Lạc trong… phá cách

Bích Diệp
5.11.2011

Nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng Nguyễn Thanh Thủy bắt tay vào viết tác phẩm âm nhạc có cái tên ấn tượng Lạc trong rung động từ tháng 6-2011 nhưng do bận rộn, công việc của cô bị ngắt quãng nhiều lần. Sau một tháng tập luyện, mới đây, tác phẩm âm nhạc đầy phá cách này đã ra mắt khán giả. Quỹ Phát triển – Giao lưu văn hóa Đan Mạch và Viện Goethe – Hà Nội đã giúp cô có được buổi biểu diễn ấn tượng cuối tháng 10 vừa qua.

Tìm tòi, mày mò tự học

Sinh ra trong một gia đình đều làm nghệ thuật truyền thống, Thanh Thủy có nhiều lợi thế mà khó có nghệ sĩ nào sánh kịp. Cô làm bạn với cây đàn tranh từ khi mới 8 tuổi. Cây đàn nhỏ nhắn, dịu dàng giống như một người bạn tri âm, lại như người thầy, người đồng cảm cho sức sáng tạo của mình.

Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy
Nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy

Trong những năm học ở Nhạc viện Quốc gia, Thanh Thủy luôn là sinh viên ưu tú, đứng đầu lớp. Nhận bằng thủ khoa khi tốt nghiệp, cô bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và biểu diễn từ năm 1998. Cũng năm này, Thanh Thủy đoạt giải nhất và giải đặc biệt cho người chơi nhạc cổ truyền hay nhất trong cuộc thi tài năng trẻ toàn quốc dành cho đàn tranh. Năm 2002, cô tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian.

Nhìn lại cuộc đời nghệ thuật của mình, Thanh Thủy cho rằng mình quá may mắn vì đã có bố mẹ hướng dẫn từ khi còn thơ dại, lại được học và đánh đàn tranh là nhạc cụ mà cô coi như máu thịt của mình.

Trong 10 năm, cô đã mang tiếng đàn tranh của mình đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, ra nhiều album solo và đã tạo được chỗ đứng trong giới âm nhạc và khán giả. Tiếng đàn tranh của cô mượt mà, sâu lắng, tròn vành rõ nét.

Những bản nhạc vượt thời gian như Dạ cổ hoài lang, Nam ai, Đường Thái Tôn, Trường tương tư, Luyện năm canh… dưới đôi tay điêu luyện của Thanh Thủy không lẫn với ai được, vừa réo rắt vừa chan chứa lay động vào những góc khuất sâu thẳm của lòng người.

Từ năm 2004, Thanh Thủy thường xuyên làm việc với nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Thiện Đạo, Kent Olofsson, Richard Kapen, Trần Kim Ngọc, Malin Bang… Cô cũng thường xuyên trình diễn như một nghệ sĩ ngẫu hứng.

Thanh Thủy cho biết trong 10 năm qua, cô đã làm việc với nhiều nhạc sĩ dòng đương đại, học hỏi được ở họ cách tiếp cận ý tưởng, cách làm việc mở của họ bằng các phương pháp khoa học. “Tuy nhiên, kỹ thuật đàn tranh thì không ai dạy được, mình phải tìm tòi, mày mò tự học. Tôi còn là thầy dạy đàn nữa mà”- Thanh Thủy khoe.

“Phá đàn tranh”

Lạc trong rung động được Thanh Thủy thai nghén hàng năm trời trước khi cho ra mắt khán giả. Tác phẩm dài 30 phút do 6 cô gái mặc áo dài, đẹp như trong tranh cổ tích, đàn bằng những giai điệu tha thiết. Sáu cây đàn tranh cùng tấu lên những hòa âm, lúc thì quyện vào nhau thành một, lúc lại như tan ra thành nhiều câu chuyện khác nhau.

“Cây đàn tranh truyền thống không chỉ biết đến với những khoảng lặng dịu dàng, êm ái mà còn có những phút say đắm, cuồng nhiệt, hết mình, dám sống và chối bỏ những quan niệm cũ kỹ, lỗi thời. Tôi từng như bị lạc lõng trong tiếng đàn của chính mình, cảm thấy cô đơn và bất lực cho đến đêm diễn vừa qua tại Viện Goethe” – Thanh Thủy tâm sự.

Thanh Thủy giải thích “rung động” ở đây là những tiết tấu mạnh, đa sắc mà cô đã tìm hiểu từ cây đàn tranh. Xuất phát từ những rung động, xung động của cây đàn tranh trong quá trình biểu diễn đàn từ hơn 10 năm nay, Thanh Thủy chợt nảy ra ý tưởng phải làm mới mình qua các giai điệu bộc bạch được cảm xúc của chính cô về cây đàn đã có truyền thống hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm này.

“Khi chơi nhạc truyền thống, tôi không tìm được không gian của riêng mình. Những giai điệu buồn bã, trầm tư dường như quá lạc lõng trong dòng chảy hiện đại của cuộc sống. Vì thế, không chỉ có những khoảng lặng mà còn phải có những phút hết mình, đắm say, dám sống và chối bỏ những quan niệm cũ kỹ.

Vài năm gần đây, tôi cũng có chơi một số tác phẩm nhạc mới nhưng vẫn không thấy đó là không gian của mình, môi trường sống của mình, không phải những giai điệu được ngân lên trong chính lòng tôi. Tôi cảm thấy mình như một nghệ sĩ cô đơn, cổ không tới mà kim cũng chưa tới. Tôi như thấy tiếng đàn của mình lạc lõng trong đời sống hiện đại. Do đó, tác phẩm này là một sự thử nghiệm nhiều yếu tố mới, thủ pháp mới nhưng vẫn mang âm hưởng hoài cổ”- Thanh Thủy tâm sự.

Đàn tranh là một nhạc cụ truyền thống rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Lạc trong rung động đã mang tới cho người nghe những khái niệm mới về âm thanh, âm nhạc cho cây đàn tranh, cho người nghe thấy sức truyền cảm giàu có và mạnh mẽ của loại nhạc cụ này. Lạc trong rung động là sự khởi đầu cho thấy những giá trị của truyền thống sẽ là những nấc thang đầu tiên cho sự sáng tạo.

Từ xưa đến nay, mọi người đều quan niệm phụ nữ với cây đàn tranh thường rất đẹp và gợi cảm, phảng phất đôi chút huyền bí về sự duyên dáng, nữ tính. Theo Thanh Thủy, không chỉ có thế, cây đàn tranh còn rất mạnh mẽ, nam tính, giàu nội lực, chứ không chỉ mang tính ướt át, êm đềm. Chính vì vậy, cô muốn đưa vào tác phẩm của mình không chỉ những âm thanh duyên dáng, nhẹ nhàng mà còn chua ngoa, đanh đá và ghê gớm, để khán giả cảm nhận đầy đủ về cây đàn tranh.

Trong Lạc trong rung động, có chương, Thanh Thủy sử dụng vĩ kéo tạo ra những âm thanh chói tai chứ không dùng móng đánh như bình thường, nghe rất mạnh mẽ và cá tính. Cô như đang muốn đặt cho mọi người một cách nhìn mới.

“Hãy gạt bỏ những quan niệm cũ kỹ trong đầu đi, hãy tận hưởng mọi giai điệu đi vào ngóc ngách tâm hồn mỗi người. Cây đàn vẫn vậy thôi nhưng người chơi phải biết biến hóa, khai thác, chứ không nên chỉ dừng lại ở những giai điệu cũ kỹ, quen tai. Như trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã từng tả những cung bậc khác nhau trong những lần Thúy Kiều đàn. Lúc thì Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời, khi lại Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” – Thanh Thủy lý giải. Bởi thế, sau đêm diễn ở Viện Goethe, nhiều người đã cho rằng Thanh Thủy “phá đàn tranh” với Lạc trong rung động – một cách khen ngợi ấn tượng.

Người đương thời

Sau buổi biểu diễn thành công tác phẩm đầu tay trong vai trò nhạc sĩ, Thanh Thủy được các bạn đồng nghiệp chào mừng với những nhận xét tích cực. Cô cảm thấy nhẹ nhõm và không giấu được tự hào vì công sức của mình bỏ ra.

Thanh Thủy tâm niệm làm gì cũng khó khăn nhưng khó khăn mới tạo được thách thức. Sau tác phẩm đầu tay, cô đang thai nghén nhiều tác phẩm dài hơi khác. Cô không cảm thấy bị áp lực gì cả mà ngược lại, các ý tưởng sáng tạo dường như đang lớn mạnh, dâng trào.

Vốn liếng sáng tạo trong Thanh Thủy vẫn còn mạnh mẽ và đầy hứng khởi. Giờ đây, cô mới cảm thấy mình đủ độ chín chắn, tròn đầy để cho ra đời những tác phẩm của riêng mình. “Tôi đang là người đương thời mà” – Thanh Thủy nửa đùa nửa thật. Kinh nghiệm 10 năm đàn và dạy đàn đã giúp cô tự tin, bộc lộ được cảm xúc của mình trên cây đàn, hiểu được mình hơn và có kỹ năng thành thạo hơn.

“Tôi không ngại vất vả mà chỉ sợ mình không có được không gian và môi trường tốt để làm việc. Nếu tìm được người hiểu âm nhạc của mình thì có biểu diễn trước vài khán giả, tôi cũng cảm thấy thích thú, chứ không cần phải biểu diễn ở những nơi sang trọng mà người ta lại không hiểu hoặc không thích nghe nhạc của mình” – Thanh Thủy thổ lộ.

Phải tạo dấu ấn riêng

Năm ngoái, Thủy đã đứng ra thành lập nhóm nhạc biểu diễn đàn tranh gồm các em học sinh xuất sắc của mình. Nhóm đã đi biểu diễn rất thành công ở Thái Lan, Trung Quốc. Tháng 11 này, cô lại có tour biểu diễn tại các nước Bắc Âu trong một dự án hợp tác giữa âm nhạc và sân khấu truyền thống.

Nhóm nhạc biểu diễn đàn tranh của Thanh Thủy
Nhóm nhạc biểu diễn đàn tranh của Thanh Thủy

“Mong ước của tôi là vào thời điểm thích hợp sẽ lập ban nhạc kết hợp giữa đàn tranh, bộ gõ và ca khúc. Với tôi, tạo được dấu ấn riêng mới là quan trọng chứ không phân biệt đó là âm nhạc cũ hay mới, thị trường hay bác học và được trình diễn nhiều bản nhạc do chính mình sáng tác” – Thanh Thủy sôi nổi với những dự án của riêng mình.

Bài và ảnh: Bích Diệp

Thep NĐT
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây