Vũ Hoàng, phóng viên RFA
11.10.2011
Nhà hát trình diễn nhạc đồng quê ở Nashville, Tennessee, Hoa Kỳ. Mộc mạc nhưng … |
Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, Vũ Hoàng giới thiệu đến quí vị đôi nét về dòng nhạc đồng quê Hoa Kỳ.
Không giống những bản rock bốc lửa, những giai điệu jazz bay bổng, mặc cho những biến đổi thăng trầm của dòng nhạc hiện đại hip hop hay rap, nhạc đồng quê tại Mỹ vẫn giữ được sự mộc mạc, chân thật như những người nông dân trên đồng lúa vàng rợp hay những chàng cao bồi bụi bặm trên lưng ngựa.
Xuất hiện từ những năm 1920 ở miền Bắc Hoa Kỳ, nhạc đồng quê có nguồn gốc từ nhạc dân gian (folk), nhạc blues, nhạc phúc âm (gospel), nhạc celtic. Nhạc cụ chủ đạo trong dòng nhạc này thường là guitar, harmonica, mandolin, banjo và trống…
Ba nghệ sĩ chính được coi là khai sinh ra dòng nhạc đồng quê là Veron Dalhart, Jimmy Rodgers và The Carters. Với những nghệ sĩ nhạc đồng quê, họ thường hát về những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống cơm áo gạo tiền như những người công nhân làm việc khốn khổ, những kẻ nghiện rượu hay những kẻ rong chơi phiêu lãng. Họ kể về cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn mà nhiều dòng nhạc khác né tránh.
Những năm 1940, 1950 là giai đoạn chứng kiến sự phát triển của dòng nhạc đồng quê. Trước hết là sự xuất hiện của dòng bluegrass với sự kết hợp của tiếng đàn violon và mandolin và sau này là đàn banjo. Những tiếng đàn này luôn mang lại sự nhộn nhịp, hối hả.
Cùng trong giai đoạn này là sự xuất hiện của Elvis Presley, người ta cho rằng phong cách của Elvis cũng có nguồn gốc từ nhạc đồng quê. Cụ thể là nhạc rock và ballad của người Mỹ đen và nhạc đồng quê của người Mỹ trắng đã được kết hợp để tạo thành loại nhạc tiền thân cho rock and roll sau này.
Đến những năm 60, nhạc đồng quê trở thành một nền công nghiệp rất phát triển, trong đó nhạc kiểu rock and roll trở thành trào lưu thống trị. Lúc này, phải kể đến nhạc sĩ lừng danh Johnny Cash, mặc dù nghiện rượu và ma túy, nhưng hình ảnh chàng ca sĩ tay ôm đàn guitar hát trong những trại tù đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc của dòng nhạc đồng quê. Để mở đầu chương trình, mời quí vị nghe lại ca khúc Walk the line của Johnny Cash, đã có bộ phim về cuộc đời thật của ông tên tiếng Việt “Con đường gió bụi” được trình chiếu tại Việt Nam, và diễn viên nữ trong bộ phim này dành giải Oscar cho vai nữ xuất sắc nhất năm 2006.
… hiện đại
Nhạc đồng quê Hoa Kỳ cũng chia thành nhiều nhánh nhỏ, thời gian đầu chỉ là nhạc đồng quê đơn thuần, về sau, do sự phát triển và hòa trộn với những dòng nhạc khác mà có thêm nhạc đồng quê hơi hướng rock, nhạc đồng quê hơi hướng rap và pop. Ngay cả những bản nhạc ban đầu viết dưới dạng khác nhưng cũng được chuyển thể về nhạc đồng quê hoặc ngược lại, chính sự hòa trộn và đan xen giữa các dòng nhạc khiến nhạc đồng quê không bao giờ trở nên lạc hậu mà luôn có sự tươi mới và hiện đại.
Công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift biểu diễn tại giải Grammy hàng năm lần thứ 52 ở Los Angeles hôm 31 tháng 1 năm 2010. AFP photo
Để tiếp nối, mời quí vị nghe lại ca khúc Need You Now của nhóm Lady Antebellum, một ban nhạc đồng quê xuất thân từ thành phố Nashville, tiểu bang Tenneessee, miền Nam Hoa Kỳ.
Bài hát đã giành được chứng nhận Bạch kim bởi Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ và giải Grammy bài hát của năm, ghi âm của năm và bài hát nhạc đồng quê xuất sắc nhất năm 2011.
Nhắc đến nhạc đồng quê, người dân Mỹ không thể không nhắc đến thành phố Nashville này, nơi được mệnh danh là “thành phố quê hương của nhạc đồng quê.” Từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, vùng đất này vẫn là nơi ươm mầm và phát triển cho rất nhiều nghệ sĩ nhạc đồng quê.
Vũ Hoàng cũng là người may mắn đã từng sống tại thành phố Nashville một thời gian tương đối dài. Cái nôi của dòng nhạc đồng quê này luôn bận rộn với du khách từ khắp mọi miền Hoa Kỳ và thế giới về để được cận cảnh gặp gỡ các ca sĩ và ban nhạc.
Nếu có dịp ghé thăm con đường Music Row mới thấy được sự đa dang của hàng trăm phòng thu âm lớn nhỏ chạy dọc con phố cổ kính. Sức sống của nhạc đồng quê không chỉ xuất hiện ở các khu trung tâm băng đĩa, mà ở bất kỳ nơi đâu người ta cũng dễ nhận thấy dấu ấn của nhạc đồng quê, từ những nhà hàng, quán ăn, khu trung tâm thương mại, giải trí.
Tại Hoa Kỳ, có khoảng 3-4 kênh truyền hình chỉ chuyên phát nhạc đồng quê và riêng tại thành phố Nashville thì có gần chục làn sóng chỉ chuyên nhạc đồng quê. Bạn bè cũng nhiều lần hỏi Vũ Hoàng, liệu đến Nashville, cậu chiêu đãi bọn tớ cái gì, Vũ Hoàng nói đùa, chắc chắn là nhạc đồng quê rồi. Và hôm nay, mời quí vị nghe lại một trong những bản nhạc đồng quê mà Vũ Hoàng cũng như người dân Nashville rất yêu thích Remember When của Alan Jackson. Bài hát kể về chính cuộc đời của tác giả và người vợ và các con. Tình yêu đến với họ thế nào, họ nuôi dậy con cái ra sao và giờ đây thì họ nhớ lại quá khứ khi lũ trẻ đã khôn lớn.
Có thể mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng dường như trong âm nhạc người ta cũng thấy phảng phất sự giống nhau giữa những bản nhạc đồng quê của Hoa Kỳ với những bài hát quê hương của Việt Nam. Nếu trong những bài hát về quê hương của Việt Nam, người ta nhận thấy tác giả thường ca ngợi vẻ đẹp chân chất, thôn dã của người nông dân một nắng hai sương, những câu chuyện rất đỗi bình thường từ con tôm, con tép, đến chuyện giăng câu, cày ruộng và đâu đó là hình ảnh của những đôi trai gái yêu nhau.
Vẻ đẹp đồng quê
Thì trong nhạc đồng quê của Hoa Kỳ cũng vậy, nội dung trong những bản nhạc đồng quê này cũng hết sức giản dị, họ ca ngợi vẻ đẹp thuần chất của người nông dân Mỹ hiền lành bên những cánh đồng lúa mỳ mùa thu hoạch, hay những chàng cao bồi mũ rộng vành nghêu ngao hát trên lưng ngựa.
Có lẽ cả nhạc đồng quê Hoa Kỳ và nhạc quê hương Việt Nam đều có một điểm chung là những giai điệu dễ nghe, dễ thuộc, nhẹ nhàng, nó bắt nguồn từ hơi thở của những cuộc sống giản dị, của những người nông dân làm ăn chân chất và ẩn chứa đằng sau vẫn là những lời ngợi ca tình yêu đôi lứa, quê hương.
Để tiếp nối, mời quí vị cùng nghe lại ca khúc You Think Of Me, của Keith Urban, chồng của minh tinh màn bạc Nicole Kidman.
Trong số những ca nhạc sĩ đồng quê quen thuộc với người Việt Nam ngoài những ngôi sao kỳ cựu như Johnny Cash, Patsy Montana – nữ nhạc sĩ đồng quê đầu tiên, hay Bill Monroe, Dolly Parton, thì về sau có Alan Jackson, Kenny Chesney, Brad Paisley, Tim McGraw, Faith Hill, Shania Twain gần đây là Carrie Underwood, Taylor Swift, nhóm Rascal Flatts, nhóm Lady Antebellum…
Trong giới trẻ, Taylor Swift, được mệnh danh là công chúa của dòng nhạc đồng quê, mặc dù mới chỉ ngoài đôi mươi, nhưng cô đã trở thành một hiện tượng âm nhạc Hoa Kỳ và giành hầu hết mọi giải thưởng cao quí. Những album nhạc của cô đã bán được hơn 20 triệu bản trên khắp thế giới. Hôm nay, mời quí vị nghe lại một trong những bản nhạc đầu tiên đưa cô đến với thành công ngày hôm nay: Teardrops on my guitar (tạm dịch giọt lệ trên cây guitar của tôi)
Trước khi chia tay, mời quí vị nghe lại bản Bless the Broken Road do ban nhạc Flatts Rascal trình bày, bài hát kể về một chàng thanh niên kiếm tìm một tình yêu, nhưng thường gặp phải thất bại, nhưng chàng vẫn hi vọng được ban phước để sẽ có được một tình yêu thực thụ trong mơ.
Vũ Hoàng
Theo http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/glimp-on-country-music-vh-10112011144843.html