Riccardo, trái tim sư tử

James Bone
22.3.2011

Riccardo Muti, nguyên xếp của nhà hát opera La Scala, kể chuyện ông dùng cây baton để điều khiển Berlusconi.

riccardo muti

Ricardo Muti kể lại giây phút khi tất cả khán giả trong nhà hát opera ở Rome đứng dậy đồng loạt để tham dự vô cái encore, bài hát “Bài Đồng Ca Của Những Người Nô Lệ Do Thái“. Đối với một nhạc trưởng, người từng là giám đốc nghệ thuật của nhà hát opera La Scala, Milan, trong 19 năm trời, và nay là nhạc trưởng của dàn nhạc nổi tiếng Chicago Symphony Orchestra, người vừa mới thắng hai giải Grammy và 1 triệu đô của giải Birgit Nilsson, thì đó thật là một lời khen ngợi cao quí.


Giây phút đó là vào cuối hồi 3 của vỡ opera Nabucco của Verdi, tại nhà hát Teatro Dell’s Opera ở Rome, ngày 12 tháng Ba. Đây không chỉ đơn giản là một đoạn nhạc tuyệt vời, mà là một  phút hưng phấn của cả nước ở Ý, nơi chôn nhau cắt rún của người nhạc trưởng – và là một sự kiện sẽ để lại một dấu ấn dài lâu trên nền nghệ thuật của một quốc gia vốn nhiều tự hoài nghi chính mình.

Lúc nào cũng hăng say, và khỏe mạnh sau cú té từ bục ở Chicago tháng vừa rồi dẫn đến chuyện giải phẩu tim để đặt cái máy đập nhịp vô, Muti kể lại cho The Times về cái sự kiện đáng nhớ đã lên tít lớn trên báo khắp nước Ý và làm thay đổi chính sách văn hóa của chính phủ Berlusconi. “Chúng tôi có 1.300 khán giả ca với dàn nhạc và ban hợp xướng,” người nhạc trưởng nói với niềm sửng sốt. “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là 80 phần trăm khán giả thuộc lời bài ca. Điều này chứng tỏ là opera rất là phổ thông ở Italia.”

Muti, nay 69 tuổi, đã không nghe lời bác sĩ khuyên và đồng ý điều khiển Nabucco nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày thống nhất Ý. Vỡ opera kể chuyện những người Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Babylon sau khi mất nước. Được sáng tác vào năm 1842, vỡ opera này của Verdi thường được nêu công là đã giúp làm sống dậy lương tâm dân tộc của  nước Ý. Bài hát nổi tiếng Va pensiero, thường được gọi là Bài Đồng Ca Của Những Người Nô Lệ Do Thái, trở thành bài quốc ca của những người Ý yêu nước trong thời kỳ đấu tranh dẫn tới thống nhất quốc gia vào năm 1861. Thăm dò mới đây cho thấy là đại đa số dân ý ước là Va pensiero là bài quốc ca.

Muti lên bục điều khiển trong nhà hát ở Rome khi nước Ý , nơi đã từng một  thời thịnh vượng sau thế chiến thứ hai, trong nhiều năm qua đã và đang bị trụt lùi sau những quốc gia lớn khác ở Âu châu. Thủ Tướng Berlusconi thì sắp ra tòa vì tội party lem nhem với 33 cô gái, trong số đó có nhiều cô là gái làng chơi, và chính phủ của ông thì cắt ngân sách cho văn hóa quá nhiều đến nỗi tường ở phố cổ Pompeii ngã đổ mà không có đủ ngân sách để duy tu. Còn đảng Northern League trong chính phủ liên minh của ông thì coi bộ không muốn dính vô chuyện ăn mừng kỉ niệm thống nhất đất nước và không tham dự vô một số lễ hội này.

Trước khi mở màn vỡ Nabucco, Gianni Alemanno, Thị Trưởng Rome, bắt đầu với một bài phát biểu ngắn, chỉ trích chính phủ cắt giảm ngân sách tài trợ cho nghệ thuật, điều làm tổn hại tới nhà hát opera. Ông Thị Trưởng chỉ trích chính phủ, dù rằng ông thuộc đảng cầm quyền, và từng làm bộ trưởng trong chính phủ Berlusconi. Bài phát biểu của ông gây một tiếng vọng lớn từ khán giả, như Muti đã cảm thấy.

“Khán giả vỗ tay thật lớn, xong vỡ opera bắt đầu.” Muti nhớ lại. “Vỡ opera được trình diễn tốt đẹp, nhưng khi đến bài đồng ca Va pensiero thì ngay lập tôi tức cảm thấy cái không khí căng thẳng trong nhà hát. Có một thứ gì đó mà bạn cảm thấy nhưng không diễn tả được. Trước đó khán giả im lặng để nghe opera. Ngay lúc khán giả biết là sắp bắt đầu bài Va pensiero thì sự im lặng trở nên căng thẳng,” ông nói. Ông có thể cảm thấy khán giả phản ứng lại câu than của những người nô lệ Do Thái “Oh mia patria, si bella e perduta! (Ôi quê hương đẹp đẽ nay đã mất rồi!).


Bài đồng ca Va pensiero

Khi Muti điều khiển ban hợp xuớng kết thúc bài hát thì ngay tức khắc những tiếng kêu nổi kên: “Bis!” (encore, lập lại). Khán giả bắt đầu la lớn “Viva Italia!” (Nước Ý bất diệt) và “Viva Verdi!” (Verdi sống mãi).  Những người ngồi trên từng thứ tư của những balcon riêng biệt bắt đầu ném truyền đơn xuống với lời lẽ yêu nước – có tờ đề “Muti – Thượng Nghị Sĩ muôn đời”.

Muti trong bụng không muốn cho encore lúc này, mặc dù ông đã có lần làm như vậy ở nhà hát Scala vào năm 1986. “Vỡ opera phải được diễn từ đầu đến cuối,” ông nói. “Tôi không muốn lập lại ở giữa, ngoại trừ có lí do đặc biệt.”

Tuy nhiên, khán giả đã đánh thức niềm tự hào dân tộc trong ông. Một cách bất ngờ, người nhạc trưởng xoay người lại đối diện với khán giả. “Tôi nói, Nabucco, vào ngày 9 tháng Ba năm 1842, là vỡ opera đã bắt đầu cuộc cách mạng dành độc lập tự do từ tay người Áo. Tôi hi vọng là nay mừng 150 năm ngày đất nước thống nhất, đêm nay Nabucco sẽ không là khúc nhạc đưa đám ma cho văn hóa của chúng ta.”

Ông mời khán giả hát chung với ban hợp xướng. “Tôi thấy một số người đứng dậy. Cả nhà hát đều đứng dậy. Và ban hợp xướng cũng đứng dậy. Đó là một giây phút nhiệm mầu của nhà hát.”


Muti phát biểu và điều khiển khán giả đồng ca với dàn hợp xướng, encore bài chorus “Va’ pensiero…

“Tối đó, không chỉ là một buổi trình diễn Nabucco, mà còn là một tuyên ngôn của nhà hát của thủ đô gởi tới các chính gia ở gần đó.”

Hai ngày sau Giulio Tremonti, Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh, tới thăm Muti. Bộ Tài Chánh là bộ bị đổ thừa về chuyện cắt ngân sách. Nước Ý đang bị lộn xộn bởi những người bất mãn chính phủ vì vấn đề trợ cấp nghệ thuật. Hồi tháng Giêng, Bộ Trưởng Bộ Nghệ Thuật, Sandro Bondi, mới xém bị bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội sau khi tường của phố cổ Pompeii bị đổ, nhưng sau đó ông tuyên bố là dù sao đi nữa ông cũng đã tính từ chức vì bị chính phủ chơi ép. Diễn viên điện ảnh và đạo diễn thì đe dọa đình công.

Chỉ vài ngày trước bữa diễn vỡ Nabucco, Adrea Carandini, một nhà khảo cổ nổi tiếng, đã từ chức chủ tịch của Ban Cố Vấn Chính Phủ Về Bảo Tàng Văn Hóa để phản kháng – là người chủ tịch thứ hai từ chức trong vòng hai năm qua (người đầu tiên là Salvatore Settis, một sử gia, từ chức để phản đối việc cắt giảm ngân sách cho các trường đại học).

Muti chỉ trích các chính trị gia, cho rằng mấy ông này không được dạy dỗ kĩ lưỡng về văn hóa để hiểu chuyện cắt giảm ngân sách văn hóa của họ. Mặc dù trong mấy chục năm qua ông đã phàn nàn nhiều về việc văn hóa bị bỏ bê ở Ý, ông nói là giờ mọi chuyện càng tệ hơn nữa. “Mấy năm qua tình hình đã xuống dốc thê thảm một cách nhanh chóng.” Ông nói.

Tremonti thường được coi là người sẽ nối vị nếu một ngày nào đó Thủ Tướng Berlusconi bị hạ bệ do vụ ra tòa vì vụ gái điếm. Muti diễn tả Tremonti là người “rất ham mê nghệ thuật.” “Ông đến thăm tôi và nói chuyện. Sau một giờ đồng hồ  bàn bạc, ông hứa là ông sẽ giải quyết vấn đề nghệ thuật, và sẽ cấp đủ ngân sách cần thiết cho nghệ thuật… Tôi nghĩ là ông sẽ giải quyết vấn đề mấy nhà hát trước,” Muti nói.

Tremonti thì tóm tắt buổi thăm viếng bằng câu danh ngôn của Julius Caesar, “Veni, vidi, capii” – “Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã hiểu.”

Bốn ngày sau buổi diễn Nabucco với cái encore ngẫu hứng của khán giả, Muti điều khiển nhà hát opera trong ngày kỉ niệm lần thứ 150 ngày lập quốc của Ý. Nhà hát không còn một chỗ trống, đầy đủ mặt của hầu hết những chính trị gia bộ sậu của nước Ý.  Ông tiếp chuyện Thủ Tướng Berlusconi khi ông này lên hậu trường thăm hỏi anh em trong nghiệp đoàn nhân viên phông màn. Hai người đã biết nhau từ hồi Berlusconi là một thương gia vô danh tiểu tốt ở Milan, và Muti là giám đốc nghệ thuật của nhà hát La Scala. cho nên Muti không ngại chuyện nói thẳng với Berlusconi. “Tôi nghe ông nói ‘Để xem thử tôi có giúp được gì không.’ Tôi trả lời, ‘Thưa Thủ Tướng, giờ là lúc nói sẽ giúp chớ không phải lúc nói xem thử có giúp được,'” Muti kể lại. “Ông mỉm cười lại với tôi – một cách tích cực.”

Muti nhận ra ở Ý có truyền thống lâu đời là chính phủ trợ cấp nghệ thuật rất nhiều. Là giám đốc của dàn nhạc Chicago Symphony Orchestra, ông hiểu rõ cái kiểu những cơ sở văn hóa nghệ thuật của Mỹ sống thong thả với tiền bảo trợ từ các công ty tư nhân. Nhưng ông nói rắc rối là do luật thuế má ở Ý không chịu giảm thuế cho tiền cống hiến vô các cơ sở văn hóa nghệ thuật như bên Mỹ. “Tôi nghĩ là chính phủ có bổn phận phải lo về giáo dục và văn hóa của đất nước. Không nên để tư nhân phải lo mấy chuyện này,”  ông lí luận. “Điều tôi không hiểu là tại sao Ý lại không làm được như Mỹ, giảm thuế trên tiền cống hiến vô những cơ sở nghệ thuật. Lời giải duy nhất cho vấn đề nghệ thuật là chỗ này: cả chính phủ lẫn tư nhân cùng lo.”

Coi bộ thoải mái, dù là mới bỏ công sức điều khiển vỡ opera dài ba giờ đồng hồ, Muti nói sức khỏe ông giờ “benissimo” sau khi cái té thình lình hồi tháng Hai khi đang dượt bản giao hưởng số 5 của Shostakovitch. Bác sĩ khám phá ra ông té – làm bể cằm – là vì chứng loạn nhịp tim, nên mới đặt một cái máy giữ nhịp vô tim. Bác sĩ cho biết là tim ông còn tốt và chỉ cần cái máy giữ nhịp là đủ rồi.” Bác sĩ khuyên là nên nghỉ sáu tuần. Nhưng họ nói vì Muti là một bệnh nhân gương mẫu và rất kỉ luật, cho nên nếu thấy khỏe thì chỉ cần nghỉ ba tuần là đủ.”

Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch

Theo The Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây