Một vì sao vừa rụng

Neil McKormick
13.2.2012

Khi để tang Whitney Houston, chúng ta không thương tiếc cho sự ra đi của một tài năng, bởi vì tài năng đó đã mất từ lâu rồi.

Chúng ta để tang cho cái quỹ đạo kinh hoàng của danh vọng thời nay đã bao trùm biết bao nhiêu tài năng trẻ tuổi sáng lạn yêu đời và hủy hoại họ, đóng khung họ qua một cái nhìn vật chất phàm tục để làm lộ rõ ra những yếu đuối, lợi dụng cái “tôi” và tốn công vào những nhược điểm của họ.

Vừa là những người ái mộ và phê bình, vừa là những kẻ quan sát và tham dự, chúng ta phải tự hỏi là tại sao cuộc đời của rất nhiều nghệ sĩ tài năng xuất chúng và gắn bó với đời sống lại kết thúc một cách bi thảm.

Ngay cả nếu cái chết của Whitney Houston không dính dáng gì tới những chuyện bê bối làm tiêu tan sự nghiệp của cô – cuộc chiến đấu của cô với ma túy, rượu, quan hệ tình cảm đầy bạo lực và bệnh trầm cảm – thì hình ảnh của cô còn lại đại khái cũng như một kiểu nguyệt thực, một ngôi sao sáng bị chìm khuất trong bóng tối.

Lúc 22 tuổi, khi bắt đầu nổi tiếng khắp thế giới, cô dường như là một làn gió nhẹ tinh khiết với thiên tài, là một cô gái ngọt ngào, dễ mến với nụ cười rực rỡ và một giọng ca tràn đầy triển vọng.

Điều làm cô nhanh chóng trở thành một ngôi sáng sáng là sự tổng hợp kỳ lạ khác thường của một khuôn mặt mới mẻ và giản dị với một tài năng vượt bực.

Cô lớn lên trong âm nhạc, là con gái của một ca sĩ nhạc nhà thờ (Cissy Houston), bà con với một ngôi sao nhạc soul (Dionne Warwick) và là con đỡ đầu của một nhân vật nổi tiếng (Aretha Franklin).

Nhưng cô lại không chảnh.

Cô cái cái rụt rè một cách thanh nhã của một nàng công chúa trong chuyện cổ tích, của một con chiên ngoan đạo hát say mê trong nhà thờ chỉ vì yêu thích ca hát.

Houston thể hiện cái trinh nguyên của tuổi trẻ với một tài năng xuất chúng.

Cô diễn xuất với cái hình ảnh ngây thơ vô tội đó trong phim đầu tay The Bodyguard, cuốn phim về một diva miệng lưỡi sắc sảo bề ngoài, nhưng bộc lộ ra những yếu đuối bên trong khi cô phải lòng một người đàn ông đường hoàng.

Thực tế thì lại buồn hơn và nhiều éo le hơn, cái mối quan hệ tình cảm độc hại với bad boy Bobby Brown làm lộ ra những nứt rạn của hình ảnh của cô trước công chúng.

Chuyện Houston xuống dốc đã được tường thuật nhiều rồi, nhưng không kém phủ phàng khi chứng kiến từ một tâm hồn đẹp đẽ cô biến thành một diva nghiện ma túy, mặt mày ngơ ngác và hốc hác, và tuyên bố ầm ĩ là “crack is wack“.

Cô làm vài phim coi được và vài album nhạc cũng đình đám, nhưng cô là một thiên tài không thành đạt triệt để.

Dù với cuộc đời cô có nhiều sóng gió nhưng cô đã không thật sự có sự biểu hiện trực tiếp cảm xúc và âm nhạc của một tâm hồn vĩ đại thứ thiệt.

Cô rán trở lại sân khấu năm 2009 là một thất vọng, những tháng năm sống buông thả tự hủy hoại đời mình đã ảnh hưởng lên giọng hát của cô.

Live show thì luôn sống động, nhưng những ngày vàng son của mình giọng ca của cô có thể gây ra một trận bão.

Tôi luôn luôn mê những bài ballad mạnh mẽ, và Houston là nữ hoàng của thể điệu này.

Rán nghe cho kĩ những nốt nhạc vĩ đại ở cuối bài I Will Always Love You, và bạn sẽ nghe thấy thêm một vài điều khác nữa. Đại loại một niềm hân hoan, cái cảm giác của thách thức và tự do khi người ca sĩ như bay vào không gian để coi thử giọng ca mình sẽ đem mình đi xa tới đâu.

Đó là một thoát ly ngoạn mục đi vào thiên tài thuần khiết. Và chúng ta nên nhớ về cô như vậy.

Neil McKormick
The Telegraph, London

Nguyễn Sĩ Hạnh, phỏng dịch
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây