Cát Vũ
16.3.2012
Tuổi 16 tột đỉnh danh vọng
Từ khi trở thành đào chánh, trong suốt 13 năm đầu của sự nghiệp, từ năm 15 – 28 tuổi, nghệ sĩ Lệ Thuỷ chỉ gắn bó với công ty Kim Chung của ông Trần Viết Long (thường gọi là bầu Long), lần lượt có mặt trên bốn trong số bảy sân khấu của công ty này.
Đặc biệt, bầu Long lập hẳn đoàn Kim Chung 3 cho chị làm đào chánh, đóng cặp với kép Thanh Hải, người được mệnh danh “đệ nhứt anh hùng lưu diễn miền Tây”. Chính từ sự kết hợp này trong một số vở như Bẽ bàng duyên mới, Sương gió bến tầm dương… mà Lệ Thuỷ lọt vào tầm ngắm của ban tuyển chọn giải Thanh Tâm. Theo thông lệ, diễn viên nào lọt vào tầm ngắm này, đều phải trải qua thử thách cuối cùng là đóng vai chính trong vở tuồng được đánh giá hay nhất trong năm. Năm đó, vở Sương mù trên non cao (tác giả Hà Triều – Hoa Phượng) của cặp Bạch Tuyết – Hùng Cường ở sân khấu Dạ Lý Hương là vở ăn khách nhất. Lệ Thuỷ và Thanh Sang được điều sang diễn thay một đêm trước ban tuyển chọn, và chị trở thành cô đào trẻ nhất trong lịch sử giải Thanh Tâm khi mới bước qua tuổi 16.
Cùng với sự khởi sắc trên sàn diễn, tiếng hát Lệ Thuỷ qua đĩa nhựa cũng nườm nượp xuất hiện ở thị trường, ào ạt trôi về tận miền quê xa xôi hẻo lánh. Trong thời gian này, ông “vua vọng cổ” Viễn Châu, khi sáng tạo loại hình “tân cổ giao duyên” với bài Chàng là ai đã chọn giọng ca Lệ Thuỷ để hát thử nghiệm. Khi chị đóng chung với nghệ sĩ Minh Phụng, đã tạo thành một “cặp bão biển” như lời tán dương của báo chí kịch trường thời ấy: đĩa nào ra cũng chạy, tuồng nào ra cũng thắng, năm nào cũng “đoạt áo vàng” theo kiểu nói vui của ông bầu Long. Tiền hợp đồng mỗi lần ký lại đều tăng.
Tình khán giả muôn nơi
Sau ngày giải phóng, Lệ Thuỷ trở thành linh hồn của đoàn Văn công TP.HCM với những vở mang màu sắc mới được đông đảo khán giả đón nhận như Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại... cũng như sau này ở sân khấu đoàn 2 – 84 với Tô Ánh Nguyệt, Lôi Vũ, Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa...
Được mệnh danh là giọng ca chuông ngân, nhưng chính những vai diễn mới giúp Lệ Thuỷ trở thành một hình ảnh thân thương sâu đậm trong lòng khán giả. Chị tâm sự: “Các vai tôi đóng thường mang vẻ dịu dàng, chịu thương, chịu khổ, ngay những vai giả trai thì màn đầu vui vẻ, màn sau cũng đầy nước mắt nên tôi diễn tự nhiên, không phải “hao mòn” gì mà luôn được bà con thương. Tôi muốn diễn loại vai khác, khán giả cũng không cho”. Có lẽ vì vậy, mấy chục năm trôi qua, chị cứ hát đi hát lại những vai mà khán giả ruột hầu như đã nằm lòng nhưng vẫn muốn được coi lại hoài như Nguyệt (vở Tô Ánh Nguyệt), Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Kim Anh (Đời cô Lựu)…
Cũng như hầu hết các nhân vật “tội nghiệp” của mình, cách sống của Lệ Thuỷ ở ngoài đời cũng mộc mạc, thân tình nên rất được khán giả miền Tây Nam bộ thương quý. Chị kể, một lần về hát ở chợ Cồn, Long Xuyên, có một cụ bà 87 tuổi ôm bó hoa ngồi chờ ngay giữa đường chỉ để được tặng hoa và nói với chị một câu: “Thương Lệ Thuỷ quá!” khiến chị rơi nước mắt. Chị cũng nhớ hoài lần về diễn ở Bến Tre, tới nơi, thấy bà con đông quá, ban tổ chức phải mời mấy chục cụ bà lên sân khấu ngồi. Vãn tuồng, chị ghé chỗ trọ ăn uống tắm rửa nghỉ ngơi rồi mấy tiếng đồng hồ sau mới lên xe trở về thành phố. Vậy mà trên đường đi, chị vẫn còn thấy những cụ già coi hát hồi đêm đang cầm đuốc đi về nhà, tức họ phải lội bộ hơn chục cây số. Chính những tình cảm yêu thương đó đã thôi thúc chị thường xuyên về miền Tây, dù có những chuyến phải đi bằng vỏ lãi vô tận trong miệt thứ, gặp bữa trời mưa giông không hát được phải quay trở ra lúc 3, 4 giờ sáng.
Thuở mới chập chững vào nghề, đi tới đâu, chị cũng có cha mẹ nuôi, bắt đầu từ ông bà nhạc sĩ Mười Của, ông bà bầu Hai Lợi đến soạn giả Ngọc Văn (công ty Kim Chung)… Họ chính là điểm tựa giúp cho một cô bé non nớt như chị lúc đó có thêm niềm tin vào con đường tương lai. Khi thành danh, chị lại được nhiều khán giả trẻ trong nước, ngoài nước, gái có, trai có ái mộ, âu yếm gọi bằng má nuôi. Chị xúc động cho biết: “Họ quý mình, thiệt tình coi như mẹ. Luôn theo dõi, thông báo cho nhau mọi điều về “má Thuỷ”, hễ má cần gì là các con ở khắp nơi hè nhau hỗ trợ hết mình. Đó là phần thưởng lớn lao mà nghiệp hát đã mang lại cho Lệ Thuỷ, không gì sánh nổi”.
Cát Vũ
Ảnh: Đình Trí
“Tính Lệ Thuỷ hiền, dễ chịu, hợp với tính tôi nên trong khi hát có gì sơ sót đều tự động “vớt qua, vớt lại” hỗ trợ nhau. Trong đời đi hát, tôi từng diễn chung với nhiều đào trẻ đẹp, nhưng không hiểu sao khán giả cứ luôn muốn Minh Vương phải hát với Lệ Thuỷ mới chịu. Diễn chung lâu năm nên chúng tôi ráp tuồng rất nhanh, người này cất tiếng ca là người kia biết mình phải làm gì”.
Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết:
“Trong đời thường, Lệ Thuỷ toát lên sự hồn nhiên nhưng khi làm việc, đó là một ngôi sao có trí thông minh ít ai ngờ, kỹ lưỡng trong từng lời ca, từng tình huống. Kim Anh trong Đời cô Lựu là một vai khó, đã có nhiều người đóng, nhưng không ai có thể vô vọng cổ “má ơi má, má vừa kể qua chuyện cũ…” bất ngờ và ấn tượng như Lệ Thuỷ. Thường muốn vô vọng cổ phải có đưa hơi để chuẩn bị, còn muốn xử lý ngay được như Lệ Thuỷ cần có làn hơi đủ mạnh, khó ai làm được. Cô Lựu của tôi nếu không có một bạn diễn ăn ý, bắt được cái tích tắc của mình như Lệ Thuỷ thì khó đạt hiệu quả cao như vậy”.
“Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất”– kỷ lục Guinness Việt Nam 2008. Ảnh: Đình Trí
Theo SGTT