Huy Đức
28.3.2011
Bà Dao Ánh xuất hiện khi sắp tới ngày kỷ niệm 10 năm ra đi của Trịnh Công Sơn. Không biết những lá thư ông viết cho Dao Ánh bây giờ in thành sách bán có chạy không. Không biết sinh thời Trịnh Công Sơn có làm cho ai hạnh phúc. Nhưng, khi chết có vẻ như ông đã làm cho nhiều người rưng rức khi họ nói đến những ngày đã được ông yêu.
Báo chí Sài Gòn nói về các “Diễm” của Trịnh Công Sơn cũng đúng thôi. Công chúng có lý do để tiếp cận với ông từ những khía cạnh có vẻ như con người nhất. Có lẽ cũng nên cám ơn những người phụ nữ có thể đã làm hay lên những ca khúc của ông. Nhưng, có một người phụ nữ nếu không nhắc tới khi nói về sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, tôi nghĩ, sẽ là một thiếu sót thuộc về phạm trù đạo đức. Người phụ nữ đó là Khánh Ly.
Tôi hiểu lý do báo chí Thành phố không nói tới Khánh Ly. Năm 1997, bà đã từng làm cho chúng tôi khốn đốn. Lúc ấy, trên tờ Tuổi Trẻ, Tuấn Khanh có bài báo nói rằng: “Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất“. Phản ứng đầu tiên không phải là chính trị mà là những giọt nước mắt của một ca sỹ nghe nói đang là một “bống của Sơn“. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn điện thoại cho một nhà văn khi ấy đang là biên tập viên của tờ Tuổi Trẻ-hình như ông chỉ than “nói chi vậy“.
Nghe nói khi sang Mỹ, Khánh Ly có phát biểu và hát những bài “chống cộng”. Đụng chạm tới “cộng” thì trong tờ Tuổi Trẻ khi ấy có đủ hồng vệ binh để lập ra cả một thành trì. Những cuộc giao ban nội dung không còn nói chuyện âm nhạc, các phóng viên được yêu cầu “đứng trên lập trường của một tờ báo Đoàn” để phê phán tính “khách quan tiểu tư sản” khi khen ngợi một ca sỹ hải ngoại bấy giờ được coi là “phản động”.
Những cuộc kiểm điểm này đã như một giọt nước để một nhóm phóng viên đã phải rời Tuổi Trẻ trong nước mắt như: Tuấn Khanh, Huỳnh Thanh Diệu, Đỗ Trung Quân…
Sau đó ít lâu, tôi cùng một vài anh em tới nhà Trịnh Công Sơn nhân Bùi Công Duy vừa vinh quy từ Nga. Tôi có hỏi ông: “Sao anh lại phản ứng khi báo Tuổi Trẻ nói Khánh Ly là người hát nhạc của anh hay nhất?“. Trịnh Công Sơn cười: “Đương nhiên là Khánh Ly hát hay nhất. Nhưng, cô ấy đang ở bên kia, các em nó ở đây. Khánh Ly thì không còn cần ai khen trong khi các em nó nghe, buồn. Tội“.
Tôi “biết” Trịnh Công Sơn khi gặp Trần Ngọc Phong ở trường sỹ quan. Trong cuốn sổ lưu bút của Phong, có tấm hình anh chụp chung với “chú Sơn” và một trang viết rất tình cảm mà “chú Sơn” dành cho chàng trai 19 trước ngày lên đường ra Biên giới. Trong thời gian tôi lưu lại Sài Gòn trước khi sang chiến trường Campuchia, tôi không rời chiếc máy cassette 2 cửa băng màu đỏ của nhà Phong. Ba Phong, nhà văn Trần Công Tấn, cũng thường xuyên nghe nhạc Trịnh qua giọng ca Khánh Ly. Trong máy của ông luôn luôn có băng nhạc “Sơn Ca số 7”. Tôi mang theo “Sơn Ca số 7” và giữ nó cho tới ngày rút quân khỏi Campuchia.
Về sau, tôi ráng nghe những người phụ nữ khác hát nhạc Trịnh Công Sơn. Công nhận, rất nhiều người có thể hát nhạc của ông. Nhưng, Khánh Ly đã đặt một chuẩn mực mà có thể sẽ không còn ai chạm tới. Lâu rồi tôi không còn nghe “Trịnh”. Thỉnh thoảng-trên xe, trong quán café-tình cờ nghe giọng Khánh Ly; tôi tự hỏi, nếu như thập niên 1960s mà không có nữ ca sỹ tài năng này, liệu sự nghiệp của Trịnh Công Sơn có đi được vào lòng người như thế.
Huy Đức
Nguồn: http://www.facebook.com/notes/osin-huyduc/kh%C3%A1nh-ly/199160030107233