Học Trò
2.6.2011
Bạn,
Như có viết trong một bài trước, tôi đặc biệt thích cách đặt số lượng các chữ trong các bài hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Cách đặt này làm bài nhạc luôn luôn có một cái gì đó sôi động, nhấp nhỏm, không đoán trước được, mà cũng không lạ tai lắm để làm người nghe luôn thích thú. Bài “Chiều Phi Trường” là một thí dụ như vậy. (Xem nhạc bản : http://www.leuyenphuong.com/tapnhac/lup/ChieuPhiTruong.pdf )
Chiều Phi Trường, Thiên Phượng trình bày, Duy Cường hòa âm trong CD Đá Xanh
Chiều Phi Trường, Lê Uyên Phương, trong CD Khi Loài Thú Xa Nhau
Trước hết, trong phần 1 của phiên khúc 1, tác giả cho ta một cái sườn bài nhịp nhàng, tựa như khi ta nhảy các điệu vũ Nam Mỹ vậy. Công thức đó là:
1 – 2 3 – 1 2 3 4 5 – 1 2 3 4 5 6 7 – 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Tôi – với em – dương trần vai tiễn đưa – ngày hôm qua trong nắng thiên đường – ngày hôm nay lo âu tìm về nơi bến ngân.
Bạn hãy thử hát theo nốt nhạc, nhưng thay vì hát chữ thì đếm số như trên. Bạn thấy các chữ tăng theo một công thức, một mẫu (pattern) nhất định, một dạng công thức toán (mà vì trả hết cho thầy rồi nên tôi quên mất tên chuỗi lặp này.) Bài nhạc ngân nga, và kết ở các nhịp mạnh.
Ngay sau đó, trong phần hai của phiên khúc 1, nhạc sĩ sửa cấu trúc một chút và làm ngắn đi một cách đáng kể, hai nốt cuối “thời gian” điền luôn hai trường canh 7 và 8 thay thế cho câu thứ tư như phần 1.
1 – 2 3 – 1 2 3 4 5 – 1 2 3 4 5 6 7 8
Những – đóa hoa – phai hồng trong mong chờ – xin hãy xanh như thời gian thời gian …
Bạn thấy là có một cái cấu trúc, cái sườn rất vững chắc, nhịp nhàng là 4 trường canh đầu 1 – 2 3 – 1 2 3 4 5 làm bến để người nghe có thể định vị, để neo lại, còn sau đó là khai triển của nhịp điệu ấy, hoặc dài ra, hoặc ngắn đi, chõi (syncopation) một cách rất căn bản là 1/2 nhịp-1 nhịp-1/2 nhịp:
Hy vọng tôi sẽ tìm thời giờ quyết chí tìm hiểu từng bài nhạc trong hai tập nhạc để viết xuống thành các tiểu luận nhỏ, nhưng sau khi nghe đi nghe lại nhiều bài, tôi có thể kết luận sơ khởi là nhạc sĩ Lê Uyên Phương rất quan tâm đến cách tạo dựng một sườn bài với một nhịp điệu căn bản, rồi ông khai triển trên nền các nhịp điệu đơn giản đó. Trong bài này, nhịp điệu ấy là 1 2 3 – 1 2 3 4 5.
Trong phiên khúc thứ hai, cấu trúc rất giống như phiên khúc một, nhưng ở đoạn cuối, thay vì cho ít chữ thì nhạc sĩ lại bớt đi một chữ thành 2 chữ “sẽ quên” rồi chèn thêm vào hai chữ nữa là “hay còn yêu còn yêu nhân tình“.
1 – 2 3 – 1 2 3 4 5 – 1 2 3 4 5 6 7 8 9
Những cánh chim – trong hồng hoang thiên đường – Sẽ quên – hay còn yêu còn yêu nhân tình
Bạn thấy là vì sườn bài đã có, những thay đổi tuy nhỏ nhặt này đã tạo một phong cách viết nhạc cho nhạc sĩ, trong đó nhạc sĩ tha hồ tạo những hiệu ứng nhỏ để làm cho nhịp điệu khi thì hối hả (“hay còn yêu còn yêu nhân tình“), khi thì khoan thai (“như thời gian, thời gian“) không làm thính giả nhàm chán, mà cũng không làm họ chán nản vì quá khác biệt giữa các phiên khúc với nhau.
Trong bài trước, tôi có nhận xét là các kết thúc của câu của bài Buồn Đến Bao Giờ đều nằm trong các nốt ổn định. Trong bài này, tôi để ý thấy tỷ lệ cũng tương ứng như vậy
Tôi với em (Si)- dương trần vai tiễn đưa (Do)- ngày hôm qua trong nắng thiên đường (Re) – ngày hôm nay lo âu tìm về nơi bến ngân (La).
Những đóa hoa (La) – phai hồng trong mong chờ (Re)- xin hãy xanh (Si) như thời gian (La) thời gian (Re) …
Tôi với em (Si) -xin cùng xây ước mơ (Do)- Dù mai đây xa cách muôn trùng (Re)- dù mai đây nơi xa phồn hoa không thiết tha (La)…
Những cánh chim (La) – trong hồng hoang thiên đường (Re)- Sẽ quên (Si) hay còn yêu (La) còn yêu nhân tình (Sol)
Bạn thấy chỉ trừ những chỗ in đậm cuối câu Do và La là chỗ để các hợp âm hoặc át như D7 hoặc thứ như La thứ, có tính cách không ổn định, cần phải giải tỏa để trở về ổn định, các chỗ khác đã ổn định sẵn rồi, nên rất phù hợp với giai điệu ngân nga, nhịp nhàng của tiết tấu. Các biến đổi làm câu nhạc linh động đã xảy ra trong thân bài của từng câu nhỏ, như chỗ in đậm trong “ngày hôm qua trong nắng thiên đường” chẳng hạn, để tới cuối câu thì nhạc sĩ tìm cách về lại một trong ba nốt ổn định (đa số), hay (đôi khi) không ổn định tùy theo tâm tư của dòng giai điệu đang chảy.
Sau khi cho thính giả thưởng thức hai phiên khúc với thật nhiều nhịp chõi, nhạc sĩ tạo cảm giác nghỉ ngơi trong đoạn điệp khúc bằng cách cho chúng ta một câu nhạc với nhiều nốt một nhịp (quarter note) như “Một lần xa cách” và “Buồn ơi ướt vai“, xen lẫn với các nhịp chõi. Sau cùng, để nhấn mạnh “cái sự buồn” nhạc sĩ cho hát đi hát lại ba lần “cho dòng nước mắt, cho dòng nước mắt, cho dòng nước mắt” rồi mới kết là “trôi mau“. Trôi mau mà phải nhắc đi nhắc lại thì dòng nước mắt này chắc là trôi cũng chậm, nghịch lý, nghịch lý … mà lại cũng có lý! Đó là cái sự buồn đau đớn mà nhạc sĩ Cung Tiến nhắc đến chăng?
Ở đoạn phiên khúc cuối, phần lớn các biến thể của tiết tấu đều như tôi đã phân tích ở trên, chỉ muốn thêm một điều nhỏ là các chữ “vùi sâu theo tháng năm” với chữ năm kết ở nhịp 3, là nhịp yếu hơn nhịp 1, do đó làm câu cảm thấy bị hụt hẫng, đây là một hiệu ứng rất hay, tạo thêm cảm xúc cho lời nhạc.
Trên đây là các để ý nhỏ về phần nhạc của bài Chiều Phi Trường, cũng như lần trước tôi xin dành phần phân tích lời cho một bài viết khác. Theo tôi nghĩ, các bài nhạc này phải được xem là các bài nhạc nhỏ trong hai trường ca chính là “Yêu Nhau Khi Còn Thơ” và “Khi Loài Thú Xa Nhau“, trong đó các ý tưởng yêu ghét giận hờn nhớ thương v.v. được mô tả như là một nhật ký của một người tình về các mối tình của mình, do đó chúng phải được phân tích trong cùng một bài viết.
Xin hẹn gặp lại bạn ở một bài viết tiếp.
Học Trò
6/2/2011
Nguồn: http://hoctro-2011backup.blogspot.com/2011/06/phi-truong-mot-tieu-bieu-cua-cach-viet.html