Dàn đồng ca của những người lang thang và nghiện hút

Việt Lâm
31/01/2012

(TT&VH) – Strassenchor là một dàn đồng ca gồm những người từng vô gia cư và nghiện ma túy, rượu. Nhưng giờ đây danh tiếng của dàn đồng ca này đã bay khắp nước Đức. Họ vừa có buổi trình diễn “cháy vé” tại thính phòng âm nhạc thanh thế nhất ở thủ đô Berlin, Đức.

Trong buổi diễn này, dàn đồng ca Strassenchor đã trình bày nhạc phẩm Carmina Burana của Carl Orff cùng dàn nhạc Berlin Philharmonic.

Dàn đồng ca Strassenchor được nghệ sĩ dương cầm Stefan Schmidt thành lập năm 2009. Kể từ đó đến nay họ đã trình diễn khắp nước Đức và thường xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia.

Nghệ sĩ dương cầm Stefan Schmidt

Nghệ sĩ dương cầm Stefan Schmidt


Stefan Schmidt – người sáng lập ra dàn đồng ca độc đáo này vừa có cuộc chuyện trò với báo giới:

* Tại sao một nghệ sĩ dương cầm thành công như ông lại quyết định thành lập một dàn đồng ca gồm những người vô gia cư và nghiện ma túy?

– Cách đây 15 năm, tôi mắc bệnh tim nặng và tôi không thể chơi đàn trong nhiều năm. Trong thời gian đó, tôi nghĩ nhiều về cuộc đời mình và đã thay đổi rất nhiều. Sau đó, tôi chuyển tới Berlin và thấy có rất nhiều người sống vất vưởng trên các đường phố, họ chẳng làm gì cả và tôi nghĩ mình sẽ tập hợp những người này thành một dàn đồng ca.

* Các thành viên trong dàn đồng ca có quá khứ như thế nào?

– Ồ, họ có đủ những vấn đề rắc rối. Người thì nghiện rượu và ma túy. Người thì mắc các chứng về tâm lý. Có nhiều người chỉ sống trên đường phố. Nhưng giờ thì tất cả đều đã có nhà ở. Trong dàn đồng ca cũng có những người có công việc ổn định, họ gia nhập nhóm vì thích được hát cùng những người nghiện hay vô gia cư.

* Ông có bất ngờ trước khả năng âm nhạc của họ không?

– Tôi thực sự ngạc nhiên. Dàn hợp ca có 3 thành viên có tài năng âm nhạc đặc biệt và tôi hy vọng mình có thể giúp họ được đào tạo có bài bản.

* Việc tham gia dàn hợp ca này đã giúp làm thay đổi cuộc sống của các thành viên như thế nào?

– Nhiều người đang học hoặc học nghề để tìm kiếm những công việc mới. Dàn đồng ca có nhiều thành viên trẻ và họ đang cố gắng làm lại cuộc sống của mình.

* Bản thân ông đã gặp những thách thức lớn gì khi “cầm lái” dàn đồng ca này?

– Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là giải quyết những rắc rối về chứng nghiện rượu và ma túy của họ. Chúng tôi không cho phép bất cứ thành viên nào sử dụng ma túy và uống rượu trước giờ tập luyện. Ban đầu, nhiều người chỉ ngưng sử dụng các chất kích thích trong khoảng 2 tiếng, nhưng giờ thì họ đã cai được hẳn.

* Ông gặp khó khăn như thế nào khi đặt ra những quy định trong dàn đồng ca của mình?

– Ban đầu, mọi người không hề tuân theo những quy định đó, nhưng giờ thì mọi thành viên trong nhóm luôn giúp đỡ lẫn nhau. Nếu ai đó không tập trung thì nhóm sẽ phản ứng. Nhiều khi tôi thực sự gặp khó khăn khi muốn giữ nhóm trật tự (cười).


Từ những người vô gia cư giờ đây các thành viên trong dàn đồng ca Strassenchor đều đã có nhà ở

* Tình hình tài chính dự án của ông ra sao?

– Rất khó khăn vì chúng tôi không thuộc một tổ chức nào. Chúng tôi phải xin ủng hộ và chi tiêu bằng số tiền thù lao được trả khi tham gia các chương trình hòa nhạc. Số tiền đó giúp chúng tôi tồn tại được.

* Theo ông việc con người ta tiếp xúc với nghệ thuật và âm nhạc quan trọng như thế nào?

– Khi ở trên đường phố, những người này rất đơn độc và họ phải vật lộn để mưu sinh. Khi tham gia dàn đồng ca họ học được cách giao tiếp với người khác. Họ có được những cảm xúc mà khi sống trên các đường phố họ chưa bao giờ có được, nhờ vậy mà họ sống cởi mở hơn. Có những lúc họ bật khóc. Âm nhạc thật kỳ diệu, nó có thể thay đổi rất nhiều thứ. Âm nhạc đưa con người ta xích lại gần nhau hơn.

Việt Lâm (lược dịch)

Theo TTVH
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây