Vỡ Mộng???

Thanh Quí
6.10.2011

Tối nay ở nhà rảnh và có hứng tôi tìm nghe lại những bản nhạc cũ… Rồi nghe lại bài Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh, tôi nghe sao mà nức nở thấy xót xa đến xé lòng. Tôi vô Google để tìm bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương. Đọc bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương, rồi đọc lời của Phạm Duy phổ nhạc và sau đó tôi nghe và hát theo Thái Thanh… tôi chợt nhớ đến chị và xót xa cho thân phận của chị.

Kỷ Vật Cho Em, Thái Thanh trình bày
– tape Shotguns Đặc Biệt  (trước 1975) 
– CD NgàyXưa Hoàng Thị (1986)

Trong ký ức của tôi, một đứa con gái 11, 12 tuổi ngày đó, chị là một người con gái duyên dáng, người dong dỏng cao, ăn nói dịu dàng con nhà khá giả… Chị đã quen anh từ những ngày gia đình chị hãy còn sống ở Hội An và sau đó chị theo gia đình vô Qui Nhơn sinh sống. Còn anh thì tài hoa, dáng cao to, đẹp trai, đàn hay hát giỏi, ăn nói lịch lãm… Và anh cũng như phần lớn đàn ông con trai thời chiến, đầu quân ra tiền tuyến làm quen với bom đạn, anh là một hình ảnh người hùng, là niềm mơ ước của những cô gái thời đó.

Ngày đó đi đâu ai cũng cảm nhận chiến tranh hầu như có mặt khắp mọi miền đất nước, từ trận Bình Giã đến trận Đồng Xoài, rồi trận Khe Sanh… Và chiến tranh Nam-Bắc ngày ngày càng sôi động, người người vẫn phải nhập ngũ để đi ra chiến trường cầm súng chống lại người anh em bên kia giới tuyến và qua đó có những người không may mắn đã nằm xuống hay cũng có những người đã trở về với những thương tật trên một phần thân thể từ cuộc chiến nghiệt ngã này…

Và anh trong một trận chiến khốc liệt đã may mắn là người sống sót trở về nhưng anh đã trở về với đôi nạng gỗ… đó là một thực tế đau đớn cho chính anh, cho chị và cho cả những người thân. Chị lúc đó học Sư Phạm đã ra trường đi dạy và với tình yêu mãnh liệt mà chị dành cho anh, chị đã phải quyết liệt tranh đấu cho đến cùng với gia đình chị một cách bền chí, thuyết phục để được lấy anh và cuối cùng chị đã đạt ước nguyện. Tôi thật sự cảm phục chị, chị đúng là một mẫu người con gái đầy bản lĩnh và có đủ can đảm để sống lý tưởng với tình yêu chị đã chọn lựa và chính nhờ vậy mà chị đã vượt qua được những rào cản, những định kiến của người đời, của xã hội đương thời và nhất là của gia đình chị.

Rồi chị lấy anh, về quê anh ở Hội An sinh sống và sinh con đẻ cái. Chị vẫn ngày ngày đi dạy và anh được cha mẹ giúp cho chút vốn liếng mở một gian hàng bán sách để mưu sinh. Những năm 73, 74 tôi có một vài lần gặp lại chị nhân dịp chị dẫn con từ Hội An vô Qui Nhơn thăm ông bà ngoại. Chị vẫn duyên dáng như ngày nào trong đôi mắt đứa con gái mới lớn của tôi. Chị luôn với ánh mắt ngời sáng và cười nói tươi vui mỗi khi có ai đó hỏi thăm đến anh… Tôi còn nhớ có lần nào đó nghe chị nói về anh bằng một giọng đầy ngưỡng mộ, ưu ái: “Anh như vậy đó, có như vậy anh mới là của riêng chị, em biết không?…”

Rồi biến cố 30.04.75… tôi rời Qui Nhơn vô Sài Gòn đi học đại học và vài năm sau tôi theo làn sóng người đi vượt biên, tôi hoàn toàn quên bẵng đi chị. Đến những năm 90 tôi có nghe mẹ tôi kể lại câu chuyện về chị, một câu chuyện thương tâm. Đó là những năm sau 75 gia đình chị sinh sống rất là vất vả, chị bị nghỉ dạy và xin đi làm trong một tổ hợp chế biến mì sợi còn ban đêm chị phải đan hay thêu áo cho khách để kiếm thêm tiền chợ lo ngày ba bữa cơm cho năm miệng ăn.

Vẫn biết với những khó khăn hằng ngày mà thời đó chị cũng như bao nhiêu người khác phải cố gắng vượt qua nhưng số phận đen tối dường như không buông tha chị… Anh với vết thương trong chiến tranh nên có ít nhiều mặc cảm thua kém mọi người trong cuộc sống thường nhật, ngày qua ngày theo thời gian anh như con thú dữ luôn chực chờ để đay nghiến, cấu xé chị. Anh lúc nào cũng muốn trút hết mọi buồn bực, khổ đau của chính mình với những hằn học, căm hờn về nhân tình thế sự của một kẻ bất đắc chí lên trên người chị… Và cái chết của chị cũng đầy bí ẩn, người thì kể trong một cơn nóng giận đến tột cùng anh đã to tiếng và lỡ tay đánh chị, trúng chỗ nhược chị đã ra đi đột ngột nhưng cũng có người nói là chị đã chết vì bị nhồi máu cơ tim!? Tôi nghĩ ngày đó người ta hãy còn ấu trĩ trong y học chớ đúng ra khi ai đó chết mà không rõ nguyên nhân thì người nhà có thể yêu cầu bác sĩ pháp y giải phẩu tử thi để xác định nguyên nhân của cái chết!!!

Sau cái chết của chị tuy có oán giận anh nhưng vì thương ba đứa cháu đang tuổi lớn mà mồ côi mẹ, thỉnh thoảng ông bà ngoại ở Qui Nhơn vẫn hay gởi tiền ra phụ với anh để nuôi cháu. Vài năm sau anh lại chắp nối với một cô giáo và rồi “bản cũ soạn lại”, cô cũng phải chịu đựng anh như chị đã từng chịu đựng anh và được đâu khoảng mười năm sau đó thì anh qua đời vì căn bệnh quái ác ung thư gan.

Cách đây vài ba năm tôi có gặp lại đứa con gái đầu lòng của anh chị, cháu lúc đó cũng khoảng gần bốn mươi, cao ráo giống ba và có khuôn mặt duyên dáng của mẹ gợi cho tôi nhớ đến chị rất nhiều. Tôi thấy thương chị, một người chị đã sống quá lý tưởng cho tình yêu của mình và những gì chị đã nhận được từ anh đúng là không công bằng chút nào!!! Tôi tự hỏi không biết chị có nghĩ suy gì sau những năm tháng lấy anh? Chị có thấy mình vỡ mộng vì đã chọn anh??? Chị có thấy hối tiếc vì đã mù quáng yêu anh, lấy anh??? Đời sống thực tế quá phủ phàng với chị, anh là thần tượng sụp đổ trong đôi mắt chị và lâu đài tình ái ngày đó cũng tan theo bọt biển… Và tôi cũng luôn thắc mắc không biết về phía anh, anh có suy nghĩ gì không sau cái chết của vợ? Anh có ray rứt, thương xót cho chị, người con gái đã phải chịu nhiều thiệt thòi để được lấy anh? Suy đi nghĩ lại tôi không biết có nên trách anh hay là nên thương hại anh??? Hay nghĩ cho cùng anh cũng chỉ là nạn nhân của chiến cuộc???

Thanh Quí

Để Trả Lời Một Câu Hỏi
Thơ Linh Phương 1970

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến thắng trận Pleime
Hay Đức Cơ- Đồng Xoài- Bình Giã

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn màu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dỡ

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây