Tuấn Thảo
3.2.2012
Ngày 11/03/2012 là đúng ngày giỗ của Claude François. Anh qua đời năm 1978 trong một tai nạn ở nhà riêng tại Paris. Ra đi ở tuổi 39, anh vẫn được xem cho tới giờ là ca sĩ Pháp ăn khách nhất trong những năm 1960 và 1970. Đây là dịp để cho chương trình Góc vườn âm nhạc của đài RFI nhìn lại sự nghiệp của danh ca quá cố.
Cuộc đời của Claude François được báo chí đề cập trở lại nhân dịp ra mắt bộ phim tiểu sử mang tựa đề Cloclo, nguyên là biệt danh của thần tượng nhạc trẻ. Sau hơn một thập niên thai nghén, rốt cuộc thì bộ phim ca nhạc này cũng được hoàn thành. Sở dĩ dự án làm phim nhiều lần bị gác lại, chủ yếu là do những đòi hỏi từ phía gia đình của Claude François, do những ràng buộc liên quan đến vấn đề tác quyền. Cách đây 5 năm, dự án quay phim về cuộc đời của Edith Piaf đã diễn ra suông sẻ vì rất nhiều bài hát của Piaf đã trở thành di sản chung (domaine puclic), tức là bất cứ ai ghi âm cũng được mà không cần phải trả tiền tác quyền.
Bộ phim Cloclo sẽ ra mắt ngày 14/03/2012
Trong trường hợp các bài hát của Claude François, thì có lẽ phải đợi 50 năm sau ngày qua đời của những tác giả đã soạn ra ca khúc. Dù gì đi nữa, bộ phim Cloclo có nhiều triển vọng ăn khách, trước hết vì lượng fan hâm mộ khá đông đảo. Bên cạnh đó, Claude François vẫn là một trong những giọng ca được nhiều thế hệ yêu chuộng. Theo một cuộc thăm dò thực hiện nhân 25 năm ngày giỗ của nam ca sĩ, có ít nhất là 4 bài hát của Claude François (Comme d’habitude – nguyên tác của bài My Way, Alexandrie, Belle belle belle, Le Mal aimé) được xếp vào danh sách 100 ca khúc quen thuộc nhất đối với người Pháp.
Sinh ngày 1 tháng 2 năm 1939 tại Ismailia, Claude François xuất thân từ một gia đình người Pháp sinh sống tại Ai Cập. Thân phụ của anh làm việc cho Cơ quan điều hành giao thông trên kênh đào Suez. Còn mẹ của anh là người gốc Ý, ở nhà lo công việc nội trợ, nhưng thường hay được mời làm gia sư nhờ cái tài chơi piano. Thời còn nhỏ, Claude François không học đàn dương cầm với mẹ mà học đàn vĩ cầm với hai người cậu ruột, vì họ là nghệ sĩ chuyên ghi âm hòa tấu cho các bộ phim câm. Có thể nói là cậu bé thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ phía gia đình bên ngoại nhiều hơn là bên nội.
Vào mùa hè năm 1956, chính quyền Cairo quốc hữu hóa kênh đào Suez. Cũng như các ngoại kiều khác, gia đình của Claude François bị trục xuất khỏi Ai Cập. Cậu thanh niên 17 tuổi theo cha mẹ về miền nam nước Pháp, ban đầu ở Marseille, Monaco, rồi sau đó tại thành phố Nice. Thân phụ của anh suy nhược tinh thần, lâm chứng trầm cảm, để rồi qua đời 5 năm sau do sức khoẻ sa sút. Ông bố buồn rầu vì sắp đến cuối đời mà lại trắng hai tay, nỗi sầu não lại càng lớn hơn vì trong mắt ông, thằng con trai ruột (Claude François) thay vì kiếm một cái nghề thực thụ để làm, lại suốt ngày nuôi mộng đàn hát.
Liên khúc Claude François – France Gall
Thật ra, thì Claude François đã bắt đầu kiếm sống bằng cách làm đủ mọi nghề (chạy bàn, gác dan, nhân viên quầy ngân hàng …). Bên cạnh đó anh còn đi diễn với ban nhạc (dàn hòa tấu của Aimé Barelli) trong các tiệc cưới cuối tuần. Nhưng đồng lương quá ít ỏi để cho anh đỡ bớt được hết các gánh nặng cho gia đình. Mối bất đồng giữa hai cha con ngày càng lớn, ông bố qua đời vì chứng sưng phổi trước khi Claude François thật sự thành danh. Điều đó đã tạo ra một vết gẫy trong tâm hồn, nhưng vết thương thầm kín ấy cũng là động lực mãnh liệt thôi thúc người nghệ sĩ. Bằng mọi cách, Claude François phải thành công.
Khởi đầu sự nghiệp
Cuối năm 1960, sau một thời gian chơi nhạc ở Monte Carlo, Claude François đến Paris lập nghiệp theo lời khuyên của thần tượng điện ảnh Brigitte Bardot và danh ca Sacha Distel. Anh tự bỏ tiền ra ghi âm 4 bài hát để thuyết phục các hãng đĩa ký hợp đồng với mình. Vào năm 1962, anh thu hút sự chú ý của hãng đĩa Philipps. Nhạc phẩm đầu tay chính thức được phát hành là bài Belle belle belle (tựa tiếng Pháp ban đầu là Rien rien rien), chuyển dịch từ ca khúc tiếng Anh Make to Love mà nhóm Everly Brothers đã sáng tác cho Eddie Hodges.
Một cách nhanh chóng, Claude François trở thành hiện tượng của làng nhạc trẻ tại Pháp những năm 1960. Lối biểu diễn khá dũng mãnh, đầy gân cốt, vừa ca hát vừa nhảy nhót của anh rất hợp với cái thời mà phong trào nhạc twist trở nên cực thịnh. Có thể nói là trong vòng 7 năm liền, danh ca tóc vàng liên tục ăn khách với một loạt bài hát. Nhưng répertoire (tủ nhạc) của Claude François trong giai đoạn này hầu hết bao gồm đến 80% ca bài hát Anh Mỹ chuyển dịch, hay được đặt thêm lời Pháp, cho nên giới phê bình luôn xếp anh vào hàng ca sĩ theo thời, chuyên hát nhạc thị trường, chủ yếu là để bán đĩa như một sản phẩm thương mại nhiều hơn là tìm tòi nghệ thuật.
Trong số các bài hát Anh Mỹ chuyển dịch sang tiếng Pháp do Claude François ghi âm, có bài If i had a hammer (Si j’avais un marteau) do Pete Seeger viết cho ca sĩ Trini Lopez, Donna Donna của ban song ca Everly Brothers, Reach out I’ll be there (J’attendrai) của ban nhạc Four Tops, Puff the magic dragon của ban tam ca Peter Paul & Mary, You’ve got a friend (Un jardin dans mon cœur) của Carole King, Massachussets (La plus belle chose du monde) của nhóm Bee Gees, River deep Moutain high (Combien de rivière) của Phil Spector , You keep me hangin’on (Mais c’est différent déjà) của nhóm The Supremes …
Mãi đến năm 1969, Claude François mới bắt đầu ghi âm những ca khúc nguyên tác tiếng Pháp thay vì chuyển dịch. Danh ca tóc vàng ngày càng tự tin hơn, sau khi nhạc phẩm Comme d’habitude, được dịch sang tiếng Anh thành My Way, đi vòng quanh trái đất. Kể từ ba năm trước đó, Claude François đã góp phần thay đổi cục diện của làng giải trí vì anh là ca sĩ Pháp đầu tiên đưa lối biểu diễn theo kiểu Mỹ vào trang phục, vũ đạo cũng như vào lối trình bày trên sân khấu. Kể từ năm 1966 trở đi, người ta luôn nhắc đến Claude François với các diễn viên múa phụ họa gọi là clodettes. Ngoại trừ khi hát một mình các bản ballad trữ tình, với tiết tấu chầm chậm, thì anh lúc nào cũng vừa hát vừa nhảy, dùng vũ đạo thuần thục để chuyển tải ca khúc, để gây ấn tượng ngoạn mục nơi người xem.
Ngoài là ca sĩ chuyên bán đĩa, Claude François còn là một nhà kinh doanh biết nắm bắt thời cơ : anh lập hãng đĩa để nắm lấy toàn quyền chọn lựa, đầu tư sản xuất chương trình truyền hình, cũng như đĩa hát của một số ca sĩ trẻ (Alain Chamfort, Patrick Juvet, Liliane Saint-Pierre). Anh cũng lập ra hai tờ báo chuyên thông tin về giới ca sĩ. Tuy mới ngoài 30 tuổi (1972), nhưng Claude François lại đứng đầu một công ty truyền thông tư nhân tầm cỡ hàng đầu nước Pháp thời bấy giờ.
Đang trên tột đỉnh danh vọng, Claude François lại đột ngột qua đời ở nhà riêng năm anh mới 39 tuổi. Tai nạn điện giật do anh muốn thay đổi bóng đèn trong phòng tắm khiến anh bị đứng tim ngay tại chỗ. Cái chết bất đắc kỳ tử này khiến cho làng nhạc Pháp thương tiếc thẩn thờ, giới hâm mộ chua xót ngẩn ngơ.
Ra đi quá sớm, Claude François đã để lại một gia tài đồ sộ bạc triệu. Lúc sinh tiền, anh đã ghi âm hơn 350 ca khúc (gần 500 bài nếu tính luôn các phiên bản tiếng nước ngoài). Cho tới nay, giọng ca này đã bán hơn 70 triệu album, bao gồm luôn các tập nhạc được phát hành ngay sau ngày anh mất. Còn riêng nhạc phẩm Comme d’habitude, nguyên tác của bài My Way, thì cho tới nay đem về khoảng một triệu euros tiền tác quyền. Căn nhà của Claude François ở vùng ngoại ô Paris, được biến thành viện bảo tàng, nơi mà giới hâm mộ thường xuyên thăm viếng như một chốn hành hương.
Nhìn lại, Claude François có một sự thành công hiếm thấy về mặt kinh doanh nhiều hơn là thành tựu nghệ thuật. Những bài hát quen thuộc nhất của anh không phải là những bản nhạc sâu sắc nhất. Có ý nghĩa hay chăng là một số nhạc phẩm mà qua đó, anh đã gửi gấm nhiều tình cảm riêng tư. Chẳng hạn như trong nhạc phẩm 17 ans (17 tuổi) nói về giai đoạn mà gia đình anh lâm vào bi kịch, mất hết tài sản do bị buộc phải hồi hương. Hoặc là nhạc phẩm Parce que je t’aime mon enfant (Vì cha thương con) mà Elvis Presley ghi âm lại bằng tiếng Anh với tựa đề My Boy.
Tùy theo cách đọc, bài hát có thể là lời nhắn nhủ của Claude François đối với con mình, nhưng cũng có thể là lời vĩnh biệt thương yêu đối với thân phụ của anh. Hoàn cảnh đẩy đưa khiến quan hệ cha con thêm xung khắc, chưa nói hết lời, lại đột ngột ra đi. Người cha khuất bóng không thể nào chứng kiến sự thành công tột bực của thằng con trai cứng đầu ngỗ nghịch thuở nào. Trong tiếng hát của Claude François, nhạc phẩm Vì cha thương con là một cách để ngỏ lời xin tha thứ, tạ từ với người, chuộc tội với đời.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120303-claude-francois