Nguyễn Phương
22.1.2012
Đối với người Việt Nam, ngày Tết thường để lại những kỷ niệm sâu xa trong lòng. Nói đến Tết là nói đến mùa Xuân và mùa Xuân là mùa khởi đầu cho bốn mùa trong năm: mùa Xuân gợi lên những nồng nàn, những tươi xanh ấm áp … cái mùa của bao điều đẹp đẽ nở hoa, mùa Xuân của tin yêu và hy vọng và còn là mùa gợi nhớ đến những phong tục tập quán đã ăn sâu vào truyền thống của người dân Việt.
Nhân dịp đón Xuân Nhâm Thìn 2012, soạn giả Nguyễn Phương đưa chúng ta đến với vẻ đẹp của mùa Xuân qua những cung đàn giọng ca tân cổ giao duyên của các nghệ sĩ cổ nhạc và tân nhạc nhiều thế hệ.
“Ngày đầu xuân ở Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, mỗi gốc phố, chợ búa, mỗi thôn xóm, mỗi gia đình, từng mỗi con người, tùy theo tuổi tác và nghề nghiệp, theo khả năng và hoàn cảnh riêng của mình, tất cả đều nô nức chuẫn bị đón những ngày tươi đẹp nhứt trong năm.
Trời vào Xuân ở Việt Nam thì không khí se lạnh, cây thay lá, hoa trổ bông, mọi người đều hân hoan chưng dọn, mua sắm và vui chơi trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Người ta đi chùa lễ bái, xin xăm, người có đạo Công giáo cũng đi lễ ở nhà thờ, nói chung ai theo đạo giáo nào cũng đều thành tâm cúng kiếng hay hành lễ theo đạo giáo đó. Người ta đi thăm viếng nhau và chúc Tết cho nhau. Cái không khí ồn ào náo nhiệt và hân hoan được thể hiện ở từng người, từng nhà, từng xóm và dân Việt Nam mình ăn Tết nhiều ngày, như câu hát xưa từng lưu lại: Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè …
Xin mời quí thính giả nghe bài vọng cổ Câu Chuyện Đầu Năm do các nghệ sĩ Chí Tâm, Phi Nhung, Khả Tú ca và xin thả hồn về quê cũ, nhớ những mùa xuân thanh bình xưa, nhớ lại những giây phút vui xuân đầm ấm và hạnh phúc trong gia đình.
Bài ca Câu Chuyện Đầu Năm:
Trên đường đi lễ Xuân đầu năm,
Qua một năm ruột rối tơ tầm,
Năm mới ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo đỏ rượu hồng
Xuân dù thay đổi biết bao lần
Xin khấn nguyện kết chặt tình thân,
Nhìn cành lộc bỗng bâng khuâng
Năm này chắc gặp tình quân …
(Nói lối) Mân mê cành lộc mới trong tay nghe lòng cũng say men mùa Xuân mới. Mai nở trên cành cao hoa đào cười trong gió hồn lâng lâng rộng mở đón xuân …
(Vọng cổ Câu 1) … Nghe bước Xuân đi nhè nhẹ trong lòng , Sương khói nào vương trong nắng mới, hay chút Đông buồn còn quyến luyến bước chân. Cánh mai vàng hé nhụy mừng xuân mới, bỗng nghe động trong lòng giọt lệ cũ mùa Đông. Bỗng chợt nghe lẫn lộn nỗi buồn vui, thoáng bâng khuâng nào vương trong hồn rộn rã ….
Chí Tâm : Dạ, chào hai cô!
Phi Nhung : Dạ, chào anh !
Chí Tâm : Hai cô đi dự hội Xuân đó hả.
Phi Nhung : Cái anh này hỏi chuyện huề vốn không hà. Tới đây không đi dự hội Xuân chờ đi đâu.
Chí Tâm : Hỡi người bạn chưa quen, ngày đầu Xuân đi lễ, hai cô có thấy chăng nắng Xuân đang trải lụa đón từng bước xuân hồng… Hai cô có nghe nhiều mơ ước ở trong lòng…Khi nhẹ tay hái cành lộc mới, mà má ửng hồng, mà đôi mắt xa xăm, chắc đến Xuân này mà hai cô vẫn còn cô đơn, cho nên mới lên chùa thì thầm khấn nguyện. Lá xăm đầu năm, chắc Đức Thánh ngày có dạy, nội năm này sẽ gặp tình quân….
Thưa quý thính giả, tập tục Tết Việt Nam thật là hay, năm cũ dù có nhiều bê bối khó khăn, nhưng năm mới thì nhứt định có nhiều ước vọng chờ mong, may nhiều, rủi ít, an khang thịnh vượng và với pháo đỏ rượu nồng, mọi người cùng nhau đón thêm mùa Xuân.
Câu chuyện đầu năm có nhắc đến các cô gái đi chùa lễ phật xin xăm, trong lòng các cô chắc là cũng thầm ước mong sang năm mới sẽ có được duyên thắm tình nồng.
Việt Nam mình cũng có một tập tục rất hay là các bậc cha mẹ thường dựng vợ gả chồng cho con trong các dịp Tết. Đám cưới trước Tết là một đề tài hấp dẫn của các nhạc sĩ tân cổ nhạc, vì đó là dịp cho nhạc sĩ và ca sĩ hốt bạc khi đi ca đám cưới. Tuy nhiên việc gả cưới trong dịp Tết cũng là một nỗi khổ của dân nghèo, khi họ không đủ tiền mua sắm trong dịp Tết, mà lại phải đi vay mượn một số tiền để làm quà tặng cho cô dâu, chú rể khi họ được mời đi dự tiệc cưới.
Bài tân cổ Rượu Cưới Ngày Xuân (nghệ sĩ Kim Tử Long trình bày)
(Ca nhạc rap )
Tết quê mình năm nay quá chịu chơi,
Tiếng nổ vang hai đám cưới qua mời
Thì khăn đống, áo dài, đi nhậu ké
Mừng đàn gái đầu Xuân thêm chú rể
Bên gia đình chàng trai có cô dâu
Hai ông bà hạnh phúc thích như nhau,
Hai trẻ đẹp đôi thì cô chú cũng đẹp lòng.
Chén rượu này tôi chúc cho đàn trai
Chén thứ hai tôi chúc cho đàn bà
Nè đàn trai, tôi mời anh một chén
Mời Đàn gái cụng ly, ta góp đẹp
Thêm ly này tôi chúc cháu Tân Lang
Thêm ly này tôi chúc gái Giai Nhân
Chúc hết làng ta đều ăn Tết rần rần …
Nói lối : … Anh Hai ôi! Cứ mỗi lần Tét nhứt đến nơi thì tôi lại nhận được ba bốn cái thiệp mời ăn đám cưới – Mới đi cho đám cưới của con gái anh Tư rồi lại tới con trai của vợ chồng chị Bảy, rồi tới con trai của anh chị Thảo Nguyên nơi xứ lạnh….
Vọng cổ : …. tình nồng …xin anh nghe tôi nói mà thông cảm cho bạn mình … hễ mỗi lần tôi thấy cái thiệp ai mời ăn đám cưới thì trời ơi lần đó mổ hôi mồ kê nó tuôn ra ào ào vậy đó anh Hai ôi. ( SL ) Anh nghĩ coi trong xã mình suốt tháng quanh năm tôi chỉ biết đổi bát cơm bằng công sức của mình, làm việc nhọc nhằn mà tiền công chẳng có bao nhiêu nên làm được bữa nào là tôi xào tiêu bữa nấy.
Vọng cổ : Tôi nhớ có câu thơ vầy: “ Có tới có hơn, hơn tới có. Không đi không phải, phải đi không “mà tôi ái ngại trong lòng, … Nếu như mình không đi thì còn đâu là tình nghĩa láng giềng … Chỗ làng xóm với nhau, bà con mời thì phải tới, ngặc vì tiền hõng có, hõng lẽ tới đó ăn no bụng rồi về coi sao được phải vậy hông anh Hai . ( SL) Bởi vậy đêm hôm rồi tôi nằm trằn trọc không yên, ngồi hút thuốc tới khi trời sang trắng, thôi thì lác qua đó rồi tùy cơ ứng biến, giữa tiệc đông người đừng để bị cười chê.
Nhạc : Một… Hai… Ba… Vô !
Xin mời cô bác ta cùng giải khát,
Xin uống mừng xuân sang,
Quê mình sang trang,
Xin đừng sợ tốn… Cho tôi nhậu tràn… Vô… vô .. vô!
Cô nào ở góa… Anh nào ở vá…
Năm mới làm ăn ra… Tôi thề xông pha…
Qua nhà mai mối…Cho ấm êm tình già … Vô! Vô!,… Vô!
Trước khi tới đám tân hôn tôi chạy qua nhà thằng Tư Hú mượn cái áo mặc vô cho tươm tất, chạy qua chú Hai Mẹo mượn đôi giày mới rồi mượn cậu Năm cái nón để…
Vọng cổ : … che đầu … Tôi mượn tùm lum làm cả xóm phát rầu… Đâu đó xong xuôi, nhắm tới nhắm lui coi bộ cũng hơi được được, tôi bèn lên đường qua xã Trà Biên. ( SL ) Trời đất quỷ thần ơi, đôi giày nó chật như nêm, mới đi có một khoảng đường gót lột da đau gần chết nhưng tôi cũng ráng bậm môi đi riết kẻo bà con cô bác họ đang chờ.
Vọng cổ :
Uống đi nào, ly tôi hết rồi đây
Đám cưới vui ai đâu có la rầy
Nè ! Anh Tám nhìn chi chị Sáu,
Cụng ly với bà Suôi đi cái đã
Xuân năm này anh đám cưới cho con
Rồi sang năm có bạn già nào cưới tiếp cho vui
Xuân của lòng ta là không có tuổi già!
Chú rể cô dâu tới chào quan khách, tôi lẹ lẹ đưa ra một cái gói lì xì ( SL )
Tôi làm bộ ôm hôn chú rể một cái rồi tôi kề tai nói nhỏ cho nó nghe:” Ê! Này cháu…Có hai vé số trong này, chúc vợ chồng mày thành triệu phú cho vui.
Thưa quý thính giả, vừa rồi quý vị đã thưởng thức giọng ca của nghệ sĩ Kim Tử Long. Kim Tử Long đã diễn tả đúng thực trạng của một số người quá nghèo, nhưng ở trong một cái xã hội mà khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo quá xa như ở Việt Nam, thì những người nghèo không những phải vay mượn tiền bạc, mà còn phải vay mượn cái hình thức khá giả một chút, khi họ buộc phải có mặt nơi những người giàu và kẻ khá giả đang sống.
Ngày Tết ở Việt Nam, dân chúng già trẻ bé lớn đều nô nức chuẫn bị đón những ngày tươi đẹp nhứt trong năm.
Nghệ sĩ cải lương cũng không ngoại lệ, nhưng nghệ sĩ có cách ăn Tết khác người thường. Khi mọi người vui Xuân, chơi Tết thì người nghệ sĩ phải biểu diễn, cống hiến niềm vui cho mọi người. Vậy nên từ ngày 25 tháng chạp âm lịch, sau suất diễn cuối cùng trong năm, bầu gánh hát, soạn giả, nghệ sĩ và công nhân sân khấu tập trung trên sân khấu, trước bàn thờ Tổ nghiệp, làm lễ cúng và đưa ông Tổ về thiên đình, giống như người dân bình thường cúng và đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng chạp. Sau đó là tiệc cuối năm, có ê hề rượu thịt, có đờn ca tài tử để nghệ sĩ vui chơi đón Tết trước. Cuộc vui kéo dài thâu đêm suốt sáng. Ai say thì lăn ra trên sàn diễn mà ngủ, đợi sáng maì người nhà đến đưa về. Từ 25 tháng chạp đến 30 tháng chạp, các đoàn hát đều nghĩ hát để cho nghệ sĩ có thời gian lo cho gia đình, hoặc đi tảo mộ, hoặc về quê thăm viếng bà con.
Đêm 30 Tết, người dân thường cúng rước Ông Bà thì người nghệ sĩ cúng rước ông Tổ nghề hát để rồi trưa ngày mồng 1 Tết, đoàn hát hát khai trương tuồng mới nhân dịp đầu năm mới.
Trước năm 1975, các đoàn hát khai trương những tuồng rất hạp với ý của khán giả như đoàn Thanh Minh Thanh Nga thì có tuồng “Tình Xuân Muôn Tuổi“, đoàn Dạ Lý Hương có vở “Đại Phát Tài“, đoàn Kim Chưởng có vở “Bến Hẹn Chiều Xuân“, đoàn Kim Chung có vở “Suối Mơ Rền Pháo Cưới“, đoàn Minh Tơ có vở “Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả“, trước khi hát tuồng chánh, đoàn Minh Tơ còn hát thêm màn “Lục Quốc Phong Tướng“.
Tuồng hát hát Tết phải: Vui, Hên, Có Hậu, không được có cảnh chết chóc, đổ máu hay chia ly. Tôi còn nhớ ông bầu Long có nhiều đoàn Kim Chung, nên không dễ gì kiếm được nhiều tuồng vui, hên và đoàn tụ như ý của khán giả đi coi hát để bói tuồng, nên khi đoàn Kim Chung 2 hát Tết ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tuồng “Cỗ Xe Độc Mã” của soạn giả Thể Hà Vân phải đổi tựa “Cỗ Xe Song Mã“.
Tuồng hát ngày Tết tránh cảnh đổ máu, chia ly nhưng có một năm, không phải là loại tuồng có chia ly đổ máu mà chính là cả thành Sai gòn và các tỉnh thành khác đã xảy ra cảnh chết chóc chia ly ngay trong những ngày Tết. Đó là cái Tết Mậu Thân máu lửa năm 1968, mà nghệ sĩ Văn Hường nhắc đến trong bài ca vọng cổ hài “Văn Hường Đội Sớ về trời“.
Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn 2012, Nguyễn Phương xin kính chúc quý thính giả một năm An Khang Thịnh Vượng, Gia đình hạnh phúc và một năm mới đầy may mắn.
Nguyễn Phương
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/van-hoa/20120122-ngay-xuan-tan-co-giao-quyen