Đường Chiều Lá Rụng

Trích từ Bàn về kỹ thuật viết nhạc trong vài ca khúc Phạm Duy của Phạm Quang Tuấn  viết trong dịp ra mắt CD Lệ Mai hát nhạc Phạm Duy (Sydney, 2003)

Đường Chiều Lá Rụng ít khi được hát và được nghe, vì nó đòi hỏi nhiều ở người nghệ sĩ lẫn thính giả.

Đường Chiều Lá Rụng, Lệ Mai trình bày

Phạm Duy viết rằng

“bài Đường Chiều Lá Rụng rất khó hát so với các ca khúc khác của tôi, nét nhạc và chuyển điệu của nó khá mới lạ, cho tới nay, chỉ có Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao hát nó mà thôi…” (Phạm Duy – Một Đời Nhìn Lại)


Đường Chiều Lá Rụng xử dụng nhiều điệu thức khác nhau trong đó có “hệ ngũ cung Oán” của VN (La, Do, Re, Mi, Fa thăng), tương tự với điệu thức Dorien của Âu châu (La – Si – Do – Re – Mi – Fa sharp – Sol). Điệu thức này thường có một vẻ vương vấn nuối tiếc rất đặc sắc.

Tuy nhiên, PD không giữ nguyên điệu thức Dorien mà chuyển qua chuyển lại điệu thức thứ một cách đột ngột để gây những màu sắc lung linh thay đổi:

Lá vàng êm, lá vàng êm,
như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên…
(âm giai thứ).

Lá vàng khô, lá vàng khô
như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá…
(âm giai Oán-Dorien)

Đường chiều lá rụng

Ngoài những điệu thức thay đổi, một điều nữa làm bài này khó hát là vì PD dùng nhiều quãng 5 giảm (tritone), nhiều khi thành từng chuỗi, rất khó hát nếu ca sĩ không tập luyện:

Hoàng hôn MỞ LỐI,
Rừng khô THỞ KHÓI,
Trời như BIỂN CHÓI

CHIỀU ÔM vòng tay,
MỘT BÓ thuyền say,
THUYỀN LƠ lửng mãi

Đường Chiều Lá Rụng

Cách viết này không có trong ca khúc Việt Nam nào khác ở thời đó (các thầy dạy nhạc và sách dạy viết ca khúc thời đó đều khuyên ta nên tránh quãng 5 giảm) nhưng những âm điệu đó khiến cho bài này trở thành rất lạ tai, đặc sắc.

Ngoài ra còn có những bước nhảy vọt lên những nốt rất cao khiến ca sĩ phải vận dụng kỹ thuật xướng âm để khắc phục:

Để NHỮNG lệ buồn CÁNH khô…

Chờ ĐẾN một trận GIÓ mưa…

Về mặt trình diễn, Đường Chiều Lá Rụng cần một lối trình diễn tự do phóng khoáng, nhiều ngẫu hứng của người hát lẫn người đàn, điều này càng khiến bài này rất khó hát khó thâu, đòi hỏi khả năng ứng biến giỏi ở người đệm đàn.

Nhưng, phần thưởng của người nghệ sĩ khắc phục được những khó khăn kỹ thuật của Đường Chiều Lá Rụng là những cơ hội diễn tả một điệu nhạc rất say sưa, có kịch tính, nhiều tình cảm sâu sắc nhưng không ướt át.

Về ca từ, PD dùng những từ ngữ và hình ảnh rất nhiều thi tính

…những lệ buồn cánh khô
rơi rớt từ một cõi mơ,
nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ…

nhiều chỗ phảng phất như lời ca của Trịnh Công Sơn về sau này.

Nói tóm lại, khi viết Đường Chiều Lá Rụng, tác giả đã gạt bỏ hết mọi ý định chiều lòng quần chúng và đã đặt nghệ thuật lên trên hết, để làm một món quà tặng đặc biệt cho thiểu số sành điệu.

Phạm Quang Tuấn
11.2003

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây