Ngân Duyên
4.10.2011
SGTT.VN – Khán giả đến xem cải lương sẽ được đón tiếp trân trọng, được hoà vào không khí của những vở tuồng từ các bối cảnh tái hiện trước nhà hát, được giao lưu chụp ảnh cùng nghệ sĩ tham gia biểu diễn…
Đó là những hình thức nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng dành cho loại hình nghệ thuật truyền thống này, và cũng là những nỗ lực trong việc làm mới lẫn vực dậy cảm xúc của người mộ điệu khi cải lương gần như ngày càng mai một… Dẫu biết vẫn còn muôn vàn khó khăn, và rất khó để đưa cải lương trở lại thời vàng son, bởi hành trình ấy cần sự chung lòng, góp sức của nhiều tổ chức, đơn vị bên ngoài cho đến người trong cuộc. Song với mong muốn mang đến cho sân khấu cải lương một diện mạo mới, tạo cho người thưởng thức một cách đón nhận – cảm nhận mới về loại hình thường bị gán ghép với “bình dân” này, HTVC phối hợp cùng công ty cổ phần Quantum Communication (cùng sự hỗ trợ của nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát thành phố) dựng lại vở cải lương Bên cầu dệt lụa, mở đầu cho “công cuộc” làm mới và gần gũi hơn loại hình giải trí này với khán giả, nhất là khán giả trẻ.
Nghệ sĩ cải lương Hồng Thắm – sẽ tham gia vở diễn Bên cầu dệt lụa. Ảnh: Gia Tiến
Để cải lương không bị người ta nhắc đến chỉ từ “nghe nói” hoặc “nhớ hồi đó”, HTVC trước đây từng dựng lại vở Tần Nương Thất, nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Và nay, với Bên cầu dệt lụa, đội ngũ thực hiện tiếp tục lên kế hoạch để nâng cấp cải lương thành một sân khấu sang trọng như opera, từng bước đưa cải lương trở lại, với hy vọng mang đến cho khán giả cảm giác được trở về với cải lương thời hoàng kim.
Theo những người thực hiện, khán giả đến xem cải lương sẽ không còn cảm giác nóng nực khó chịu hay xô bồ nữa, bởi nơi diễn sẽ là Nhà hát thành phố. Vì thế, họ sẽ được… tự nhiên ăn mặc đẹp mà không ngại ngần. Họ cũng sẽ được chào đón trân trọng, được phục vụ những món ăn, thức uống trong khung cảnh, không khí thú vị được bài trí trước sảnh nhà hát (phù hợp với mỗi vở được chọn), và có thể chụp ảnh kỷ niệm, trò chuyện cùng nghệ sĩ sắp biểu diễn…
Riêng với vở diễn, người đảm nhận vai trò “thay chiếc áo mới” để Bên cầu dệt lụa thu hút người xem, nhất là với những người trẻ, chính là đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Cũng hơn một lần, ông dựng lại vở này và đã mang đến cho nó những dấu ấn đẹp đẽ trong lòng người mộ điệu. Là người tâm huyết với sân khấu cải lương, ông đã không quản ngại để sắp xếp công việc dành thời gian dàn dựng lại vở diễn sao cho đúng nhất với kịch bản gốc. Ông chăm chút từng câu, từng chữ cho các diễn viên, từng cách hát, lối diễn trong các đoạn cao trào để mang đến cho người xem không khí, thần thái của vai diễn một cách trọn vẹn nhất.
Ngân Duyên