Hoa Sứ Nhà Nàng

Tư Hoàng
14.3.2012

Sau ngày 30.4.1975, hầu như tất cả các bản “nhạc vàng” được sáng tác ở Sài Gòn trước đó đều bị cấm lưu hành. Chỉ duy nhất có một bài hát viết về tình yêu nam nữ được phép lưu hành, đó là bài “Hoa sứ nhà nàng“.

Tác giả của bài hát là một người tật nguyền, xuất thân từ vùng biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang), tên là Hoàng Phương. Sau này Hoàng Phương tiếp tục làm sôi động đời sống âm nhạc miền Nam với dòng nhạc mang tên quê hương anh – “nhạc Gò Công”

Ở Sài Gòn trước ngày giải phóng có nhiều trào lưu âm nhạc: nhạc tiền chiến, nhạc phản chiến, nhạc kích động, nhạc bình dân (còn gọi nhạc “sến”, một dạng của nhạc đồng quê)… Thể loại nào cũng có một vài bài hát tiêu biểu, đặc trưng của nó. “Hoa sứ nhà nàng” là một trong những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc bình dân.


Một “tuyệt tác” cho tuổi mới vào yêu

Vào khoảng năm 1968, có một bản nhạc trữ tình được ra đời, tác giả viết lên một chuyện tình dang dở, và những chuyện chia xa thì thường bao giờ cũng buồn nhưng đẹp đến vô cùng. Bài hát được viết theo thể điệu Bolero, với hợp âm chính bằng cung Rê thứ, lời bài hát rất gần gũi với hầu hết thanh niên nam nữ thời bấy giờ, dễ ca, dễ nhớ.

Những hợp âm của bản nhạc đơn giản mà bất cứ ai biết chơi đàn guitar chút chút cũng có thể ôm đàn chuyển đổi nhịp nhàng.


Bìa đĩa nhạc Hoa sứ nhà nàng.

Bản nhạc như có một sức sống mãnh liệt, nó lan tỏa rất nhanh, từ thị thành đến thôn quê, từ những sinh viên, học sinh đến những thanh niên nam, nữ ở ruộng vườn chân chất đều có thể ca và chơi đàn một cách đam mê, nhuần nhuyễn.

Bài hát nổi tiếng đến nỗi mà thời ấy, những bạn bè, những người yêu mến anh tác giả bài hát – nhạc sĩ Hoàng Phương – gọi anh là Hoa Sứ.

Anh tên là Hoàng, Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943, tại Gò Công.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh là một chú bé khôi ngô, cũng như bao đứa trẻ khác, anh được sự yêu thương của gia đình, được sự trìu mến của bà con, lớn lên anh theo học ở trường Trương Định (nay vẫn là trường Trương Định, thị xã Gò Công).

Như các bậc cha mẹ thương con trên cõi đời này, đấng sinh thành ra anh mong cho cậu con trai Nguyễn Kim Hoàng được thành danh, có một tương lai tươi sáng, được nhiều người biết đến.

Sự kỳ vọng của gia đình đã dần thành sự thật, như một định mệnh buồn, như một lời nguyền…

Người của công chúng như đã có từ trong máu anh, anh say mê nhạc hơn những bài toán, những con số khô khốc, những định lý đã có từ đời nảo đời nào.

Thời ấy, đàn Violon là một thứ cực kỳ xa xỉ, nó dành cho những người chơi nhạc có tầm cỡ, và người nghe tiếng đàn Violon cũng phải có một tâm hồn phiêu diêu, bay bổng..

Một lần của một đêm mùa thu, trên con đường từ trường về nhà của buổi học thêm, anh đã nghe tiếng đàn Violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng hai của ngôi nhà bên cạnh đường, anh đứng lại, tiếng nhạc réo rắc, du dương, khi trầm khi bổng, dưới ánh trăng thu, anh thấy không gian như rộng hơn, đường về nhà như sáng hơn và những bài toán vừa học xong ban nãy cũng bổng bay xa.

Anh dành dụm tiền để mua đàn violon và tự học nhưng tự học violon là một điều không dễ, anh tìm đến với guitar, đàn guitar đa dạng hơn, phong phú hơn, trong những buổi trình diễn trước công chúng, trong những lần cắm trại hay họp mặt bạn bè mà mang cây đàn guitar trễ một bên hông, nó có vẻ như lãng mạn hơn, tình tứ hơn, mang dáng dấp của một gã du ca lãng tử hơn.

Đây là khoảng thời gian mà anh say mê những cung bậc bổng trầm trên cây đàn, anh miệt mài say mê bên lời ca tiếng nhạc. Việc gì đến phải đến, anh rời ghế nhà trường khi vừa học xong chương trình lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ).

Từ đây anh bước vào một thế giới mới, không còn gò bó bởi thời gian khi còn ngồi ở ghế nhà trường, trả lại cho thầy những con số, những công thức.

Anh miệt mài hơn, vừa học đàn vừa sáng tác, sự say mê cộng với khả năng thiên phú sẵn có trong anh, để rồi sau bao tháng ngày bên cung bậc bổng trầm và kết quả mà anh đã đạt, hơn sự mong đợi rất nhiều.

Năm 1968, lúc anh vừa tròn 25 tuổi, nhạc phẩm đầu tay của anh ra đời “Hoa sứ nhà nàng“.

Giọng ca Chế Linh đưa bài hát bay cao

Trước năm 1975, nam ca sĩ hát tân nhạc ở Sài Gòn thì nhiều, nhưng những nghệ sĩ nổi tiếng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Hát nhạc phòng trà có Elvis Phương, Nhật Trường, Thái Châu…, còn những giọng ca thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh, chiếm lĩnh các chương trình đại nhạc hội ở Sài Gòn và các tỉnh, chiếm được cảm tình của đông đảo quần chúng, giới bình dân, thanh niên nam nữ tuổi mới vào yêu thì phải nói đến Duy Khánh, Hùng Cường và… Chế Linh.

Những bài hát mà Chế Linh thể hiện thường nói về quê hương, tình yêu trong thời chiến tranh, và dù không còn ở độ tuổi cắp sách đến trường nhưng hát về lãnh vực thầy cô, bạn hữu dưới mái trường anh cũng rất thành công.

Và có một điều, hầu hết tất cả những ai đã từng nghe qua tiếng hát Chế Linh đều nhìn nhận rằng anh hát nhạc về tình yêu đôi lứa là tuyệt vời hơn cả.

Khi hát về một mối tình mà kết thúc hai người yêu nhau được trọn vẹn bên nhau, ta nghe như chất giọng anh mượt mà, như đắm say, êm đềm và mật ngọt, tất cả như là một trời hạnh phúc.

Cho đến bây giờ, khi có dịp nghe Chế Linh và Thanh Tuyền ca lại, chẳng hạn như bài “Căn Nhà Màu Tím“, thể điệu Bolero, âm giai thứ, nghe sao mà trọn vẹn, yêu nhau và được gần nhau, như một thiên đường trên cõi đời này.

Còn khi anh thể hiện một ca khúc nói lên sự mất mát, chia lìa của tình yêu đôi lứa thì ta nghe như tiếc thương trách móc, chất giọng anh nghe buồn não nuột, xa cách nghìn trùng, …xa nhau là vĩnh biệt, xa nhau là hết rồi.

Cô đơn dưới ánh đèn vàng“, được viết bằng thể điệu slow, âm giai thứ – bản nhạc có cách đây hàng mấy chục năm, cũng mấy chục năm rồi anh đã hát, giờ nghe lại, như mới hôm qua, trong tất cả chúng ta ai không một lần dang dở, nghe như một lời thổn thức, trách móc oán hờn.

Trên thế gian này, tất cả sẽ tàn phai, tình yêu rồi cũng tàn phai. Chế Linh không những hát bằng chất giọng thiên phú của mình, mà cả bằng sự xúc cảm hiện lên nét mặt, nói về nhạc trữ tình thì hầu như anh đều thành công từ thể loại slow, ballade, habanera, boston, rumba, bolero..

Còn cái điệu nhạc gì mà mỗi lần hát trên sân khấu phải có hàng chục người mặc áo chim cò, đầu nhuộm xanh, nhuộm đỏ, nhảy rầm rập thì chưa bao giờ thấy anh hát, anh hát những bài hát nổi tiếng, bất chấp không gian và thời gian, dù ở đâu, ở Việt Nam hay ở nước ngoài, mọi người đều muốn được nghe anh hát.

Cho đến hôm nay, những bài hát mà anh đã từng trình diễn thành công như: “Thành phố buồn” của Lam Phương, “Thói đời” của Trúc Phương, “Thương Hận” của Tú Nhi và Hồ Đình Phương, “Hoa Sứ Nhà Nàng” của Hoàng Phương.. thì chưa có một ca sĩ nào thể hiện được như anh.

Ngoài chất giọng mượt mà thiên phú, ngoài khổ công luyện tập để trở thành một ca sĩ hàng đầu, anh còn là một nhạc sĩ sáng tác có tầm cỡ với nghệ danh là Tú Nhi.

Những sáng tác của anh thường viết về tình yêu đôi lứa, nói về thế thái nhân tình, nói về những băn khoăn của thanh niên trong thời chinh chiến, dĩ nhiên, những ca từ làm sao mà không dính dáng đến thời cuộc.

Những bài hát của anh, hình như lúc nào nghe cũng buồn, càng não lòng hơn khi những bài hát của anh do chính anh thể hiện, nghe như những kỷ niệm từ một cõi nào xa lắc bất chợt hiện về.

Những ai đã bôn ba, khi nắng đã ngả về chiều, đã hết rồi những tháng ngày lăn lộn, bận lòng gì nữa, ngồi lại và nghe vài bài hát của anh: Bài ca kỷ niệm (viết chung với Bằng Giang), Cho anh được về với quê em, Cứ tưởng còn trong tay, Đêm buồn phố thị, Đêm buồn tỉnh lẻ, Đoạn buồn cho tôi, Đoạn cuối tình yêu, Đoạn tái bút, Giận nhau một tuần, Hát cho người tình phụ, Khu phố ngày xưa, Khung trời kỷ niệm, Trong tầm mắt đời, Mùa xuân trông thư em, Mưa buồn tỉnh lẻ, Nếu chúng mình cách trở, Ngày đó xa rồi, Nỗi buồn sa mạc, Nụ cười chua cay, Sao đổi ngôi, Thị trấn về đêm, Thương hận (viết chung với Hồ Đình Phương), Tình khúc đoạn trường, Xin làm người xa lạ, Xin vẫy tay chào, Xin yêu tôi bằng cả tình người

Như đã trình bày ở trên, giọng ca của anh hình như thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh Sài Gòn lúc đó, bản nhạc nào mới phát hành mà được anh hát trên đài phát thanh bữa trước thì y như rằng bữa sau tất cả các sạp bán nhạc ngoài phố bán bản nhạc ấy đắt như tôm tươi.

Và “Hoa Sứ Nhà Nàng” là một minh chứng, dạo ấy, khoảng cuối năm 1973, sau khi nghe Chế Linh trình bày bản nhạc buổi trưa ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau các sạp bán lẻ ngoài đường phố không còn một bản nào.

Hồi đó, rạp hát Quốc Thanh (nằm trên đường Trần Hưng Đạo – Sài Gòn) cứ mỗi sáng và chiều chủ nhật hàng tuần thường có chương trình đại nhạc hội do các bầu sô đứng ra tổ chức, nổi tiếng trong các bầu sô thời đó có Tùng Lâm và Duy Ngọc.

Trong phần tân nhạc của chương trình, thường thì nhà tổ chức chỉ cần mời được hai ca sĩ nam nữ gạo cội hát cặp với nhau ăn ý thì coi như phần tân nhạc đã mỹ mãn. Mà hát cặp với nhau trong chương trình đại nhạc hội ở Sài Gòn lúc đó thì nhiều nhưng thật sự chỉ có Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Thanh Lan – Nhật Trường và một cặp ăn khách nhất, đó là Thanh Tuyền – Chế Linh.

Thường thì đôi song ca sẽ trình bày hai bản nhạc cho mỗi chương trình, bản nhạc nào được trình bày, thì trước cửa rạp, gần chỗ bán vé sẽ có một chồng nhạc để bán cho người hâm mộ, chẳng hạn như hôm đó Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trình bày nhạc phẩm “Túp Lều Lý Tưởng” thì người ta bán “Túp Lều Lý Tưởng”.

Trong một lần (khoảng đầu năm 1974), người viết bài này cùng vài người bạn trong một buổi sáng chủ nhật đẹp trời đã đến rạp Quốc Thanh, hôm ấy cặp song ca gạo cội Thanh Tuyền – Chế Linh hát bản “Hoa sứ nhà nàng”, và đôi song ca có một không hai này thêm một lần nữa đã đưa nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” lên ngất ngưởng trời mây.

Tan hát, tôi dự định sẽ ra cửa mua một bản để chiều nay ôm cây Tây ban cầm, ngồi trước mái hiên căn gác trọ nhìn xuống căn nhà kế bên, trước cửa có cây vú sửa, có một người mỗi buổi chiều thường quét lá dưới tàn cây, tôi đàn “Đêm đêm ngửi mùi hương..”.

Hương hoa vú sữa và người ấy sẽ nhìn lên… Ra cửa, chồng nhạc cao nghệu đã được bán sạch, không còn một bản nào.


Nhạc sĩ Hoàng Phương

Cho đến tận bây giờ, nhạc phẩm “Hoa Sứ Nhà Nàng” đã được rất nhiều ca sĩ trong nước và hải ngoại đơn ca, song ca nhưng có lẽ chưa có ai qua nổi Chế Linh.

Được phép lưu hành sau ngày giải phóng

Trước 30/4/1975, miền Nam có đến hàng ngàn bản nhạc được phổ biến, các tác giả mỗi người đều chọn cho mình một cách viết, viết về tình yêu đôi lứa, viết về những mất mát, những đau thương do cuộc chiến tranh tàn khốc đem đến cho con người, viết về những cảnh nhà tan cửa nát, chết chóc đau thương, cũng có người viết về một ngày mai khi đất nước hết chiến tranh, thanh bình trở lại.

Phải nói là, trước ngày giải phóng, đời sống âm nhạc ở miền Nam cực kỳ phong phú, từ giới bình dân đến trí thức, ai cũng có thể chọn những bản nhạc thích hợp với “gu” của mình.

Giới trí thức thì chọn dòng nhạc slow, boston của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Dương Thiệu Tước… ai thất tình triền miên thì kiếm nhạc của Đỗ Lễ, Vũ Thành An, … giới bình dân thì chọn dòng nhạc bolero, habanera, ballade của các tác giả Hoàng Phương, Trúc Phương, Lam Phương…

Dễ dãi hơn nữa thì tìm nhạc của Vinh Sử, Cô Phượng… còn người nào phản chiến, coi cuộc chiến là sự ô nhục, huynh đệ tương tàn thì tìm các “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn (sau 30/4 Trịnh Công Sơn cũng gặp nhiều rắc rối bởi “ca khúc da vàng” của anh).


Vợ con và nhạc sĩ Hoàng Phương

Ai cũng có thể ca hát, từ đồng quê ruộng rẫy đến thị tứ phố phường, mọi lúc mọi nơi, sáng trưa chiều tối, đám giỗ, đám cưới, đám tang, chỗ nào cũng nghe ca hát, hát có đờn có trống cũng có, vừa đi vừa hát nghêu ngao một mình cũng có…

Và rồi, những bản nhạc ăn vào máu vào thịt của tầng lớp mê ca hát, đùng một cái bị cấm nghe, cấm hát thì hỏi làm sao mà không buồn cho được.

Đây là khoảng thời gian mà nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” lên ngôi “nhạc đế”, bản nhạc dễ học, dễ ca, những lời trong bài hát dễ nhớ – bản nhạc điệu bolero (thập niên 60, 70 – thời cực thịnh của dòng nhạc bolero), âm giai chính, cung rê thứ, tiết tấu của bản nhạc không có gì phức tạp, ai cũng có thể ca.

Hồi đó, trong những đám cưới ở thôn quê, buổi tối thường hay tổ chức văn nghệ, điện chưa có, người ta thắp sáng bằng đèn măng-xông, thanh niên nam nữ kê những cái bàn cho gần lại với nhau.

Rồi rượu trà, rồi ca hát, ngày xưa nghèo, nhạc cụ ngon lành lắm cũng chỉ lèo tèo được hai cây đàn thùng, một tân và một cổ, những bài ca cổ thời mới giải phóng không nhiều lắm, nhưng dầu sao cũng đỡ, cũng có cái mới, cái lạ để mà ca, “Cô gái tưới đậu” , “Chuyến xe Tây Ninh”, “Dòng sông quê em”

Là những bài ca cổ chủ lực của hồi mới giải phóng, các tay chơi cổ còn chơi một số trích đoạn của những tuồng cải lương “Lan và Điệp”, “Đời cô Lựu”… của soạn giả Trần Hữu Trang, đôi khi họ xé rào chơi luôn “Đêm lạnh chùa hoang” hay “Tướng cướp Bạch Hải Đường” cũng không ai nói gì. Nói chung, trào lưu ca cổ sau ngày giải phóng cũng không có gì thay đổi lớn.

Còn về tân nhạc, như đã nói, nhạc cũ thì bị cấm, còn nhạc mới thì lạ lẫm, thanh niên thời ấy chưa tiếp thu được nhiều, phong trào văn nghệ quần chúng tuy có rộng rãi nhưng đó là nhạc hùng, kêu gọi thanh niên xuống đường tranh đấu, kêu gọi toàn dân đứng lên phá tan xích xiềng nô lệ.

Trong tiệc cưới hỏi mà kêu gọi thanh niên xuống đường, kêu gọi toàn dân đứng lên hoài, riết rồi nghe cũng quen, nhạc mới, những bản dễ ca thì không nhiều, như bản “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” hay “Vàm Cỏ Đông“, những bản nhạc này hồi đó thanh niên cũng thuộc lòng để có dịp đem ra trình diễn.

Và nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” là bản “nhạc vàng” sau ngày 30/4 còn sót lại, thanh niên nam nữ tuổi mới vào yêu ai cũng thích, dễ ca, dễ nhớ, ai không thuộc thì nhờ bạn bè chép cho để có mà ca mà hát với bạn bè.

“Hoa sứ nhà nàng” là nhạc phẩm không thể thiếu trong những tiệc vui, trong những lần họp mặt, sau vài tuần rượu “chén đệ chén huynh”, tất cả đám thanh niên đều muốn mình là ca sĩ, “nghệ sĩ” so lại dây đàn, ai đăng ký trước ca trước, người nào đăng ký trễ ca sau, đơn ca, rồi song ca “Đêm đêm ngửi mùi hương …”.

Suốt cả chương trình, thôi thì, ai gõ đũa được thì gõ đũa, ai đánh được muỗng thì…cắccắccắc…cắc cum…cắc cùm…cắc cum..

Đám thanh niên khi đã ngà ngà say, “Hoa sứ nhà nàng” không còn được đơn ca hay song ca nữa, tất cả đều trở thành ca sĩ, mỗi người một chất giọng… Họ nhắm mắt, say sưa luyến láy theo tiếng nhạc của…muỗng đũa và cây đàn ghi ta có từ năm một ngàn chín trăm hồi đó.

Chính cảm ứng từ bản nhạc vàng duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải phóng, tác giả của nó – nhạc sĩ Hoàng Phương – đã tiếp tục sáng tác để cho ra đời dòng nhạc Gò Công nổi đình nổi đám sau đó ít lâu.

Tư Hoàng

Trích từ http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/nguoi-noi-tieng/201203/Ban-nhac-vang-duy-nhat-duoc-luu-hanh-sau-giai-phong-2138311/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây