Đức Tuấn và Thiên thai – Paradiso

Huy Minh
27.11.2011

Sân khấu đã xuống đèn nhưng khán giả vẫn nán lại chờ đợi vì họ không ngờ chương trình lại kết thúc khá sớm. Sảnh ngoài của Cung văn hóa rất nhiều lần tắt lại bật để khán giả hâm mộ được tận mắt chụp ảnh, lấy chữ kí của ca sĩ,… Đó là những hình ảnh thực tế mà ê kíp liveshow của Đức Tuấn và bản thân chàng ca sĩ phương Nam đã làm được khi lần đầu tiên tự tổ chức được một chương trình hoàng tráng và đầy công phu ở Thủ đô Hà Nộ vào tối qua 26/11.


Mỹ Linh và Đức Tuấn song ca “Music of the night”


Đỉnh cao về âm thanh và hình ảnh

Sân khấu lớn ở Hà Nội không có nhiều. Sân khấu phổ biến để dành thưởng thức âm nhạc đỉnh cao chỉ gói gọn 2 nơi: Nhà hát lớn và Cung văn hóa. Việc lựa chọn địa điểm Cung văn hóa của Đức Tuấn ban đầu dễ khiến người ta băn khoăn vì Nhà hát lớn mới thực sự phù hợp hơn với hình ảnh sang trọng, đẳng cấp mà bấy lâu nay Đức Tuấn tạo dựng và sẽ rất khó khăn để có thể thiết kế một không gian phù hợp tương tác âm nhạc của Đức Tuấn trong Cung văn hóa. Điều này đã được chứng mình là hoàn toàn có thể.

Đây là lần đầu tiên khán giả Hà Nội được tận mắt hòa nhịp với những hình ảnh và âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam. Nói là đầu tiên bởi chưa bao giờ những yếu tố thiết bị về ánh sáng, hình ảnh, âm thanh được đầu tư chuẩn mực và rất kĩ càng như Liveshow Thiên thai. Hầu hết các show diễn được thực hiện tại Cung văn hóa phần lớn tập trung ở dạng bán vé thương mại, ít nhắm vào chất lượng nghệ thuật nhưng lại được nói “vống” lên với những từ ngữ hoa mĩ quá đà.


Thiên thai (Văn Cao) – Ca khúc chủ đề của liveshow

Thủ pháp sử dụng ánh sáng là điểm mạnh của Phạm Hoàng Nam mỗi lần cái tên Đạo diễn này có tên trong ê kíp của mỗi chương trình. Điều này cũng được thấy rõ nét trong các hiệu ứng ánh sáng của Thiên thai – Paradiso. Ánh sáng trắng, ánh sáng màu, vị trí di chuyển, vị trí sân khấu bắt màu, đều có sự tính toán rất cẩn thận cho mỗi bài hát, màu sắc phông nền sân khấu thay đổi linh hoạt nhưng không bị rối mà vẫn vững vàng sự sang trọng mà âm nhạc cổ điển phải có.

Những yếu tố về mặt âm thanh là điều quan trọng nhất trong Thiên thai. Sự băn khoăn về không gian của Cung văn hóa đã được giải tỏa với những tràng pháo tay nhiệt liệt của khán giả đối với Đức Tuấn sau mỗi bài hát. Ngay từ phần I với các ca khúc Việt Nam cho tới phần II, sân khấu được broadway hóa, âm nhạc đều rất chuẩn mực và chỉn chu để không tạo ra những khoảng cách lớn trong cảm nhận của người nghe vì ghép chung 2 mảng âm nhạc lớn này, không có độ vênh trong không gian vốn không thực sự hợp với âm nhạc cổ điển của khán phòng Cung văn hoá.

Kịch bản chặt chẽ – Giọng hát thuyết phục

Ở phần 1 của chương trình, Đức Tuấn lựa chọn các sáng tác của 3 nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy, Văn Cao và Trịnh Công Sơn để thể hiện. Điều đáng chú ý là các bài hát có giá trị riêng về lịch sử, thời gian nhưng cũng rất … dài. Việc thể hiện các ca khúc này không đơn thuần khó ở việc nhớ lời mà còn là thách thức với ca sĩ khi sẽ hát theo cách phối cùng dàn nhạc Giao hưởng chứ không theo cách hát của nhạc nhẹ. Tiếng sáo thiên thai, Trương Chi, Thiên thai, Áo anh sứt chỉ đường tà, Tình hoài hương, Tình caĐóa hoa vô thường được trình diễn liên tiếp nhau còn cho thấy sự cố gắng vượt bậc sức khỏe của Đức Tuấn khi trải giọng với hàng loạt những bài hát rất tốn sức và phải tập trung cao độ.

Hiệu ứng hình ảnh phông nền gauze là một trong những điểm sáng tạo mang đến hiệu quả thị giác và cảm xúc rất mạnh trong phần 1 của Thiên thai. Chỉ bằng một phông nền chia đôi sân khấu nhưng Thiên thai đã chuyển tải rất đầy đủ những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam từ trong những bài hát bước ra với khán giả. Cộng với hiệu quả phần hát, những hình ảnh mang tính khái quát của mỗi bài đã tạo đựng nên không gian rộng và để khán giả thấy được sự đa dạng về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam. Hai máy chiếu ( trước và sau phông nền) cùng sử dụng một lúc đã tạo nên những hình ảnh có chiều sâu cao về sự cảm nhận của người xem. Sự chuyển động của hình ảnh cũng làm sinh động hơn phần thể hiện của Đức Tuấn mà không đến bất cứ sự hỗ trợ nào từ bối cảnh làng quê trên sân khấu, vốn sẽ làm “lệch tông” hình ảnh với dàn nhạc giao hưởng mà khán giả hoàn toàn có thể nhìn thấy đang chơi nhạc phía sau phông nền.


Tình hoài hương (Phạm Duy)

Đức Tuấn và ê kíp của mình đã dựng một phiên bản hình ảnh hoàn toàn mới trên phông nền gauze trong ca khúc Tình hoài hương của Phạm Duy dành cho các khán giả Hà Nội. Đó là việc sử dụng rất nhiều những hình ảnh của văn hóa Bắc bộ để đưa ca khúc được sáng tác hơn nửa thế kỉ trở nên gần gũi và ấm cúng hơn với những khán giả. Từ hoa sen, áo dài, cây tre,… đều trở nên thực tế, hiệu hữu ngay trước mặt khán giả và tạo nên sự xúc động nhất định.

Trường ca 4 mùa “Đóa hoa vô thường” của cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khép lại phần 1 của Thiên thai cũng để lại một dư vị rất lạ. Ca khúc này vốn được thể thiện rất thành công bởi Hồng Nhung, cả phần hát và hình ảnh (Video clip Đóa hoa vô thường ), Đức Tuấn cũng có đôi lần thể hiện ca khúc này trên các sân khấu, đặc biệt là trong các chương trình kỉ niệm về cố nhạc sĩ, nhưng tối qua, Đức Tuấn đã mang đến một hơi thở hoàn toàn mới, khác với cách hát thông thường mà Hồng Nhung hay bản thân Đức Tuấn thường thể hiện. Cách hát với dàn nhạc Giao hưởng có thể chưa thể thay thế được phiên bản gốc, hay được mọi người yêu thích ngay lập tức nhưng tạo được một cách thưởng thức nhạc Trịnh hoàn toàn khác với những phiên bản trước đó, mới lạ và thanh thoát hơn, cảm giác ở những những đoạn cao trào không bị nặng nề, u mê mà có tính gợi mở, nhẹ nhàng. Thử nghiệm sáng tạo này rất có thể sẽ bắt gặp trong CD của Nguyên Thảo sẽ phát hành cuối năm nay.

Có cảm giác sân khấu Broadway hóa của phần 2 với chủ yếu là các ca khúc nhạc kịch nước ngoài mang đến sự gần gũi nhiều hơn với khán giả bởi phần nhạc có sự linh hoạt màu sắc các ca khúc, Đức Tuấn cũng cởi mở nhiều hơn khi có đôi chút thời gian nói về bản thân, về đam mê âm nhạc cũng như những tình cảm của mình trước sự ủng hộ của cả khán giả 2 miền. Sân khấu được tận dụng triệt để hơn với sự có mặt của những vũ công chuyên nghiệp trong vai trò minh họa hay nhảy cùng ca sĩ. Bản thân Đức Tuấn trước những giai điệu âm nhạc đa dạng cũng trở nên mạnh mẽ, “sung” hơn khi vừa hát vừa khuấy động được khán giả hòa nhịp theo các bài hát mình trình diễn. Dàn nhạc giao hưởng không còn mang màu sắc “chính trị” mà trở thành một cầu nối về âm nhạc để ca sĩ và khán giả bắt nhịp với nhau.

Trong phần 2, phần lớn là ca khúc nước ngoài nhưng Đức Tuấn đã mạnh dạn thể hiện hai ca khúc được hòa âm mới là Đôi mắt còn lại (Trịnh Công Sơn) và Hương xưa (Cung Tiến). Đây là hai ca khúc Đức Tuấn đã đôi lần thể hiện trên sân khấu lớn các chương trình trước đây (Đôi mắt còn lại trong “Bóng núi”, “Mười năm nhớ Trịnh Công Sơn”, “Hương xưa” song ca cùng Nguyên Thảo trong Duyên dáng Việt Nam và phần thi phụ Áo dài của cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008). Đức Tuấn cho biết, anh đang có sáng kiến sẽ “broadway hóa” những ca khúc nổi tiếng của Việt Nam để cho ra đời một album với ca khúc cũ nhưng sẽ mang đến một “chất” âm nhạc hoàn toàn mới bằng sự đầu tư nghiêm túc của mình.

Sự có mặt của Ngọc Tuyền, Mỹ Linh ( thay thế Hồng Nhung tại Hà Nội) tối qua không phải là sự tính toán cho bài toán về doanh thu như nhiều chương trình ca nhạc thông thường. Sự có mặt của cả 2 ca sĩ là sự góp mặt mang những giá trị âm nhạc riêng vì mỗi người chỉ hát cùng Đức Tuấn một ca khúc. Mỹ Linh đồng hành trong Music of the night còn Ngọc Tuyền trong Phantom of the Opera đã mang lại những dấu ấn riêng trong giọng hát đẳng cấp mà họ có được với Thiên thai. Hiếm khi khán giả được nghe Mỹ Linh hát tiếng Anh thì tối qua đã được thấy giọng ca ngọt ngào “Tóc ngắn” đầy cảm xúc và tinh tế cùng Đức Tuấn. Mỹ Linh đã không ngần ngại thể hiện sự cảm mến và bị thuyết phục bởi Đức Tuấn với tất cả những gì chàng ca sĩ người An Giang đã cống hiến bằng cả đam mê, tâm huyết và tình yêu với âm nhạc (Mỹ Linh sử dụng từ CỐNG HIẾN dành cho Đức Tuấn trong chương trình tối qua).

Trong tình hình đời sống âm nhạc hiện nay tại Hà Nội hay TP HCM, tìm kiếm được một chương trình như Thiên Thai của Đức Tuấn là cực kì hiếm. Sự đầu tư tiền của, công sức lên đến hàng tỷ đồng như cách Đức Tuấn nói vui “mất đi một căn hộ chung cư cao cấp” đã chứng minh không chỉ tình yêu dành cho âm nhạc của người ca sĩ, mà còn thể hiện sự đầu tư nghiêm túc ở góc độ nghề nghiệp, dám thực hiện những dự định, hoài bão của bản thân trong bối cảnh thị trường co cụm các show diễn đẳng cấp, mà chủ yếu tập trung ở dạng tạp kĩ, bán vé đại trà. Hiệu quả về doanh thu luôn là bài toán đặt ra với các ca sĩ trước mỗi liveshow nhưng nhìn vào tính chất và sự nghiêm túc của mỗi một chương trình, người ta sẽ nhìn ra rất nhanh đinh vị hình ảnh cũng như vị trí nghề nghiệp của họ trong nấc thang nghề nghiệp, tương quan vị trí giữa các ca sĩ với nhau. Điều này cũng sẽ trả lời lí do vì sao các show diễn lớn mang tính chuyên môn cao cũng như các chương trình của những thương hiệu lớn đều có mặt của Đức Tuấn.

Huy Minh
(Ảnh: Khắc Quân)

Theo 2Sao

1 BÌNH LUẬN

  1. RE: Đức Tuấn và Thiên thai – Paradiso
    Nếu trước chê ĐT hát không hay nhưng nể tính quyết đoán của anh thì hôm nay cũng không khen rằng anh hát đã hay, nhưng tiếp tục ngưỡng mộ sự nỗ lực, dám nghĩ dám làm của anh.

    (Ở trong một căn nhà sang trọng vài tỉ đồng thật không có gì đặc biệt so với hoài bão nghệ thuật đẳng cấp mà Đức Tuấn đã vươn tới như hiện nay).

    Đức Tuấn đã đi và sẽ đến. Chúc Đức Tuấn gặt hái thêm nhiều kết quả thú vị khác.

    ABP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây