Tuấn Thảo
5.11.2011
Scorpions, ban nhạc rock lừng danh thế giới cho ra mắt trong tháng này một tuyển tập đánh dấu 40 năm sự nghiệp ca hát của nhóm. Ban nhạc diễn đạt các ca khúc thịnh hành của Beatles, Rolling Stones, T Rex và ghi âm lại các bài hát để đời như Still Loving You (Vẫn còn yêu em) lần đầu tiên được dịch sang tiếng Pháp.
Để tóm tắt sự nghiệp của Scorpions, ban nhạc người Đức tính đến nay đã trình làng trên dưới 25 album, trong đó có 17 album ghi âm ở phòng thâu, phần còn lại là các album live, ghi âm trực tiếp từ các buổi trình diễn. Với gần 120 triệu album được bán chạy cộng thêm hàng lọat giải thưởng quốc tế, Scorpions đương nhiên là ban nhạc rock người Đức, nổi danh nhất ở nước ngoài. Vào tháng 3 năm 2010, nhóm này đã tuyên bố ý định giải nghệ nhân kỳ cho ra mắt album gồm các sáng tác mới là “Sting In The Tail“.
Lần này, tuyển tập “ComeBlack” mở đường cho vòng lưu diễn thế giới cuối cùng vào năm 2012, hầu ngỏ lời tạm biệt với giới hâm mộ đã trung thành với nhóm này từ 40 năm qua. Thật vậy, Scorpions đã cho ra mắt album đầu tay của mình mang tựa đề Lonesome Crow vào năm 1972. Tuy ban nhạc đã nổi danh từ lâu, nhưng Scorpions chỉ được giới trẻ ở Pháp khám phá vào năm 1984. Thời mà nhóm này ghi âm tình khúc Still Loving You (Vẫn còn yêu em), phá mọi kỷ lục số bán, ngự trị trên thị trường châu Âu trong vòng ba tháng liên tục.
Tài nghệ chơi đàn Slowhand
Chính cũng vì lượng khách hâm mộ ở Pháp rất đông đảo mà cả nhóm đã quyết định cho dịch bài này sang tiếng Pháp dưới tựa đề là Je t’aime encore. Trong phiên bản này, Rudolf Schenker thành viên sáng lập của nhóm, thay thế phần đàn solo bằng guitare điện của Matthias Jabs, còn ca sĩ Klaus Meine thì lần đầu tiên hát tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, anh đan xen hòa quyện tiếng hát của mình với giọng ca Amandine Bourgeois, hạng nhất trong kỳ thi Thần tượng âm nhạc Pháp vào năm 2008.
Nổi danh như một trong những ban nhạc hard rock cừ khôi nhất vào những năm 1980, thật ra nhóm này đã được thành lập tại thành phố Hannover, Đức từ năm 1965. Cả nhóm đi trình diễn trong một thời gian dài và mãi đến 7 năm sau mới cho ra mắt album đầu tiên. Thời kỳ lăn lộn với sàn diễn là cơ hội để cho Scorpions trao dồi tay nghề, Rudolf Schenker rồi sau đó là Matthias Jabs rèn luyện ngón đàn, hy vọng đuổi kịp bậc đàn anh là Eric Clapton mà giới chuyên nghiệp thường xếp vào hạng nhất nhì trong số các tay chơi đàn xuất chúng lỗi lạc.
Theo bản xếp hạng của tạp chí Rolling Stones, Eric Clapton đứng hạng tư sau Jimmy Hendrix, Duane Allman và B.B King, nhưng lại vượt qua mặt Jimmy Page (hạng 9), Kurt Cobain (hạng 12) và Carlos Santana (hạng 15). Còn được mệnh danh là Slowhand, Eric Clapton có tài bấm nhiều nốt nhạc cùng một lúc, chơi với tốc độ thần sầu, nhưng bàn tay vẫn chậm rãi khoan thai. Gợi hứng từ bậc đàn anh, các tay guitare trong nhóm Scorpions rèn luyện cách chơi đàn này để phát huy trọn vẹn tài năng vài năm sau. Trái với nhiều nhóm nhạc rock khác, tài nghệ của Scorpions đã thật sự chín mùi trong thời kỳ cho ra mắt album đầu tay.
Nhạc rock sắt thép chơi với bàn tay nhung
Kể từ năm 1974 trở đi, tên tuổi của nhóm lên như diều gặp gió. Đây cũng là thời kỳ mà ban nhạc định hướng cho các sáng tác của họ, mà nhìn chung rất là đều đặn vì mỗi năm đều có một album được trình làng. Dòng nhạc Scorpions không mang nhiều tính thử nghiệm âm thanh, phiêu diêu bay bỗng như ban nhạc Pink Floyd (album để đời của Pink Floyd vừa được tái bản để kỷ niệm 25 năm ngày cho ra mắt The Wall), nhưng vẫn phát huy được sức mạnh của nhạc rock giao hưởng.
Dòng nhạc của họ tiềm tàng sức mạnh vũ bão của hard rock, nhưng không rắn chắc theo kiểu đươn đưỡn khô cứng mà lại ẩn chứa nét mềm mại dịu dàng trong tiết tấu lẫn giai điệu. Nói cách khác, nhóm Scorpions chơi nhạc rock sắt thép nhưng với một bàn tay nhung. Có lẽ cũng vì thế mà ngoài tài nghệ chơi nhạc rock luân chuyển (rock alternative), Scorpions còn có sở trường soạn những bản rock ballad cực kỳ tuyệt vời, tột cùng diệu vợi, nơi mà các ngón đàn solo trải thảm lót mềm cho giọng ca chính, để rồi làm bệ phóng đưa ngôi sao Bò Cạp vào qũy đạo thành công.
Vào đầu những năm 1980, thời kỳ cho ra mắt album thứ 7 của nhóm mang tựa đề Animal Magnetism, uy tín của nhóm Scorpions đã lan tỏa ra khắp châu Âu chủ yếu nhờ vào cái tài trình diễn của họ, còn hay hơn cả là các album ghi âm trong phòng thâu. Gọi là Bò Cạp, nhưng trên sân khấu họ lại có sức cuốn hút mãnh liệt hoang dại của các loài mãnh thú.
Năm 1984, album thứ 9 mang tựa đề Love at First Sting, với ca khúc để đời Still Loving You đánh dấu ngày đăng quang của Vua Bò Cạp trên vòm trời quốc tế. Nhóm này được nâng lên hàng thần tượng nhạc rock khi chinh phục thị trường Bắc Mỹ. Tựa như một trận cuồng phong bão táp, nhạc phẩm “Rock You Like a Hurricane” phá tung các hàng rào cuối cùng, thổi một luồng gió cực mạnh để lật ngược một thị trường đang bị nhạc rock FM thống trị.
Winds of Change : ca khúc tiêu biểu cho cả một thế hệ
Được đài truyền hình ca nhạc MTV tặng cho cái biệt danh là “Đại sứ của làng nhạc Rock”, nhóm Scorpions trong vòng nhiều năm liền không ngừng lưu diễn để củng cố thêm uy tín. Trong đó có buổi trình diễn tại Liên Xô vào năm 1988. Scorpions trở thành ban nhạc rock đầu tiên lừng danh Tây Âu đi hát sau bức màn sắt. (Thật ra, nhóm đầu tiên đi diễn tại Liên Xô là ban nhạc rock người Anh Uriah Heep vào cuối năm 1987, nhưng xét về tầm vóc quốc tế, thì nhóm này không trứ danh bằng Scorpions). Một năm sau, Scorpions tham gia “Liên hoan Âm nhạc Hòa bình”, tổ chức tại Maxtcơva bên cạnh các tên tuổi như Mötley Crue, Ozzy Osbourne và Bon Jovi.
Cũng từ đợt trình diễn này, mà ca sĩ chính của nhóm là Klaus Meine đã gợi hứng sáng tác nhạc phẩm Winds of Change (Luồng gió đem lại đổi thay) sau khi cả nhóm gặp mặt ông Mikhaïl Gorbatchev. Ca khúc này là trích đoạn đầu tiên của album thứ 11 mang tựa đề Crazy World (Thế giới đảo điên), do nói về sự biến chuyển của Đông Âu sau thời kỳ chiến tranh lạnh, bài Winds of Change trở thành ca khúc tiêu biểu cho cả một thế hệ sống ở hai bên bức màn sắt Đông cũng như Tây. Đây là đỉnh điểm trong sự nghiệp của Scorpions, khi nhóm này được mời trình diễn bên cạnh Roger Waters, ca sĩ chính của nhóm Pink Floyd tại Đức vào tháng 7 năm 1990, tức hơn 6 tháng sau ngày bức tường Berlin sụp đổ.
Trên tột đỉnh danh vọng, sự nghiệp của Scorpions bị khựng lại rồi bắt đầu có dấu hiệu suy tàn từ những năm 1993 trở đi. Tuy thành công trong nhiều thập niên nhưng nhóm này lại không có đội hình ổn định. Ngoại trừ tay đàn Rudolf Schenker thành viên sáng lập của nhóm và ca sĩ Klaus Meine (gia nhập ban nhạc từ năm 1969), hầu hết các thành viên khác không trụ lại được lâu.
Tính tổng cộng nhóm này đã có đến 23 thành viên làm việc trong nhiều giai đọan khác biệt. Điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến lối sáng tác, vì nếu như Scorpions có được thêm luồng sinh khí một phần là nhờ vào việc hợp tác với các nghệ sĩ mới, thì ngược lại việc thay đổi thường xuyên các thành viên, tuy đảm bảo cho việc ra mắt album một cách đều đặn nhưng không có nghĩa là chất lượng sẽ đều tay.
Nọc độc ngọt ngào, dạt dào nhức nhối
Có một thời kỳ nhóm này chạy theo hướng metal rock mà lơ là với sở trường soạn rock ballad của họ. Những bài hát như vậy chia giới hâm mộ Scorpions ra thành hai phe : một bên đơn thuần yêu chuộng hard rock và một bên chuộng các giai điệu trữ tình của nhóm, nhưng chưa chắc gì làm hài lòng được cả hai. Sau gần 10 năm ít thành công hơn, Scorpions dần dà nối lại với nhạc rock giao hưởng từ năm 2001 trở đi. Sự kiện nhóm này ăn khách trở lại khi kết hợp dòng nhạc của họ với bộ đàn dây, khi thì chơi rất mộc, lúc thì hòa quyện với cả một dàn nhạc thính phòng, cho thấy chất rock giao hưởng là dấu ấn của Scorpions, không thể phá vỡ, khó thể tách rời.
Ngày cho ra mắt tuyển tập mới Comeblack cũng đánh dấu ngày Scorpions nối lạ với nền tảng cơ bản của cả nhóm trong lối sáng tác tình khúc : tiếng đàn dìu dắt giọng ca, cấu trúc bài hát dần dần trải nhẹ, khúc nhạc đi từ những nốt đơn điệu để rồi đến đọan cao trào trở thành một bản phức hợp, cuồn cuộn lớp lớp. Chính với sở trường trải dài cái đuôi, mà con Bò Cạp dùng tuyệt chiêu để tiêm chích vào trong tim người nghe một nọc độc ngọt ngào, dạt dào nhức nhối.
Tuấn Thảo
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr