Gia Hoàng
16.10.2011
(VnMedia) – Người ta vẫn nói với nhau rằng quyền lực của showbiz không phải là các tên tuổi đang làm mưa làm gió, không phải là những cây bút đứng đằng sau hậu trường mà chính là những bầu show, người tổ chức những chương trình biểu diễn.
Người ta cũng cho rằng các bầu show này thật sự là những người có khả năng nâng cho một tên tuổi bay tới trời hoặc vùi dập một gương mặt xuống tận mặt đất, rằng là dẫu ca sĩ có là thần tiên trong mắt người hâm mộ thì trước mặt bầu show ca sĩ cũng chỉ là một nhân công đi làm và được trả lương không hơn không kém. Nhưng nào ai có biết được cái nghề tổ chức này cũng lắm nỗi gian nan.
Nỗi ám ảnh mang tên “Ông trời, ông nhà đèn”
Hỏi các bầu show thường sợ điều gì nhất, có lẽ không quá khó để họ trả lời ngay đó là “ông trời”. Không chỉ đối với các bầu show thường xuyên tổ chức biểu diễn tại các tỉnh, mà các bầu show chọn địa điểm trong thành phố cũng mang cùng nỗi ám ảnh đó. Có những khi chương trình đã chuẩn bị đâu ra đó, âm thanh, ánh sáng đã chuẩn bị rỡ ràng, vậy mà chỉ cần trời chuyển mây mưa một chút thì dễ chừng show diễn đó bị hủy như chơi.
Kể ra nếu may mắn thì ngay trong khi chương trình đang diễn ra mà có mưa thì bầu show vẫn có thể yên tâm khi tiền vé đã vào túi. Còn trong trường hợp xui xẻo ngay trước khi chương trình mở màn chừng vài giờ mà trời mưa thì bầu show chỉ có nước tuyên bố hủy show vì cầm chắc chuyện lỗ lã khi khán giả không có mà vẫn phải trả lương cho ca sĩ nếu mở màn. Chuyện mưa nắng này thậm chí đến cả những bầu show chuyên tổ chức chương trình trong nhà hát cũng phải ngán ngẩm và lo lắng.
Sau ông trời, “ông nhà đèn” cũng là một nỗi lo thường trực của các bầu show. Hơi khác với chuyện của “ông trời”, thời tiết có mùa nắng mùa mưa để bầu show chọn thời điểm hoạt động mạnh hay nghỉ ngơi, thì nỗi lo “ông nhà đèn” mùa nào cũng phải đối mặt. Đã thế, chuyện điện đóm ở nước ta thì đến người trong thành phố còn phải đau đầu, nói chi đến những điểm diễn ở các tỉnh, nơi mà cơ sở vật chất không thể nào đầy đủ được.
Chuyện mất điện trước khi mở màn không làm các bầu show phải đau đầu như khi đang diễn mà đột nhiên mọi thứ tắt phụp. Nếu đoàn có sẵn máy phát điện thì cũng có thể tạm chữa cháy dù rằng chắc chắn không thể nào tải nổi dàn âm thanh, ánh sáng đầy đủ được. Còn đối với các đoàn không có phương án dự phòng này thì đành phải ngồi đợi có điện lại, còn không thì đành phải ngậm ngùi trả vé nếu không muốn xảy ra những chuyện rầy rà khi khán giả trở nên manh động vì nghĩ rằng mình bị lừa.
Nỗi lo “nhân hòa”…
Có được “thiên thời, địa lợi” không có nghĩa là các bầu show có quyền yên tâm vào sự thành công của chương trình vì vẫn còn yếu tố “nhân hòa”. Nhiều người vẫn nghĩ và tin rằng mối quan hệ bầu show và ca sĩ chỉ có một chiều là ca sĩ phải nương nhờ vào bầu show.
Cũng bởi vậy mà có biết bao nhiêu câu chuyện thêu dệt rằng ca sĩ muốn nổi tiếng đôi khi phải đánh đổi nhiều điều cho bầu show chỉ để có được cơ hội đứng trên sân khấu, để khán giả nhớ mặt gọi tên. Đành rằng trong những câu chuyện ấy cũng có một phần sự thật nhưng chắc chắn rằng đó là quan niệm hoàn toàn phiến diện và không chính xác.
Trên thực tế, mối quan hệ ca sĩ nương nhờ bầu show chỉ có ở các ca sĩ trẻ, mới chập chững vào nghề và quan trọng cơ hội xuất hiện trên sân khấu hơn bất cứ điều gì khác. Ngược lại, đối với các ca sĩ hạng sao thì các bầu show lại phải nương nhờ vào họ để kéo khán giả đến với chương trình của mình. Bởi thế nên phía sau hậu trường lại có nhiều câu chuyện buồn cười khi ca sĩ trẻ sợ ông bầu, còn ông bầu lại sợ ca sĩ lớn, tên tuổi đang lên.
Từ lâu trong giới biểu diễn vẫn có chuyện cá lớn ép cá bé, một khi ca sĩ lớn đã thấy ngứa mắt với anh chàng hay cô nàng lính mới nào đó sau cánh gà, chỉ một lời bỏ nhỏ với bầu show thì y như rằng gương mặt mới kia chỉ còn cách bôi trang điểm để về nhà ngủ cho qua đêm đó. Các bầu show sẽ không dại dột gì mà làm phật ý ca sĩ ngôi sao – tâm điểm nguồn thu của chương trình – chỉ vì một tên tuổi mới toanh, nhỏ xíu.
Không chỉ rắc rối sau tấm màn, các ca sĩ lớn còn có nhiều chiêu trò ngay trên sân khấu, điển hình là chiêu “câu giờ”. Đôi khi chỉ vì muốn “chơi” một đồng nghiệp khác đang đợi đến lượt mình, một ca sĩ sẵn sàng hỏi khán giả những câu như “các bạn có muốn nghe nữa không” và cứ thế làm liền tù tì vài ba bài nữa. Vậy là không chỉ một, mà nhiều ca sĩ khác đều phải đợi thêm và đành phải chọn lựa, hoặc đợi tiếp để diễn và chấp nhận muộn ở những điểm diễn khác, hoặc đành cắn răng bỏ điểm diễn này để sang những điểm diễn tiếp theo.
Đó là chưa kể giờ đây có nhiều ca sĩ đã tự phát triển sự nghiệp theo hướng “môn phái” với sự xuất hiện của mình đều kèm theo những gương mặt trẻ đang dựa vào mình để tìm kiếm đường đến đỉnh danh vọng. Vậy là giống như việc khi đi mua hàng đuợc khuyến mãi thêm vài món hàng nho nhỏ nhưng có một sự thật là không phải quàn tặng nào cũng mang đến người dùng niềm vui.
Nhiều bầu show hiểu rất rõ rằng những gương mặt mới này dễ chừng sẽ làm chất lượng chương trình của mình giảm xuống ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tuy nhiên cũng chỉ để vừa lòng các ông “sao”, bà “sao” mà họ vẫn phải cắn răng chấp nhận.
Và câu chuyện của sự cập nhật
Bỏ qua những vấn đề tồn tại từ xưa, nghề bầu show ngày nay còn gặp nhiều khó khăn khi nền công nghiệp biểu diễn trong nước đang phát triển rất nhanh. Từ những công nghệ âm thanh, ánh sáng, máy phun khói đến những thứ phức tạp hơn như đèn lazer, màn hình LED, họ đều phải cập nhật vì nhu cầu giải trí của khán giả không còn đơn giản như ngày xưa nữa.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào những chương trình có nội dung xuyên suốt, rõ ràng ngày càng được ưa chuộng cũng khiến các bầu show vốn đã quá quen với việc đưa ca sĩ lên sân khấu theo kiểu xếp hàng chờ đến lượt cũng phải đối mặt với những lo lắng về ý tưởng.
Gần đây, sự thất bại của một bầu show cỡ lớn trong nước với một chương trình hội tụ đầy đủ sao nội sao ngoại cũng khiến giới tổ chức biểu diễn phải đặt dấu chấm hỏi và tự rút rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Bản thân bầu show này cũng là một người ngược xuôi Nam Bắc gần hai mươi năm, tạo dựng rất thành công một tên tuổi đứng vững trong thị trường âm nhạc.
Có thể nói, nhiều người vẫn tin rằng anh ta rất thông thạo Việt Nam cả về con người lẫn nhu cầu giải trí. Vậy mà với một chương trình lớn trong tay, không kể đến gương mặt ca sĩ nước ngoài tầm cỡ quốc tế, chỉ với một trong những gương mặt Việt Nam trong chương trình cũng đã đủ đảm bảo sức hấp dẫn của chương trình, anh lại không mời gọi được khán giả đến xem. Mọi nguyên nhân tìm ra đều được đổ về công tác truyền thông, và sự thất bại của show diễn trên đã là một minh chứng hùng hồn về tầm quan trọng của công việc này.
Tạm kết!
Thế giới của showbiz phức tạp, và thế giới của bầu show lại càng phức tạp hơn. Có thể nói, bầu show là một dạng nghề nghiệp mang phân nửa tính chất của người làm nghệ thuật và nửa kia là đầu óc kinh doanh đầy lí trí của một người làm kinh tế. So với những người chỉ làm một nghề nghiệp, bầu show luôn phải thường trực đối diện với những khó khăn đặc trưng của cả hai lĩnh vực này.
Tuy vậy, không thể nào phủ nhận được chính nhờ những nhà tổ chức chương trình mà khán giả khắp cả nước chứ không riêng gì ở thành phố lớn đều được thưởng thức những chương trình giải trí với chất lượng ngày càng được cải tiến. Mong rằng trong thời gian tới, các bầu show không chỉ tìm được những con đường để khắc phục những khó khăn của mình mà còn phải cập nhật được những công nghệ, những kỹ năng mới để nền công nghiệp biểu diễn nước nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Gia Hoàng
Theo VNMedia