Bán album trên… dự án

Việt Phong
29.11.2011

SGTT.VN – Sự xuất hiện của thị trường kinh doanh nhạc chuông – nhạc chờ đầy tiềm năng trong nhiều năm trở lại đây ở Việt Nam, vô hình trung mở ra một xu hướng làm album rất có lợi cho các ca sĩ, đặc biệt là ca sĩ trẻ. Đó là hình thức bán album độc quyền cho các nhà mạng kinh doanh nhạc chuông – nhạc chờ dù album vẫn đang trong giai đoạn sản xuất, để có một số tiền kha khá đầu tư cho sản phẩm trước khi ra lò.

Giảm được áp lực tài chính

Xu hướng ca sĩ bắt tay nhà mạng để làm album manh nha cách đây khoảng hai năm, nhưng phải đến năm 2011 này mới thật sự nở rộ. Thông thường có hai cách: một là nhà mạng bỏ ra trước một khoản góp vốn sản xuất album với ca sĩ; hai là một nhà sản xuất sẽ bỏ ra toàn bộ chi phí đầu tư cho album, sau đó mới làm việc với nhà mạng ở vị trí trung gian. Nhưng cho dù dưới hình thức nào thì phần đông các ca sĩ đều làm việc thông qua một nhà sản xuất, vì có rất nhiều rắc rối trong việc thương thảo hợp đồng mà bản thân ca sĩ khó kham nổi.

Đã hoạt động trong ngành giải trí từ rất lâu, nhưng phải đến đầu năm 2011 công ty Music Box của Thuý Vinh mới triển khai chiến lược hợp tác làm album với ca sĩ và nhà mạng. Đến nay Music Box của Thuý Vinh đã cho phát hành khá nhiều album và đĩa đơn của các ca sĩ – nhạc sĩ trẻ từ Don Nguyễn cho đến Khởi My, Nam Cường, Việt My, The Men, Khổng Tú Quỳnh, Maya… Gần đây nhất, album Nguyễn (kết hợp giọng hát bốn nhạc sĩ trẻ hát ca khúc chính mình sáng tác) vừa phát hành đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan… Không chỉ Music Box mới thử nghiệm với “mảnh đất béo bở” trên mà ngay cả ca sĩ Đăng Khôi với công ty Việt Giải Trí của mình cũng đang hoạt động rất sôi nổi, đã trình làng nhiều album theo hình thức trên với các ca sĩ – nhạc sĩ Đông Nhi, Nguyễn Văn Chung, Bảo Thy…

Trước giờ, khi làm album, ca sĩ phải bỏ tiền từ A-Z để đầu tư, rồi còn chi phí họp báo, PR… ngốn một khoản khổng lồ trong khi tiền thu được từ việc bán đĩa như “muối bỏ bể”, bởi không thể địch nổi thị trường băng đĩa lậu và các web âm nhạc cho tải vô tội vạ. Từ khi hình thức kinh doanh mới này ra đời, ca sĩ trút bớt rủi ro vì được “bao cấp” gần như toàn bộ. Nhiều ca sĩ bây giờ như một nhà kinh doanh chính hiệu khi phác thảo dự án album của mình một cách rõ ràng (từ dòng nhạc cho đến việc hát ca khúc của nhạc sĩ tên tuổi nào, hình ảnh ra sao…) sau đó đi “chào hàng” với nhà sản xuất (hoặc nhà mạng).

Liệu có giảm cả chất lượng?

Với cách đầu tư toàn bộ album cho ca sĩ rồi sau đó bán độc quyền (trung bình là một năm) nhạc chuông – nhạc chờ cho nhà mạng, nhiều nhà sản xuất phải có một nguồn vốn “nằm” rất lớn. Ngoài ra, trước khi hợp tác, nhà sản xuất cũng dành không ít thời gian để tìm hiểu khả năng hấp dẫn nhạc chuông – nhạc chờ của ca sĩ đối với người dùng, từ đó mới quyết định nên làm việc với ai. Với một lượt tải nhạc chuông – nhạc chờ khoảng 3.000 đồng/lượt như hiện nay, tuỳ thoả thuận mà nhà sản xuất sẽ nhận lại được bao nhiêu sau khi nhà mạng trừ mọi chi phí. Công thức của một nhà sản xuất đầu tư album cho ca sĩ rồi bán độc quyền cho nhà mạng được tính theo cách: nếu nhà mạng trả về cho nhà sản xuất 10 đồng thì nhà sản xuất sẽ được 5 đồng, ca sĩ được 3 đồng, còn nhạc sĩ sáng tác được 2 đồng. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, cái khó của thị trường nhạc chuông – nhạc chờ là tác phẩm của ngôi sao chưa chắc bán chạy hơn ca sĩ trẻ mới vào nghề, như trường hợp nhạc chuông – nhạc chờ Vọng cổ teen của ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim thu được trên dưới 1 tỉ đồng. Đó chính là lý do số lượng ca sĩ làm việc với các nhà mạng rất nhiều, nhưng chỉ những ca sĩ tên tuổi mới được họp báo để quảng bá còn phần đông cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ chia lợi nhuận…

Đứng ở góc độ một nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết anh rất thích hướng kinh doanh mới này vì nó giảm áp lực tài chính cho ca sĩ rất nhiều. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ: “Làm album với nhà mạng thì hiệu quả nhạc chuông – nhạc chờ là trên hết. Do đó khi làm album, ca sĩ chỉ chăm chăm sao cho các ca khúc bán được nhạc chuông – nhạc chờ mà đôi khi quên mất giá trị nghệ thuật của ca khúc mà mình muốn mang lại cho công chúng. Do đó với cách hợp tác trên, các ca sĩ phải hết sức tỉnh táo và đủ tài năng để nhận biết giá trị thật trong sản phẩm âm nhạc của mình”. Ngoài ra, không ít ca sĩ may mắn với một hai bài hit đã đẩy giá album của mình lên quá cao (thỉnh thoảng vẫn có nhà mạng nhảy vào ký kết vì cần làm thương hiệu thời gian đầu), khiến mọi thứ được đẩy đi quá xa so với chất lượng album.

Mọi vấn đề luôn có hai mặt của nó, xu hướng ca sĩ bán album độc quyền cho các nhà mạng kinh doanh nhạc chuông – nhạc chờ cũng thế. Song rõ ràng, hình thức kinh doanh mới mẻ này đã mở ra một cánh cửa cho những ca sĩ không giàu có nhưng có giọng hát trời phú thêm cơ hội bước chân vào nghề, đặc biệt với một thị trường đang nhuốm quá nhiều màu sắc của đồng tiền.

Việt Phong

Theo SGTT
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây