Sơn Phước
18.3.2011
Lắng nghe Chuyện tình Hà Nội giữa lòng phố Sài Gòn.
Bất kỳ người lao động nghệ thuật nào khi làm ra một sản phẩm đều mong muốn “đứa con” của mình đến gần được với công chúng, với khán giả của mình. Nếu ai phủ nhận điều trên, thì người đó hoặc là một kẻ bộ tịch, hoặc là có vấn đề. Khi nền kinh tế phát triển, đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, mong muốn đó không chỉ còn gói gọn ở đất nước hình chữ S với dân số trên chín mươi triệu người. Nhưng đi được bao xa và bằng cách nào vẫn đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải thỏa đáng. Dù ít dù nhiều, chúng ta cũng đã xuất khẩu được văn học, điện ảnh, hội họa và ta có quyền tự hào về điều đó. Vậy còn âm nhạc thì sao? Đất nước ta không thiếu giọng hát hay, nhạc sĩ tài năng, phối khí xuất sắc, nhưng ngoài những loại hình dân tộc cổ truyền và các cây đại thụ như Trịnh Công Sơn thì hầu như âm nhạc đương đại vẫn chưa thể gây dấu ấn với thế giới.
Một con đường đầy gian nan và thử thách là đi ngược với các chuẩn mực, mà Đại Lâm Linh là một ví dụ điển hình. Rõ ràng Ngọc Đại không hề làm nhạc cho những ai gọi mình là “thảm họa”, ông khao khát muốn đưa âm nhạc của mình ra xa hơn mà gần nhất là Pháp. Nhưng nếu ngoài nhận còn trong chối, thì âu cũng không phải là cách hay. Một biện pháp khác “có vẻ” thuyết phục hơn là sử dụng ngoại ngữ. Muốn sang Hàn thì hát tiếng Hàn, sang Nhật hát tiếng Nhật, và nếu muốn đi xa hơn (như thị trường Âu, Mỹ), ắt phải dùng tiếng Anh. Cũng chẳng phải hiếm, hai đĩa nhạc sử dụng tiếng Anh gần đây là The Unmake-up (Đoan Trang) và Cock-tail (Hà Anh Tuấn) lại mắc phải những lỗi mà chẳng cần nghe cũng có thể đoán được: phát âm sai. Thêm nữa, nếu bạn đã nghe qua hai đĩa trên thì làm ơn nói cho tôi biết chất Việt nằm ở đâu? Ngoại trừ trên bìa đĩa Đoan Trang có sử dụng hình ảnh chiếc nón lá, còn Hà Anh Tuấn là chú gà trống. Mà gà trống thì đâu phải chỉ có ở Việt Nam, nhỉ?
Xin được lan man một chút, dẫu vấn đề trên có nói cả ngày cũng không hết. Bởi vì tôi nghĩ Trí Minh khi làm đĩa Hanoi Love Stories cũng có một mong muốn là giới thiệu âm nhạc của mình với bạn bè quốc tế nhưng vẫn thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam. Mong muốn đó được thể hiện khá rõ ràng ngay từ tên và concept của album: một đĩa nhạc điện tử về tình yêu, về con người, cuộc sống Hà Nội. Mong muốn đó còn được thể hiện ở cấu trúc đĩa, ban đầu là sự dịch chuyển về mặt thời gian (Hà Nội buổi sáng – Hà Nội buổi trưa), về sau lại càng lan rộng về không gian (Hà Nội – Việt Nam – Thế giới). Cách Trí Minh thể hiện ở đây là hoàn toàn sử dụng âm nhạc. Ngoại trừ 1 track có lời (Một thế giới không biệt ly) và một số track sử dụng vocal làm sample (Âm hưởng Việt Nam, Bay lên mặt trăng Việt Nam), thì tất cả các track còn lại đều được dẫn dắt bằng âm nhạc, hệt như nhạc sỹ Thuận Yến từng viết: tình yêu thì không có lời.
Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng đây cũng chỉ là một đĩa nhạc chill-out bình thường, cũng nhẹ nhàng, thư giãn và dễ nghe như hai đĩa chill-out trước của Nguyệt Ánh mà tôi đã từng được nghe. Điều đáng tiếc là chất giọng của Nguyệt Ánh không có gì đặc sắc nên hai đĩa nhạc của cô cũng khá nhạt nhòa, chỉ ở mức trung bình. Đồng thời, tôi cũng có phần lo ngại rằng một người không Hà Nội (không sinh ra, không trưởng thành, không sinh sống và làm việc tại đây) như tôi sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong việc nắm bắt cái chất Hà Nội của đĩa nhạc này. Thế nhưng, Hanoi Love Stories hoàn toàn đi ngược lại với những suy nghĩ của tôi. Nó không chỉ gói gọn dành cho đối tượng khán giả là người Hà Nội, mà bất kỳ ai cũng đề có thể dễ dàng cảm nhậm được phần tình yêu trong đĩa nhạc. Và tôi cũng không ngờ được rằng bên cạnh những phút giây thư giãn thì một đĩa nhạc chill-out lại có thể nặng trĩu suy tư như vậy.
Trước hết phải nhắc đến 3 track hết sức đặc biệt của đĩa nhạc này: Hà Nội buổi sáng, Hà Nội buổi trưa và Chuyện tình Hà Nội.
Mở đầu đĩa nhạc là Hà Nội buổi sáng, với tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Đan Mạch Anders T Andersen xuyên suốt từ đầu đến cuối, như chiếc xích lô dẫn ta dạo quanh một vòng Hồ Gươm. Ở đó, có tiếng chim hót, tiếng người tập thể dục buổi sáng. Âm thanh điện tử được dùng ở mức tối giản, làm nền. Tất cả tạo nên một không gian buổi sáng Hà Nội hết sức yên bình, thanh thản. Tiếng còi xe đặt ở cuối cùng, là dấu hiệu của một ngày mới đang đến, mọi người bắt đầu bước vào công việc của mình, và gợi mở cho những điều thú vị hơn đang chờ đợi ở phía sau.
Ở Hà Nội buổi trưa, keyboard làm chủ đạo, tiếng bass ngẫu hứng từ phút 2:25, len lỏi ở giữa là các âm thanh điện tử nhè nhẹ, dễ chịu. Vẫn là sample đường phố với tiếng còi xe, tiếng nổ máy, nhưng được dùng nhiều hơn một chút ở đoạn đầu và cuối. Việc đưa vào bài hát những tiếng ồn như vậy, không những không làm hỏng bài hát mà lại tạo nhiều cảm giác cho người nghe. Có vẻ như buổi trưa ở Hà Nội cũng không kém dịu dàng so với buổi sáng.
Và cái yên ả, cái thanh bình không kém phần lãng mạn ấy của người Hà Nội dần chuyển sang cái trăn trở, cái nhức nhối của thế giới tình yêu trong Chuyện tình Hà Nội. Giọng của Tùng Dương được chỉnh lại để dùng làm sample bật lên nghe đầy tuyệt vọng và đau đớn. Nhịp keyboard có phần gấp gáp hơn, hòa trộn với những âm thanh điện tử không còn ở mức “thư giãn” mà tạo cảm giác bức bách đến khó thở. Dường như đâu đấy ở góc phố Hà Nội, có một đôi lứa vừa chia tay, một người tình vừa mới ra đi, còn một người ở lại gào thét trong nỗi cô đơn bất tận.
Chỉ như vậy, một không gian Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại đã được tạo dựng rõ ràng qua ba track nhạc: có sự thư thái của buổi sớm mai, có sự thoải mái của giờ nghỉ trưa, và có nỗi đau của tình yêu đôi lứa. Nhịp sống thủ đô không quá tất bật, hối hả mà chầm chậm và yên bình. Nỗi đau vì thế cũng không quá mệt mỏi mà rồi cũng tan nhanh như gió thoảng mây trôi.
Điểm đặt biệt khác của Hanoi Love Stories là các track được thu một cách ngẫu hứng ở nhiều studio khác nhau, nên không trùng lặp. Mỗi track nhạc là một câu chuyện tình yêu, nhưng nếu chỉ làm giống nhau với một công thức từa tựa thì sẽ chẳng còn gì thú vị cả. Trí Minh biết điều đó, nên đã pha trộn thêm vào những bài hát của mình mỗi bài một chút gia vị riêng.
Thư giãn như một đoạn interlude dễ chịu cắt đứt không gian Hà Nội để đưa người nghe ra xa hơn. Tiếp đến là Trống vắng gây ấn tượng bởi tiếng kèn trompet của Trung Đông lồng vào giọng đọc thơ như lời thủ thỉ của Trương Quế Chi, thể hiện tâm trạng khắc khoải của một người đàn bà mòn mỏi vì đợi chờ. Còn Etude thư giãn thì lại ghi dấu với âm thanh điện tử ngập tràn từ đầu đến cuối. Và đặc biệt, một lần nữa vocal của Phạm Thị Huệ được dùng làm sample trong Âm hưởng Việt Nam nhưng huyền ảo và kỳ bí, trong khi những âm thanh điện tử thì biến hóa khôn lường, từng nốt nhạc như đang nhảy múa bên tai người nghe.
Ngoài ra, Hanoi Love Stories còn có hai bản mix mới của hai ca khúc rất quen thuộc là Bèo dạt mây trôi và Fly Me To The Moon. Bèo dạt mây trôi thì tôi nghe cả nghìn lần rồi, Nguyên Lê cũng có một bản mix theo phong cách jazz khá là thư giãn, nhưng khi nghe bản của Trí Minh cảm giác vẫn tươi mới và ngập tràn thú vị. Không gian trở nên hết sức thư thái với tiếng mái chèo khẽ lay động làn nước. Rồi ở phút 0:50, tiếng đàn Tỳ Bà cất lên với giai điệu quen thuộc nghe buồn hơn bao giờ hết. Cảm giác này có phần chủ quan vì tôi là người Việt Nam, mà lời bài hát này thì vốn thuộc nằm lòng rồi. Trong khi đó, Bay lên mặt trăng Việt Nam lại là một không gian hết sức ngẫu hứng với Tùng Dương và jazz. Giọng hát Tùng Dương đầy ma quái giữa tiếng kèn trompet nghe nặng trĩu, có một chút đắng cay, một chút chua xót.
Và cuối cùng, đĩa nhạc khép lại bằng Một thế giới không biệt ly (nếu không kể bonus track) như một lời nhắn nhủ, một khao khát, một ước ao trước lúc chia tay. Ở đây ta bắt gặp một sự kết hợp giữa Đông – Tây với tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Thanh Trà và tiếng hát của nghệ sĩ Đan Mạch Micheal Moller (cũng là người viết lời ca khúc), một sự giao thoa giữa âm nhạc điện tử và nhạc cụ cổ truyền, là một cái bắt tay của tất cả những người cùng tham gia dự án và cũng là cái bắt tay của tác giả đối với khán giả của mình. Có thể nói, Một thế giới không biệt ly chính là một trong những cái kết viên mãn nhất mà nhiều đĩa nhạc trên thị trường hiện nay còn thiếu sót. Bởi lẽ ước mơ đó, khát khao đó không chỉ của riêng ai, mà chính là mục tiêu chung của toàn thể nhân loại…
Có lẽ cũng đã đến lúc tôi kết thúc bài viết, vì nó cũng khá dài, dù thực ra vẫn có thể nói thêm một chút. Chẳng hạn như việc Trí Minh đưa vào đĩa nhạc điện tử của mình nhiều nhạc cụ dân tộc, vốn là điều dễ hiểu khi anh là con trai của nghệ sĩ đàn dân tộc Thanh Hương, và chị gái Thanh Lam vốn cũng là người rất thích đưa những nét Việt vào các ca khúc của mình. Và cũng có thể than phiền một chút về chuyện bìa đĩa, về khâu phát hành,… này nọ. Nhạc sĩ Trí Minh cần nghĩ lại tại sao một đĩa nhạc đáng nghe như Nửa của Hoàng Anh, dù ít người biết nhưng vẫn được bày bán rộng rãi. Trong khi đĩa nhạc của anh lại khó tìm như thế giữa một nơi được xem là trung tâm kinh tế lớn nhất nước? Trường hợp tương tự là với Lênh đênh nhớ phố của Giang Trang. Đâu phải đĩa nhạc của các anh các chị không đáng nghe?
Và có lẽ, đây cũng chỉ là một lời mời chào, một sự giới thiệu của Trí Minh với những dự án khác phía sau. Chứ không, nếu làm tới nữa, thì có lẽ Hanoi Love Stories đã trở thành một đĩa nhạc có thể làm tan vỡ bất kỳ con tim nào.
…
Nhưng có lẽ cuối cùng, tôi xin được khép lại bài viết bằng lời của ca khúc Một thế giới không biệt ly (A world without goodbye):
The waving hands and the breaking hearts
The silent gestures and lips that part
The closing windows and alluring lights
The train stations and departure flights
That sings their own goodbye
I woke up dreaming in an empty room
With the ghosts of people that had left too soon
The roaring laughter of our fading times
Stranger’s voices we have left behind
That leaves our lives before they leave our minds
Do cities dream behind their crowns of trees?
Do they break their arms; do they scrape their kness?
Do they sense the sadness of the weeks gone by?
Of people leaving with their tears and sighs
While they’re coloring the sky
I’m dreaming of a world without goodbye
Sơn Phước
Theo http://nsphuoc.wordpress.com/2012/03/18/hanoi-love-stories-chuy%e1%bb%87n-tinh-ha-n%e1%bb%99i-tri-minh/