Thùy Trang
22/11/2011
Mức độ hoành tráng bị hạn chế bởi sự khống chế của kinh phí, chương trình không mới, thần tượng nhạt nhòa đến nhàm chán, live show ca sĩ vì thế không còn sức hút công chúng
“Không kể những chương trình biểu diễn tạp kỹ có trên chục ngôi sao ở các sân khấu ngoài trời với giá vé bình dân, những chương trình của các ngôi sao đình đám nhất của showbiz Việt hiện tại cũng khó có thể bán “sạch” vé như trước đây. Dù mỗi người đều có cách để lấp đầy khán phòng nhà hát nhưng nếu tính một cách trung thực, 2/3 lượng vé của một chương trình được tiêu thụ đã là một thành công ngoài mong đợi” – một bầu sô có tiếng thừa nhận về tình hình bán vé của các live show ca sĩ hiện nay.
Vé bán không chạy
30 phút đầu khi live show Chuyện của ca sĩ Thanh Thảo diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (ngày 11-11 vừa qua), khán phòng nhà hát có nhiều chỗ trống. Cũng phần vì trước giờ diễn, trận mưa lớn đổ ập xuống và kéo dài rỉ rả đến khuya. Càng về cuối, khán phòng nhà hát Hòa Bình được lấp đầy dần và nhìn tổng thể thì live show này cũng “ổn” về lượng khán giả.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với số lượng vé được tiêu thụ cao. Bầu sô C. khẳng định: “Làm trong nghề nhiều năm, con mắt của tôi đủ sức để phân biệt những người đến xem với tấm vé mua và vé mời, tặng. Không khó để nhận thấy live show Chuyện gặp khó khăn trong việc bán vé. Điều đó dễ hiểu bởi đây chính là khó khăn chung của thị trường kinh doanh nghệ thuật thời nay”.
Đó chính là lý do một bầu sô (giấu tên) dám khẳng định con số lỗ của chương trình này có thể hơn 1 tỉ đồng; trong khi đó, đạo diễn Vi Mỹ (đạo diễn chương trình Chuyện) chia sẻ: “Làm sô thời nay chẳng bao giờ lời. Chuyện cũng không ngoại lệ, với con số lỗ từ 500 đến 600 triệu đồng”. Dẫu sao, đây là live show đầu tư “không tiếc tiền” của Thanh Thảo để kỷ niệm 15 năm theo đuổi nghiệp ca hát của chị nên việc có thua lỗ cũng là điều đã biết trước.
Thanh Thảo cùng nhóm múa trong một tiết mục biểu diễn của live show Chuyện. Ảnh: HƯƠNG TRÀ
Thực tế, một chương trình thỏa mãn những yêu cầu thị giác và đáp ứng về chất lượng âm nhạc như Chuyện nhưng “lỗ ít” là hết sức bình thường. Live show của ca sĩ Cẩm Ly – Tự tình quê hương 2 – diễn ra trước đó (cũng tại Nhà hát Hòa Bình) là một trong những live show được đánh giá thành công về mặt số lượng vé bán ra. Khán phòng nhà hát Hòa Bình đầy khán giả (trong đó có một lượng vé tặng và vé giá rẻ dành cho khán giả là học sinh, sinh viên).
Dù vậy, ông bầu Minh Vy cho biết: “Nhìn thấy trước tình hình bán vé khó khăn nên ban tổ chức chủ động dành một khoảng trống không nhỏ ở phía cuối khán phòng đặt đạo cụ biểu diễn ở đó. Vì nếu cố tình bán vé cho hết ghế là chuyện nan giải. Chẳng thà chúng tôi bỏ trống và tìm cách lấp đầy nó còn hơn khán phòng bị trống”. Ngay cả live show của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng không thể bán hết vé trong các sô diễn.
Kỷ niệm 10 năm ca hát, ca sĩ Đức Tuấn quyết định đưa live show ra nhà hát Hòa Bình (thay vì nhà hát TP, địa điểm mà anh thường chọn cho live show của mình trước đây). Và khó khăn chung mà anh phải đối mặt là tình trạng bán vé khá chậm so với mong đợi.
Hiệu ứng ngược của hát “vần công”
Một trong những phương thức được giới ca sĩ áp dụng gần đây là hát “vần công”. Bởi lẽ, trong mỗi live show, ngoài chủ nhân, luôn luôn có những giọng ca khách mời. Trong live show của Đàm Vĩnh Hưng, những giọng ca khách mời không bao giờ thiếu là Cẩm Ly, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo… Và đây cũng là lý do ở các chương trình biểu diễn khác do các ca sĩ khách mời thực hiện hay tổ chức, cái tên khách mời không thể thiếu chắc chắn là Đàm Vĩnh Hưng. Điều này không chỉ mang ý nghĩa làm “giàu” thêm sắc màu của một chương trình biểu diễn vốn kéo dài ít nhất là 2 giờ mà còn là hình thức gom tên để bán vé.
Hẳn nhiên, nhờ vào tài năng của đạo diễn, sự xuất hiện của các khách mời cũng được tính toán chi ly, ít nhất cho phù hợp với đường dây của chương trình. Vì vậy, khán giả có thể thấy Đàm Vĩnh Hưng hát tuồng, diễn hài và cả dân ca, dù tất cả những thể loại không hẳn là sở trường của anh. Đây cũng được xem là những chiêu thức cần thiết để thu hút khán giả.
Hình thức “vần công” này đã giúp cho không ít live show gặt hái thành công. Thế nhưng, điều không thể phủ nhận là sự “vần công” được sử dụng quá nhiều cũng sẽ trở nên nhàm chán. Ở live show Đàm Vĩnh Hưng, khán giả bắt gặp Cẩm Ly, Thanh Thảo, Hồ Ngọc Hà… Ở live show Cẩm Ly, khán giả gặp lại Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường. “Ở live show Đan Trường, khán giả tái ngộ khách mời Cẩm Ly… Ở live show Mỹ Tâm, khán giả thấy Quang Dũng và ngược lại… Sự lặp đi lặp lại một “bộ sậu” ăn ý những tưởng tạo nên một ê kíp ăn khách nhưng thực tế chỉ đơn giản là sự “vần công” được tính theo mức độ tình cảm nhiều hơn là tư duy cho chất lượng của chương trình. Điều đó cũng lý giải vì sao dù đã cố gắng rất nhiều trong việc tạo những chiêu trò lạ nhưng live show cũng không đem lại những hiệu ứng như mong đợi bởi sự tẻ nhạt của nó.
Có phải khán giả không chịu chi tiêu cho giải trí? Câu trả lời có ngay khi giá vé các live show của ca sĩ Quang Lê, Chế Linh lên đến 4 hoặc 5 triệu đồng/vé vẫn không thiếu người mua, thậm chí vé mời VIP của live show ca sĩ Chế Linh bán trên thị trường chợ đen lên đến 10 triệu đồng/cặp vẫn có người săn mua. Tất nhiên, sự háo hức của công chúng đối với các live show này có thể lý giải được khi Quang Lê, Chế Linh là những nghệ sĩ hải ngoại lần đầu tiên về biểu diễn tại Việt Nam. Nhưng để khán giả chi tiền triệu mua vé xem live show thì ca sĩ và chương trình phải có sức hút đặc biệt. Nhiều sao ca nhạc hiện nay vẫn chưa làm được điều đó.
Thùy Trang
Theo NLĐ