Tản mạn về bài hát “TẠ ƠN” của Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàng
30.9.2011

Mấy hôm nay trời Huế chuyển mùa và cũng bị ảnh hưởng các cơn bão xa. Dọc theo các con đường Lê Lợi, Hùng Vương,… những cây muối loang lổ màu đỏ của đám lá già giữa vùng lá xanh; những cây điệp (lim sét) thì lá đổi màu “bỗng vàng, bỗng xanh” rồi “lá úa rơi mù” làm cho ca từ của một số bài hát của họ Trịnh quay về trong ký ức.

Bẵng khá nhiều năm sau khi bước qua thời tuổi trẻ, tôi không nghe nhạc Trịnh (cũng như một số nhạc phẩm khác ở miền nam do không có phương tiện nghe nhìn). Mãi cho đến lúc sắm được một máy cassette player mono hiệu Philips, tôi bắt đầu săn lùng nhạc để nghe. Chuyện ấy đã diễn ra cách đây gần một phần tư thế kỷ.

Không phải như thời nay, các thiết bị nghe nhìn, lưu trữ vô cùng phong phú. Ngày ấy, ở một tỉnh nhỏ không có nhiều tiệm thu băng nhạc, số băng cũ lưu lại không nhiều, các băng nhạc hải ngoại chưa được phép mang về nên tìm được, nghe lại được bài gì đôi lúc là nhờ sự chịu khó của mình cũng như tình cờ mà có được.

Các bản nhạc phổ biến của họ Trịnh tôi được nghe lại từ băng Sơn Ca 7 với Tình nhớ, Tình sầu, Nắng thủy tinh, Hạ trắng,…. Riêng bài Tạ ơn của Trịnh thì nghe từ một băng tổng hợp các bài hát của nhiều nhạc sĩ. Tôi không rõ ấy là băng gốc hay ngươi ta đã sao chép, ghép nối từ những băng khác nhau.

Tạ ơn” không phải là bài tôi thích nhất hoặc thường nghe nhưng về sau đôi lúc tình cờ thoáng nghe, giọng ca Khánh Ly đưa tôi vào một tâm trạng “sắc sắc không không”, khó diễn đạt thành lời. Trạng thái “tâm viên, ý mã” ấy cứ lang thang, trộn lẫn chuyện xưa, chuyện nay chuyện hư, chuyện thực trong chốc lát thư giãn nào đó.

Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã đưa em về chốn này, tôi xây mãi cuộc vui.
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn thấy những ngày ngồi mơ ước cùng người.

Bản nhạc được viết theo cung La trưởng, phối trí kiểu A-B-A, giai điệu nhẹ nhàng, chầm chậm, không có kỹ thuật phức tạp. Chỉ cần dùng các dây số 2 đến số 5 trên cây đàn guitar là đủ để chơi trọn vẹn bản nhạc cho nên hầu như giọng ai cũng hát được nhưng để hát hay, có hồn và chọn đúng cách hòa âm phối khí cho phù hợp thì có vẻ rất khó vì thấy không có nhiều ca sĩ hát. Ngoài ra tôi không thỏa mãn với phần nhạc đệm hiện nay so với lần tôi đã nghe.

Có thể TCS viết ca khúc này dành cho một người tình nhỏ đã đi qua trong cuộc đời của ông ấy với những gì còn đọng lại là nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng nào cấm ai liên tưởng đến “em” cũng là một công việc, một “sự nghiệp” một vật thân thương nào đó trong một chặng đời của mình. Công việc ấy đôi lúc là niềm vui, hứng khởi, có khi là nhàm chán nhưng là một thực thể tồn tại và gắn bó với mình nên khi đi qua rồi, lòng vẫn đọng chút nuối tiếc mơ hồ và tư thế thì chưa sẵn sàng chờ đón cái mới đến.

Nếu đoạn đầu như là lời nói xã giao, đưa đẩy lịch sự khi người ta giã từ hay ngoảnh mặt làm ngơ thì sang đoạn giữa, nhạc điệu và ca từ chuyển đổi sang độc thoại một cách thâm trầm, sâu lắng:

Ôi mênh mông tháng ngày tháng vắng em,
Tình như lá bỗng vàng bỗng xanh.
Em ra đi như thoáng gió thầm,
để lại đây thành phố không hồn.
Qua con sông nhớ người đã xa,
Thành phố vẫn nắng vàng, vẫn mưa.
Cây sang Thu lá úa rơi mù,
Chuyện ngày xưa heo hút trong mơ.

Là lời của một người đối diện với nỗi cô đơn, hồi tưởng những vui buồn, những điều đã chiêm nghiệm, đã trải qua. Không oán trách, không chua xót ngậm ngùi mà chỉ là thoáng chút bơ vơ nhưng cũng không mong sự tái hợp. Những gì đến thì phải đến, đi thì đi, dòng đời là một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên và tất định nối tiếp nhau.

Khi “em” đã rời xa, để lại đây những con đường, những giòng sông, hàng cây, có nắng vàng, có mưa rơi. Tất cả đều trở thành ký ức, giấc mơ như nước tuôn từ suối nguồn ra biển cả; muốn trở về lại ngày xưa ấy thì chỉ còn cách hóa kiếp bốc hơi biến thành cơn mưa rào mà thôi.

Khi nghe/hát bài này, ta cảm một nỗi niềm cô đơn dâng lên, cô đơn nhưng không tuyệt vọng, không buồn tủi vì nó là quy luật. Thì thầm với “em”, với người “tình xa” chỉ nhằm giải tỏa ẩn ức của những khoảng khắc cuộc đời trong lúc đồng hành với “kiếp sống lẻ loi”.

Rồi tỉnh táo lại, lời cám ơn sau cùng càng lịch sự và khách sáo nhiều hơn và cũng hiện thực hơn:

Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi.

Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời.
…..
Những lúc “thu mình” lại, tôi nghe bài này với giọng Khánh Ly ở một khoảng cách xa xa, thoang thoảng mới thật là thấm.

Nguyễn Hoàng
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây