Phim Nhà nước ‘chết’ vì đâu?

Ngọc Nhiên
13/03/2012

Đã có một thời, những bộ phim do Nhà nước tài trợ và đặt hàng thống lĩnh các rạp chiếu ở khắp cả nước, tạo nên những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ và sâu rộng. Vậy mà giờ đây, dòng phim này đang đứng trước nguy cơ biến mất.

“Thực tế hiện nay cho thấy, đề tài phim do Nhà nước sản xuất đôi khi khô cứng, vì còn lúng túng giữa nhiệm vụ tuyên truyền với yếu tố thị trường. Trong khi đó, hầu hết phim tư nhân thì giống như một cô gái rất sexy, gợi cảm đi ra đường, vậy nên ai chẳng nhìn, muốn xem”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết.

Phim Nhà nước thoi thóp

Theo đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, khi rất nhiều người phản đối điện ảnh Nhà nước, đề nghị Nhà nước buông điện ảnh ra thì đã có người nói Điện ảnh thì phải có Nhà nước chứ. Vị đạo diễn này còn cho biết, cuối thập kỷ 80, Hãng phim truyện Việt Nam luôn luôn sôi động. 10 phim một năm và đều do Nhà nước tài trợ hoặc đặt hàng và mỗi cuộc tổng kết cuối năm đều như một ngày hội, các nghệ sĩ ra vào, bàn thảo, xem phim, trao đổi kinh nghiệm… rất hay. Vậy mà giờ đây số lượng phim rút xuống còn 1 – 2 phim, thậm chí có năm không có phim nào.

Đạo diễn Vũ Xuân Hưng thì cho rằng, đồng hành với sự suy giảm về số lượng là sự xuống cấp về chất lượng. Trong giai đoạn này, bên cạnh những tác phẩm vẫn giữ được chất lượng tốt, đoạt giải cao tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, thậm chí có phim còn thu hút được đông đảo khán giả đến rạp, thì lại có không ít phim có nội dung khô cứng, cùng với cách thể hiện sơ sài, áp đặt, thiếu sự tinh tế, sinh động và sáng tạo. Không ít phim chỉ sống thoi thóp ở ngoài rạp được vài buổi chiếu, rồi đem đi cất kho.

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, trước tiên phải nói đến sự suy giảm đầu tư của nhà nước đối với dòng phim truyện nhựa. Hàng năm, số tiền đầu tư này chỉ đủ làm 2-3 phim với quy mô nhỏ. Đối với phim có quy mô vừa và lớn, đặc biệt đối với những phim có độ khó như phim lịch sử và phim chiến tranh thì tiền đầu tư của nhà nước thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Điều này không chỉ làm giảm số lượng phim truyện nhựa do Nhà nước đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới cả chất lượng của những bộ phim này. Bên cạnh đó, trong khoản tiền đầu tư của nhà nước, không có tiền quảng bá, tiếp thị cho bộ phim nên những bộ phim này từ giai đoạn chuẩn bị quay, cho đến khi ra rạp đã không tạo được sự quan tâm của khán giả.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng thừa nhận rằng, phim nhà nước ngày càng héo tàn là do thiếu vốn. Cụ thể, Hãng phim truyện Việt Nam trực thuộc Bộ VHTT&DL, đáng lẽ khi Bộ đã trói Hãng vào mình không cho phép xã hội hóa triệt để như các hãng phim tư nhân khác thì phải cấp đủ vốn cho hãng hoạt động. Nhưng đằng này, Nhà nước lại không cấp vốn nhưng vẫn bắt nó phục vụ những định hướng tuyên truyền. Chính nhà nước cũng không mặn mà quảng bá những bộ phim mà nếu đến được với công chúng sẽ nhận được nhiều hưởng ứng.

Muốn “sống” thì phải cổ phần hóa

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, phim tư nhân thắng áp đảo là bởi họ không chỉ có vốn mà còn chịu khó làm công tác PR. Còn điện ảnh nhà nước vừa không có vốn lại vừa lười “chiêu trò”. Ví như cách đây một vài năm, kinh phí cấp cho điện ảnh là khoảng 15 tỷ, chia ra thì cũng chỉ làm được vài phim. Chính vì thế muốn phim nhà nước sống khỏe thì cấp nhiều vốn vào, có thể 100 tỷ mỗi năm thì lập tức phim sẽ lên thôi. Tất cả nằm ở đồng tiền.

“Thực tế sức sáng tác của các anh em trong Hãng phim truyện Việt Nam vẫn còn dồi dào lắm và nhiều hãng phim tư nhân cũng khai thác, sử dụng họ. Vì thế, nếu Hãng phim truyện Việt Nam đủ vốn để sáng tác 10 – 20 phim/năm thì vẫn có người”, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, cho biết.

Ngoài ra, cũng theo các vị đạo diễn này nếu không tin tưởng vào sự cấp vốn hay mặc cảm thì hãy cho các hãng phim nhà nước cổ phần hóa. Bởi nếu không làm gì, để yên như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng sống dở chết dở. Vì trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu không cho các hãng tìm được cơ chế thì chỉ khai thác năng lực của những con người phù hợp với cơ chế đó. Và những người không hợp sẽ dần bị loại thải và các hãng sẽ chết theo. “Nếu để cổ phần hóa thì nhà nước thể hiện định hướng của mình bằng tài trợ, đặt hàng và kiểm duyệt phim. Con đường cổ phần hóa là con đường rộng rãi nhất để cứu phim truyện nhà nước. Nếu không, nó sẽ chết trong sự ấm ức, oan uổng, nhục nhã”, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói.

Ngọc Nhiên

Theo BaoDatViet.vn
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây