“Mút mùa Lệ Thủy”: Tuổi thơ khó nghèo và giọng ca thiên phú

Cát Vũ
12.3.2012

Vào ngày 31.3 tới tại nhà hát Bến Thành, chương trình Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thuỷ diễn ra như liveshow cuối cùng mà chị làm cho riêng mình, bởi sức khoẻ không cho phép chị tiếp tục “hát sống” suốt một thời lượng như vậy trước khán giả nữa. Cuốn hồi ký với tên gọi Nghiệp cầm ca cũng đã được chuẩn bị khá lâu nhưng vẫn còn dang dở. Nhân dịp này, trong một vài kỳ báo ngắn ngủi, Sài Gòn Tiếp Thị xin gửi đến độc giả đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của một nghệ sĩ mà đặc điểm giọng hát đã được dân gian khắc ghi bằng bốn chữ: “mút mùa Lệ Thuỷ“.


NS Lệ Thuỷ nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm (1964). Ảnh: Huỳnh Công Minh


Nghệ sĩ Lệ Thuỷ tên đầy đủ là Dương Thị Lệ Thuỷ, sinh ngày 20.5.1948 tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo, cha làm ruộng mướn, mẹ sống bằng nghề chằm lá. Khi ngôi nhà lá nhỏ bé ven sông của gia đình chẳng may bị thiêu rụi, cô bé Lệ Thuỷ lúc ấy chưa tròn ba tuổi, được mẹ dắt lên Sài Gòn kiếm sống. Người cha vì sợ bị bắt lính nên ở lại quê tá túc nhà bà con.

Bệ đỡ đầu tiên

Lên Sài Gòn, được một người quen thương tình cho ở đậu, ngày ngày Lệ Thuỷ xách ghế theo ngồi phụ mẹ làm bánh tằm, bánh chuối, bánh da lợn đem ra chợ Cầu Cống, Khánh Hội (quận 4) bán. Một thời gian sau, tích cóp được ít tiền, hai mẹ con thuê nhà đón ba cùng đứa em trai kế dưới quê lên. Cuộc sống ổn định dần khi gia đình chị dọn sang ngôi nhà lá mới mua dù nhà chỉ đủ kê cái giường đôi làm chỗ ngủ cho cả gia đình, nâng thêm căn gác nhỏ cho phu bốc vác ăn cơm tháng nghỉ nhờ, còn cơi thêm cái chái làm chỗ cho “chị Hai” Lệ Thuỷ mắc võng ru em. Chị có cả thảy bảy người em, cộng thêm một đứa trẻ má nhận nuôi vú, tất cả đều do một tay “chị Hai”, lúc ấy mới chín, mười tuổi chăm giữ mỗi khi đi học về. Mỗi lần đút cơm, chị hay bồng em ra tận cầu cống, nơi có tiệm sửa radio, thường mở loa to cho cả xóm nghe những bài ca cải lương. Nghe bài nào, chị ca theo thuộc bài nấy, rồi về nằm võng trước nhà hát ru em. Một hôm, anh Tư Long phụ trách ban văn nghệ xóm bên tình cờ đi ngang nghe cô bé có chất giọng hay, bèn hỏi có muốn học hát để tham gia ban văn nghệ của anh không. Lệ Thuỷ gật đầu, anh dẫn cô bé đến giới thiệu với chú Năm Truyền, làm nghề hớt tóc nhưng biết đờn guitar phím lõm. “Thầy” chỉ dạy ban đêm vì ban ngày còn phải hớt tóc, nhưng mới một tuần là cô bé Lệ Thuỷ ca rành nhịp. Từ đó, hễ có đám cưới, thầy cho cô học trò nhỏ đến ca giúp vui, còn cho tiền may áo mới. Khi thấy trò đã rành ca vọng cổ, thầy Năm Truyền giới thiệu với một ông thầy khác tên là Tám Đen, chuyên chơi đờn kìm để được học thêm những bài bản ba Nam, sáu Bắc. Nhờ vậy, Lệ Thuỷ mới có cơ hội tiếp cận những bài bản cải lương bởi gia cảnh của chị khi ấy cơm còn chưa đủ ăn, tiền đâu mà dám học ca.

Và chuyến lưu diễn đầu đời

Hết tiểu học, vì thiếu giấy khai sinh, Lệ Thuỷ đành ở nhà và được người quen giới thiệu vào làm đào con cho đoàn Trâm Vàng của thầy đờn kìm Mười Của. Đoàn thường xuyên lưu diễn miền Trung. Lúc đi phải ngồi dưới sàn xe, tối đến ngủ ở sân khấu, Lệ Thuỷ vừa tủi thân vừa nhớ nhà. Rồi một bữa, ông bầu đưa mấy câu thơ, kêu ngâm trong hậu trường, chị ngâm xong được thưởng 10 đồng, lên xe còn được dành cho một ghế ngồi đàng hoàng ở phía sau. Một bữa khác, chàng kép con của đoàn tự dưng bị bể tiếng không ca được, Lệ Thuỷ được cho ra thế vai và được lãnh lương 15 đồng. Có lương, có suất cơm, lên xe có ghế ngồi… chị đi theo đoàn ba tháng liền. Trước khi trở về nhà, chị ra chợ Phan Rang mua hai xấp vải đen Mỹ A tặng má và nhiều quần áo cho các em. Chị đi với đoàn Trâm Vàng thêm một vòng sáu tháng nữa, tiếng tăm đồn xa, có người đoàn khác đến mời đi hát và các hãng đĩa bắt đầu mời thu. Năm đó, Lệ Thuỷ mới 13 tuổi.

Thật ra, lúc được chú Năm Truyền dắt đi ca tài tử, Lệ Thuỷ đã từng vài lần được hãng đĩa Việt Hải mời thu vai con nít nhưng sau khi gây được tiếng ở đoàn Trâm Vàng, Lệ Thuỷ được hãng ASIA mời thu bài Nấu bánh đêm xuân (tác giả Quy Sắc) ca chung với nghệ sĩ Hữu Phước, đồng nghĩa với việc được nhìn nhận như một cô đào, kèm 900 đồng thù lao (đào chánh đoàn Trâm Vàng lúc đó được trả cátsê 400 đồng). Lần đầu tiên cầm trong tay số tiền lớn của con gái, má chị đem về cho những người bạn nghèo trong xóm mượn ăn tết hết. Rồi đến một ngày, cô đào nhất chẳng may bị té xe, cô đào nhì nhảy lên thay vai, Lệ Thuỷ được đôn lên làm đào nhì. Và vào một ngày đẹp trời, chị được “đại ban” Kim Chung mời ký “công – tra” với số tiền 50.000 đồng. Mẹ chị đem tiền về không biết để đâu trong căn nhà lá 4m2, nhưng rồi gặp lúc một đứa em lâm bệnh nặng phải chữa chạy cũng hết. Sáu tháng sau, chị lên đào chánh, hợp đồng 250.000 đồng khiến mẹ chị “chóng mặt”. Lần này, Lệ Thuỷ không còn băn khoăn về chỗ cất nữa. Chị mua ngay ngôi nhà ba tầng lầu ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), đưa ba má và các em về ở. Năm đó, Lệ Thuỷ tròn 15 tuổi.

Chính chất giọng kim pha thổ đặc biệt, vừa đục vừa trong, được nghệ sĩ Viễn Châu, tác giả bài ca mà Lệ Thuỷ thu đĩa đầu đời tại hãng Việt Hải, phát hiện và đánh giá cao, đã đưa chị đến với sàn diễn cải lương. Mười ba tuổi làm kép con, mười lăm tuổi thành đào hát và rực rỡ ở tuổi mười sáu…

Cát Vũ

Một số danh hiệu, giải thưởng Lệ Thuỷ đã được trao tặng: giải Thanh Tâm (1964, là nữ nghệ sĩ trẻ nhất đoạt giải này sau mười lần tổ chức), giải Kim Khánh (1974), giải A1 hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1980), danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1993), kỷ lục Guinness Việt Nam 2008 cho “Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất” (cùng với nghệ sĩ Minh Vương)…

Các vai diễn tiêu biểu: Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Hạnh (Cây sầu riêng trổ bông); Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt); Kim Anh (Đời cô Lựu); Thiên Kiều (Trắng hoa mai); Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa)…

Theo SGTT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây