Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường

Nguyễn Phương
27.11.2011

Có lẽ vì sân khấu cải lương thường diễn những vở tuồng Tàu và tuồng lịch sử, nhân vật trong tuồng có vai Vua, Hoàng Đế, Hoàng Hậu, nên các ký giả kịch trường và khán giả ái mộ có thói quen khi thấy nghệ sĩ nào có tài ca hay, diễn giỏi mà họ cho là giỏi bực nhứt trong nghề thì họ tặng cho nghệ sĩ đó những mỹ danh có kèm chức vị Vua hay Hoàng Hậu trước cái tên chính của người nghệ sĩ đó.

Vì vậy sân khấu cải lương có Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn, Hoàng Đế Dĩa Nhựa Tấn Tài, Vua Xàng Xê Minh Chí, Hoàng Hậu Sân Khấu Thanh Nga, Nữ Vương Sầu Mộng Út Bạch Lan, Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường….

Nghệ sĩ Văn Hường tự giới thiệu về mình:

“Tôi là một nông dân, một nghệ sĩ rất là nông dân, nông dân ở xã nghèo, xã Long Thạnh Mỹ. Tôi mới bèn xuống dưới Saigon ở. Đó, lúc đó thì khổ sở lắm. Đó…mới là đi học ca, mà học ca là toàn anh em dìu dắt mình học, đó chẳng hạn, rồi lúc tôi ca được thì lúc đó tôi gặp anh Văn Vĩ, anh Năm Cơ, rồi gặp nhiều anh nghệ sĩ lớn tuổi mà rất là thương yêu nghệ sĩ Văn Hường, đó…thương mới bèn đưa đi đây đi đó, đám giỗ, đám cưới gì tôi ca hết, đó…lúc đó thì ca tốt rồi đó, cái bà Lệ Liễu mới mời tôi về ở giải trí trường Lệ Liễu ca, lúc đó là quán Lệ Liễu ở giải trí trường… Đó , rồi được anh em thương, rồi bà con đều thương, đó lúc đó thì có anh Viễn Châu cũng vô đó chơi, nhậu nhẹt rồi ca hát, lúc đó anh Viễn Châu thấy Văn Hường ca được quá, mới bèn mời về hợp tác với hãng dĩa, với cái bài đầu tiên của tôi ca, đó là cái bài Đêm Tân Hôn của soạn giả Viễn Châu viết.

Rồi cái lần hồi ảnh viết qua cái bài Tư Ếch đi Saigon, Vợ tôi nói tiếng Tây, Pháp Sư giải nghệ… nhiều bài lắm, bây giờ kể không hết được… Lần hồi cái rồi anh Bảy Cao cũng về đó hát…, đó anh Bảy Cao đoàn Hoa Sen, gặp Văn Hường, cũng vô ngồi nhậu nhẹt, rồi nói chuyện, đờn chơi, mới mời tôi hợp tác với đoàn Hoa Sen… Hát được mấy năm trời, kế Kim Chung thấy tôi hát được quá, bèn mời tôi hợp tác với đoàn Kim Chung. Lúc đó thì ký giao kèo hơi lớn đó… hà hà…rồi từ từ hát… đâu 9, 10 năm, mười một năm… A ký hợp đồng với Kim Chung Hát mười mấy năm…”

Thông thường, nghệ sĩ tự giới thiệu mình thì ít khi có mạch lạc và chi tiết.

Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường tên thật là Nguyễn Văn Hường, sanh năm 1934 tại xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức. Cha mẹ là nông dân, có mười mấy người con mà Văn Hường là người con thứ sáu nên bạn bè gọi anh là anh Sáu Văn Hường.

Trước năm 1975, tôi sáng tác nhiều bài ca cải lương hài hước cho Văn Hường ca thu dĩa cho hãng Capitol, tôi hỏi do đâu mà anh luyện được giọng ca đưa hơi ự ự hài hước độc đáo đó. Văn Hường cho biết là vì anh nghe danh ca Tám Thưa ca rất hay nhờ cái giọng đưa hơi ợ ợ của ảnh, nhờ đó Văn Hường nảy ra sáng kiến, chế cái tiếng ự ự thay cho cái tiếng ợ ợ, cái tiếng ự ự ăn khách dữ lắm.

Nghệ sĩ Văn Hường trả lời đơn giản như vậy, vì nếp sống và cách suy nghĩ của Văn Hường rất đơn giản. Văn Hường không nghĩ là nếu gặp một bài ca vọng cổ có nội dung lịch sử như bài ca ca ngợi chiến thắng Đống Đa hay Trần Hưng Đạo Bình Nguyên hay một bài ca tình yêu như Lan và Điệp hay bài Đồi Thông Hai Mộ, Văn Hường có ự ự hay cách mấy thì thính giả cũng không cười được, mà nếu thính giả cười thì là cười Văn Hường làm hư nội dung bài ca. Ví dụ Văn Hường đã ca bài Đời là gì, thính giả chỉ mỉm cười vì nội dung trách hờn đời, chớ thính giả không cười rộ lên khi nghe anh ca những bài hài hước khác.

Muốn có một bài ca vọng cổ hài hước làm cho thính giả cười lên được, phải có một sự kết hợp chặt chẽ giữa người viết bài ca, nội dung bài ca diễu, người ca sĩ có chất giọng và kỹ thuật ca diễu kết hợp với dàn đờn đờn ăn ý với người ca. Cái lối ca dùng tiếng ự ự thay cho tiếng ơ ơ chỉ là một kỹ thuật ca góp một phần nhỏ vào cách chọc cười thính giả.

Khi khởi nghiệp cầm ca, nghệ sĩ Văn Hường được cái may mắn là gặp được soạn giả kiêm nhạc sĩ Viễn Châu. Anh Viễn Châu khám phá giọng ca lạ của Văn Hường nên viết nhiều bài ca hài để khai thác giọng ca hiếm có với nội dung viết về những trái khoáy trong xã hội từ chuyện sợ vợ, chuyện mê gái, chuyện mê tín dị đoan, đến nạn tứ đổ tường, những chuyện bình dị trong đời thường.

Lối viết khéo léo của Viễn Châu và các tác giả chuyên viết vọng cổ hài cộng với lối ca duyên dáng dễ thương của nghệ sĩ Văn Hường đã đánh trúng tâm lý của người nghe. Trong các buổi tiệc đám cưới , đám giỗ, các buổi đờn ca tài tử, người ta bắt chước Văn Hường ca : “Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm….” ( bài Năm con vợ), hoặc “Uống chi cho đã rồi lủi vô bụi cây cho chó ăn chè...”( bài tâm sự Ba xi đế ).

Sau bài vọng cổ vui đầu tiên Đêm tân hôn, Văn Hường được soạn giả Viễn Châu sáng tác cho rất nhiều bài vọng cổ hài hước như Tư Ếch đi chợ Saigon, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch coi cải lương, Tư Ếch coi hội chợ, Vợ tui tui sợ, Vợ tui nói tiếng Tây, Tôi mê tài xỉu, Văn Hường thua số đuôi, Pháp sư giải nghệ, Chó mực đầu cáo, Lá sớ Táo Quân…

Văn Hường ca Vợ tui tui sợ của soạn giả Viễn Châu:

Hỡi những bậc nam tử tu mi, hỡi các đấng trượng phu từ thanh niên râu chí mấy cụ già lão nhược, hãy đứng lên chung lưng đấu cật mà cùng nhau sợ vợ cho vui cửa….

Vọng cổ câu 1 … Vui nhà…Bà con lối xóm họ điệu thì họ kêu là mình thương vợ, còn họ ghét thì gọi là thờ bà…nhưng ở đời mà, hơi sức đâu bận tâm tới miệng lằn lưỡi mối, ăn no cái rồi bươi móc chuyện của người ta hoài vậy hà… Sách có câu Trị Quốc Tề Gia, phu phụ thuận hòa thì gia đạo mới yên, tơ hồng nguyệt lão se duyên, kẻ được vợ hiền còn người rinh con vợ dữ…ư…ư...

Câu 2… : Nói không phải khoe với anh Ba, chớ tôi dám chắc nội cái xóm Nancy nầy không có tay nào sợ vợ cho bằng Văn Hường sợ vợ hết á… nhưng cái sợ của tôi là cái sợ có sách có vở. Mà cái sợ vợ cao cấp, cái sợ vợ có nghệ thuật à…chứ đâu phải thứ sợ vợ tay mơ của mấy cha lục đục thường tài… vì hồi ban sơ mới lấy nhau, tôi nhè lỡ sợ nên tới ngày nay tôi tiếp tục sợ hoài…. Vậy bà con lối xóm họ đâu có thông cảm, họ xậm xì xậm xịt, họ nói là hiếu phụ nha nha… sợ vợ như là sợ…sợ…sợ…ối, nhưng mà anh Ba ôi, tôi gẫm lại thì vợ mình mình sợ, phải hông É chớ mình đâu có điên dại gì mình lại sợ vợ của người ta...

Câu 5 : Nhỏ cũng sợ mà già cũng sợ… Sách có câu sợ vợ mới nên! Tại tôi muốn ăn ở cho đúng sách Thánh hiền, chớ thân bảy thước, ai sợ gì phụ nữ…Ủa , lạm gì mà ngó tôi rồi anh cười chúm chím, làm tôi quê quáa É Anh nhớ lại mấy lần đến thăm tôi, anh đều thấy tôi mặt mày sưng húp, mắt bầm đen và lỗ mũi ăn trầu…Ạ, đó là tại con vợ tôi nó nựng tôi hơi nặng tay, nên tôi mới bể đầu… thì đâu có sao…chết chóc gì anh Ba… Sách có câu, đèn nhà ai nấy sáng, thương nhau lắm mới đánh nhau đau, lổ đầu gẫm chẳng có sao, băng keo dán lại, lấy dầu xức vô, máu ra một lát nó khô, chớ còn cãi lại thì ô hô sanh buồn.

Câu 6 : Đọ…Anh Ba thấy hông… từ vua chúa đến thứ dân, tứ khố rách áo ôm cho tới tai to mặt lớn, từ quê tới tỉnh, từ ruộng rẫy tới thị thiền, ai ai cũng sợ vợ ráo trơn ráo trọi hết, bởi vì cái vụ sợ vợ là cái sự dĩ nhiên mà anh Ba…xấu hổ gì chuyện đó … Đàn bà là sếp gia đình, Nam tử tụi mình phải rắc rắc tuân theo, Sợ nào bằng sợ vợ làm reo, nổi giận nó dám bỏ chèo queo một mình. Sách Nhị Thiên Đường có câu : Phu xướng phụ tùy, dạy một cách khác nữa là chồng phải quỳ ( oui ) khi vợ gọi, anh Ba ôi, nên hư số hệ nơi trời, vợ mình mình sợ, ai cười mặc ai.

Sau 200 bài vọng cổ hài của Viễn Châu sáng tác cho Văn Hường, có rất nhiều vọng cổ hài của các tác giả khác viết khai thác giọng ca hài của Văn Hường như bài Thằng Lãnh bán heo của soạn giả Quy Sắc – hãng dĩa Hồng Hoa, bài Văn Hường đau khổ, Văn Hường ba con vợ của soạn giả Văn Giai hãng dĩa Quê Hương, bài Già Đa dạy lái Honda, Văn Hường trúng số hụt, Ông Thần ve chai, Văn Hường làm thầy bói, Văn Hường đi Suzuki, Chàng Rễ độc đắc, Ông Táo cảilLương của hai soạn giả Yên Sơn và Nguyễn Phương hãng dĩa Capitol, bài Anh hùng náo quán bia hơi của Hoàng Việt hãng dĩa Việt Hải… đưa danh tiếng của Văn Hường đến tột đỉnh của nghệ thuật ca hài hước lúc bấy giờ.

Viết vọng cổ thật ra không khó, nhưng muốn viết hay, có tính văn học lại là chuyện khác. Người viết biết giữ đúng lề lối, đúng khung nhạc, đúng chữ đờn cuối khung và văn chưong có vần điệu là có thể sáng tác vọng cổ, nhưng viết một bài vọng cổ hài thì tác giả phải có cái nhìn sự việc độc đáo và phải biết sử dụng ngôn ngữ hài. “Nhìn sự việc độc đáo” là nhìn ra khía cạnh nào có thể châm biếm được, chọc cười người nghe, khám phá ra những hủ tục cần đả phá và phải dùng lời châm biếm nhẹ nhàng, gây cười khiến cho người nghe dù là kẻ bị châm biếm cũng phải cười mà không phật lòng, người bình thường thì tán thành lối châm biếm đó như là họ đã nhờ tác giả nói thay cho họ vậy.

Trước danh ca hài Văn Hường, có nhiều nghệ sĩ ca hài hước vọng cổ như Hề Lập ca trong tuồng Lý Chơn Tâm cưỡi củi, hề Tư Xe trong vai Lôi Nhược ca trong tuồng San Hậu, danh ca Tám Bằng ca bài vọng cổ Thầy bói nói mò, danh ca Hồng Châu ca hài bài vọng cổ Cọp cọp, Bonjour thầy Ba…các nghệ sĩ đó dùng cách ca cà lăm để tạo tiếng cười, nhưng khi đến Văn Hường thì anh biết sáng tạo, khai thác thêm giọng ca và cách ca cho phù hợp với nội dung bài vọng cổ hài, với làn hơi độc đáo, anh sử dụng cách luyến láy, nhấn nhá, kéo dài phụ âm ” R “, hoặc lên giọng thật cao, ca “sét” ở những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, đặc biệt câu vô với chữ “Ự…Ự” lên xuống trước khi xuống chữ hò vô vọng cổ. Ngoài ra, Văn Hường còn có một làn hơi phong phú, bộ nhịp vững chắc cho phép anh tùy ý ngân nga, chạy nhảy trong bài vọng cổ hài, vốn có những câu rất nhiều chữ và không có khoản nghỉ lấy hơi trong lòng câu vọng cổ. Những sáng tạo của nghệ sĩ Văn Hường trở thành khuôn mẫu để những danh hài sau này bắt chước như Hề Sa, Hề Thanh Nam. Cho đến nay, chưa có nghệ sĩ ca vọng cổ hài nào tìm được sáng tạo mới, thoát khỏi cái khung mà Văn Hường đã định.

Vọng cổ hài đã có một thời kỳ lên ngôi, Vua Vọng Cổ Hài Văn Hường cũng có một thời vàng son rực rỡ. Sau năm 1975, ca hài hước không thể tồn tại vì nhà cầm quyền mới cho là cười như vậy là khách quan tư sản, không được phép cười nông dân vì nông dân là thành phần cốt cán của cách mạng. Phải cười có “định hướng chính trị” mà cái định hướng theo nhà cầm quyền muốn thì lại không đúng với ý muốn của người dân, vì vậy không có soạn giả nào viết được bài ca hài hước nữa, kể cả ông vua chuyên viết bài ca hài hước là soạn giả Viễn Châu cũng đành gác bút. Vậy đó, từ sau năm 1975 đến nay, vọng cổ hài hước đã bị khai tử, bị giết chết tiêu giống như họ đã giết chết nghệ thuật sân khấu cải lương.

Nguyễn Phương

Theo http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111127-vua-vong-co-hai-van-huong
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây