Học Trò
25.3.2011
Bạn,
Cố nghệ sĩ Trường Kỳ là một người có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới nền nhạc trẻ miền Nam Việt Nam. Một trong các nỗ lực của ông là Việt Hóa những bản nhạc ngoại quốc, thay vì chỉ hát lời Mỹ hoặc Pháp. Những bước đi tiên phong đó đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của nhạc pop với giới trẻ Việt Nam, thế hệ 60,70 và ngay cả các lớp đàn em bị kẹt lại khi nhạc trẻ không còn được tự do ca hát nữa.
Tôi xin post lên các bài nhạc tôi sưu tầm được, cùng những ý kiến của tôi về các bài nhạc này, mỗi ngày thêm vào một chút. Các bài nhạc sẽ được mang lên trước.
Trong quyển “Một Thời nhạc Trẻ“, Trường Kỳ có nhắc đến sáng kiến “Việt Hóa Nhạc Trẻ” vào khoảng thời gian năm 1970 của ông như sau:
Trước sự đi lên mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ, tôi chợt có câu hỏi trong đầu” “Tại sao không kêu gọi những anh em nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ sáng tác những nhạc phẩm thuần túy Việt Nam để các nghệ sĩ trình bầy?”. Từ đó ý định “Việt Hóa nhạc trẻ” bắt nguồn trong tôi. Để đánh tan thành kiến nhạc trẻ phải là nhạc ngoại quốc từ lâu đã in sâu nơi đầu óc mọi người không phải là chuyện dễ thực hiện. Thêm vào đó quan niệm cái gì của ngoại quốc mới hay, còn đồ “nội hóa” không ra cái thống chế gì cũng là một trở ngại lớn.” (Một thời Nhạc Trẻ – trang 360-361)
Ông viết tiếp:
Tôi đưa ý kiến “Việt Hóa nhạc trẻ ra thảo luận với anh em và được mọi người hưởng ứng. Tuy nhiên không thể “Việt Hóa” một cái rụp mà phải đi theo kế hoạch từng bước. Trước hết, trong giai đoạn chuyển tiếp nên lấy những nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng để dịch ra lời Việt Nam để thính giả dần dần làm quen. Nói là “dịch” thật ra đại đa số chỉ làm công việc chuyển thành lời Việt, dựa trên âm điệu của nhạc ngoại quốc. (sdd. trang 361)
Theo như lời ông kể, thì các bài nhạc mà tôi hằng yêu thích chỉ là một “giai đoạn chuyển tiếp” cho những bản nhạc thuần Việt sau này từ những ca sĩ nhạc sĩ hát nhạc trẻ, mà thành công nhất là các ca sĩ Đức Huy với “Bay Đi Cánh Chim Biển“, Lê Hựu Hà với “Tôi Muốn“, rồi Nguyễn Trung Cang với “Thương Nhau Ngày Mưa” hay sao? Thôi cũng OK, giai đoạn gì cũng được, điều làm tôi thích thú nhất là những lời dịch này đã quá quen thuộc và không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người yêu nhạc.
Tiếp đó, ông phân loại ra ba hình thức Việt Hóa như sau:
Từ đó có thể chia thành ba hình thức “Việt Hóa”. Khó nhất là dịch sát nghĩa của từng câu trong một bản nhạc ngoại quốc bởi tính cách độc âm của tiếng Việt Nam với sự gò bó trong những dấu bằng trắc để phù hợp với những “notes” nhạc trầm bổng. Phần đông theo cách thứ nhì là giữ nội dung của lời ca tiếng Anh hay Pháp để dịch thành tiếng Việt. đảo lên đảo xuống thế nào cũng được miễn là giữ được nội dung của nhạc phẩm gốc. Cách thứ ba dễ dàng hơn cả là cách Việt Hóa … tự do. Chỉ dựa trên giai điệu của bài hát để sáng chế ra lời ca mà không cần biết đến nội dung ra sao. Trường hợp cuả bài “Rồi Mai Đây” của tôi là một điển hình cho cách Việt Hóa … tự do, dựa trên giai điệu của nhạc phẩm “Lo Mucho Te Quiero”. Nhiều người đã lầm tưởng đây là một nhạc phẩm Việt Nam thuần túy. Nam Lộc cũng rất thành công với bài “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, dựa theo giai điệu bài Tell Laura I Love Her. (sdd. trang 361)
Trường hợp của người nghệ sĩ Trường Kỳ là một đặc biệt, bởi vì ông có học nhạc thủa bé nhưng khi tuổi teen thì ông không chơi nhạc mà lại nổi tiếng như một nhà tổ chức, và ông có thật nhiều bạn. Ông cũng có một trí nhớ thật giỏi, tôi đọc quyển sách “Một Thời Nhạc Trẻ” của ông, dám chắc ông nhắc đến tên của ít nhất trên dưới hai trăm ban nhạc trẻ Việt Nam, còn nhân vật cũng phải trên dưới một ngàn người. Ông cũng có tính nghệ sĩ bất cần đời, được mệnh danh là “Vua Hippy”, rồi “Vua Nhạc Trẻ”. Những bài nhạc dịch lời Việt của ông đa số là dịch theo kiểu “Việt Hóa tự do”, theo tôi không phải là vì ông không làm nổi loại một hay loại hai như ở trên, mà vì đó là bản tính bất cần đời của ông, và cũng là để thỏa mãn sức sáng tạo cuả riêng ông, không chịu gò bó vào trong một khuôn khổ nhất định. Thật vậy, có những lời hát mà bạn tìm thấy rải rác các hình scan trong bài viết này đã trở nên quá quen thuộc như: “trời lạnh giá, bước chân buồn bã”, “lắng nghe mưa rơi rơi sao trong lòng ta bồi hồi”, hay “ngồi kề bên nhau cất tiếng ca”, hoặc “thiết tha, say sưa, êm đềm, tình yêu rực rỡ xóa tan hết ưu phiền,” v.v.
Theo như ông kể, căn phòng 22 ở Khách sạn Bồng Lai nơi ông thuê ở trọ trong những năm 1971-73 đã trở thành “một trung tâm Việt Hóa nhạc trẻ”. Ông viết tiếp:
Các ông Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Quốc Trí, v.v. lui tới thường xuyên để viết lời Việt, nhiều khi còn “xí phần” một bài ngoại quốc nổi tiếng nào đó để chuyển thành lời Việt Nam. Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất hưởng ứng phong trào Việt Hóa nhạc trẻ này để tung ra những nhạc phẩm nổi tiếng như Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Tình cho Không Biếu Không (L’Amour c’es Pour Rien), Hỡi Người Tình Lara (Dr. Zhivago), Chuyện Tình (Love Story), Người Yêu Nếu Ra Đi (If You Go Away), Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Himalaya, Ngày Tân Hôn (The Wedding) v.v.. (sdd. trang 362)
Sau khi dẫn chứng một số thành tích của những nhạc phẩm khác do các nhạc sĩ như Nam Lộc, Lê Hựu Hà, Tuấn Dũng, Kỳ Phát như Tưởng Như Ngày Hôm Qua (Yesterday), Donna Donna, Nếu Vắng Nàng (Sans Elle), Đồng Xanh (Green Field), cũng như các thành công sau này của các ban nhạc trẻ với bước xa hơn là “sáng tác những nhạc phẩm thuần túy Việt Nam được hòa âm theo lối mới cùng những lời ca thích hợp với giới trẻ,” ông kết luận: “Việc thử nghiệm đưa những nhạc phẩm Việt Hóa này lên sân khấu trình diễn đã được giới trẻ hưởng ứng ngay và họ cũng đã tỏ ra rất thích thú trược sự thay đổi mới lạ này. “
…
Học Trò
Trích từ http://hoctro-2011backup.blogspot.com/2011/03/nhung-bai-nhac-ngoai-quoc-loi-viet-cua.html
LTS. Sau đây là một số cassette Nhạc Trẻ:
{showalbum 521}
{showalbum 508}
{showalbum 511}
{showalbum 512}
{showalbum 514}
{showalbum 518}
{showalbum 519}
{showalbum 520}