Nhạc Cổ Điển Từ Việt Nam

Jeffrey Gantz
26.10.2011

VNSO Tetsuji Honna
Tetsuji Honna điều khiển dàn nhạc VNSO ở Symphony Hall, Boston, 24.20.2011. (misaki matsui)

Lần thứ hai trong tháng này, thêm một dàn nhạc giao hưởng âm thầm lặng lẽ tới trình diễn ở Symphony Hall  trong chuyến lưu diễn Hoa Kỳ. Hai tuần trước, dàn nhạc St. Petersburg State Academic Symphony Orchestra chứng tỏ đẳng cấp quốc tế của mình. Lần này, Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng người Nhật Tetsuji Honna trình độ không cao được như vậy, nhưng biểu diễn cũng không đến nỗi tệ trong chuyến lưu diễn đầu tiên ở Hoa Kỳ. Chương trình biểu diễn kết hợp những tác phẩm cổ điển Tây phương quen thuộc và âm nhạc cổ truyền Việt nam.

Chương trình buổi hòa nhạc được chọn lựa khéo léo, kết hợp giữa nhạc cổ điển Tây Phương với cây nhà lá vườn: “Adagio for Strings” của Samuel Barber, Violin Concerto “Thăng Long” của Đàm Linh, và sau cùng là Giao Hưởng số 8 của Antonín Dvorák. Có một ngạc nhiên khi dàn nhạc ra sân khấu: những nữ thành viên của dàn nhạc đều mặc áo dài đủ màu sắc. Và thêm một ngạc nhiên nữa là khi buổi hòa nhạc bắt đầu: dàn nhạc bắt đầu với quốc ca, trước là quốc ca Mỹ, sau là quốc ca Việt Nam, cả dàn nhạc đứng dậy lúc trình diễn ngoại trừ cellos và basses.

Phần còn lại của buổi hòa nhạc thì trình diễn đẹp đẽ nhưng sự thể hiện thiếu cá tính đặc biệt. Dàn nhạc chơi “Adagio”của Barber lưu loát, nhưng âm điệu không có cái đau khổ và cảm xúc làm đôi khi cách thể hiện đi ngược lại với âm nhạc. Kiểu phân đoạn dài một cách có nghệ thuật của Honna chỉ đều đều trôi qua, ngay cả những đỉnh cao cũng không thấy đâu hết. Bài violon concerto của Đàm Linh (1932-2001) là một tác phẩm khá lạ chỉ một hành âm dài 13 phút, pha trộn những năng động một cách căng thẳng (cả Bartók, Prokofiev, và Berg đều thấy thấp thoáng)[1], từ trong đó một giai điệu dân ca cứ ráng thoát ra. Một vài chỗ như là quân nhạc (dùng rất nhiều tiếng trống) nhưng cũng không thể ngăn được bài nhạc tự cởi trói mình và thăng tiến đến một kết cục khải hoàn. Người chơi solo violin là Lê Hòai Nam, người Hà Nội, đủ trình độ chơi với âm điệu dẻo dai và uốn lượn.

Sau giờ nghỉ giả lao, dàn nhạc trở lại sân khấu với các nữ thành viên trong trang phục màu đen truyền thống của dàn nhạc tây phương – để trình diễn bài giao hưởng của Dvorák. Ở bài này cũng vậy, cá tính thể hiện cũng không đúng: dàn kèn đồng chơi bạo quá và thường the thé, những đỉnh cao bị ồn và không cân bằng, và nhịp nhảy không chắc chắn. Đoạn dumka (theo kiểu valse ) nổi tiếng trong 3/8 ở đầu hành âm thứ ba Allegretto grazioso thì chông chênh, và dạng trio đúng ra thì phải tương phản với nhau nhưng lại được trình bày cùng một mức độ[2]. Tuy nhiên cũng có những điểm làm hài lòng người nghe: tiếng thì thầm của rừng thẳm trong hành âm thứ hai Adagio, tiếng cello đầy đặn suốt cả bài giao hưởng. Nói chung thì tốt, dù rằng nhiều chi tiết bị thiếu sót.

Hai bài encores đều là soạn từ dân ca Việt Nam: Lý Hoài Nam và Trống Cơm. Cả hai bài thể hiện được âm thành ngọt ngào của một dàn nhạc chơi bài tủ của mình.

Nguyễn Sĩ Hạnh, phỏng dịch

Chú thích của người dịch:

[1] Nét nổi bật trong âm nhạc của Bartok và Prokofiev là năng động (energetic). Trong khi đó nét chính của Berg là căng thẳng (nervous), đặc biệt là trong 2 vở opera Wozzek và Lulu

[2] Chương 3 của Dvorak’s Symphony số 8, Allegretto grazioso, có cấu trúc ternary form ABA, phần A ở thứ (minor) là một vũ khúc nhịp 3 dân gian Slave (Dumka, giống như Valse). Phần B là Trio ở điệu trưởng (major). Phần B (trio) phải chơi tương phản với phần 2 A kẹp Trio ở giữa.

Chương 3 đầy đủ là Allegretto grazioso – Molto vivace. Ngoài phần Allegretto grazioso ternary form ABA như đã nói, còn thêm phần Coda: Molto vivace như được diễn tả trong bài sau đây:
http://www.kennedy-center.org/calendar/?fuseaction=composition&composition_id=2083

(Coda là phần optional có thể thêm vào ở bất cứ chương nào của symphony. Như nghĩa của nó vậy. Coda = phần/cái đuôi)

Nguồn: http://www.bostonglobe.com/arts/2011/10/26/review-vietnam-national-symphony-orchestra-concert-symphony-hall/gGTBDOfV2FHYwXU81XdlUO/story.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây