Hương Lan
14.3.2012
Mang một cái tên rất kêu: “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam – nhìn nhận và đánh giá“, song hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội chỉ để lại một dư âm mờ nhạt, cùng nỗi thất vọng cho cử toạ.
Thất vọng không chỉ về số đại biểu quá khiêm tốn, với dăm ba gương mặt quen thuộc vốn tiêu biểu cho dòng phim Nhà nước đặt hàng. Một thập kỷ qua, công chúng yêu điện ảnh chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ về mặt số lượng của dòng phim tư nhân và dòng phim Việt kiều. Ngoài ra, còn có một dòng phim mới, ngay trong giai đoạn manh nha hình thành đã gây chú ý tại các giải thưởng quốc tế: dòng phim tự do. Thế mà, trong buổi hội thảo nhìn lại mười năm phát triển của điện ảnh Việt Nam, người ta không hề thấy một đại diện nào của các dòng phim ngoài Nhà nước. Chưa rõ đó là do ban tổ chức sơ ý hoặc còn nặng tâm lý phân chia Nhà nước — tư nhân, hay do các hãng phim tư nhân thiếu nhiệt tình, nhưng hội thảo đã suýt trở thành buổi phán xét một chiều, nếu nó diễn ra đúng như gợi ý ban đầu của những người điều hành, là đi sâu phân tích những cái được và chưa được của các dòng phim, đặc biệt là dòng phim tư nhân.
Nhưng, rất may, vì gói gọn trong vòng một buổi sáng, hội thảo chỉ có thể lướt nhanh qua vài vấn đề của phim điện ảnh, rồi phải chừa chỗ cho mảng phim tài liệu và phim hoạt hình. Đương nhiên, với khung giờ quá hạn hẹp, đại biểu chỉ có thể đọc nhanh tham luận, phần lớn là khơi lại một vài căn bệnh “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của phim Nhà nước. Vậy nên, phần “hội” xem ra rất nhạt, còn phần “thảo” thậm chí chẳng thấy đâu. Đang trong thời kỳ khó khăn về kinh phí, đang trong thời điểm “năm lẻ nên thu hẹp hoạt động” như chính người đứng đầu hội Điện ảnh Việt Nam đã khẳng định, vậy ban tổ chức bày ra một hội thảo “đầu voi, đuôi chuột” để làm gì?
Thay vì một hội thảo với chủ đề mông lung, cùng những tham luận lan man chẳng đi đến đâu, tại sao lại không có những toạ đàm nhỏ chắc chắn sẽ tiết kiệm kinh phí, với những đại biểu thực sự quan tâm, chỉ đi sâu thảo luận những chủ đề nhỏ, nhưng thiết thực, và đang nóng hổi. Chẳng hạn năm nay, là sự xuất hiện của một dạng phim mới chạy theo “gu” ban giám khảo quốc tế, là sự gia tăng đáng lo ngại của “thảm hoạ phim Việt”, thậm chí, một vài tác phẩm còn đường hoàng tham dự Cánh diều 2011, sau lý giải thiếu thuyết phục của ban tổ chức “Họ là thành viên hội Điện ảnh, họ nhiệt tình, họ có quyền góp mặt”… Chứ, cứ nối dài mãi những hội thảo “có cho xong” thế này thì đừng hỏi vì sao đại biểu ngày một thưa thớt, vì sao không ít người tiếp tục thở dài: thảo nào, điện ảnh Việt Nam mãi cũ kỹ!
Hương Lan
Theo SGTT