Show diễn ca nhạc: Gió đổi chiều?

Cung Tuy
17.10.2011

(TT&VH Cuối tuần) – Nhóm Westlife đến Hà Nội và thành công hơn dự kiến. Hàng nghìn cánh tay giơ cao trong điệu nhạc của 4 chàng trai Ireland hôm 1/10/2011 tại sân vận động Mỹ Đình dường như đang báo hiệu một luồng gió mới: sự dịch chuyển của các show ca nhạc từ phía Nam bắt đầu đổi hướng ra Bắc.

Phía Nam bão hòa, phía Bắc lạ lẫm

Điểm lại những show ca nhạc lớn gần đây ở thị trường phía Nam sẽ thấy dường như khán giả đang ngày càng bão hòa. Backstreet Boys phải giảm giá; Super Junior không đông như mong đợi; Bob Dylan đa phần là khán giả nước ngoài; theo lời của nhà tổ chức live show Nguyễn Hưng thì khán giả trong Nam cũng không bằng Hà Nội; Tuấn Vũ về nước nhưng thị trường trong Nam lại không hấp dẫn bằng (Tuấn Vũ diễn hơn 20 show tại Hà Nội và rất thành công)…

Sự phân khúc thị trường ca nhạc trong Nam ngoài Bắc, trước tới nay vẫn được nhiều người bàn tới. Hà Nội dù là lò đào tạo nhiều ca sĩ danh tiếng nhưng miền Nam mới là cái nôi phát triển và là đất lành cho bất cứ ca sĩ nào muốn đi tìm tiếng tăm. Bất cứ show ca nhạc nào tổ chức ở phía Nam cũng đều thắng. Cách đây hơn 4 năm, khi nữ ca sĩ Khánh Hà về nước biểu diễn thì trong show biểu diễn của cô tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) đã không còn một chỗ trống, nhưng sau đó, khi ra Hà Nội biểu diễn tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ghế trống còn rất nhiều. Nhiều người chẳng ngạc nhiên trước chuyện này và cái phân khúc địa lý ấy mặc nhiên vẫn được xem như chuẩn mực của làng ca nhạc.

Nhưng rồi show của Tuấn Vũ thành công rực rỡ, Quang Lê cũng vậy, rồi sự kiện MTV Exist diễn ra hồi tháng 3/2010 với hàng chục nghìn bạn trẻ đi xem đã khiến nhiều người giật mình. Nhiều người cũng đã từng hỏi tại sao Westlife mới đây thành công rực rỡ tại Hà Nội mà trong khi nhóm nhạc ấy lại không xuất hiện ở thị trường phía Nam. Đúng ra, lúc đầu Weslife dự định có mặt tại TP.HCM, nhưng rồi sau đó một nhà tổ chức đã tuyên bố “nếu muốn show này thắng lớn, phải ra Hà Nội” và kết quả đúng như tuyên bố.

Bầu Trung Kiên, người chuyên tổ chức những show lớn như Phú Quang, Nguyễn Hưng, Đàm Vĩnh Hưng… cho rằng “thị trường phía Bắc dạo gần đây bắt đầu xôm tụ như show Quang Lê, Tuấn Vũ, Chế Linh, Nguyễn Hưng lúc nào cũng đầy ắp khán giả. Thị trường phía Nam thực sự đang bị bão hòa, đi đâu cũng thấy show, anh thích nghe bất cứ ca sĩ hải ngoại hay danh tiếng nào ở trong nước đều có thể đến bar, phòng trà hay các tụ điểm lớn nhỏ. Trong khi đó ở Hà Nội thì lại không có nhiều chỗ chơi. Thật ra phân khúc thị trường ca nhạc từ trước đến nay vẫn thế thôi nhưng tôi đánh giá Hà Nội dạo gần đây nhu cầu thưởng thức âm nhạc tăng lên rõ rệt. Có những đêm diễn của Đàm Vĩnh Hưng ở Hồ Gươm Xanh mà có người bỏ cả trăm triệu để mua 100 cái vé tặng bạn bè đi xem…

Nhiều live show của các ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương cũng chọn Hà Nội là điểm đến quan trọng. Và một loạt các show ca nhạc gần đây cũng đang chứng tỏ rằng Hà Nội là một điểm đến đầy hấp dẫn cho các ngôi sao ca nhạc.

Đẳng cấp + Thị trường = Thành công?

Đúng ra có thể thấy rõ hai xu hướng nhất thời đang rất thành công tại Hà Nội, những show ca nhạc đẳng cấp và những show ca nhạc thị trường. Nói như nhạc sĩ Dương Thụ “ai thích xem nhảy múa thì đi live show còn thích âm nhạc nghiêm túc, coi trọng phần nghe thì đi xem concert”, ở Hà Nội hiện nay cả hai xu hướng này đều thành công, nó khác với thị trường phía Nam khi một show diễn phải biết dung hòa hai yếu tố ấy mới gọi là thành công được.

Nhưng hai yếu tố ấy liệu có “đá” nhau trên một sân chơi chung ở Hà Nội? Bầu Kiên thì cho rằng “việc ai người nấy làm và thị trường này đủ rộng để có thể thỏa mãn nhu cầu người nghe. Bên cạnh đó, người giàu lên ở Hà Nội cũng rất nhiều và vì thế họ muốn có nhiều sự chọn lựa”. Trong khi đó, nhạc sĩ Huy Tuấn, người biên tập cho chương trình Music on the roof tại phòng trà Rooftop (Hà Nội) lại cho rằng: “Điều tôi thấy đáng mừng là có thể một thói quen, một thái độ dành cho âm nhạc đích thực đang nhen nhóm và hình thành. Tôi rất hy vọng những mô hình như Không gian âm nhạc hay Music On The Roof sẽ được nhân rộng ra trên cả nước, đó cũng chính là cách chúng ta loại bỏ bớt dần những chương trình kém chất lượng, tốn tiền và thời gian của những người bỏ tiền ra mua vé”. Thị trường phía Nam trước đây luôn là điểm hấp dẫn của những show ca nhạc thị trường và bây giờ bắt đầu bão hòa cũng chính vì công chúng đã quá ngán ngẩm với những chương trình không có gì mới. Và liệu thị trường Hà Nội có nhận ra điều này và thay đổi?

Chương trình ca nhạc Không gian âm nhạc được tổ chức hàng tháng tại khán phòng Ngụy Như Kon Tum luôn đầy ắp khán giả mà giá vé cao nhất lên đến 3 triệu đồng. Ở đó hàng tháng công chúng Hà Nội được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc sạch sẽ, không chiêu trò sân khấu, với những giọng ca hàng đầu hiện nay.

Nhạc sĩ Quốc Bảo, người mới đây được mời ra Hà Nội làm biên tập âm nhạc cho Maison Sens cho rằng: “Thị trường ca nhạc cả nước đều bão hòa, đây là đang nói đến thị trường phổ thông. Công chúng phổ thông có nhiều mối quan tâm thay thế: phim ảnh, truyền hình, Internet, nên lơ là với ca nhạc. Tôi cho rằng không có hiện tượng dịch chuyển thị trường ra phía Bắc, mà căn bản là các nhà kinh doanh nhạc muốn đi tìm đối tượng hẹp, tìm lượng công chúng tinh tuyển hơn, nơi có thể tìm thấy là Hà Nội. Bởi lẽ đó, bản thân tôi cố gắng tìm ra lượng công chúng nói trên bằng các chương trình chọn lọc, đặc biệt, mới lạ, ở Hà Nội. Không bê nguyên mô hình âm nhạc đại chúng miền Nam ra Bắc được đâu. Thị trường dù hẹp hay rộng đều có cơ may tồn tại bằng nhau”. Được biết, nhạc sĩ Quốc Bảo ra Hà Nội là để đảm nhiệm việc phụ trách nghệ thuật cho Maison Sens với tinh thần Sài Gòn. Maison Sens theo mô hình phòng trà của Sài Gòn khi xưa với âm nhạc chủ đạo là nhạc Pháp xưa, nhạc tiền chiến… được ban nhạc Đồng Đội phối lại và chơi live tại sân khấu. Và đó cũng là một mô hình mới lạ tại thị trường ca nhạc Hà Nội.

Với những chương trình ca nhạc đẳng cấp, nhạc sĩ Huy Tuấn chẳng cần vòng vo: “Khách quan mà nói thì tôi không cho rằng các chương trình ca nhạc đang dịch chuyển từ phía Nam ra Bắc bởi vì những chương trình được làm tại Hà Nội là rất riêng, dành riêng cho khán giả Hà Nội. Tôi đã nhìn thấy ở Hà Nội đang hình thành một lớp người nghe nhạc rất mới, họ chịu khó đi nghe nhạc hơn, chịu khó bỏ tiền mua vé, đặc biệt là những chương trình cao cấp. “Cao” trong giá vé và “Cấp tiến” trong cách dàn dựng chương trình luôn được giới sành nhạc ngoài này rất hưởng ứng. Một vài năm về trước tôi nghĩ chưa có lớp khán giả này, có lẽ nay họ đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống và sự nghiệp, họ có tiền và có nhu cầu được hưởng thụ và quan trọng hơn là họ muốn được xem những chương trình thật sự có chất lượng”.

Có thể gió đã không đổi chiều, có thể chưa có hiện tượng dịch chuyển đáng chú ý nhưng rõ ràng thị trường âm nhạc tại Hà Nội đang rất khởi sắc với những lớp người nghe mới và có nhiều điều kiện hơn. Nhưng sự khởi sắc đó kéo dài bao lâu vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời.

Cung Tuy

Theo TTVH
  

2 BÌNH LUẬN

  1. RE: Show diễn ca nhạc: Gió đổi chiều?
    “[i]Hà Nội dạo gần đây nhu cầu thưởng thức âm nhạc tăng lên rõ rệt. Có những đêm diễn của Đàm Vĩnh Hưng ở Hồ Gươm Xanh mà có người bỏ cả trăm triệu để mua 100 cái vé tặng bạn bè đi xem[/i]”

    Đáng tiếc là bỏ trăm triệu mua vé mà để coi ĐVH hát thì thể hiện cá tính “trọc phú” hơn là trình độ thưởng thức âm nhạc! Đem trăm triệu đó làm việc thiện mà coi bộ hay hơn!

    LB

    • RE: RE: Show diễn ca nhạc: Gió đổi chiều?
      (Trong bài viết, khi nói miền Bắc, miền Nam các vị sẽ chỉ cho HN, SG. Vì đây là hai nơi thu hút mạnh các show diễn).

      Có một điều các nhà quan sát thị trường âm nhạc VN ngại nói là nhìn chung cách làm ra đồng tiền của dân nhà giàu HN khác với SG: không vốn mà tỉ lời. Cậu ấm cô chiêu HN thuộc loại “chà đồ nhôm” siêu hạng, mê đắm dòng nhạc bô-lê-rô nên hào phóng là chuyện thường và trong đầu họ không hề có chuyện làm việc thiện. Bác Lang Băm càm ràm như vậy là bất khả thi?

      Bởi vậy ngạn ngữ mói có câu: “Chỉ có đồng tiền tốt mới làm điều tốt”

      ABP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây