Vài Nét Về Nhạc Jazz

Vũ Hoàng
2011-12-19

AFP photo  CLB nhạc Jazz ở Cuba.

Chương trình ANCT gửi đến quí thính giả đôi nét về nhạc jazz qua buổi trao đổi kiến thức với nhạc sĩ Đăng Khánh.

Nhạc jazz và blue jazz

Vũ Hoàng: Trước hết Vũ Hoàng cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh rất nhiều đã dành thời gian cho buổi trò chuyện hôm nay về kiến thức nhạc jazz. Câu hỏi đầu tiên xin nhạc sĩ Đăng Khánh có thể chia sẻ những kiến thức tổng quát cũng như quá trình hình thành nhạc jazz được không ạ?


Nhạc sĩ Đăng Khánh: Vâng, xin chào anh Vũ Hoàng và xin chào quí vị thính giả. Nhạc jazz là của người Mỹ, đích thực là của người Mỹ da đen. Nhạc jazz mới bắt đầu khởi phát ở đầu thế kỷ 20 và thánh địa của nhạc jazz là thành phố New Orleans, thuộc tiểu bang Louisiana, sau đó nhạc jazz lan rộng ra các thành phố khác như là Chicago, New York và lan tràn ra khắp nơi trên thế giới. Lúc khởi đầu thì nhạc jazz là một loại khí nhạc chuyên được trình diễn bởi các ban nhạc ở tại các bar rượu hay các phòng trà.

Rồi sau đó jazz dần kết hợp với nhạc blue. Blue là dân ca của nô lệ da đen, rồi các nhạc sĩ jazz, nhạc sĩ blue, kết hợp để trình diễn với nhau, rồi từ đó sinh ra các nhà soạn nhạc và phát triển nhạc jazz thành một thể loại nhạc đặc biệt, độc đáo của người Mỹ trong thế kỷ thứ 20. Những nghệ sĩ nổi tiếng trong jazz đa số là những người nhạc sĩ trình diễn, chẳng hạn như Louis Armstrong, Duke Ellington hay là Charlie Parker, David Smith chẳng hạn … đa số là những thiên tài về nhạc khí.

Vũ Hoàng: Vũ Hoàng vừa nghe nhạc sĩ Đăng Khánh nói là nhạc jazz và nhạc blue jazz thì không hiểu là giữa 2 thể loại này sự giống và khác nhau như thế nào thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Blue với jazz hay đi với nhau, nên người ta hay nói là blue jazz. Tuy là hai nhưng cũng là một, và tuy là một nhưng lại là hai. Vì nhạc blue là dân ca của người nô lệ da đen sinh sản ra trước, nghĩa là cuối thế kỷ 19 thì có dân ca của người da đen rồi, còn nhạc jazz thì sau đó một vài chục năm nữa, lúc đầu thế kỷ 20 mới phát sinh ra nhạc jazz. Không có blue thì không được bởi vì blue là một trong vài nhân tố chính yếu để tạo thành nhạc jazz.

Blue là dân ca của người da đen, khi họ bị bắt từ Phi Châu về làm nô lệ thì họ không được mang theo một dụng cụ âm nhạc nào cả đâu, nhưng bằng ngôn ngữ và nhịp điệu phức tạp mang theo trong dòng máu của người Tây Phi Châu thì họ đã hát lên những nỗi thống khổ của thân phận người nô lệ, từ đó phát sinh ra giai điệu của nhạc blue. Vì thế giai điệu của blue mang những nỗi buồn vô cùng tận và sau này khi các nghệ sĩ jazz kết hợp với nghệ sĩ hát blue thì tạo ra jazz với blue đi với nhau.

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Đăng Khánh, Vũ Hoàng có một câu hỏi là khi một bản nhạc thì làm sao nhận ra đấy là một bản nhạc mang hơi hướng jazz ở trong đó ạ?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Nhạc jazz khác hẳn so với các loại nhạc khác bởi vì cần phải có 2 yếu tố căn bản là nhịp chỏi và ngẫu hứng. Nhịp chỏi nghĩa là khi hát hoặc đánh đàn người ta nhấn mạnh vào một phách yếu chứ không phải đầu nhịp vì vậy nó gây ra cảm giác ngất nga ngất ngư, hụt hẫng, nên người ta gọi là swing. Vì thế nếu mình ngồi ở chỗ người ta chơi nhạc jazz thì người mình không yên được, lắc la lắc lư, chân tay không yên được.

Blue với jazz hay đi với nhau, nên người ta hay nói là blue jazz. Tuy là hai nhưng cũng là một, và tuy là một nhưng lại là hai.
Nhạc sĩ Đăng Khánh

Tính chất thứ hai là ngẫu hứng, nghĩa là khi người ta trình diễn hát một bài, ca sĩ hay nhạc sĩ hát lần này đến chỗ đó người ta ngẫu hững, tự làm ra một đoạn nhạc ở trong đó, không dính líu gì đến bài nhạc, không giống như bài nhạc đã được viết sẵn khi đang hát. Vậy đến tuần sau, khi nghe bài đó hát, cũng nghe bài đó đánh nhạc bởi người nhạc sĩ đó mà mình lại thấy một đoạn nhạc khác lạ hẳn.

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Đăng Khánh. Trước hết để mời thính giả đến với một trong những bản nhạc jazz thì không biết nhạc sĩ Đăng Khánh muốn giới thiệu đến thính giả bản nhạc jazz nào ngày hôm nay ạ?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Tôi xin đề nghị nhạc sĩ Frank của Mỹ, mặc dù ông là người da trắng nhưng ông hát rất là hay, thì xin đề nghị nghe Frank Sinatra hát bài tiêu biểu, gọi là Jazz Standard, tức là bài My Way.

Cách hát swing

Một CLB nhạc Jazz ở Hà Nội. RFA photo

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Đăng Khánh, một trong những phong cách mới của nghệ sĩ Việt Nam bây giờ là thấy họ hay trình diễn nhạc jazz, thì không biết nhạc sĩ Đăng Khánh có một nhận xét tổng quát về phong cách nhạc jazz của các ca sĩ bây giờ không ạ?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Như anh Vũ Hoàng nhận xét, đó là gần đây các ca sĩ Việt Nam của mình muốn thay đổi không khí trình diễn, thay đổi cách hát cho nên mới đổi ra cách hát gọi là cách hát swing và họ gọi là phong cách jazz. Thì thật ra là các quí vị nghệ sĩ đó hát bài nhạc ballad hay slow đó theo điệu swing, theo điệu của nhạc jazz.

Muốn như vậy, phải có khả năng đổi cả nhịp điệu và tiết tấu của nhạc để tạo ra nhịp chỏi, để người nghe có cảm giác đang swinging, nhất là ban nhạc phải đánh được điệu swing và có những chữ khi hát phải bẻ cong đi nửa nốt, để tạo ra những blue nốt thì khi đó sẽ nghe ra được blue jazz. Trong các nghệ sĩ Việt Nam mà tôi được nghe và gặp gỡ thì có 2 người mà tôi rất thích đó là ca sĩ Tuấn Ngọc và Trần Thu Hà.

Vũ Hoàng: Không biết hôm nay nhạc sĩ Đăng Khánh có chuẩn bị bài hát nào của ca sĩ Tuấn Ngọc để giới thiệu đến cho thính giả không ạ?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Vâng, tôi rất thích thú để giới thiệu đến quí vị trong những buổi nhạc thính phòng chúng tôi thường tổ chức ở đây, thì một lần ca sĩ Tuấn Ngọc đề nghị hát bài Nỗi Lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh. Bài “Nỗi Lòng” thì thực sự từ mấy chục năm nay người ta hát như một bài ballad, nhưng bây giờ xin đổi đi để hát swing vì anh Tuấn Ngọc hát swing rất hay. Muốn được như vậy, nhạc sĩ Hoàng Công Luận trong đêm hôm đó đã phải viết lại hoà âm, để cho nó có tiết tấu của jazz, tôi xin gửi đến quí vị bài Nỗi Lòng do Tuấn Ngọc hát trong đêm nhạc Tình Ca Muôn Thuở – Nhạc Thính phòng mà chúng tôi tổ chức ở Houston này.

Vũ Hoàng: Vâng, quí thính giả vừa nghe xong phần trích đoạn trong bài Nỗi Lòng do ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày. Trước khi chia tay với nhạc sĩ Đăng Khánh hôm nay, thì Vũ Hoàng xin hỏi ông một câu cuối là ông có nhận xét về nhạc jazz trước khi nói lời chia tay với thính giả đài Á Châu Tự Do không ạ?

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Dạ vâng, thưa quí vị, riêng nhạc jazz với non 100 năm phát triển, vẫn còn mới mẻ và trẻ trung lắm, nhạc jazz có những hoà âm rất đặc biệt, rất nhiều màu sắc và nhịp điệu rất là phức tạp của nhạc jazz, jazz và blue có xâm lấn vào hầu hết các loại nhạc khác từ country cho đến rock roll, pop và xâm lấn cả vào nhạc cổ điển tây phương nữa, thì điều đó rất là thú vị.

Gần đây các ca sĩ Việt Nam của mình muốn thay đổi không khí trình diễn, thay đổi cách hát cho nên mới đổi ra cách hát gọi là cách hát swing và họ gọi là phong cách jazz.
Nhạc sĩ Đăng Khánh

Thì tất nhiên cũng như mọi thứ trên cuộc đời này, mỗi một cá nhân hay một dân tộc đều có những nét đặc thù riêng của họ, cho nên nhạc jazz có hay hay không hay, có thích hay không thích đối với mỗi một cá nhân là tuỳ theo sở thích của mỗi người và tuỳ theo văn hoá thưởng ngoạn của người đó. Nhân dịp này tôi cũng xin phép anh Vũ Hoàng và quí vị thính giả để giới thiệu đến quí vị một tác phẩm mới nhất của nhạc sĩ Đăng Khánh đó là bài Biển Vắng, đó là khi tôi viết, tôi đã dùng blue scale, cũng như nhịp điệu có chỏi để tạo ra không khí nhạc blue jazz của bài Biển Vắng.

Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh, Vũ Hoàng cũng hi vọng là trong năm mới sắp tới, chương trình ANCT có dịp trò chuyện cùng nhạc sĩ Đăng Khánh, để thính giả có cơ hội thưởng thức bài Biển Vắng. Vũ Hoàng một lần nữa cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh rất nhiều.

Nhạc sĩ Đăng Khánh: Xin cám ơn anh Vũ Hoàng, và xin cám ơn quí vị thính giả.

Vũ Hoàng: Trước khi chia tay, mời quí thính giả nghe lại một lần nữa bản Vết Lăn Trầm qua tiếng hát Trần Thu Hà. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tuần sau.

Nguồn http://www.rfa.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây