Phạm Hoài Nam
9.6.2011
Nguyên Thảo là một trường hợp đặc biệt của làng nhạc Việt, 5 năm hoạt động chính thức với chỉ 1 album “Suối cỏ” ra mắt, gần như ẩn danh trong rừng thông tin dồn dập của thế kỷ 21, sống chậm theo kiểu riêng của mình, ít tiếp xúc với báo giới, nhưng mỗi lần cô xuất hiện đều mang cho người nghe những cảm xúc âm nhạc khác nhau, khi nhẹ nhàng, réo rắt như với những giai đệu mới toanh”Giấc mơ mang tên mình”, “Những khung trời khác” hay ” Giấc mơ thủy tinh” , lúc lại chiêm nghiệm suy tưởng với dòng nhạc xưa cũ ” Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Tình khúc cho em”. Cô gái có cái tên mong manh này khiến người ta phải nhớ đến cô dù mức độ và cường độ “lộ sáng” rất dè dặt.
Âm nhạc, và chỉ âm nhạc.
Thật ra theo Nguyên Thảo, mức độ phủ sóng thông tin của cô không đồn dập được, cũng không thể nhiều hơn, vì dòng nhạc cô chọn để trình diễn, để bày tỏ cảm xúc của mình là dòng nhạc kén người nghe, những bài viết về nó sẽ không có nhiều người tìm đọc, chỉ những ai quan tâm thật sự và có cùng lựa chọn âm nhạc ấy mới cố gắng tìm hiểu và như thế thì cũng là đủ chứ không thiếu. Lựa chọn dòng nhạc theo cách ấy, cô bảo hoàn toàn là bản năng, ngay từ thời mới chập chững vào nghề bằng cách đi hát đám cưới, quán bar, hay ở phòng trà, cô cũng đã hát như thế và cô hài lòng với lựa chọn của mình, bởi chỉ hát thế cô mới có đủ cảm xúc để cất tiếng.
Không chỉ làm người yêu nhạc ngạc nhiên về khả năng của mình, cô chinh phục được hầu hết những đôi tai khó tính của làng âm nhạc Việt, tiêu biểu là hai nhạc sĩ có tiếng khó tính, không dễ gì chinh phục một là Phạm Duy của lớp đi trước, một là Dương Thụ của thế hệ sau, những người luôn tin tưởng giao những bài khó vào tay cô, nhạc sĩ Phạm Duy ưu ái tặng cô mỹ danh “Ngôi sao ẩn mình” còn Dương Thụ thì hình như từ khi biết cô, không có chương trình nào mà ông dàn dựng không có Thảo góp giọng.
Nguyên Thảo bảo, cô sẵn sàng bày tỏ với mọi người cảm xúc và suy nghĩ của mình bằng âm nhạc, thông qua âm nhạc. Những thanh âm chính là điều cô muốn nói, những câu hát chính là điều cô muốn giải bày, nhưng gì cô nghe, xem, đọc hằng ngày đều có thể làm cô hát lên. Ngay từ đĩa nhạc đầu tiên ra mắt, người nghe đã thấy được một Nguyên Thảo trong đó, những bài hát từng được hát lên bởi những giọng ca khác, qua Nguyên thảo thành câu chuyện của cô, thành con người cô, suy nghĩ của cô. Chính vì thế, gần đây khi đọc quyển “Đối thoại với thượng đế” xong, cô lại muốn kể một câu chuyện khác về mình như cách cô từng kể, bằng đĩa nhạc sắp phát hành trong thời gian tới, trên tinh thần những gì đã đọc.
Khi được hỏi tại sao cô không chọn nghề khác mà lại chọn nghề vốn ngắn hạn và mang trong nó sự phù phiếm và nghiệt ngã của ý thích con người, vốn sớm nắng chiều mưa không có gì là chắc chắn này, cô bảo đó là lựa chọn duy nhất đúng với cô, là cái nghiệp mà cô phải mang đã được định hình bằng khả năng ca hát tự nhiên, thiên bẩm. Khi hát Thảo thấy mình được sống, được vui buồn và hạnh phúc, được trăn trở và giải thoát khỏi chính những phiền muộn quanh mình, nên cô không thể làm điều gì khác hơn ngoài đứng đó, trên sân khấu và hát, bằng trái tim mình.
Làm khó khi hỏi cô rằng hình như việc tránh né truyền thông của cô không giống cách bình thường của một người quyết định sống đời nghệ sĩ, khi mọi ngõ ngách đời sống đều bị để ý soi mói, mọi bí mật đều sẽ bị phơi bày, Thảo bảo cô khép mình lại trước những cách trình bày mình khác ngoài âm nhạc, cô ít trả lời báo chí vì cô muốn thế, cuộc đời cô có thể phơi ra trong âm nhạc, tất tật, tâm sự, ruột gan, ý thức, tình cảm…, nhưng nhắc đến cô xin hãy nhắc về âm nhạc và chỉ âm nhạc thôi, cô không muốn bị lột trần đời mình bằng những câu chuyện phiếm không giá trị. Thảo biết mình có thể làm tốt việc giải bày ấy với âm nhạc, bằng âm nhạc, phần còn lại của cuộc đời mình, cô muốn được giữ riêng chứ không muốn bị khai thác bởi truyền thông.
Riêng tư
Chính vì giữ mình khép kín, ít tiếp xúc như thế nên khi nghe được những tin đồn về mình, đại loại như cô là dân Les chẳng hạn, cô thấy buồn cười, hay việc bị xăm soi xem ăn mặc ra sao, quần gì, áo nào… sau hậu trường làm cô sợ và mất tự tin. Thảo kể ngày cô ở Đà Lạt, cô đi đứng bình thường, nhưng lúc lên Sài Gòn, chỉ vì sợ cái cuộc sống dồn dập, những bon chen hơn thua ở đây mà cô rúm mình lại đến nỗi gù lưng, sửa mãi vẫn chưa hết dù rất cố gắng.
Hỏi chuyện cô không khó, nói chuyện trên trời dưới biển với Nguyên Thảo thậm chí rất thích, chúng tôi quen nhau ngay sau khi cô phát hành ” Suối cỏ”, làm việc với nhau có, ăn uống với nhau có, la cà cùng nhau có, một ngày nọ gặp nhau trên mạng, rủ nhau ra cà phê đàm dạo cũng có, cô đọc nhiều và có sở thích đọc sách giống tôi, nhưng cô gái này luôn kiệm lời khi nói về bản thân mình. Nói về sự riêng tư của Nguyên Thảo có lẽ tôi chỉ có thể nói được vài điều, ngoài những gì người ta đã nói về cô:
Rằng Nguyên Thảo là một người khá nhạy cảm, cô yêu hoa, nhất là hoa cúc dại, nhà cửa luôn gọn gàng sạch sẽ nhưng cô không lấy chuyện dọn dẹp nhà của làm thú vui. Cô gái độc lập này nghiện cà phê sáng, thường thức dậy với một ly cà phê nóng và một tờ báo mới trên tay để bắt đầu một ngày trước khi làm bất cứ thứ gì khác. Cô khá thong dong với lịch làm việc của mình, đi hát, đi thu có chừng mực, vừa đủ để nuôi sống bản thân và” trả tiền đi xe ôm hay taxi vì không biết chạy xe”, kết thúc một ngày như thế bằng cách nằm trên giường xem tivi cho đến khi ngủ quên. Khi được hỏi cô thường làm gì với một bộ đồ mới mua, mặc ngay hay cất đi chờ dịp, cô bảo cô thích dùng đồ tốt, thường mua rất mắc khi nó còn đang thịnh, đang mùa và lúc bắt đầu mặc thì nó đã hết mốt từ lâu rồi.
Rằng Nguyên Thảo không phải là mộ tín đồ sung đạo, nhưng cô tin vào nhân quả, vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời sẽ được đền đáp bằng những điều tốt đẹp. Cô chỉ làm những điều lợi mình và cũng lợi người, còn thứ chỉ được cho một phía thì câu trả lời sẽ là không. Chọn lựa ca hát làm nghiệp sống cũng bắt đầu từ suy nghĩ mang tính Thiền như thế, cô bảo cô thích Thiền và đùa:”Nghĩa là không làm gì cả”. Chính những suy nghĩ tích cực cảm nhận được từ việc nghĩ Thiền, hành động thiền mà cô tìm được sự tĩnh tâm khi làm công việc của mình, hết sợ hãi sự ồn ào mang bản chất Sài Gòn, không rúm người trước những xăm soi hậu trường và biết cách tự chủ thời gian.
Rằng hỏi chuyện yêu đương với Nguyên Thảo là không thể, cô kín bưng, trả lời bằng im lặng hay cười cười trừ, dù tôi cũng được nghe qua vài câu chuyện lẻ tẻ như rung động đầu tiên của cô thời “non dại” được hội đồng gia tộc đem ra “mổ xẻ”, hay việc tình yêu lớn của cô ngày còn ở Đà lạt nay vẫn hay gặp nhau trên đất Sài Gòn và hiện đang là bạn bè, không hơn không kém. Có lẽ tôi nên để cho Thảo yên, giữ riêng cho mình những câu chuyện cá nhân như thế, như cô muốn, bởi xét cho cùng, những câu chuyện như thế không thú vị gì hơn những câu chuyện Thảo kể về chính cô bằng âm nhạc.
Chuyện mới xảy ra
Chính chuyện mới xảy ra với Nguyên Thảo này mà tôi quyết định sẽ viết về cô, xin nói về show diễn tối 15-16 tháng 6 vừa rồi tại Hà Nội mang tên “Cỏ Hồng”. Dù đây là show diễn được tổ chức cho danh ca Tuấn Ngọc, Nguyên Thảo được mời không phải để so sánh”lực lượng” mà vì cả hai ca sĩ trong chương trình này có một điểm chung, đó là đều sinh ra ở Đà Lạt. Phải nói đây là chương trình dài hơi đầu tiên của Nguyên Thảo từ khi bắt đầu làm nghề, dù cái tên cô được rất nhiều chương trình lớn đầu tư kỹ lưỡng của làng Nhạc Việt lựa chọn. nhưng theo cô diễn tả, tất cả các chương trình khác, dù lớn hay nhỏ cô đều:”…hát hai bài rồi về”. Ở đây cô được hát những 8 bài trong một chương trình, dù chưa đủ để hát cho “đã nư” nhưng cũng đáng để nhắc nhớ.
“Không gian âm nhạc” là một chương trình tuy mới nhưng được biên tập và dàn dựng bởi những nhà tổ chức chuyên nghiệp. Thảo bảo cô thích được hát trong không gian như thế, khán phòng ấm cúng, không quá chật cũng không quá rộng, khán giả chọn lọc và có gu thưởng thức rất tốt, đó cũng một áp lực lớn đối với nghệ sĩ trình diễn trong chương trình nếu không chuẩn bị kỹ, chính Thảo đã hơi run trong phần biểu diễn đầu tiên của ngày đầu tiên và cô mong có thể làm tốt như đêm diễn thứ hai.
Hầu hết khán giả bỏ tiền mua vé đến xem đêm nhạc là những người yêu thích Tuấn Ngọc, Thảo cũng xác định mình sẽ chỉ là món khai vị, dậm thêm “mắm muối” cho đậm đà thêm chương trình thôi, nhưng không phải vì thế mà cô không đầu tư gì cho đêm diễn này. Tám bài hát được trình diễn có đến sáu bài cô chưa hát ở đâu bao giờ, một tháng chuẩn bị cho một số lượng bài mới nhiều như thế, với chỉ có hai ngày tập sống với ban nhạc có lẽ là thời gian gấp gáp nhất cho một phần biểu diễn mà cô từng tham gia. Sự gắng công của Nguyên Thảo có lẽ đã được đền bù xứng đáng, khi tôi cho rằng 600 khách đến nghe Tuấn Ngọc hát trong hai đêm ấy, đã, đang và sẽ đến nghe Nguyên Thảo hát nữa, bởi phần trình diễn tuy ngắn nhưng rất ấn tượng của cô.
Từng song ca với khá nhiều giọng ca nam khác như Anh Khoa, Kasim Hoàng Vũ, Đức Tuấn, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt hay danh ca Tuấn Ngọc, nhưng cô bảo dường như cô không hợp với việc cùng ai đó hát đôi, hoặc cũng có thể là cô chưa tìm được đúng giọng ca đồng điệu để cùng hòa nhịp, song ca vốn không khó, nhưng để có thể đồng cảm mà hát lên có lẽ cũng cần thêm thời gian tìm kiếm. Hỏi cô có thấy áp lực không khi được gắn cho mỹ danh ” Diva thời tương lai” sau đêm nhạc, cô bảo cô thấy mình không thích hợp lắm với vai trò ấy, cô chỉ biết hát và hát tốt nhất những gì được giao, không muốn đóng khung mình trong bất cứ khuôn khổ âm nhạc nào, cô vẫn hát và hát hết mình dù có là ai, con đường âm nhạc có dắt cô đến đâu và người ta có gắn thêm vào tên cô bất cứ danh từ gì, cô sẽ vẫn ca hát như thế.
Không phải là người mới trong âm nhạc Việt, không quá nổi để được coi như một ngôi sao, Nguyên Thảo giữ riêng cho mình một khoảng trời trong âm nhạc, cô sống chậm, làm việc siêng năng và nghiêm túc, chính vì thế mà khán già như tôi luôn biết sẽ được nghe những sản phẩm âm nhạc xứng tầm từ cô. Mơ ước của Nguyên Thảo không đi đâu xa cuối cùng vẫn chỉ quay lại với chính guồng quay mà cô dấn đời mình vào, đó là âm nhạc. Cô mong mỗi lần mình hát sẽ được hát với…ban nhạc, được hát sống và được phiêu với những người cùng chơi nhạc quanh mình, điều tưởng dễ có với những người làm nghề như cô, nhưng lại không dễ với những gì người ta thường làm trong thời đại này, khi mà các nhà tổ chức vốn chi li trong các khỏa chi khì làm chưang trình đang dần quen với việc ca sĩ có ban nhạc riêng của mình là… những đĩa nhạc nền.
Tôi thì nghĩ chính khán giả phải là người đỏi hỏi sự thay đổi ấy, nghe và thưởng thức âm nhạc được diễn trên sân khấu bằng người thật việc thật như một lẽ đương nhiên, để chính người ca sĩ đi hát có trách nhiệm lấy việc hát sống, hát với ban nhạc là cần thiết, như là cách người hát tự tôn trọng mình, người nghe khi ấy sẽ được thưởng thức thứ âm nhạc ngẫu hứng được chơi chứ không phải một chương trình cài đặt sẵn, khi đó giấc mơ của Nguyên Thảo may ra mới trở thành sự thật.
Chúng ta từng như thế và dường như đã quên, để đến giờ nhìn lại thấy có một người đang mơ một ngày xưa cũ.
Phạm Hoài Nam
9 June, 2011
Nguồn: http://www.phamhoainamphotos.com/blogs/detail/?dd=6054