Nhạc sĩ Đăng Khánh

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2011-10-21

Chương trình ANCT do Vũ Hoàng phụ trách giới thiệu đến quí vị một số tác phẩm của nhạc sĩ Đăng Khánh.

Đăng Khánh
Nhạc sĩ Đăng Khánh – Hình do NS gửi RFA

Niềm đam mê âm nhạc

Vũ Hoàng: Xin chào nhạc sĩ Đăng Khánh. Trước hết cám ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện ngày hôm nay. Vũ Hoàng được biết đến nhạc của ông khá lâu nhưng hôm nay mới được trao đổi trực tiếp với ông, thì xin nhạc sĩ có thể giới thiệu đôi chút con đường đến với âm nhạc của ông được không ạ?


N.S Đăng Khánh: Trước hết cho tôi gửi lời chào tới anh Vũ Hoàng và thính giả của đài Á Châu Tự Do. Thưa anh Vũ Hoàng, có thể nói như thế này, từ những ngày tôi còn nhỏ thì mình đã bắt đầu học nhạc, cũng đánh đàn, cũng theo các lớp nhạc. Ông cụ ở nhà rất thích đánh banjo và guitar từ những thời thập niên 50, cho nên khi mình lớn lên thì nó vẫn nằm ở trong đời sống âm nhạc của gia đình với ông cụ.

Và cứ như thế mãi mãi cho đến tận ngày hôm nay, không lúc nào rời bỏ học nhạc, không lúc nào rời bỏ tìm tòi trong nhạc viện, trong trường, ở các thầy và không bao giờ bỏ quên âm nhạc trong mỗi giây phút của đời sống. Thì đó là sự gắn bó với âm nhạc của tôi từ nhiều chục năm nay.

Vũ Hoàng: Vâng cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh, Vũ Hoàng có đọc thấy rất nhiều bài báo nói về nhạc sĩ Đăng Khánh đó là khi sáng tác nhạc gần như là một nhu cầu, một hơi thở hàng ngày, một rung cảm, mà nếu như không gắn bó và gần gũi với âm nhạc thì nhạc sĩ Đăng Khánh thấy thiếu thốn và gần như không chịu nổi. (cười)

N.S Đăng Khánh: Vâng, sự thực nó là như vậy.

Vũ Hoàng: Vũ Hoàng có thấy một đường hướng mới của nhạc sĩ Đăng Khánh là quay sang với nhạc jazz. Thì nhạc sĩ có thể cho biết vì sao mình lại quay sang jazz khi mình học piano được không ạ?

N.S Đăng Khánh: Để trả lời câu hỏi này, thì cho mình trả lời câu hỏi trước câu này một chút chút. Là bảo rằng anh Vũ Hoàng đọc thấy đâu đó người ta nhắc đến chuyện mỗi ngày nhạc sĩ Đăng Khánh không có âm nhạc thì chịu không được. Điều đó thú vị lắm.

Quý vị không thể tưởng tượng là mình có niềm đam mê như thế này, là không có lúc nào đi đâu, ở đâu mà không có cây đàn đi theo. Bởi vì lúc nào mình cũng có thôi thúc để làm một việc gì trên cây đàn đó. Nếu các bạn nào hoặc ai đó có nhắc đến điều đó là có thật, thưa quí vị và thưa anh.

Vũ Hoàng: Vâng xin ngắt lời nhạc sĩ Đăng Khánh một chút để mời quí thính giả đến với bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ qua bài “Làm Sao Tôi Biết” qua tiếng hát Thu Phương.

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Đăng Khánh, xin quay lại với câu hỏi về nhạc jazz, thì ông có thể chia sẻ về con đường đến với nhạc jazz của ông như thế nào được không ạ?

N.S Đăng Khánh: Vâng, thưa quí vị, tôi thì học nhạc classic cổ điển piano, rồi sau đó học classic guitar, đến khi sang Mỹ thì vào trường nhạc ở đây Moore School Music, ngày thì vẫn tiếp tục học nhạc cổ điển đấy, nhưng ngoài đời sống họ lôi cuốn mình đi, chủ đề cũng như đường hướng sáng tác rộng lắm. Mình mới thử nghiệm đưa thử rhythm (giai điệu) của nhạc jazz cũng như ngôn ngữ của nhạc jazz vào sáng tác nhạc Việt coi như thế nào. Đây cũng là một thử nghiệm mà mình rất thích thú vì tôi học nhạc jazz từ hơn 10 năm nay rồi, nếu mà chỉ học nhạc jazz mà lại chỉ đánh những bài của người Mỹ, nhạc Việt thì mình thử viết xem ra làm sao, thì kết quả là bài Biển Vắng trên nền nhạc blues jazz, đó là bài mới nhất mà mình dùng blues scale và blues style trong đó thưa anh Vũ Hoàng.

Vũ Hoàng: Vâng, một lần nữa lại xin ngắt lời nhạc sĩ Đăng Khánh một lần nữa để mời quí thính giả nghe một trong những sáng tác mới nhất là bản Biển Vắng qua tiếng hát Quang Minh.

Nhạc phẩm tâm đắc nhất

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Đăng Khánh, trong số rất nhiều những tình khúc của ông, thì Vũ Hoàng được biết ông khá tâm đắc với bản Dù Nghìn Năm Đi Qua vì bài hát này được cho là có một chiều sâu nội tâm rất lớn và gắn với một kỷ niệm thật đẹp của tác giả, thưa ông có phải không ạ?

Đăng Khánh
Nhạc sĩ Đăng Khánh (thứ hai từ trái) cùng PV Vũ Hoàng (bìa trái) chụp hôm 28/8/2011 tại tiểu bang Orgeon, Hoa Kỳ. Hình do NS gửi RFA

N.S Đăng Khánh: Vâng, cám ơn anh Vũ Hoàng đã nhắc đến bài này vì mình không nghĩ bài này thật là tuyệt tác về kỹ thuật, nhưng nó lại là cả trái tim của người viết. Thú thực là tôi viết bài này với người phối ngẫu của mình đến Venice để thăm Venice và đảo Capri. Thì tự nhiên tất cả lòng mình, thì tự nhiên lòng mình tự thổ lộ ra và bài này chỉ trong vòng một đêm thôi, so với những bài khác thì có khi mấy tháng, có khi cả năm mới hoàn thành, bởi vì nó là tình yêu thật của mình, tình cảm thật của mình.

Trong đó thú vị nhất là tình yêu bộc phát tự nói rằng là: Tình yêu đã cho một đời, Ngày em mới bước chân vào đời, thì tôi đã yêu em thật rồi, yêu em hơn quá khứ, theo em bên lối cũ, màu thời gian khó phai. Mình nghĩ cuộc đời của mình, con người không có quá khứ thì không có đời sống thật của mình. Và tình yêu của tôi, lúc đó tôi nghĩ đã lên ngôi, tức là lòng chân thành của mình tự nó bộc phát ra. Bài này khác những bài khác vì nó được viết với điệu rất du dương, cho nên những người hoà âm chọn đánh rumba thưa anh Vũ Hoàng.

Vũ Hoàng: Vâng, và sau đây mời thính giả cùng nghe Dù Nghìn Năm Qua Đi qua tiếng hát nghệ sĩ Tuấn Ngọc ạ.

Vũ Hoàng: Nếu được một điều gì gửi đến thính giả, nhạc sĩ Đăng Khánh muốn gửi gắm điều gì không ạ?

N.S Đăng Khánh: Nhân dịp này được tâm tình với anh Vũ Hoàng và quí thính giả yêu nhạc. Khi có người nói chuyện với mình về âm nhạc, nhất là lại tìm hiểu về đời sống âm nhạc của mình thì mình rất cám ơn và cảm thấy nỗi cô đơn của người nghệ sĩ thường thường sống trong nỗi cô đơn vì lúc nào cũng cảm thấy điều gì trống vắng trong tâm hồn của mình.

Không chỉ tâm hồn riêng tư về tình cảm không thôi mà cả những trống vắng của đời sống hàng ngày, đặc biệt là một nghệ sĩ sáng tác thì họ lại đắm chìm nhiều hơn trong những khoảng trống đó. Mình lúc nào cũng mong mình được sống mãi với âm nhạc. Mình mong muốn có một đời sống tốt để cho người nghệ sĩ có thể làm việc và sáng tác mong ước của mình và mình tìm được chủ đề, trời cho mình tìm được hứng nhạc và hoàn cảnh để mà trau dồi nghệ thuật làm việc của mình, thì mình hi vọng sẽ hình thành được những tác phẩm trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Vũ Hoàng: Vâng thay mặt thính giả Đài Á Châu Tự Do, cám ơn nhạc sĩ Đăng Khánh rất nhiều cho buổi trò chuyện hôm nay và xin chúc ông tiếp tục cống hiến được nhiều hơn cho nghệ thuật cũng như cho con đường sáng tác mà ông đã chọn.

Trước khi chia tay, mời quí vị nghe lại bản Lệ Buồn Nhớ Mi, một bài hát được phổ thơ Du Tử Lê qua tiếng hát nghệ sĩ Tuấn Ngọc.

Vũ Hoàng

Theo RFA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây