Hương Ca Phạm Duy, Những Năm 2000

Phạm Duy

Hương Ca khởi sự bởi một bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Văn, con trai của người bạn cũ mà tôi rất yêu quý là Lưu Trọng Lư, đăng trên báo Lao Động ở Saigon vào năm 1994, với nhan đề Về Thôi, đề tặng : người tình già.

Về thôi !
Người tình già ơi
Thôn nữ Chị đã qua cầu, thóc lép
Thôn nữ Em, trăng đầy, tuột khỏi chồi tay
Thôn nữ Út, lên đòng, nào biết
Khúc tình xưa, xưa ấy, xưa rồi…
. . . . . . .
Về thôi !
Làm gì có trăm năm mà đợi
Là gì có kiếp xưa mà chờ
Đất Mẹ – Đất Nàng
Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng
Lót ổ
Mười chín năm bến cũ
Người tình già ơi ! nhớ không ?
(14/X/94)


Mùa Thu năm 1994, khi bài thơ này được thi sĩ gửi từ Saigon tới Thị Trấn Giữa Đàng cho tôi, thì nó gợi trong tôi một câu ca dao cũ :

Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây da bến cũ con đò khác đưa…

Câu ca dao này đã từng là kỷ niệm cho nhiều cuộc tình xa xưa của tôi trên những con đò trên dòng Hương Thủy. Kể từ ngày xuất ngoại, xấp xỉ 30 năm rồi, tôi xa quê hương, xa Huế… Rất nhiều khi tôi có ý nghĩ trở về thăm quê cũ, trở về Huế, Saigon và Hà Nội… nhưng tôi cứ băn khoăn, ngại ngùng, lưỡng lự… Giờ đây Luu Trọng Văn dùng những câu thơ :

Làm gì có trăm năm mà đợi
Làm gì có kiếp sau mà chờ…

…đi kèm với những câu :

Con chuồn chuồn không lùng nhùng trong mạng nhện
Con bướm vàng nằm xoài dưới chân ai…

…để gọi một người trong nòi tình thì — dù tôi không còn cái thú soạn ca khúc nữa — tôi đã muốn phổ nhạc nó ngay.

Bài thơ của Lưu Trọng Văn còn nhắc tôi rằng : đã nhiều năm rồi tôi cứ ngồi khoanh tay chờ đợi một cái gì đó, giống như nhân vật trong một vở kịch nổi danh của Samuel Beckett En attendant Godot ! Hơn nữa, theo tinh thần của câu ca dao kể trên, tôi còn thấy nếu cứ ngồi chờ đợi một con đò xa xưa thì, sau ba thế hệ làm nghề đưa đò, chắc chắn o đò nào cũng đã đi mô mất rồi !

Thế là tôi không ngần ngại gì nữa, vào đầu năm 2000, tôi đáp máy bay về Việt Nam, có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu…

Và sau dăm bẩy lần về thăm quê hương, tôi quyết định sáng tác một serie mười ca khúc mới, gọi là Mười Bài Hương Ca. Tôi đem bài thơ Về Đây phổ thành :

Hương Ca số 1
Trăm Năm Bến Cũ
Phạm Duy 2000 – Theo thơ Lưu Trọng Văn

Tôi cũng đã thấy ngay rằng Hương Ca năm 2000 phải khác Quê Hương Ca năm 1950. Nó sẽ không nhắc lại hình ảnh quê hương có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn… hình ảnh quê hương một thời, quê hương trong trí nhớ, trong hạnh phúc hay khổ đau của những năm xưa.

Quê hương năm 2000, đối với một người 80 tuổi như tôi có thể cũng đã như hoa tàn hoa nở, trăng khuyết trăng tròn, khi tốt khi xấu, khi buồn khi vui, nghĩa là đã trở thành “vô thường” cả rồi ! Như ngàn năm mây trôi… Cho nên hương ca số 2 rất bình dị, rất giản đơn và mang tên :

Hương Ca số 2
Quê Hương Vô Thường
Nhạc và lời : Pham Duy

Quê hương là phố xá, làng mạc, ruộng đồng, núi rừng và sông nước… Những con sông bấy lâu nay xa cách, nay trở về quê hương, tôi nhào xuống một dòng sông, cởi hết áo quần, cởi hết muộn phiền, ưu tư, lo lắng… tôi vùng vẫy, tôi lặn sâu hay tôi cưỡi sóng, tôi tắm truồng đêm trăng ! Và “em” cũng là quê hương đấy !

Hương Ca số 3
Tắm Truồng Sông Trăng
Nhạc và lời : Pham Duy

Lúc tôi còn nhỏ, tôi biết được thế nào là u sầu chỉ vì đọc một bài thơ mà có lẽ bây giờ nhiều người đã quên. Bài thơ nhỏ bé xa xưa (tôi không còn nhớ tên !) của thi sĩ Huyền Kiêu — cũng như bài Em Lễ Chùa Này sau này của Phạm Thiên Thơ — là những bài thơ tình giản dị mà tôi rất yêu quý vì nó là những lời thơ, những chuyện thơ rất ngây thơ, rất trong trẻo nhưng vì nước ta loạn lạc cho nên đã phần nào bị trôi vào quên lãng. Trở về quê hương khi tuổi đã quá 80, tôi tìm về những gì nhẹ nhàng nhất, trong trắng nhất.

Hương Ca số 4
Ngày Xưa, Một Chuyện Tình Sầu
Phạm Duy 2004 – theo thơ Huyền Kiêu

Để đắm mình vào quê hương, tôi chọn những huyền thoại về biển, về ngựa… Và về nhân vật “Em” của các thi sĩ hiện đại, cũng như của tôi. Nhưng bây giờ thì đào đâu ra em răng đen, mặc áo nâu sồng, váy chùng, khăn mỏ quạ và nón quai thao ? Em áo trắng như sóng tung gềnh đá là thế ! Em áo vàng như biển động sóng rơi là zậy !

Hương Ca số 5
Ngựa Biển
Phạm Duy 2004 – Thơ của Hoàng Hưng

Quê Hương là núi, là rừng, là sông, là biển. Quê hương còn là những văn nhân, thi sĩ — dù ở suốt đời trong nước hay lưu lạc khắp năm châu — họ đều là những người suốt đời xưng tụng quê hương. Nhà văn Sơn Nam có cuốn Hương Rừng Cà Mâu tuyệt diệu trong đó có vài câu thơ mà tôi đã phóng tác thành bài :

Hương Ca số 6
Hương Rừng
Phạm Duy 2004 – Thơ Sơn Nam

Hương Ca còn có thể là những bài thơ của những thi nhân ở hải ngoại mà tôi đã phổ nhạc gần đây, như thơ của một nữ thi sĩ ở San Jose, mỹ danh Thảo Chi, trong đó có những chủ đề về quê hương không xa lắm với chủ đề “hương ca” của tôi. Hương Ca Mơ Dạo Xuân Hà Nội là một bài ca có nhịp điệu nhanh nhẹn, nhạc điệu tươi thắm minh họa cho một bài thơ mùa Xuân, với những lời thơ của một phụ nữ nhớ lại ngày xưa trên xứ Bắc, nhớ cảnh chùa với ông đồ và câu đối đỏ, nhớ chuyện đi Chùa Hương bị lạc đường và đuợc chàng trai đưa lối… và trong hoàn cảnh xa xứ hiện nay, mơ lại được tay trong tay, dưới mưa bụi bay, dạo chiều Xuân Hà Nội.

Hương Ca số 7
Mơ Dạo Xuân Hà Nội
Phạm Duy – theo thơ Thảo Chi

Cũng trong chiều hướng xưng tụng các nghệ sỹ trong nước, tôi chọn bài thơ Lời Mẹ Dăn của Phùng Quán để phổ thành một bài hương ca. Trong dĩ vãng, nước ta bị chiến tranh tàn phá, có những lúc con người có thể đã bị tha hóa thì, may thay, đã có những người nghệ sỹ kêu gọi con người trở về với sự chân chính, lòng chân thật và sự tử tế…

Hương Ca số 8
Lời Mẹ Dặn
Thơ Phùng Quán — Pham Duy phổ nhạc

Hương Ca còn là một mẩu chuyện nho nhỏ tại Mỹ Tho. Chuyện như sau: “Một ngày kia xuống phà qua con sông Hậu Giang, tôi gặp một bé gái bán vé số. Bé xinh xắn, sạch sẽ, lễ phép… Tôi muốn tặng bé ít tiền nhưng cháu không nhận. Tôi bèn mua ít tấm vé số với giá đặc biệt. Khi phà sắp sửa tách bến thì cháu chạy vội xuống, dúi vào tay tôi một chiếc kẹp tóc còn thơm mùi tóc dậy thì con gái. Có lẽ đó là món trang sức đắt giá nhất trên người cháu. Cháu tặng tôi như một cử chỉ đền đáp, vì cháu không muốn nợ ai thứ gì cả. Tôi không thể không nhận. Cầm chiếc kẹp tóc nhỏ trong tay, trong lòng tôi cứ dâng lên nỗi xúc động. Cũng như bé gái ấy, tôi không muốn nợ ai bất cứ thứ gì. Tôi thích sự sòng phẳng. Bé gái và tôi, chúng tôi đã gặp nhau.”

Hương Ca số 9
Chiếc Kẹp Tóc Thơm Tho
Nhạc và lời : Pham Duy

Gần sáu mươi năm trước, tôi đã có ý định phổ nhạc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, nhưng sau khi tôi soạn đuợc vài ba câu thì… tôi ngưng. Có thể lúc đó tôi không có nhiều thì giờ như bây giờ, đang chạy theo kháng chiến với đời sống rất kham khổ, nguy hỉểm và vất vả. Bài thơ này đã trở thành một thứ trầm hương qúy báu nhất của nước Việt Nam. Khi viết hương ca, xưng tụng quê hương trong đó thi phẩm của các thi nhân trẻ, già, mới, cũ là xứng đáng nhất, tôi đã mượn bài thơ Tây Tiến Quang Dũng để làm thành bài :

Hương Ca số 10
Tây Tiến
Thơ Quang Dũng – Phạm Duy phổ nhạc

{showalbum 555}

Phạm Duy

Trích từ http://www.phamduy2010.com/03tongquat/32huongca.php
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây