Tác giả ‘Tạp Ghi Quỳnh Giao’: ‘Biết điều gì thì viết điều đó’

Ngọc Lan/Người Việt
18.10.2011

LTS. “Tạp Ghi” là tên tập sách của người phụ trách mục “Tạp Ghi Quỳnh Giao” trên nhật báo Người Việt, sẽ ra mắt độc giả vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Mười, tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683. Tác giả Quỳnh Giao tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang, sinh quán tại Vĩ Dạ, Huế. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát khi lên 7 tuổi với tên Ðoan Trang và với nghệ danh Quỳnh Giao từ năm 15 tuổi. Sau năm 1975, Quỳnh Giao tiếp tục sự nghiệp ca hát và dạy nhạc tại Hoa Kỳ. Năm 1986, bà bắt đầu viết tùy bút, tiểu luận và truyện ngắn cho một số tạp chí văn học ở hải ngoại. Từ năm 2005, Quỳnh Giao giữ mục Tạp Ghi hằng tuần cho nhật báo Người Việt. Nhân dịp ra mắt “Tạp Ghi,” nhật báo Người Việt có cuộc phỏng vấn cùng nữ tác giả này, do phóng viên Ngọc Lan thực hiện.

Tác giả Quỳnh Giao cùng tập sách “Tạp Ghi Quỳnh Giao” sẽ ra mắt độc giả vào chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Mười.

Tác giả Quỳnh Giao cùng tập sách “Tạp Ghi Quỳnh Giao” sẽ ra mắt độc giả vào chiều Chủ Nhật, 23 Tháng Mười. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)
  

-Ngọc Lan (NV): Quỳnh Giao đã bắt đầu con đường ca hát của mình từ lúc nào?

-Quỳnh Giao: Tôi bắt đầu con đường ca hát của mình từ lúc còn trẻ lắm. Từ lúc 7 tuổi, đã hát cho ban Tuổi Xanh của hai cặp nghệ sĩ Kiều Hạnh và Phạm Ðình Sĩ, đó là song thân của nữ ca sĩ Mai Hương.

Sau đó, lúc 15 tuổi, mẹ tôi là nữ ca sĩ Minh Trang bị mất giọng vì chứng bệnh hen suyễn nên Quỳnh Giao thế cho mẹ hát chuyên nghiệp từ năm mới 15 tuổi. Từ đó đến nay cũng đã nửa thế kỷ rồi.

-NV: Ngoài ca hát, Quỳnh Giao còn là người dạy dương cầm?

-Quỳnh Giao: Nghề đó mới là nghề chính khi sang Mỹ. Năm 1975, khi ra khỏi nước sang đây thì sinh hoạt ca hát tại hải ngoại hơi hiếm nên mình không thể sống bằng nghề đó. Thực ra thì Quỳnh Giao tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc từ năm 1963. Năm 1968 đã dạy nhạc ở Việt Nam rồi, thành ra qua đến đây thì nghề chính là nghề dạy đàn, rồi sau đó có dạy cả luyện giọng.

-NV: Sau nghề ca hát, Quỳnh Giao lại được độc giả quan tâm theo dõi hằng tuần qua mục “Âm Nhạc Quỳnh Giao,” sau này đổi lại là “Tạp Ghi Quỳnh Giao.” Nguyên do nào đưa Quỳnh Giao đến với công việc viết lách này?

-Quỳnh Giao: Như tôi đã trình bày, tôi ra hải ngoại từ năm 1975, nỗi niềm nhớ nước cứ nung nấu trong lòng mình những năm đầu, nhiều lắm. Ðó là động lực khiến cho tờ báo Văn Học hải ngoại từ những ngày đầu, trong số đặc biệt làm về nhạc sĩ Phạm Duy, đã mời tôi viết, và đó cũng là bài đầu tiên tôi viết cho văn học hải ngoại. Từ đó, anh Nguyễn Mộng Giác là người chủ bút của tạp chí văn chương đó mời tôi cộng tác, anh nói Quỳnh Giao viết được thì cứ thỉnh thoảng viết cho văn học một vài bài. Tôi nhớ là tôi không viết nhiều đâu, cứ đến xuân thì tôi mới viết một bài, tức một năm chỉ viết chừng một, hai lần thôi.

Nhưng có lẽ anh Ðỗ Ngọc Yến của tờ Người Việt có để ý, có đọc nên 20 năm trước đây, khi ảnh gặp tôi, ảnh có nói cô mà già một tí thì mời cô viết cho Người Việt, còn bây giờ cô còn hoạt động, còn bận quá!

Anh Yến nói thế là nói đùa thôi, nhưng không ngờ là có lẽ Quỳnh Giao già thật nên người ta mới mời viết. Quỳnh Giao viết cho Người Việt mục Tạp Ghi này từ năm 2005 đến nay, mỗi tuần vào ngày Thứ Năm. Mới đầu đó là mục “Câu Chuyện Âm Nhạc,” nhưng sau đó tôi đề nghị là âm nhạc Việt Nam chỉ có 70 năm thì bây giờ đã hết đề tài rồi, viết về ngoại quốc thì cũng ít lâu sẽ hết, nên hãy cho tôi viết tạp ghi thì tôi sẽ viết cả về điện ảnh, cả về đời thường, về những gì mình có cảm nhận, có kinh nghiệm thì mình viết ra, thành mục là tạp ghi.

-NV: Quỳnh Giao có thể giới thiệu rõ hơn những bài viết, những nhân vật mà mình đã viết trong tạp ghi.

-Quỳnh Giao: Thực sự khi bắt đầu viết mục này, tôi thấy mỗi người mà tôi viết đến thường tôi thích, nên tôi viết với lòng trân trọng lắm. Mình đặt người đó như một hình ảnh, một thần tượng của mình và mình muốn độc giả hiểu được người nhạc sĩ, ca sĩ đó. Tỉ dụ như tôi gọi danh ca Anh Ngọc là một “giọng hát trượng phu,” tại vì tôi luôn luôn nghe giọng Anh Ngọc, tôi nghe ra là một người trượng phu, không phải là một người yếu mềm, tình cảm lãng mạn. Chất giọng của ông là trượng phu, rất đàn ông tính. Cũng như khi tôi viết về giọng hát cô Thái Thanh thì tôi nói là luôn luôn tôi nghe tình cảm Thái Thanh to hơn tình đôi lứa. Ðó là cái tình của tình người, tình nhân ái, chất xã hội trong giọng hát Thái Thanh. Những người ngoại quốc tôi viết tôi cũng ái mộ họ, cũng đi xem tận nơi để về viết bài, để có cảm nhận trực tiếp thẳng đến người đó, chứ không chỉ xem trên đĩa.

Thực ra trong “Tạp Ghi” này có 67 bài, trong khi một năm có 52 tuần lễ, thì 67 bài chỉ mới có hai năm đầu thôi, được xếp theo thứ tự xuất hiện trên báo.

-NV: Như vậy sau tập tạp ghi này sẽ có tiếp những tập tạp ghi khác?

-Quỳnh Giao: Nếu độc giả yêu thích, mến chuộng thì Quỳnh Giao nghĩ là mình sẽ có những tập tiếp tục.

-NV: Tạp ghi này không có lời giới thiệu mở đầu của một nhà văn, nhạc sĩ nào khác, mà chính tác giả là người viết luôn lời mở đầu. Ðiều này có ý nghĩa như thế nào với Quỳnh Giao?

-Quỳnh Giao: Tôi nghĩ có lẽ không ai giới thiệu tôi được vì nếu họ giới thiệu tôi thì một là người nhạc sĩ đó sẽ có cái nhìn về một người ca sĩ. Nếu là một nhà văn thì tôi không phải là nhà văn, tôi không nhận là nhà văn để nhờ nhà văn viết về mình.

Tôi dùng chữ “Trước Khi Mở Sách” như một tâm tình nho nhỏ, một nhịp cầu bắc giữa độc giả với tôi, để họ theo dõi cuốn sách này. Nhiều người nghĩ đó là một sự đơn giản, mà tôi thì lại là người thích sự đơn giản, tôi không thích trịnh trọng giới thiệu tôi nhiều quá mà đôi khi nó không to tát đến như vậy. Thành ra người nhạc sĩ hay văn sĩ giới thiệu mình, họ không biết nói điều gì, mà có khi họ nói quá lên, mà trong khi mình muốn sự đơn giản thôi. Thực sự tôi không phải là nhà văn, tôi chỉ là người biết điều gì thì viết điều đó, tôi không dám viết những điều gì mà mình không biết.

-NV: Xin Quỳnh Giao giới thiệu thêm với độc giả Người Việt về buổi ra mắt sách sắp tới sẽ diễn ra lúc nào, diễn giả có những ai?

-Quỳnh Giao: Gấp rút lắm, vào Chủ Nhật này, 23 Tháng Mười, lúc 2 giờ chiều, tại nhật báo Người Việt, có buổi gặp gỡ bạn đọc và thân hữu để chung vui với Quỳnh Giao và Quỳnh Giao sẽ ngồi ký tặng sách cho những độc giả muốn có chữ ký.

Thành phần diễn giả bao gồm những người Quỳnh Giao quý trọng trong nghề nghiệp, từ những người lớn tuổi, biết Quỳnh Giao từ trước 1975, như nhà văn Nguyễn Ðình Toàn, kịch sĩ nhà văn Lê Tuấn, hay nhà văn Huy Phương, nhà báo Phạm Xuân Ðài.

Về thành phần nghệ sĩ cũng toàn những thân hữu của Quỳnh Giao như Kim Tước, Lê Hồng Quang, Phạm Hà là những nghệ sĩ mà bao lâu nay Quỳnh Giao hát chung một sân khấu, hát chung rất nhiều.

Quỳnh Giao mong là độc giả đến với Quỳnh Giao trong buổi chiều Chủ Nhật tới vào ngày 23 Tháng Mười tại hội trường nhật báo Người Việt.

-NV: Cám ơn Quỳnh Giao và chúc mừng ra mắt quyển “Tạp Ghi” đầu tiên.

Ngọc Lan thực hiện

Theo Người Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây