Kim Chung: “Khéo đánh, nhạc nhẹ Việt không thua cổ điển”

Phạm Vi
2.12.2011

Miệt mài làm việc để cứ khoảng hai năm một lần, nghệ sĩ guitar cổ điển Kim Chung lại ra mắt một album độc tấu và thực hiện liveshow. Lần này là một bất ngờ khi Kim Chung Guitar Recital sẽ là một đêm liveshow đặc biệt khi chị trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng và lần đầu tiên “gảy” những ca khúc Việt Nam trước công chúng.

Là một nghệ sĩ guitar chuyên trình diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển, hàn lâm trên thế giới, thế nhưng liveshow lần này của chị lại có các ca khúc Việt. Vì sao có sự thay đổi này?

Trong ba album guitar đã trình làng thì album thứ hai, Giấc mộng vườn hoa, bên cạnh Canon in D major của Pachelbel, hai bản Ave Maria của Bach/Gounod và Schubert, Concerto in D major của Vivaldi, Waltz n.7 của Chopin… Kim Chung thể hiện một bản nhạc Việt duy nhất là Hoài cảm, chỉ vì muốn mở ra một khoảnh khắc của sự đổi thay, đưa người nghe vào một không gian thân thuộc hơn. Kim Chung đã chọn cách chơi reo dây để thấy rằng nhạc nhẹ Việt Nam nếu khéo đánh thì không thua gì nhạc cổ điển. Và bất ngờ nhất là trong số ba album thì album có bài Hoài cảm lại bán chạy nhất. Sau đó, rất nhiều lá thư đã gửi đến nhà riêng, Nhạc viện – nơi Chung đang giảng dạy – đề nghị có một chương trình biểu diễn các ca khúc Việt Nam. Và để chiều lòng khán giả, liveshow lần này, bên cạnh sáu tác phẩm kinh điển của Tây Ban Nha, Ý, Kim Chung sẽ trình diễn các nhạc phẩm của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Ngô Thuỵ Miên trong tiếng guitar có reo dây. Chương trình sẽ được trình diễn cùng với các nghệ sĩ trong dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM do nhạc trưởng Trần Vương Thạch chỉ huy.

Có vẻ Kim Chung hơi chiều lòng khán giả của mình bởi suốt nhiều năm qua, chị kiên trì theo đuổi con đường nhạc cổ điển, không chơi nhạc thể loại khác?

Kim Chung bền bỉ với cổ điển đấy chứ. Chỉ có điều, gần đây, quá nhiều thư từ và email của khán thính giả khắp nơi gửi về yêu cầu, mình thương yêu khán giả thì trình diễn thêm nhạc Việt. Làm sao Kim Chung có thể phụ lòng những khán giả ở nhiều vùng quê sâu xa, hẻo lánh ở miền Trung, ở trên khắp đất nước, gửi thư về cho mình xin các bản nhạc như Hoài cảm do Chung chuyển soạn lại để dựa vào đó mà tập luyện. Những người yêu guitar nơi quê nghèo, chỉ có chiếc guitar làm bạn đã mong ngóng Chung hãy chơi thêm nhiều ca khúc Việt Nam nữa… Tình cảm đó của thính giả, làm sao Chung trả cho hết…

Các nghệ sĩ hàn lâm Việt Nam vẫn e ngại phát hành sản phẩm âm nhạc ra công chúng vì sợ không bán được. Vậy mà chị vẫn miệt mài làm album, làm liveshow, chị không quan tâm đến lợi nhuận sao?

Nếu cứ ngồi lo lắng không có khán giả, không có công chúng thì sẽ không bao giờ làm được gì. Nói thực tình là suốt nhiều năm qua, dành dụm được đồng nào thì Chung dồn cho việc làm album, làm show liền. Chung không giỏi xin tài trợ, lại chẳng muốn ai can thiệp vào chương trình của mình nên có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Kệ, tới đâu hay tới đó, miễn làm được những điều mình thích. Khi làm album, Chung cũng chẳng quan tâm mình sẽ bán được mấy ngàn đĩa, chỉ cần khán giả đừng bỏ mình là quý rồi. Có thời gian, Chung đầu tư cho một công ty sản xuất nến mong kiếm chút tiền đầu tư cho âm nhạc, cũng có lợi nhuận lắm nhưng Chung bỏ rồi. Kinh doanh nhiều tiền nhưng mệt mỏi, đầu óc chẳng thanh thản để đàn, vậy thì nhiều tiền cũng vô nghĩa.

Việc giảng dạy ở Nhạc viện có đem lại cho chị cảm hứng mỗi ngày?

Mỗi ngày trôi qua của Kim Chung rất hạnh phúc. Các sinh viên ở Nhạc viện và Chung cùng trải qua việc luyện tập mỗi ngày. Tại nhà, Chung cũng có học trò, từ em bé bảy tuổi đến cụ già 75 tuổi. Nhiều người lúc trẻ mê guitar mà không có điều kiện theo học, đến 40, 50 tuổi mới bắt đầu là chuyện bình thường. Thú vị nhất là một Việt kiều Mỹ, 75 tuổi mới bắt đầu gảy những nốt đầu tiên trên guitar. Chính đam mê của mọi người đã truyền cho Chung ngọn lửa và tình yêu không bao giờ tắt với guitar.

Phạm Vi

Ảnh: Trọng Đức

Theo SGTT
   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây