế không? Nhưng dù biết thế, nhưng NS TCS cũng lại phải quay trở về với lời tự nhắn nhủ kỳ diệu này, cho chính mình hay nói hộ giùm cho chúng ta khi rên xiết trong nỗi tuyệt vọng, sâu như vực thẳm, ngút ngàn như những cánh diều bay mang theo một cõi lòng lạnh buốt trần gian khi ông “Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng. Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng”.
Thật vậy, riêng, rất riêng!
Cuộc đời của con người, dù sướng, dù khổ, dù sang, dù hèn, tất cả là nỗi đời riêng mà không ai có thể hiểu được, bắt được và sống cho nhau được!
Nhưng rồi niềm tuyệt vọng nào cũng có lối thoát vì “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Dù đường có xa, nắng chiều có quạnh quẽ, nhưng chắc chắn là “Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”
Điệu nhạc đã thật sự đưa nỗi tuyệt vọng bay trong không gian, đi vào lòng tôi và làm trái tim tôi muốn khóc. Và tôi xin phép NS Trịnh Côn Sơn, hãy cho tôi mượn lời ông mà nhắn nhủ tôi “Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.
Nguyễn Kim Tiến
24 tháng 3 năm 2012