Nguyễn Kim Tiến
16.10.2011
Dường như mùa thu luôn cho chúng ta cảm giác bồng bềnh và mơ mộng. Trời đất rưng rưng trong từng cơn gió và lãng đãng theo từng sợi nắng nhẹ vương. Bầu trời mát dịu và nồng nàn với màu vàng thẳm của lá thu bay. Trong không khí dịu êm của trời thu, hình như chúng ta cũng thích tâm tình cùng nhau qua tiếng nhạc lời ca. Phải chăng đó là khoảnh khắc lòng ta chùng xuống ở một cung bậc mượt mà vừa đủ để cảm nhận những điều yêu quí nhất!
Giảng đường Thánh Jean d’Arc của trường Đại Học Công Giáo Saint Catherine tại thành phố Saint Paul, Minnesota đã được chọn làm nơi chia sẻ những rung động với từng nốt nhạc trong không khí mát mẻ và hiền dịu của trời thu vào đêm thứ bảy, 15 tháng 10 vừa qua. Phải nói là tôi đã may mắn tham dự đêm nhạc thính phòng này, một đêm thật tình cảm và ý nghĩa.
Để mở đầu chương trình, với sự góp mặt của ban Việt Nhạc Minnesota, Quỳnh-Hương đệm dương cầm và Tú-Nguyên đệm vĩ cầm cho ca sĩ Bích Loan hát bài “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên. Kathryn đệm dương cầm và Tú-Nguyên đệm vĩ cầm cho ca sĩ Tiểu Muội đến từ Houston, Texas với bài “Ngăn Cách” của Y Vân. Và phần hai được tiếp tục cũng mở đầu với giọng ca của Đình Luân và Tiểu Muội. Lần này, đặc biệt có anh Nguyễn Phan Đối, cựu học sinh Cường Để niên khóa 67-74 (hiện sống tại Minnesota) đã góp phần đệm dương cầm và anh Trường từ Houston đệm ghi-ta. Những người chơi đàn cũng như những giọng ca không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng với tôi khi tiếng hát ngân lên từ một trái tim nồng nàn và những ngón tay chạm vào cung đàn với lòng đam mê, thì âm vang của tiếng nhạc sẽ thăng hoa bay bỗng giữa đất trời, ngân vang mãi trong lòng người yêu nhạc. Sự đóng góp này đã nói lên tinh thần giúp đỡ nhau cũng như tinh thần yêu âm nhạc thật đáng trân trọng. Và còn biết bao nhiêu tấm lòng khác đã làm cho buổi nhạc thính phóng thành công mỹ mãn.
Trở về với niềm cảm xúc dạt dào đêm qua, tôi xin sưởi ấm tâm hồn bạn bằng những nỗi niềm mà tôi may mắn cảm nhận được như một lời cảm ơn một người đã hết mình với ngôn ngữ âm nhạc, một ngôn ngữ tuyệt vời không biên giới, một ngôn ngữ dễ đi vào lòng người và làm trái tim ta mở ngõ để dịu dàng đón nhận những tia nắng đầu ngày sau những cơn bão táp của lòng ta hay của đất trời!
Thật vậy!
Đôi khi, con người cần những cảm xúc rung động với con người bằng cách này hay bằng cách khác để biết rằng mình hiện hữu. Và đêm qua đã để lại trong tôi những tình cảm quá đổi ngọt ngào và quí giá. Có lẽ vì những gì tôi cảm nhận được vượt ra khỏi những điều tôi suy nghĩ nên trong tôi là những vỡ oà. Tôi đi nghe nhạc đêm qua chỉ mục đích duy nhất là ủng hộ chương trình quyên tiền cho trại hè lên đường của Hội Văn Hoá và Khoa Học tổ chức hằng năm cho các em tuổi từ 18. Theo lời giới thiệu, nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt sẽ lên đây trình diễn và anh bị mù. Tôi biết rất mơ hồ về đêm nhạc, bởi lẽ tôi không để ý đến chương trình âm nhạc mà chỉ nghĩ đến việc ủng hộ mà thôi.
Vậy mà…! ! !
Từ bên trái của sân khấu, Nguyễn Đức Đạt được dìu ra sau lời giới thiệu sơ về tiểu sử của anh đã làm tôi rưng rức. Anh mù bẩm sinh, năm 5 tuổi anh mồ côi mẹ và phải sống lê lếch ở đường phố Sài Gòn cùng với cô em gái 3 tuổi. Cơ may, năm anh 11 tuổi, anh được học nhạc và năm 16 tuổi anh học đàn Tây ban cầm, nhạc cổ điển. Anh may mắn qua Mỹ theo diện con lai năm 1991 và anh đã tiếp tục học tại trường đại học California State University, Fulleton. (chi tiết về anh ở phiá dưới bài). Dáng người nhỏ nhắn với cặp mắt kiếng đen, gọng màu trắng che khuất đôi mắt mù bẩm sinh. Anh nói vài lời chào đón quan khách và đi ngay vào chương trình.
Nguyễn Đức Đạt
Anh bắt đầu bài Fiesta, một tấu khúc vui nhộn với tiếng đàn và tiếng trống do anh sáng tác. Anh đứng trong tư thế thoải mái và bên cạnh anh trên chiếc ghế đẩu cao vừa tầm tay của anh là chiếc máy phát ra tiếng trống anh đã thu sẵn. Tay anh mò mẫm từng nút bấm bên chiếc máy này để điều chỉnh âm thanh. Nhạc trỗi lên, bao nhiêu ngỡ ngàng trong tôi có dịp lại len lõi vào hồn. Tôi thật sự sững sốt với tài năng của anh.
Anh Nguyễn Đức Đạt đã làm thay đổi ý nghĩ ban đầu của tôi, thay vì tôi là người mang đến niềm vui cho anh, cho chương trình bằng sự hiện diện của mình, anh lại thật sự là người đã mang đến niềm vui cho tôi, cho khán thính giả nói chung. Cả hội trường với khoảng hơn 300 người đã yên lặng lắng nghe tiếng lòng của anh, khi thì với những cung bậc não nề khi thì rộn ràng vui nhộn của thể loại Flamenco qua những ngón tay trải dài trên phím đàn. Tôi đã say sưa tận hưởng từng lời ca đã rót ra từ trái tim anh.
Khi anh hát bài “Chiếc gối Ân Tình“, cả hội trường dường như nín thở. Anh thố lộ rằng anh viết bài này từ cảm xúc khi biết là người bạn mù cùng cảnh ngộ với anh sẽ lập gia đình. Bạn anh đã được người vợ cũng mù, tự tay thêu từng đường kim mũi chỉ trên chiếc bao gối để tặng chồng mình nhân ngày cưới. Lời lẽ bài nhạc và giọng ca của anh cùng với tiếng đàn ghi ta reó rắc của anh đã thật sự đi vào lòng nguời. Nước mắt chạy quanh trên từng gương mặt. Dù anh đã không nhìn thấy những giọt nước mắt ấy, nhưng tôi tin chắc rằng anh đã bắt được tần số cảm thông qua sự yên lặng đến ngậm ngùi trong một hội trường nhỏ với đầy kín hơn 300 người. Một không gian lắng đọng thật êm đềm đã làm giọng ca anh cao vút trong nỗi đam mê chất ngất.
Bài “Thu Hát Cho Người” của Vũ Đức Sao Biển, anh trình bày theo phong cách Jazz và Blues. Sự nhịp nhàng nhưng dứt khoát của tiết tấu này lại cho ta một cảm giác ít buồn thảm, không ê chề, lê thê nhưng không kém phần sâu lắng; lắc lư, nhún nhảy, thâm trầm nhưng không đau buốt!
Rồi khi anh độc tấu bài “Hòn Vọng Phu I” của Lê Thương, một lần nữa, trái tim mọi người như hoà theo tiếng ngựa hí và trống rung của đoàn quân ra trận và nỗi lòng của người chinh phụ. Không có bút mực nào, chữ nghĩa nào để tôi có thể diễn tả tình cảm tôi dành cho anh.
Cách anh thể hiện, cách anh tâm tình với khán thính giả rất tự nhiên như hơi thở chậm rãi và nhịp nhàng phát xuất từ trái tim anh, một trái tim nồng nàn thương mến.
Anh trình bày tất cả là 16 bài. Anh độc tấu nhiều bài, như “Malaguena” và “Plaisures of Spain“. Đây là những tấu khúc nổi tiếng của Tây Ban Nha với kỹ thuật Flamenco do anh tự soạn. Bên cạnh giai điệu Flamenco, anh còn trình tấu cổ điển Tây Ban Cầm với bài “An Alms for the Love of God” được biên soạn bởi Augustin Barrios (1885-1944). Có giai thoại cho rằng, Augustin Barrios đã cảm hứng viết bài này vào cái khoảnh khắc ông nhận diện ra lòng ích kỷ của chính mình. Đó là vào khoảnh khắc ông quay lưng lại với người ăn mày thì bỗng nhiên tiếng chuông nhà thơ trong xóm của ông vang lên đánh thức trái tim ông. Nguyễn Đức Đạt đã trình bày quá vững vàng và đầy xúc cảm. Đôi bàn tay thật điêu luyện đã đưa người thưởng ngoạn phiêu diêu đến không ngờ. Âm thanh cứ thế mà cuộn tròn trong bầu không khí ấm áp tình người.
Đôi mắt tôi dán chặt vào hai bàn tay của anh. Bàn tay phải rải đều và nhanh. Bàn tay trái lướt trên phím đàn cũng làm tôi hụt hơi theo dõi. Rồi anh đưa khán thính giả mơ màng cùng anh với bài nhạc anh phổ từ bài thơ “Mây Vô Xứ” của Đào Trung Đạo. Ngoài nỗi buồn man mác của kẻ lữ thứ không nhà, bài nhạc diễn tả như cánh mây bay lang thang trong bầu trời gió chướng, ca khúc còn nói lên thân phận con người trong thế kỷ 21, trong thế giới phẳng và tình yêu thương không còn biên giới quốc gia. Tình yêu thương giữa con người với con người cũng được anh chắp cánh bằng bài nhạc tiếng Mỹ với môt giai điệu mượt mà ca ngợi tình yêu vô bờ bến của cô Tim, một phụ nữ người Thuỵ Sĩ đã cống hiến đời mình trong công tác từ thiện tại Việt Nam. Đó là bài “Angel with the Heart of Gold“.
Anh cũng dí dỏm khi giới thiệu bài nhạc “Tình Mơ“. Anh bảo anh viết bài này khi chưa lấy vợ vì tâm trạng của bài nhạc là tâm trạng của kẻ đang yêu mơ tưởng đến người yêu, còn bây giờ thì không dám! Anh cười vui và cả hội trường cũng vui theo chút dí dỏm của anh. Rồi là bài “Đời Phải Có Em“…Một tựa đề thật hấp dẫn. Anh cho chúng ta thấy rằng cuộc đời này phải có Em. Tôi muốn viết hoa chữ Em để thấy rằng Em là sự dịu dàng bao dung và nhân hậu. Em là khởi nguồn của mọi yêu thương!
Nguyễn Đức Đạt
Anh còn tâm tình, vài năm trở lại đây, anh làm quen với nhạc sĩ Lam Phương. Đó là niềm vinh hạnh của anh khi anh có thể chia sẻ đời sống âm nhạc với giòng nhạc mà anh ưa thích. Và anh đã tặng cho khán thính giả tấu khúc theo phong cách cổ điển, bài “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” của Lam Phương. Một chuyển thể thật khéo léo tài tình. Rồi nào là chất thiền trong lời ca điệu nhạc nói lên tâm thiền của người nghệ sĩ trước những bon chen của cuộc sống như bài “Yêu người, Người sẽ yêu ta“. Rồi anh thổi sáo bài “Tiếng sáo Bồ Đề“. Anh cảm hứng viết bài này từ câu chuyện Đức Phật Thích Ca dùng tiếng sáo để giảng pháp cho một nhóm thanh niên. Anh trình bày qua tiếng sáo của thổ dân Mỹ Châu. Còn bài “Gã điên trên đồng hoang” cho ta thấy rằng Thượng Đế cho ta đôi mắt quí giá nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bên ngoài mà không thấy được vẻ đẹp bên trong. Phải chăng chỉ có đôi mắt của trái tim mới thấy được vẻ đẹp trong lòng người.
Chương trình được kết thúc khi anh trở về với tiết tấu Flamenco rộn ràng, linh động và vui tươi với bài “Malaguena“, một tấu khúc nổi tiếng của Tây Ban Nha.
Nốt nhạc cuối cùng vừa dứt ngân vang. Đèn bật sáng. Tôi biết là đêm lắng nghe tiếng lòng của anh đã chấm dứt. Nhưng trong tôi là những suy nghĩ miên man. Cả hội trường đã đứng dậy chào mừng anh và những tiếng vỗ tay kéo dài không dứt để vinh danh anh, để cảm ơn anh, một con người không may mắn nhưng có lẽ đó là ý muốn của Thượng Đế chăng? Để anh có một đôi tai tuyệt vời, một đôi tay vững chắc với từng ngón xuân nồng và một trái tim thắm đẳm tình người với một nghị lực phi thường.
Tôi thật sự biết ơn anh bằng vài câu chúc phúc anh và một vòng ôm thật chặt, không ngần ngại dành cho anh. Rời giảng đường với lòng tiếc nhớ một đêm nhạc tuyệt vời giữa đất trời thu man mác Minnesota. Những chiếc lá vàng vẫn rơi…rơi… rơi ….trong đêm. Bước chân tôi khẽ chạm, làm lao xao chiếc lá khô bên đường nghe như tiếng nhạc lòng anh còn vương trong gió thu sang !
Thôi thì chút tình tôi gửi đến anh từ Minnesota yêu dấu của tôi. Mong anh nhận lấy!
Nguyễn Kim Tiến
16 táng 10 năm 2011
Vài dòng về Nguyễn Đức Đạt*
Anh sinh năm 1971, với hai dòng máu Mỹ – Việt và bị khiếm thị bẩm sinh. Đạt mồ côi năm 5 tuổi, cùng em gái 3 tuổi sống lang thang ở hè phố Sài Gòn. Anh là học sinh của trường khiếm thị Bừng Sáng. Nhờ cơ may, anh được học nhạc lúc 11 tuổi và năm 16 tuổi anh học chơi nhạc Guitar cổ điển. Nguyễn Đạt và em gái qua Hoa kỳ định cư tại California theo diện con lai năm 199. Dù khiếm thị anh vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Trong khi còn học trung học, năm 1993, anh đã dự thi chương trình Disney Creativity Challenge và đoạt giải. Sau đó anh học đại học ngành trình tấu Guitar cổ điển tại California State University, Fulleton dưới sự hướng dẫn của Gs.David Grimes. Và tốt nghiệp năm 1999.
Năm 1994, Đạt thắng giải độc tấu ghi ta The Southern California ASTA Solo Guitar Competition và đạt giải nhất tại California State Finals. Nhờ vào bài báo nói về cuộc đời anh ở tờ Orange County Register, mà anh được nhiều nơi mời biễu diễn. Cũng từ đó, tháng 11 năm 1996, anh là người Việt Nam đầu tiên được ghi nhận trình diễn cho chương trình Multi-cultural Arts Series tại San Juan Capistrano.
Hiện nay anh là guitarist chính trong ban nhạc Bayadera nổi tiếng tại California. Đạt tiếp tục trau dồi nghệ thuật trình tấu Guitar cổ điển và ước mong trở thành một giáo sư âm nhạc và nhà soạn nhạc cổ điển. Ngoài ra, Đạt cũng rất tích cực trong các sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Quận Cam. Tờ Orange County Register đã chọn Đạt là một trong 15 nhân vật tiêu biểu cho sự đa dạng của văn hoá Quận Cam trước thềm thiên niên kỷ mơí!
*Sơ lược tiểu sử và vài chi tiết phỏng dịch và trích từ tờ chương trình của đêm nhạc thính phòng “Thu Ấm Hương Đời”