Nhạc Việt: “Loạn sới” thi hát

Thiên An
15.3.2012

Với sự xuất hiện của cuộc thi Giọng hát Việt mùa đầu tiên, nhạc Việt năm rồng thêm sôi động và có phần “loạn sới” khi khán giả bật TV là lại thấy thi hát.

Cả nước thi hát???

Chưa có năm nào nhạc Việt lại đón nhận nhiều cuộc “thi hát” như năm nay. Bên cạnh một số cuộc thi hát nổi bật như: Việt Nam Idol, Sao Mai Điểm Hẹn, Sao Mai Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Cặp đôi hoàn hảo… thì khó nhớ hết tên của các cuộc thi hiện nay. Có lẽ không “đao to búa lớn” khi nói rằng bây giờ người người nhà nhà đua nhau đi thi hát. Từ cuộc thi dành cho trẻ nhỏ như Đồ Rê Mí cho tới vô vàn cuộc thi dành cho người lớn; từ thi hát tiếng Việt cho đến thi hát tiếng Anh, tiếng Hàn; từ khán giả cho đến nghệ sĩ cũng dành thời gian đi thi hát… Thậm chí như cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent) hay Miss Teen ca hát chiếm phần lớn tiết mục biểu diễn của các thí sinh.


Ngoài những cuộc thi quen thuộc được diễn ra theo định kỳ thì năm nay, nhạc Việt đón thêm hai cuộc thi “tạo sao” nữa, đó là “Hợp ca tranh tài” và “Giọng hát Việt“. Đây là hai cuộc thi giống như Vietnam Idol – đều được mua bản quyền từ nước ngoài.

Bắt đầu từ một chương trình của Friday TV ở Thụy Điển, Clash of the Choirs đã nhanh chóng trở thành một chương trình ăn khách tại Mỹ ngay mùa đầu tiên được phát sóng (2007) trên kênh NBC với sự tham gia của các danh ca: Michael Bolton, Nick Lachey, Patti LaBelle… Đến nay Clash of the Choirs đã có 14 phiên bản trên toàn thế giới. Việt Nam là điểm đến mới nhất của Clash of the Choirs và đây cũng là phiên bản đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á với tên gọi “Hợp ca tranh tài“. Sẽ không có thành phần giám khảo nhưng khi đội này thi thì đội trưởng (ca sĩ) của những đội còn lại sẽ ngồi xem và đưa ra những lời nhận xét, khán giả sẽ toàn quyền quyết định kết quả của sân chơi này.

Còn “Giọng hát Việt” là cuộc thi đã được Việt hóa từ “The voice” – chương trình tìm kiếm những giọng hát xuất sắc (từ phiên bản gốc The voice of Holland– Hà Lan, bắt đầu năm 2010). Năm 2011, Đài truyền hình NBC của Mỹ lần đầu tiên đưa vào sản xuất với tên gọi “The voice” được các đài truyền hình nổi tiếng của 47 quốc gia trên thế giới phát sóng. Hiện “The voice” trở thành một trong số các chương trình truyền hình thực tế uy tín, thu hút lượt người xem đứng vào hàng đầu thế giới. Việt Nam là quốc gia châu Á thứ hai được cấp phép sản xuất “The voice” (sau Hàn Quốc).

Không thể phủ nhận được rằng, các cuộc thi hát trên truyền hình đã góp phần không nhỏ giúp các thí sinh đạt được ước mơ và sự nổi tiếng. Trên thế giới, câu chuyện cổ tích đã xảy ra đối với Susan boyle. Từ một người phụ nữ tuổi băm, xấu xí nhưng chỉ với cuộc thi Britain’s Got Talent, Susan Boyle đã được cả thế giới biết tới. Tỷ lệ thuận với những lời ca ngợi dành cho giọng hát, cuộc sống và hình dáng của Susan Boyle cũng có sự thay đổi chóng mặt. Hay như tại Việt Nam, chỉ sau Vietnam Idol, Uyên Linh từ một cựu sinh viên của Học viện Ngoại giao đã đường đường bước lên các sân khấu chuyên nghiệp trong vai trò ca sĩ.

Không những thế, có thời gian, người ta còn dùng từ diva để gọi cô – điều mà các ca sĩ chuyên nghiệp với hàng chục năm cống hiến không mệt mỏi cũng chưa chắc đã làm được. Hay như trường hợp mới đây nhất là Võ Trọng Phúc. Dù chưa đi hết cuộc thi Vietnam’s Got Talent nhưng từ một thày giáo với kinh nghiệm là những lần đi hát phòng trà bỗng nhiên trở thành một ngôi sao với số lượng fan hâm mộ không thua kém các ca sĩ chuyên nghiệp nào. Các cuộc thi hát dường như đã là một phép màu đối với không ít người.

Scandal – Bạn đồng hành của các cuộc thi hát?

Ông trùm truyền hình thực tế Simon Cowell đã từng khuyến cáo “Một chương trình thực tế hay… không thể thiếu những ung nhọt“. Phải chăng vì thế nên các cuộc thi tại Việt Nam đều không thể thiếu sự hiện hữu của scandal hay nói cách khác scandal là “cứu cánh” cho các cuộc thi hiện nay. Thậm chí có những cuộc thi mỗi tuần một scandal, báo chí phải tốn giấy mực và độc giả trải qua hết tò mò này đến hồi hộp khác.

Đầu tiên là với Vietnam Idol. Có thể nói, trong suốt mấy tháng diễn ra, Vietnam Idol 2010 luôn bị bủa vây bởi các scandal. Ngay trong vòng sơ loại sự hiểu lầm giữa Siu Black mà Sơn Lâm đã xôn xao báo chí. Tiếp đến khi cuộc thi đang diễn ra thì cũng có hàng loạt các scandal như Uyên Linh nói xấu bạn thi, Đăng Khoa tung đoạn băng ghi âm “văng tục, chửi thề” của Đức Anh, việc Đăng Khoa rút lui khỏi cuộc thi có phải là sự xắp xếp khôn khéo của BTC…

Tới khi cuộc thi kết thúc thì scandal vẫn không buông tha Vietnam Idol khi các nghi vấn như Uyên Linh hát nhép Đường Cong, giọng của Uyên Linh thực sự xuất sắc hay cũng thuộc dạng “thường thôi”, Uyên Linh có xứng đáng là diva hay không? Mới đây nhất, cuộc thi Vietnam’s Got Talent cũng dính vào scandal xung quanh trường hợp của thí sinh Quỳnh Anh. Gia đình thí sinh tố cáo BTC Vietnam’s Got Talent đã cố tình dùng những thủ thuật để bóp méo giọng hát cũng như hình ảnh của Quỳnh Anh và gia đình trong mắt công chúng.

Rất khó có thể chỉ ra lý do đích xác cho việc các cuộc thi hát ở Việt Nam vì sao hay xảy ra scandal. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bởi các cuộc thi với phiên bản của nước ngoài khi vào Việt Nam không vượt qua được thử thách về cách biệt văn hóa, dễ dẫn theo những phản ứng dây chuyền không đáng có từ phía khán giả, đôi khi đẩy lên thành cao trào thái quá trong cộng đồng, hoặc cách diễn đạt quá lố (hay do bị “phân vai”) từ phía giám khảo, hay cán cân không công bằng từ phía nhà tổ chức và sản xuất chương trình.

Bên cạnh ấn tượng xấu đẹp về thí sinh thì ở nhiều cuộc thi hát trên sóng truyền hình, khán giả còn phải “ấn tượng” bởi những hành động, lời nói của những thành viên trong Ban giám khảo. Những scandal suốt mấy mùa thi hát vừa rồi của showbiz Việt không chỉ xuất phát từ phía thí sinh mà thành viên Ban giám khảo cũng có “đóng góp” không nhỏ cho những bê bối đó. Không biết những scandal đó là vô tình hay chủ ý mà nhờ vào đây, những cuộc thi này đã gây được chú ý bằng tai tiếng hơn là chất lượng chuyên môn như ban đầu trông đợi. Có lẽ các cuộc thi ở Việt Nam cần phải có chiêu trò, scandal mới tồn tại được?

Tạm khép

Có nhiều ý kiến cho rằng để một ca sĩ nổi tiếng và thành công không nhất thiết phải trải nghiệm và dành được những thứ hạng cao tại các cuộc thi hát. Thực tiễn đã chứng minh điều đó, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh, Đoan Trang, Hồ Ngọc Hà, Quang Dũng … chưa bao giờ tham dự các cuộc thi hát ở tầm quốc gia. Và nếu có đi thi chăng nữa chắc cũng sẽ thất bại như Phương Thanh, Lam Trường đã thất bại tại cuộc thi “Giọng hát Vàng Hà Nội – Asean 1998 hay “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng trước đây chuyên hát “điệp khúc thi trượt” tại nhiều cuộc thi ca hát..

Nhưng những ngôi sao không có duyên với các cuộc thi hát đã thực sự thành công trong sự nghiệp âm nhạc của mình với sự nổi tiếng và tiền bạc. Ngược lại, có những giọng ca từng giành được thứ hạng cao trong nhiều cuộc thi hát, tưởng chừng như đó là bệ phóng để đưa họ đến một tầm cao mới nhưng lại sớm mất hút một cách không thể hiểu nổi.

Thị trường âm nhạc của Việt Nam hiện nay như một miếng bánh nhỏ với rất nhiều người ăn. Và sau mỗi cuộc thi hát kết thúc, số người nhảy vào “xâu xé” để ăn miếng bánh đỏ càng tăng lên theo thời gian. Cuộc thi như một món ăn mới giữa bàn ăn âm nhạc trên màn ảnh cho khán giả. Tuy nhiên món ăn này ngon hay dở thì câu trả lời sẽ có từ thời gian và khán giả. Nhiều cuộc thi hát khi diễn ra đã “lạc đề” khá nhiều so với tiêu chí chấm điểm thí sinh ban đầu đặt ra.

Thiên An

Theo 2Sao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây